Chả cá họ Đoàn (2)

Thứ 7, 28/01/2023, 12:14 (GMT+7)

Chia sẻ

Nguyễn Sơn Hải.

(Đoạn tiếp theo về việc năm 1932, Bà Thái lúc đó 16 tuổi, lấy chồng là ông Nguyễn Ngọc Phúc một gia đình môn đăng hộ đối ở Sơn Tây. Nhưng vào lúc nền kinh tế Đông Dương khủng hoảng, gia đình Chồng bị phá sản, nên cả nhà đã chuyển về Hà Nôi. Lúc này Ông Bà đã có 4 người con)

Cuối 1939 đầu 1940, Mẹ tôi thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình, trở về Hà Nội sinh sống, bây giờ tôi không tưởng tượng nổi chỉ có 4 năm tự làm ăn, cộng với lương của Chồng, lại chăm lo cho 12 nhân mạng, về Hà Nội mua được hai nhà ở làng Ngọc Hà. Không những thế lại mua lại nhà của Cụ Huấn (Cụ chuyển đi theo con cái) ở 5 Chả cá, gần Mẹ đẻ thân yêu, để tiếp tục xây dựng ước mơ của mình.

Bố tôi cũng được chuyển về chi nhánh công ty ở Hà Nội, năm đó Mẹ sinh chị gái, chị Loan thứ 5 trong gia đình, Mẹ nói với cả nhà: 3 trai 2 gái, giống Ông Bà rồi, Mẹ thôi đẻ từ đây!

Bố Mẹ mời Công ty “Tiếp- Luyện” chuyên về “chỉnh trang nhà cửa, (đó là hai Kiến trúc sư nổi tiếng: Kiến trức sư Nguyễn Luyện, sau này là Thứ trưởng Bộ Kiến trúc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hoàng như Tiếp, sau này là Viện trưởng Viện Quy hoạch Bộ Kiến trúc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, sau nhiệm kỳ Bác Luyện.). Thiết kế và xây ngôi nhà 5 Chả Cá, thành một cửa hàng ăn, kết hợp ở rất hợp lý, đẹp và khá hiện đại (vào thời điểm đó).

Bên Bà Ngoại và cả nhà không hiểu vợ chồng Cô Cả Phúc xây nhà làm gì mà to, đẹp thế? Câu hỏi được trả lời ngay. Một ngày lành, tháng tốt, Mẹ tôi sang cầm tay Bà ngoại thủ thỉ :” Vợ Chồng con xin phép Mẹ, cho chúng con mở cửa hàng Chả cá tiếp nối truyền thống làm Chả cá, của họ Đoàn, của Ông Bà nội và của Mẹ. Chỉ khác là cửa hàng của con sẽ đón tiếp khách hàng trung lưu trở lên, họ có tiền muốn ăn uống ngon nhưng lịch sự, hào nhoáng ... “ . Bà tôi nghĩ một chút rồi bảo:” Mẹ vui mừng với ý tứ của con, thuận lòng cho cô mở Chả cá. Với khách đó không ảnh hưởng tới cửa hàng của Mẹ, hai Mẹ Con ta sẽ song hành làm Chả cá để giữ truyền thống họ Đoàn. Chỉ mong cô lấy đạo đức làm đầu, phục vụ khách thật tốt, giữ uy tín cho truyền thống Chả cá họ Đoàn “.

Thế là của hàng “ Chả cá SƠN HẢI”, chủ là con gái út của “ Cụ Trưởng Mềm” chủ của cửa hàng” Chả cá Lã Vọng” được khai trương năm 1943 tại số 5 phố Chả cá Hà Nội. Họ hàng, bạn bè, khách khứa, đến đông đủ ngày hôm đó để thưởng thức chả cá, và chia vui với Bố Mẹ. Mẹ kể : ”đặc biệt Mẹ mời Bác Nguyễn Tuân và bạn bè của Bác, nhưng chỉ thấy mình Bác, đội mũ phớt, chống batoong đền dự, Mẹ mời Bác lên gác, ngồi riêng một bàn cạnh cửa sổ, để vừa ăn vừa ngắm thiên hạ. Bác ăn kiểu riêng (kiểu cổ- tôi sẽ nói sau), tự nướng gắp chả cá trên hỏa lò, chín theo ý mình, rồi nhâm nhi với các gia vị, mắm tôm, cà cuống, cuối cùng là một hớp rượu “Mai quế lộ”, hôm đó Bác ăn khỏe 10 gắp chả mới xong bữa (một xuất bây giờ chỉ có 3 gắp chả, không những thế còn gắp nhỏ hơn) . Khi Bác về, Mẹ mới hỏi : Em làm được không?A ăn có ngon miệng không? Bác nhìn Mẹ rồi nói: “ Cô Tífe à (tten Bác Nguyễn Tuân đặt cho Mẹ tôi), cô làm được đấy, nhưng lần sau ăn chả cá, Anh vẫn sang cửa hàng của Cụ Trưởng Mền, và Anh Cả Hy để thưởng thức. Vỉ cửa hàng của Cô hào nhoáng quá, ăn nhưng thiếu. hương đồng quê như bên Cụ Trưởng Mềm (tên huý của Bà ngoại)”

