Các sự kiện chính trong quá trình xây dựng hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
PhuthoPortal - Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, chưa có một công trình nào nghiên cứu về Hát Xoan. Phan Kế Bính trong “Phong tục Việt Nam” mới nói tới phong tục hát mùa xuân ở các làng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Năm 1955, tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội diễn văn nghệ, thành phần tham gia là gồm tất cả các huyện, thị thành, trong đó đã có đoàn các nghệ nhân Hát Xoan ở Phù Đức. Sau hội diễn, các cụ nghệ nhân được mời ở lại cùng Đoàn văn công Phú Thọ tham gia Hội diễn khu Việt Bắc. Các diễn viên đoàn Văn công Phú Thọ đã tranh thủ học các cụ nghệ nhân những làn điệu Xoan để xây dựng một số tiết mục tham dự Đại hội Văn công toàn quốc như: Tiết mục ca cảnh Tiễn đưa (của tác giả Nguyễn Kính); múa Xoan hòa bình (của Nhạc sĩ Hoàng Kiều).
Năm 1957, Vụ nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin cử nhạc sĩ Tú Ngọc về tỉnh Phú Thọ sưu tầm, nghiên cứu Hát Xoan. Ông đã để ra hàng năm trời điền dã về các nơi có hát Xoan ở các làng Phù Đức, Kim Đới, An Thái và nhiều nơi khác.
Tháng 2 năm 1959, nhạc sĩ Tú Ngọc công bố công trình đầu tiên về Hát Xoan có tên “Bước đầu tìm hiểu về hát Xoan”. Công trình đã giới thiệu một số hiểu biết về hát Xoan qua việc tập hợp tư liệu điền dã và tư liệu trong thư tịch cổ có liên quan đến hát Xoan, bước đầu giới thiệu một số nét về nghệ thuật văn chương, âm nhạc trong hát Xoan.
Năm 1962, Ty Văn hoá Phú Thọ đưa Hát Xoan Kim Đức vào phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Nhà Công quán Đền Hùng.
Vào những năm cuối của thế kỷ XX, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Thọ tổ chức biên tập, dàn dựng, thu tiếng và phát hành đĩa hát Dân ca Phú Thọ. Trong đĩa hát có 5 bài hát Xoan : Trống quân Đức Bác, Hát ru, Đố hoa, Xe chỉ vá may, Đánh cá. Công trình đã góp phần phổ biến rộng rãi hát Xoan ở trong và ngoài tỉnh. Hát Xoan đã bước đầu được nhân dân cả nước biết đến với nhiều công trình, tác phẩm của nhiều nhạc sĩ nghiên cứu sưu tầm, sáng tác, cải biên dân ca Xoan như: Nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn, Phạm Khương, Trịnh Hùng Khanh, Ngô Văn Lợi, Phạm Đăng Ninh, Lê Văn Chê…
Từ Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 năm 1980, Hát Xoan được Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức trình diễn tại Nhà Công quán đền Hùng như một hoạt động văn hoá truyền thống không thể thiếu của lễ hội hàng năm.
Năm 1994, Sở Văn hoá - Thông tin Thể thao tổ chức Hội thảo khoa học về dân ca Xoan Ghẹo Phú Thọ. Nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu đã tham gia Hội thảo. Sau Hội thảo Sở đã cho xuất bản một số ấn phẩm Văn hoá: Kỷ yếu Hội thảo, băng nhạc, tập bài hát tuyên truyền giới thiệu Hát Xoan Phú Thọ.
Từ năm 1999, nhiều đề tài, dự án bảo tồn Hát Xoan được đầu tư để sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi. Đó là: Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn, phục hồi Hội Xoan Phú Thọ” (1999) của TS Nguyễn Anh Tuấn, đề tài “Điều tra, nghiên cứu, sưu tầm và khôi phục diễn xướng Hát Xoan” Phú Thọ của Văn Kim Chung (2008), đề tài “Điều tra, sưu tầm nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy di sản Hát Xoan tỉnh Phú Thọ” (2009) của nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Khắc Xương. Các đề tài, dự án trên đã cung cấp cơ sở dữ liệu trong việc nghiên cứu bảo tồn di sản Hát Xoan Phú Thọ.
Tháng 9 năm 2005, Đoàn nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ tham dự "Hội thảo âm nhạc dân gian quốc tế" được tổ chức tại Thái Lan. Thành phần đoàn do Giáo sư, tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam làmTrưởng đoàn cùng nhạc sỹ Đào Đăng Hoàn - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ và 8 nghệ nhân, diễn viên Hát Xoan. Chương trình biểu diễn thể hiện một số trích đoạn trong các phần nghi lễ của Hát Xoan như: Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám, Bỏ bộ, Xin huê - đố chữ, Hát đúm và các tiết mục Hát Xoan đã được nâng cao, chỉnh lý, có phần nhạc đệm như: Xe chỉ, Vá may, Mời trầu, Cài huê - Giã cá… Chương trình đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu văn hóa dân gian quốc tế và khu vực, các nhà nghiên cứu về âm nhạc, ngôn ngữ, dân tộc học đã nhận và cổ vũ nhiệt tình trong các buổi biểu diễn.
