Xung quanh khuôn viên chất đầy rác thải và vật liệu, bên trong bầy nhiều hiện vật khó hiểu, khách tham quan tưởng nơi trưng hiện vật là chỗ ngồi nghỉ... là ba trong nhiều vấn đề bất cập ở Bảo tàng Hà Nội.
Bảo tàng Hà Nội thành lập năm 1982, năm 2009 được thành lập lại, nhưng trước đó chưa có nhà trưng bày. Đến tháng 10/2010, công trình hoành tráng này khánh thành bên đường Phạm Hùng, được kỳ vọng sẽ tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn cùng với Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn.
Nhìn từ bên ngoài bảo tàng có thiết kế theo kiến trúc kim tự tháp ngược, tổng diện tích 53.963m2, tòa nhà chính cao 30,7m gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, chi phí xây dựng hơn 2.300 tỷ đồng.
Bảo tàng Hà Nội hiện nay còn rất nhiều không gian ngoài trời bỏ trống, chưa sử dụng. Bên ngoài khuôn viên, nhiều nơi chất đầy vật liệu đã dỡ bỏ của một sự kiện nào đó đã kết thúc.
Hơn 10 năm qua, bảo tàng chỉ thực hiện những cuộc trưng bày chuyên đề ngắn hạn với các sưu tập hiện vật của bảo tàng và một số nhà sưu tập tư nhân, kèm với đó là cho thuê tổ chức sự kiện.
Vài ba năm trước khi chưa có đại dịch Covid-19, không gian ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội được cho thuê để mở quán cà phê (bên cạnh bảo tàng). Tuy nhiên, dịch vụ này cũng chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi ngừng vì ế khách. Khu vực sân chính ở mặt tiền thời điểm đó được sử dụng để trưng bày khá nhiều cây cảnh, sinh vật cảnh ngoài trời, nhưng hiện nay đã bỏ trống.
Chiều 15/8, lác đác du khách đến bảo tàng tham quan chụp ảnh, vui chơi bên ngoài. "Chúng em đến đây chụp ảnh kỷ niệm là chính vì khuôn viên bên ngoài nhiều cây xanh. Tuy nhiên ở đây không có dịch vụ, hàng quán gì cả nên cũng hơi chán. Chỉ có 3 máy bán nước tự động ở khu sảnh vào", Mỹ Nhan (trái) chia sẻ.
Tường ở một cổng vào bị cây leo bò lên.
Các khu vực trưng bày bên trong bảo tàng hàng ngày không có nhiều người vào tham quan. Công trình được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng lượng khách khá thưa vắng.
Khách tham quan cho rằng, bảo tàng này kém hấp dẫn, chưa có sự đồng bộ giữa sự chuẩn bị nội dung trưng bày và xây dựng kiến thiết. Hơn thế, một số phần chữ miêu tả hiện vật còn bị mờ nhòe, không thể đọc.
Trên tầng 2 và 3, các tác phẩm nghệ thuật được bày nhiều nhưng phần lớn khách tham quan chỉ lướt qua nhanh vì không đủ khả năng cảm nhận giá trị.
Trong phòng trưng bày, lác đác một vài nhân viên, bảo vệ ngồi cho hết ngày. Trên trang web của Bảo tàng Hà Nội, mục dịch vụ gồm 3 nội dung cửa hàng, tổ chức sự kiện, dịch vụ khác nhưng khi click vào thì trống rỗng.
Một kệ trưng bày đồ thủ công không để lại nhiều ấn tượng, bị một số khách trẻ tuổi hiểu lầm là chỗ ngồi.
Bình luận của bạn