Hà Nội lúc đó còn ít dân,(chỉ độ 15 đến 20 vạn người, nên nghe tin có cửa hàng chả cá mới, sang trọng, khách có tiền kéo nhau đến ăn thử, thấy ngon, sạch sẽ, phục vụ chu đáo, thế là thành khách quen.Vỉ vậy mùa rét, thứ Bảy, Chủ Nhật rất đông khách, không có bàn để ăn. Bên Bà ngoại vẫn đông khách, bình dân hơn, khi thiếu chả bán lại chạy sang Mẹ lấy chả, và ngược lại, vì chất lượng như nhau
Đang làm ăn tốt, Bố Mẹ nhận được tin rất buồn: anh Cường, con thứ ba, bị sốt rét, mất ở Sầm Nưa - Lào. Vợ chồng Bác Sơ (Anh Mẹ) không có con, xin Bố Mẹ nhận anh Cường làm con nuôi, Bác chạy xe hàng, buôn bán tận Sầm Nưa - Lào, năm 5 tuổi A Cường đã sang ở Sầm Nưa với hai Bác, được một năm thì mất. Bác Sơ, để Anh vào quan tài gỗ xong bọc kẽm ở ngoài, cho lên xe ô tô, Bác lái xe, chạy thẳng về Hà Nội! Bố Mẹ và cả nhà khóc hết nước mắt vì thương xót A. A được chôn cất ở làng Lủ (Kim Lũ - Thanh Xuân Hà Nội) là quê của Bà ngoại. Thời gian trôi đi, phải làm ăn nên nỗi buồn cũng phai dần. Giữa năm 1944, Mẹ báo tin mừng cho cả nhà: “ Mẹ nằm mơ thấy anh Cường trở vê!!!”, thực ra Mẹ lại” mang nặng, đẻ đau” đứa con thứ sáu của gia đình. Chiều 29/4/1945, trong hầm của ngôi nhà ở làng Ngọc Hà (vì lúc đó là cuối thế chiến thứ 2, Mỹ và đồng minh ném bom Hà Nội để tiêu diệt phát xít Nhật), theo thói quen (từ lúc đẻ A Cả), Mẹ uống một ly champagne đày, rồi một tiếng khóc thét lên, trẻ con hàng xóm chơi ở sân nhà giật mình chạy tán loạn (chị cả tôi kể lại). Bà đỡ Nguyên (bà đỡ nổi tiếng Hà Nội) ẵm một thằng bé đỏ hỏn ra khoe với cả nhà, Bố tôi nói đùa: “đúng cu Cường về rồi”. Sau khi được sự đông thuận của Ông Bà nội, Bà ngoại, Bố Mẹ lấy tên cửa hiệu đặt tên cho cậu con giai thứ sáu: Nguyễn Sơn Hải. Thật vinh dự cho tôi.

Mang thương hiệu cửa hàng của gia đinh, lại là bóng của anh Cường trở lại gia đình (mê tín),không những thế, lúc nhỏ tôi mũm mĩm, trắng trẻo, đẹp giai, nên tôi được cả nhà yêu quý. Đặc biệt, do U nuôi tôi về quê sớm khi tôi mới 3 tuổi, tôi đều ở bên Ông nội, đến khi Ông mất (năm 1963 khi đó tôi 18 tuổi), mọi chuyện Ông kể, tôi tiếp thu khá tốt. Không những thế, 6-7 tuổi tôi đã chạy qua đường (lúc đó ít xe cộ lắm) xà vào lòng Bà Ngoại, đang ngồi trông hàng. Bà ôm tôi xoa đầu, hỏi : “cháu thích ăn gì, Bà mua cho cháu”. Tôi chỉ thích nghịch con cá của Ông Lã Vọng,Bà cười móm mém, ôm chặt tôi vào lòng, rủ rỉ kể chuyện : các Cụ ngoại, Ông ngoại, các Bác và Mẹ lúc nhỏ. Chắc tôi có “ gen” nhớ giỏi của Ông nội, nên bây giờ vẫn nhớ và kể lại.

