Chuyện về gốm Lư Cấm

Thứ 5, 13/07/2023, 18:20 (GMT+7)

Chia sẻ

Hình thành từ đầu thế kỷ XIX, được 3 vị vua Triều Nguyễn sắc phong cho ông Tổ nghề, gốm Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) từng là niềm kiêu hãnh của vùng đất xứ Trầm Hương. Thế nhưng trải qua hơn 200 năm thăng trầm, đến nay, nghề gốm ở làng Lư Cấm đã mai một, chỉ còn hoài niệm chút danh xưa.

Nghề xưa còn một chút này

“Cầu Thành ghe gốm lên rồi/Sao không đi chợ còn ngồi chi đây”. Đó là câu ca của người xưa khi nhắc đến gốm Lư Cấm. Thuở mà khắp làng trên xóm dưới làm nghề, rồi ngược dòng sông Cái đổ hàng cho những thương nhân ở Diên Khánh hoặc ra cửa biển đi các nơi.

Bà Đỗ Thị Hòa giới thiệu sản phẩm gốm mỹ nghệ cho một du khách người Pháp.

 Bà Đỗ Thị Hòa giới thiệu sản phẩm gốm mỹ nghệ cho một du khách người Pháp.

Làng gốm Lư Cấm nằm nép mình bên dòng sông Cái uốn lượn. Chúng tôi tìm về đây trong buổi sáng chớm đông, se se chút gió lạnh đầu mùa. Ông Lê Văn Chưởng, một trong những người làm gốm lâu nhất ở làng Lư Cấm hiện nay (hơn 50 năm) trầm ngâm bên nền cũ của chiếc lò nung gốm. Gia đình ông Chưởng đã có 4 đời làm gốm, nhưng đến đời con ông thì không có ai theo nghề. Nhìn những chiếc lò đã cũ kỹ theo thời gian nằm góc nhà vì bán không ai mua, ông buồn bã tâm sự: “Thời điểm này nhiều năm về trước, khắp làng Lư Cấm làm không kịp ngơi tay. Nhà nào cũng chuẩn bị cho đơn hàng vài nghìn cái bếp lò phục vụ cho người dân đón Tết. Dọc con đường vào làng xếp tầng tầng, lớp lớp những mẻ gốm vừa ra lò, chờ xuất xưởng đi khắp các tỉnh, thành. Sở dĩ nghề gốm ở Lư Cấm thịnh là bởi tục xưa đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm là ngày ông Công, ông Táo về trời, nhà nhà đều thay bếp lò mới mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn xuôi chèo mát mái. Giờ đây, những hình ảnh đó chỉ còn lại trong ký ức người có tuổi. Cả làng chỉ còn duy nhất nhà tôi làm nghề”.

Bà Đỗ Thị Hòa, vợ ông Chưởng mang ra một thùng giấy đựng một số sản phẩm mỹ nghệ gốm loại mini, như: bếp lò, bình hoa, con trâu, cái cày… bà làm trong những lúc nhàn rỗi vì nhớ nghề. Bà chia sẻ: “Sản phẩm chính mà trước đây chúng tôi hay làm là bếp lò phục vụ người dân. Nhưng từ năm 2018 đến nay, gia đình tôi hầu như không làm bếp lò nữa vì cạnh tranh không nổi với hàng của Bình Định. Sản phẩm họ mang vào Khánh Hòa bán rẻ hơn 10%, nếu chúng tôi bán bằng giá thì bị lỗ. Do đó, hiện giờ làng gốm Lư Cấm đã không còn ai tha thiết với nghề”. Hiện nay, gia đình chỉ làm trình diễn các sản phẩm khi có khách du lịch ghé thăm.

 Những sản phẩm gốm do bà Đỗ Thị Hòa làm ra.
Những sản phẩm gốm do bà Đỗ Thị Hòa làm ra.

Trăn trở chuyện bảo tồn

Tìm hiểu về gốm Lư Cấm, chúng tôi gặp ông Trần Văn Chi - Trưởng ban Quản lý đình Lư Cấm, người cũng từng một thời làm nghề gốm. “Nghề gốm ở Lư Cấm có từ đầu thế kỷ XIX. Trước đây, làng Lư Cấm trên bến dưới thuyền, đông đúc nhộn nhịp, cả làng làm gốm với nhiều sản phẩm, như: lu nước, ngói âm dương, gạch lược hình công để xây giếng, nồi đất, lư hương, bếp lò, chõ đồ xôi... Nhưng đến nay, nghề gốm chỉ còn cái danh bởi chẳng còn ai làm nghề. Những sản phẩm xưa cũ được lưu giữ ở đình làng để nhắc nhở và giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu biết về một làng nghề đã từng vang danh một thuở, từng là niềm tự hào, mang lại ấm no cho biết bao người dân”, ông Chi nói.

Khi nghề gốm ngày càng mai một, câu chuyện bảo tồn đã được đặt ra trong nhiều năm nay. Đã có những giải pháp được đưa ra nhằm bảo tồn nghề truyền thống này. Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng đi nào hiệu quả. Ông Nguyễn Tiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hiệp chia sẻ, năm 2016, nghề gốm Lư Cấm được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Thời điểm đó, nghề gốm dù không còn phát triển rực rỡ như trước nhưng cũng còn gần chục hộ làm nghề. Đến năm 2018, gốm Lư Cấm đã không còn khả năng cạnh tranh với gốm các địa phương khác. “Để bảo tồn giá trị văn hóa của làng nghề, UBND phường Ngọc Hiệp đã làm việc với một số công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh, kết nối đưa khách du lịch đến tham quan mô hình nghề truyền thống, tạo nguồn thu cho người dân. Mỗi đợt có khách, trực tiếp tôi cùng xuống hỗ trợ một số hộ dân trong việc tiếp đón, mỗi đoàn 10 người thì người dân thu được 50.000 đồng/lần tham quan trải nghiệm. Ngoài ra, UBND phường cũng liên hệ với các trường học trên địa bàn đưa học sinh về làng Lư Cấm tham quan để vừa giáo dục truyền thống vừa cho các em trải nghiệm làm những sản phẩm thủ công. Tuy nhiên, từ năm 2020, do dịch Covid-19 nên không còn khách du lịch theo tour đến tham quan khiến tình hình càng khó khăn”.  

Ngoài ra, để hỗ trợ bảo tồn nghề gốm Lư Cấm, UBND tỉnh đã cấp 340 triệu đồng để UBND phường mua máy móc, xây mới lò nung, nhà xưởng, gian trưng bày... cho hộ gia đình ông Chưởng. Thế nhưng, gia đình ông gần như rất ít làm nghề, phải chuyển sang bán tạp hóa để duy trì cuộc sống. “Đến nay, các thế hệ sau của gia đình làm nghề gốm không mặn mà với nghề nữa, trong khi vợ chồng ông Chưởng cũng đã già. Việc bảo tồn nghề gốm thực sự là bài toán rất nan giải”, ông Quốc nói.

Hiện tại, ở đình Lư Cấm vẫn còn bảng ghi công ơn 18 chức sắc và bá hộ cùng 34 người dân đã có công lao xây dựng làng gốm. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được 3 sắc phong của vua triều Nguyễn cho ông tổ nghề gốm làng Lư Cấm. Cụ thể năm 1903, vua Thành Thái ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần; 6 năm sau (1909), vua Duy Tân lại ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần; năm 1924, vua Khải Định ban sắc phong Đào Nghệ Tôn Thần.

36pho.com 

Bình luận của bạn

Tin khác