Năm 2005, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Phú Thọ chủ trì và phối hợp với UBND huyện Phù Ninh tổ chức “Liên hoan tiếng hát làng Xoan lần thứ nhất” thu hút 220 diễn viên, nghệ nhân của các phường Xoan gốc và các khu dân cư trong toàn xã Kim Đức tham gia.
Năm 2005, Hội VNDG Việt Nam hỗ trợ gần 100 triệu đồng để khôi phục hoạt động các phường Xoan gốc trên địa bàn xã Kim Đức và xã Phượng Lâu.
Năm 2006, Sở Văn hoá - Thông tin ra quyết định tái lập 4 phường Xoan gốc tại hai xã Kim Đức và Phượng Lâu với tổng số diễn viên và nghệ nhân ban đầu của các phường Xoan là 148 người.
Ngày 7/7/2008, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thảo khoa học lần thứ nhất để lựa chọn di sản văn hóa trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tham gia hội thảo có các giáo sư, các nhà nghiên cứu khoa học của Trung ương và địa phương, các chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Tháng 12 năm 2008, Đoàn Nghệ thuật dân gian tỉnh Phú Thọ biểu diễn và quảng bá di sản Hát Xoan Phú Thọ tại thành phố Hwaseong - Hàn Quốc.
Ngày 28/12/2008, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học lần thứ hai cấp chuyên gia lựa chọn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Phú Thọ. Tham gia hội thảo gồm có các Giáo sư, các nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Kết luận hội thảo xác định tiến hành xây dựng Hồ sơ di sản Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Tháng 12 năm 2008, xuất bản cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ” của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Xương, một công trình nghiên cứu toàn diện về hát Xoan trên rất nhiều lĩnh vực, cung cấp cơ sở tư liệu quan trọng cho việc xây dựng Hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ.
Ngày 5 tháng 6 năm 2009, UBND tỉnh Phú Thọ có công văn số 1517/UBND-VX2 đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa di sản Hát Xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và đệ trình UNESCO công nhận vào năm 2011.
Ngày 9 tháng 6 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản số 1796/BVHTTDL-DSVH trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin phép xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ” đệ trình UNESCO.
Ngày 12 tháng 8 năm 2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5547/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ” đệ trình UNESCO. Phó Thủ tướng giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng hồ sơ trình UNECO xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Ngày 20 tháng 8 năm 2009, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 2500/KH-UBND về xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận “Hát Xoan Phú Thọ” là di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.
Tháng 11 năm 2009 và tháng 1 năm 2010, Viện Âm nhạc Việt Nam cùng Sở Văn hóa, Thể thao vàDu lịch và các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, nghiên cứu, kiểm kê di sản hát Xoan trên địa bàn hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Kết quả bước đầu đã xác định được những vấn đề cơ bản của Hát Xoan như địa bàn, nghệ nhân, tổ chức phường Xoan, nội dung diễn xướng, các làn điệu múa, hát, sự đồng thuận của cộng đồng nhân dân…
Ngày 11 tháng 12 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn số 4335/BVHTTDL-DSVH về việc tổ chức Hội thảo quốc tế Hát Xoan Phú Thọ.
Ngày 15, 16 tháng 01 năm 2010, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục Di sản, Viện Âm nhạc VN tổ chức Hội thảo quốc tế Hát Xoan Phú Thọ tại thành phố Việt Trì. Tham dự hội thảo có đại diện 15 nước trong khu vực, các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí. Kết quả Hội thảo đã xác định giá trị của Hát Xoan trong nền văn hóa nhân loại và nguy cơ bị mai một của Hát Xoan hiện nay.
Đêm 15 tháng 01 năm 2010 tại Đình Lâu Thượng, thành phố Việt Trì, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức đêm “Hát Xoan Phú Thọ” phục vụ các đại biểu tham dự hội thảo. Chương trình “Hát Xoan Phú Thọ” đã được sự ủng hộ và đánh giá cao của các nhà khoa học và cộng đồng quốc tế.
Ngày 31 tháng 3 năm 2010, hồ sơ đề cử “Hát Xoan Phú Thọ” là di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp gồm phim 10 phút, 60 phút, đĩa CD, bộ ảnh, kỷ yếu Hội thảo quốc tế, các sách nghiên cứu về Hát Xoan đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp để nộp Ủy ban liên Chính phủ UNESCO đúng thời hạn.
Ngày 14 tháng 4 năm 2010, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng hồ sơ hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày 16 tháng 9 năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 446/QĐ-SVHTTDL về việc công nhận thành lập 13 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca Phú Thọ (ngoài 4 phường Xoan gốc) tại các địa phương trong tỉnh nhằm phát triển rộng rãi Hát Xoan trong cộng đồng dân cư.