(Đoạn này nói về giai đoạn 1945-1947, Toàn quốc kháng chiến, gia đình rời Hà Nội đi tản cư ở Hương Ngải - Thạch Thất- Sơn Tây, được gần một năm, tình hình Hà Nội yên ổn, gia đình trở về Hà Nội.)

“Chả cá Lã vọng và chả cá Sơn Hải” trở lại bán hàng, đông khách dần lên, uy tín ngày càng cao. Cuối 1947, Mẹ lại sang thủ thỉ với Bà Ngoại: ”Con mới nghĩ và làm thử hai món mới ăn kèm với chả cá, trình Mẹ để biết ý Mẹ thế nào:

- Món thứ nhất, xương cá bán cho hàng xóm không hết, xương cá lăng béo, thịt dai, nước ngọt. Con nấu nồi “ canh dấm”(canh chua), xương cá với quả dọc, cà chua, khi múc ra cho hành, thì là, rau thơm thái nhỏ cho vào thơm lừng. Khách ăn chả cá háo nước, gọi bát canh dấm, làm một thìa : nóng, chua, ngọt. Tỉnh cả người, hết khát lại ăn tiếp chả cá được.

- Món thứ hai “áp chảo chả cá”, món này cầu kỳ mất thời giờ nên chỉ có khách quen đặt trước mới làm. Con sào bún cho săn, đặt miếng chả cá đều xung quanh, đánh lòng đỏ trứng tơi lên, tráng đều lên cả hai mặt, rồi rán vàng lên . Bên nhà con đã ăn thử, chấm mắm tôm hay nước mắm có cà cuống đều ngon. Mẹ ưng ý, mai con làm bưng sang để Mẹ nếm.”

Bà ngoại suy nghĩ một lúc rồi bảo ”được con gái Mẹ khéo lắm, nghĩ được thêm thế là giỏi, con làm đi, đông khách thêm Mẹ mừng. Còn bên này, Mẹ còn sống thì vẫn giữ nguyên như Ông Bà nội của con khi xưa truyền cho Mẹ, Mẹ đang cố gắng chỉ bảo cho chị dâu Cả thông thạo, sau thay thế Mẹ. Vì vậy, thiết nghĩ Mẹ không thêm món gì”. Lĩnh hội ý của Bà ngoại, Mẹ rất mừng :vì cho phép thêm món mới, nhưng vẫn giữ món ăn cổ truyền của gia đình.

Thêm hai món, nhà tôi đông khách hẳn lên, chiều thứ bảy, chủ nhật xe ô tô đỗ kín từ đầu phố đến cuối phố.

Có một chuyện, cả nhà đều biết, sau 6-7 tuổi tôi cũng biết và gặp: mùa đông năm 1948, có một trung uý già đi xe Jeep lên nhà tôi, giới thiệu với Mẹ là đầu bếp của Quốc trưởng Bảo Đại, đến để đặt chả cá cho Bảo Đại, Ông ta nói: “vì làm cho Bảo Đại thưởng thức, nên Bà chủ phải đi chợ cùng tôi mua cá và các thức gia vị, sau đó về làm, tôi xem khi nào xong thì mang về. Chút nữa tôi quên, Ngài biểu tôi, nhớ đặt hai cái áp chảo (không biết từ thông tin nào mà Bảo Đại biết nhà tôi có món đó). Hôm đó lấy 50 gắp chả, các gia vị, rau, mắm tôm, cà cuống kèm theo hai bát canh dấm và hai cái áp chảo chả cá vàng rộm.

Sau đó, hàng năm (cuối cùng là năm 1953), mùa rét trước hoặc sau Tết ta,cứ thấy Ô trung uý già đến, Mẹ tôi biết Bảo Đại từ Đà lạt bay ra Hà Nội làm việc và phải hưởng món chả cá và dặn đầu bếp không được quên món “ áp chảo chả cá”. Vì thế, lúc vui Mẹ gọi món này là “áp chảo Bảo Đại “.(khách của tôi bây giờ đến ăn chả cá Vợ tôi làm món này, các bạn hỏi món gì ngon và đẹp thế, tôi lại phải giải thích món” áp chảo Bảo Đại “!!!

