Phố đi bộ phải văn minh

Chủ nhật, 29/01/2023, 00:24 (GMT+7)

Chia sẻ

Trước khi đến các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm của Thủ đô Hà Nội, tôi nghĩ đây là không gian thoáng đãng, đường phố sạch đẹp, con người ứng xử văn hóa.
 
Nhưng bước vào các tuyến phố như: Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Tràng Tiền hay phố Hồ Hoàn Kiếm, thì cảnh vật lại chưa như mong đợi. Hình ảnh những hàng rong đan trên vỉa hè, với cảnh mời chào, đeo bám khách tham quan phố đi bộ; các cửa hàng bán trà đá, đồ ăn nhanh mọc lên như nấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khiến người dân không có không gian thông thoáng để đi lại.

Đặc biệt, toàn bộ vỉa hè dọc phố Đinh Tiên Hoàng đều bị các hộ, cá nhân chiếm dụng để kinh doanh. Chưa hết, tôi còn được chứng kiến cảnh người bán hàng tranh giành chỗ, cãi chửi nhau. Không ít nơi, người dân (nhất là giới trẻ) còn cười đùa thái quá, văng tục, chửi thề, xả rác bừa bãi như ở chỗ không người.

phodiboha-1478940483-63-1.jpg 

Trở về TP Hồ Chí Minh, tôi cũng thử đến phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện vào buổi tối xem có khác các tuyến phố đi bộ ở Hà Nội hay không? Tại những nơi này, vẫn là tình trạng người bán hàng rong tràn ra đường chèo kéo khách. Một số người còn trượt ván gây nguy hiểm cho những người xung quanh, hay mang thú cưng đến phố đi bộ gây ra tình trạng mất vệ sinh, mặc dù đây là những hoạt động bị cấm ở phố đi bộ. Không chỉ có vậy, đường Bùi Viện là khu phố Tây ăn chơi nức tiếng, được mệnh danh là con phố của những đêm vui chơi không ngủ, xuất hiện nhiều quán nhậu ồn ào, quán cà phê buôn bán shisha, bóng cười... Một số người thiếu ý thức còn chạy xe máy vào phố đi bộ mà không bị ai ngăn cản, xử phạt. 

Phố đi bộ là không gian văn hóa của các địa phương để mọi người vui chơi, giải trí, giao lưu, rèn luyện sức khỏe và cũng là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nó giúp chúng ta xây dựng văn hóa đi bộ, thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng, phương tiện phi cơ giới, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò giải trí lành mạnh và tạo ra những “bữa tiệc” văn hóa đa sắc màu.

Với những quy định, phố đi bộ giúp chúng ta rèn luyện và thể hiện những hành vi văn hóa, văn minh như: Đi đứng, ăn nói lịch sự; giữ gìn vệ sinh môi trường, tôn trọng mọi người; chấp hành nghiêm luật lệ an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng, lề đường; kinh doanh, buôn bán đúng quy định; được thưởng thức tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại... Vì thế, mọi người phải có ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, các quy định mà địa phương đã ban hành. Hoạt động hấp dẫn của phố đi bộ sẽ thu hút khách du lịch đến với các đô thị của nước ta, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch và kinh tế của Chính phủ, nhất là thời kỳ hậu Covid-19.

Những năm qua, nhiều đô thị khác trong cả nước đã tổ chức các tuyến phố đi bộ. Đây cũng là một nội dung trong chiến lược xây dựng, nâng tầm đô thị thông minh, hiện đại mà các địa phương đang hướng tới. Phát triển du lịch, kinh tế đêm tại các không gian đi bộ không chỉ giúp chỉnh trang đô thị, gắn kết cộng đồng, mà còn góp phần xây dựng con người văn hóa cho một đô thị thông minh. Vì thế, phố đi bộ phải văn minh, sạch đẹp, cùng các hoạt động văn hóa-nghệ thuật hấp dẫn. Bên cạnh đó là những con người văn minh, lịch sự, vì cộng đồng. Có như vậy, việc phát triển không gian đi bộ ở các đô thị mới mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển con người mới và phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước.

LÊ PHI HÙNG  

Bình luận của bạn

Tin khác