Lễ Hội Chùa Bà - Cảng Thị Nước Mặn 2023

Thứ 3, 14/03/2023, 12:22 (GMT+7)

Chia sẻ

Lễ hội Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời rất sớm ở Bình Định, từ cách đây gần 4 thế kỷ, Lễ hội được tổ chức tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ mồng 1-3 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội Đô thị Nước mặn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Thưở xưa vào thế kỷ 18, vùng đất An Hòa (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) là vùng đầm lầy nước mặn, chưa có người dân sinh sống. Qua biến đổi thời gian, vùng đất này trở thành một trong những thương cảng lớn nhất xứ Đàng Trong.

Thương cảng Nước Mặn nhộn nhịp, sầm uất khi đó có tên trên bản đồ hàng hải của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Từ lúc đó, người dân vùng cảng thị Nước Mặn đã xây dựng ngôi chùa thờ các vị gồm Thiên Mẫu Thánh Hậu, Bà Thai sanh bảo sản và Thần Hoàng làng… để tưởng nhớ những người có công xây dựng nên Cảng thị Nước mặn và phù hộ cho người đi biển, buôn bán mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp.

Để tưởng nhờ các vị thần, các bậc tiền nhân khai sinh lập địa ra Cảng thị Nước Mặn, hàng năm nhằm ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, người dân ở An Hòa tổ chức lễ hội Đô thị Nước Mặn. Lễ hội Đô thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống, có quy mô lớn ở Bình Định, với nhiều nghi lễ trang trọng gồm lễ tế Thiên hậu Thánh Mẫu, Thần Hoàng làng, Bà thai sanh (Bà Mụ)… diễn ra vào đêm 30 tháng Giêng. Sau phần tế lễ chính là nghi thức nghinh thần, rước sắc.

Phần nghi lễ được chờ đón nhất trong lễ hội Đô thị Nước Mặn năm nay là phần nghi thức rước lễ Ngư Tiều Canh Mục với các biểu tượng hình người như: Kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc... để tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Ngày nay, vùng cảng thị Nước Mặn không còn, lễ hội chính là dịp để người dân nơi đây hoài niệm về ngày xưa. Trong những ngày lễ hội diễn ra, những nét văn hóa mang đậm truyền thống của cảng thị xưa như lễ nghinh thần, rước sắc; lễ rước ngư – tiều – canh – mục, múa lân, hát bội… vẫn còn lưu giữ. Trước đây, điểm nhấn đặc biệt của lễ hội Đô thị Nước Mặn là những phố đèn lồng được người dân thắp sáng suốt những ngày lễ. Ngày nay, phố đèn lồng không còn hiện hữu trong mỗi gia đình như thuở xưa thay vào đó là dãy đèn lồng được treo trước cổng đường đi vào chùa Bà.

Cảng thị Nước Mặn ra đời vào đầu thế kỷ 17, là một cảng thị lớn, quan trọng và sầm uất ở Đàng Trong nhằm thông thương, giao lưu văn hóa giữa Bình Định với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nơi đây hình thành nhiều dãy phố buôn bán tấp nập với đủ các loại hàng hóa từ miền xuôi đến miền ngược, là nơi tàu thuyền và các thương nhân nước ngoài thường xuyên lui tới bang giao, buôn bán, trao đổi hàng hóa, đánh dấu đời sống phồn hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa và của cả xứ Đàng Trong. Nước Mặn còn là địa điểm diễn ra quá trình nghiên cứu việc Latin hóa tiếng Việt, góp phần quan trọng vào việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Từ năm 1610, khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh thì Chùa Bà được khởi dựng. Buổi đầu là một ngôi miếu đơn sơ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Họ thường đến đây để đi lễ, tỏ lòng cảm ơn Thiên Hậu Thánh Mẫu đã phù hộ cho họ di cư an toàn đến vùng đất mới, đồng thời cầu mong một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Dần dần, khi đã an cư, lạc nghiệp, làm ăn phát đạt, phố cảng Nước Mặn cũng trở nên sầm uất, một số thương nhân đã đóng góp tiền của, tu bổ cho miếu thêm khang trang và to đẹp hơn, từ đó tên gọi "Chùa Bà" ra đời. 

*** Truyền thông: SẮC MÀU BÌNH ĐỊNH

Bình luận của bạn

Tin khác