Có bạn nói Áp chảo Bảo Đại nghe to tát quá, gọi là “ Piza chả cá Sơn Hải” ! Tôi phản đối : “Món ăn quốc hồn quốc tuý của Hà Nội, lại cho tiếng Tây vào (Itália ) không được.

Bố về được hai năm lại xin được việc làm, cửa hàng chả cá Sơn Hải lại đông khách hơn xưa. Không có “ Luật hôn nhân “ chỉ được đẻ hai con, năm 1949 Mẹ đẻ cô thứ 8: Mai Hương, và tiếp theo, bây giờ thực sự mới kết thúc 1951 cô út ra đời: Mai Hạnh- cô thứ 9 của Bố Mẹ tôi.

Vì có cửa hàng Chả cá nổi tiếng (thời bấy giờ) Bố Mẹ tôi giao lưu rất rộng. Trước 1945 có Bác Ba Lâm (Bùi Lâm), Vũ Đình Huỳnh, Đinh Đức Thiện, Tạ Đình Đề, bác Hoan, Phúc, Nguyên (toà án) . Bác sĩ Tôn thất Tùng...trừ Bác Nguyên nhận nhiệm vụ ở lại, còn các B đều tham gia kháng chiến hết.

Nhiều Bác sĩ nổi tiếng ở Hà Nội đều quen biết Bố Mẹ tôi : Bác sĩ Chu Văn Tường Bác sĩ Phan (khoa lây Bạch Mai), Bác sí Vân Anh (Phủ doãn), Bác sĩ Trung (răng), Bà đỡ Nguyên ...(vì thế gia đình có ai ốm đau là có Bs đến thăm bệnh và cho toa thuốc liền). Còn bạn bè thân thuộc không kể hết.

Từ sau 1947, cửa hàng “ Chả cá Sơn Hải” rất đông khách, nhưng nhìn Mẹ vẫn an nhàn, không có gì là vất vả, lịch làm việc của Mẹ rất chuẩn: Sáng 8 g mới dậy, đánh răng rửa mặt xong là ngồi vào bàn phấn, ít nhất là 30 phút trang điểm(về phấn son Mẹ cũng có kỹ năng tuyệt vời, nhẹ nhàng nhưng rất đẹp, làm Mẹ luôn nền nã và xinh đẹp), ăn sáng xong, 9g mới vao bếp lọc, thái cá, một chậu to, Mẹ tự tay cho gia vị, chuyên nghiệp đến mức chỉ đưa miếng cá đã tẩm lên gần mũi ngửi, là biết đã vừa chưa!(còn một khâu nữa cũng tuyệt vời, mẹ gắp 2-3 gap chả, đưa cho cụ Cả Dần nướng thử, Cụ là người Bà Ngoại cử sang giúp Mẹ, Cụ làm và quạt chả cá cho Cụ Ngoại tôi, khi gặp chả gần chín, mùi thơm tỏa ra, hít hà mấy hơi là Cụ phán : Mợ cho thêm tí này tí kia thì mới đậm đà.Đạo đức nghề nghiệp là thế đấy, tôn trọng khách ăn như thế đấy!Đúng như bài học đầu tiên Bà ngoại dậy cho Mẹ). Trộn cá xong, cả nhà xúm lại gắp cá lên gắp tre, khoảng hơn một tiếng 500-600 gắp chả vàng ươm được xếp gọn gàng sẵn sàng phục vụ khách. Xong việc chính, vì trộn chả bằng tay, có nghệ nên tay vàng khè(lúc đó chưa có găng tay mỏng như bây giờ), việc rửa tay cho sạch cũng mất nửa tiếng, sau đó Mẹ kiểm tra rau cỏ, chanh ớt đã đủ và sạch sẽ chưa ? Nếu buổi trưa không có khách (thường rất ít), Mẹ ăn cơm với cả nhà, sau đó đi nghỉ, 2g chiều, lại trang điểm và thêm chiếc áo dài để phục vụ khách, nếu tình hình khách đông, Mẹ lại cởi áo dài, lao vào bếp trộn cá mới, gắp chả đầy đủ, rồi lại mặc ao dài ra quầy bán hàng, thường 10.30 đến 11 g đêm mới hết khách. Lúc này Mẹ mới kiểm tiền, nếu vui vẻ Mẹ lại dẫn cả nhà đi phở, cháo gà, hoặc sủi zìn đêm(bánh trôi tầu). Kết thúc một ngày của Bà chủ “ Sơn Hải chả cá.