Ngày 04 tháng 3 năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 3693/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 02 tháng 8 năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 2489/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 15 tháng 10 năm 2011, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức đêm giới thiệu “Hát Xoan Phú Thọ” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Chương trình có sự tham dự của đại sứ, tham tán văn hóa từ 40 đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội nhằm giới thiệu và quảng bá di sản hát Xoan tới bạn bè quốc tế.
Tháng 4 năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức liên hoan “Tiếng hát làng Xoan” lần thứ hai trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã thu hút hàng trăm nghệ nhân, diễn viên và hạt nhân văn nghệ từ các huyện thành thị tham gia, góp phần tôn vinh di sản Hát Xoan Phú Thọ.
Ngày 24 tháng 11 năm 2011, Ủy ban liên quốc gia của tổ chức UNESCO họp tại Bali, Inđônesia. Hội nghị đã thông qua quyết định số 6.COM.8.23 ghi tên Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Hội nghị đánh giá rất cao Hồ sơ Hát Xoan, một di sản đáp ứng 4 tiêu chí UNESCO đề ra và coi Hồ sơ Hát Xoan là mẫu mực về phương pháp xây dựng nội dung của Hồ sơ di sản.
Ngày 13 tháng 2 năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Chương trình Hành động số 382/CTr-UBND về việc Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2012 - 2015).
Tối 18 tháng 2 năm 2012 tại khu Trung tâm lễ hội Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Lễ khai mạc chương trình “Du lịch về cội nguồn và vinh danh Hát Xoan Phú Thọ”. Tại lễ khai mạc, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã thay mặt UNESCO trao bằng công nhận Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đại diện của nhân loại.
Ngày 5 thàng 6 năm 2013, Tỉnh uỷ Phú Thọ ban hành Thông báo số 851-TB/TU về Kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ về Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Hát Xoan Phú Thọ.
Ngày 23 tháng 9 năm 2013, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch 3864/KH-UBND về việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (Năm 2013 - 2014).
Ngày 07 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2058/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2013 - 2020).
Ngày 11 tháng 7 năm 2014, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch 2836/KH-UBND về việc Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận hồ sơ Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2015.
Ngày 22 tháng 12 năm 2014, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch 5478/KH-UBND về việc Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ năm 2015.
Ngày 01 tháng 7 năm 2015, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch số 2597/KH-UBND về việc Biên tập, xuất bản Tổng tập Hát Xoan Phú Thọ.
Ngày 20 tháng 8 năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành văn bản số 3462/UBND-VX1 tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ năm 2015.
Ngày 10 tháng 11 năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2704/QĐ-UBND về việc tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ lần thứ Hai - 2015 cho 18 cá nhân.
Ngày 13 tháng 11 năm 2015, Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 2533/QĐ-CTN về việc phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất - 2015, trong đó tỉnh Phú Thọ có 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Ngày 15 tháng 01 năm 2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ năm 2016.
Ngày 19 tháng 10 năm 2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4741/KH-UBND về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ năm 2017.
Tháng 11 năm 2017, thực hiện Kế hoạch số 4741/KH-UBND ngày 19/10/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm bảo tồn Hát Xoan và phát huy giá trị Hát Xoan Phú Thọ năm 2017. Dưới sự hướng dẫn của cơ quan tư vấn chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cộng đồng và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác khảo sát điền dã, kiểm kê, tư liệu hóa nhằm cập nhật thông tin về tình hình bảo vệ Hát Xoan giai đoạn tiếp theo của kỳ kiểm kê trước, từ tháng 2/2016 đến tháng 11/2017.
Từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 12 năm 2017, Đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh do đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tham gia phiên họp Ủy ban liên Chính phủ công ước 2003 tại Jeju. Theo đó, vào hồi 10 giờ 52 phút giờ địa phương (tức 8 giờ 52 phút giờ Việt Nam), Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ và cộng đồng quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản Hát Xoan trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp suốt 6 năm qua. Bằng đề án và kế hoạch hành động cụ thể, sự đồng thuận của các cấp, các ngành, của nhân dân và đặc biệt của các cộng đồng Xoan, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi và tạo sức sống mãnh liệt cho di sản Hát Xoan. Theo Ủy ban liên chính phủ, Hát Xoan Phú Thọ đảm bảo đủ 5 tiêu chí vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tinh thần Công ước năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Ngày 10 tháng 12 năm 2017, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức lễ dâng hương kính cáo tổ tiên về việc UNESCO công nhận “Hát Xoan Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Miếu Lãi Lèn.
Ngày 4 tháng 01 năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ năm 2018.
Ngày 24 tháng 01 năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh “Hát Xoan Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Biên tập: VTC2.vn
Bình luận của bạn