Mùa hè, như ở trên đã nói, cả hai cửa hàng đều nghỉ bán từ tháng tư năm trước đến rằm tháng tám năm sau, vì quá nóng nực, không thể ăn chả cá vào mùa này được. Nhưng phải chuẩn bị cho mùa bán sau, Mẹ phải chỉ bảo cho người nhà làm :

- Mùa hè không có gió Bấc(gió Đông Bắc), nên thuyền từ Thanh- Nghệ ra nhiêu, Mẹ đặt chủ thuyền quen(của Bà ngoại từ trước)300 đến 400 lít mắm tôm loại xanh, ngon. Họ mang đến và chuyển lên sân thượng, đổ vào 10 chum sành to có vải màn che và nắp đậy cẩn thận. Khi nắng to, mở ra lấy mái chèo nhỏ bằng gỗ, ngoáy đều mắm tôm, sau đó chỉ đậy bằng vải màn(phải buộc thật kín), không đây nắp, phơi nắng đến chiều, lại đảo lại, che vải màn, đậy nắp. Lưu ý hai điều: một là không để ruồi, nhặng bâu vào, nó đẻ sinh ròi, là chum mắm đó phải bỏ. Hai là trời mưa, phải lên đậy ngay nắp sành, nước vào mắm nhạt mất ngon.Mắm tôm phơi ít nhất hai năm mới sử dụng. Vì vậy mắm tôm nhà này(cũng như của Bà ngoại) đã là đặc sản rồi, ít người bán hàng làm như vậy.

- Dấm ăn, nhà cũng làm lấy, trên sân có 4-5 chum dấm, có” cái “ cũ rồi, mùa vải chua (mùa hè chim tu hú gọi), Mẹ mua vài gánh, chiều mát cả nhà lên sân thượng, ngồi bóc vỏ, bỏ hạt còn cùi cho vào chum dấm, cũng phải che vải màn và đậy nắp cẩn thận. Ngày nắng to cũng phải khuấy và phơi như mắm tôm, có thế dấm mới chua thanh và thơm.

- Cà cuống một gia vị sống còn của món chả cá! Vào mùa hè, khi màn đêm buông xuống, ánh đèn điện ở đường phố rọi sang, là có cà cuống bay vào(miền Bắc có, nhưng bây giờ gần như tuyệt chủng vì phân bón hoá học). Các làng xung quanh Hà Nội, có hồ, ruộng nước, họ đốt đèn bão, đèn măng sông dụ ca cuống vào bắt sống. Sáng ra các bà, đội thúng cá cuống(đã loại con cái vỉ không có bọng thơm), tỏa đi các chợ, các hàng bún thang, bánh cuốn ... đặc biệt Hai cửa hàng chả cá. Bà ngoại, Mẹ gọi 6-7 bà cho mỗi nhà, thống nhất giá cả xong, các bà ngồi xuống và mở nắp thúng ra, bắt từng con, toẽ cánh ra, dùng que tre nhỏ, nhọn rạch vào chỗ giữa cánh và cổ, nhể ra một bọc nhỏ mầu xanh Ngọc,gạt vào đĩa nhỏ, được nhiều lại dùng que tre đánh tan ra nước, chắt vào lọ thuốc Penicilina (Mẹ đã chuẩn bị trước, có nút bằng cao su nên cà cuống không bị bay hơi, giữ được lâu).Mỗi thúng chỉ được 1 hoặc 2 lọ. Cả mùa cà cuống Mẹ tôi mua hàng trăm thúng để phục vụ khách, biếu xén...

- Một khâu cũng khá quan trọng, làm gắp chả, vì nướng trên than hoa(than tàu), nên hư hỏng nhiều(chỉ 3-4 lần nướng là bỏ đi). Phải mua vài cây tre già nhưng tươi,cưa từng ống khoảng 30 cm, chọn khéo sao cho mấu nằm ở quãng 1/3, phần dài để gắp chả, chẻ ra thành từng gắp mặt rộng 1,5 cm, mặt hẹp 1.cm chẻ đôi mặt hẹp để gắp chả vào, như thế mới chắc chắn. Bó từng bó, để mang lên phơi trên gác sân thượng chống mốc, dùng dần cả mùa hàng.Còn thứ buộc gắp không phải chuẩn bị trước, mùa hàng khi gắp chả, ra cô bán giò chả, mua một rổ lá chuối gói bánh giò, rửa sạch, tước ra làm để buộc gắp chả, lá chuối đã luộc rồi rất dai và ướt nên không bị cháy khi nướng.

Còn các thức tươi sống, lúc làm hàng mới mua. Với đạo đức nghề nghiệp và gìn giữ món cổ truyền Chả cá của tổ tiên, Mẹ tôi làm đủ, làm kỹ từng khâu một để có bữa Chả cá đặc biệt, thơm ngon, ăn xong nhớ hoài, sang năm lại đến ăn tiếp ....

Chiều hè rỗi rải, Mẹ dậy các cô con gái làm ”bánh quế “, ngon và đẹp, cứ 20 cái phong bằng giấy bóng kinh, cho vào thùng vôi(ở dưới hút ẩm bánh không ỉu), để bán cho khách tráng miệng. Vất vả thế, nhưng rỗi rãi Mẹ vẫn đi chơi, thăm hỏi họ hàng bạn bè, lúc 5-6 tuổi, tôi thường được Mẹ cho theo. Mẹ đi đâu, đã ra phố là mặc áo dài, trang điểm cẩn thận, tôi thường ngoan ngoãn,ngồi nép vào Mẹ trên xe xích lô, ai cũng nói:” trông hai mẹ con thật bảnh chọe “ .

Mẹ còn một thú vui nữa:” Lên đồng”(Hầu đồng đã được UNESCO công nhận là “ Di sản văn hoá phi vật thể”, nhưng thời bao cấp là mê tín dị đoan đấy). Mẹ có hai Vali to, để khăn chầu áo ngự. Vì Mẹ có Bà mẹ nuôi giầu có : Cụ Phú lợi, có cửa hàng Sắt ở Phố Thuốc Bắc, nhiều nhà ở Hà Nội, cả khu Triển lãm Vân hồ, trong khu bây giờ vẫn giữ lại nhà thờ Tổ, ngày rằm, mùng một và giỗ chạp, con cháu Cụ vẫn có chìa khoá mở cửa thắp hương. Cụ mê hầu đồng lắm, ở khu Vân hồ trước còn có Đền Roi, là nơi hầu đồng, . Tôi cũng được Mẹ cho đi, vào Đền ngạt ngào hương khói, lúc sau Mẹ hoá trang xong, ra bệ trước bàn thờ để lên đông, nhìn Mẹ cứ như các Công chúa, Hoàng hậu ngày xưa, tiếng đàn của mấy Ô cung văn nổi lên, thế là Mẹ múa, nhảy, tốc độ ngày càng tăng theo nhịp đàn, Mẹ múa đẹp nhảy giỏi. Hai bên bệ, các cụ, các bà ngồi chắp tay lễ, miệng nói :” tấu lại Cô, Cô xinh Cô đẹp quá, Cô hát hay múa giỏi ... chúng con xin lộc Cô ban phát ...” Khi Mẹ hát và cầm mái chèo múa, thì mấy Ô cung văn vừa đàn vừa hát, tôi nhớ mãi câu :” Cô bắn súng lục, tưng ! Tưng! Cô bơi thuyền rồng. ...”Lần đầu đi theo, thấy Mẹ “ thăng”, tôi tưởng nhảy mệt Mẹ ngất, tôi lao vào nhưng các con nhang, đệ tử giữ lại. Một lúc Mẹ tỉnh ngồi dậy, bên ngoài cứ “ tấu lại Cô”, Mẹ phán gì, tôi không hiểu, sau đó Mẹ ban phát “ lộc” cho con nhang đệ tử, thế là kểt thúc (hơn 70 năm rồi tôi chỉ nhớ đến thế, bây giờ nghe nói thay đổi khiếp lắm- hàng trăm triệu một buổi hầu đồng). Đặc biệt khi lên đồng về, thấy Mẹ tươi vui, khỏe khoắn hẳn lên.

324884883-1861663217517088-1692200214814105190-n-1.jpg

Ảnh : Tác giả (Nguyễn Sơn Hải) và vợ quạt chả làm giỗ bố Nguyễn Ngọc Phúc)

Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác