Màu ngói cũ của một thẩm mỹ không gian sống

Thứ 5, 08/12/2022, 18:47 (GMT+7)

Chia sẻ

Biệt thự – Đó không chỉ là một thuật ngữ gọi tên loại nhà ở, mà đã thành một mỹ từ hàm chứa nỗi khát khao của người Việt về không gian sống mơ ước của họ. Nó còn đóng vai trò một tính từ để mô tả chất lượng sống, thậm chí ở đây còn là một loại không gian có vẻ phù phiếm không thực dụng.

Sau hơn bảy thập niên, bức tranh kiến trúc đô thị Việt Nam dù đã thay đổi về quy mô song vẫn giữ đường dây liên kết quá khứ mang tính hậu thuộc địa. Ở các đô thị như Hà Nội, TPHCM, các di sản kiến trúc thời Pháp vẫn chiếm nhiều phần trong sự quan tâm đến quy hoạch. Các ngôi nhà “biệt thự Pháp” tại Hà Nội vẫn là một di sản đô thị, và hơn thế là một tiêu chuẩn thẩm mỹ. Không chỉ dừng ở mức độ một loại hình nhà ở, các biệt thự kiểu này đã trở thành một ý niệm văn hóa sống, nhất là khi chúng xuất hiện trong các sản phẩm sách báo, phim ảnh, thơ ca.

20a07009-01-1.jpg

 Ký họa: Số nhà 16 Góc phố Ngô Thì Nhậm – Tác giả: Đặng Viết Lộc

“Ở nhà Tây”
Một trong những tác giả văn học chú ý đến mô tả bối cảnh không gian sống của nhân vật là Nguyễn Tuân. Mặc dù ông thường được biết đến qua những truyện ngắn và tùy bút tô đậm nét sinh hoạt truyền thống có tính chất huyền hoặc như tập “Vang bóng một thời” (1939) hay “Tàn đèn dầu lạc” ông từng lấy hẳn khung cảnh một biệt thự của một nhân vật người Pháp tạo ra bối cảnh cho truyện ngắn “Lửa nến trong tranh” (Tập “Yêu ngôn” -1943). Ở đây ngôi nhà của nhân vật Rê-bít-xê, chủ đồn điền cà phê, dành hẳn một phòng riêng để làm nơi trưng bày cổ vật và treo bức tranh kỳ ảo – đối tượng chính của câu chuyện. Mặc dù chi tiết này chỉ thoáng qua, song bản thân nó đã gợi lên một sự khác biệt với kiểu cách không gian nhà phổ thông của người Việt. Đó là việc phân khu chức năng rõ ràng, và có những không gian phục vụ cho một mục đích chuyên biệt ngoài các không gian ăn, ngủ hay thờ cúng như các gian nhà truyền thống.

“Số đỏ” (1936) của Vũ Trọng Phụng hẳn nhiên là một tiểu thuyết lấy bối cảnh những ngôi nhà trung lưu của thị dân Hà Nội. Nhân vật Xuân tóc đỏ lần đầu bước vào ngôi nhà kiểu biệt thự của bà Phó Đoan đã lúng túng trước lối bài trí không quen thuộc. “Nhà Tây” hiện lên như một thế giới xa lạ với tầng lớp lao động khi ấy: “Sau mấy tiếng còi un un dữ dội nghe như tiếng gầm của một thứ lợn rừng kỳ quái, chiếc xe chờ ba phút thì có một tên gia nhân chạy ra mở toang hai cánh cửa sắt, đón xe từ từ vào sân. Những cây liễu, cây phù dung, cây xương rồng Lào, cỏ tóc tiên, những đôn sứ, những luống hoa lạ, hiện mập mờ dưới ánh đèn điện ở ngoài phố chiếu vào vườn của cái nhà Tây đồ sộ kiểu biệt thự… ngần ấy thứ kích thích rất mạnh vào tâm trí của Xuân. Lần đầu! Nó cảm thấy đời nó từ nay mà đi dễ thường đã vào một kỷ nguyên mới… Xe đỗ trước mười hai thềm xi măng. Người tài xế xuống mở cửa xe. Bà Phó Đoan cầm dù Nhật, ví da, và chó bước xuống. Ông lão thầy số cũng ôm lấy cháp, ô và chiếu… Xuân xuống sau cùng… thì chiếc xe quay vào nhà chứa xe”.

Bỏ qua những sắc thái châm biếm, rõ ràng biệt thự Pháp đã đem lại một không gian khác biệt, có cổng, sân, vườn và các không gian phân chia chức năng rõ ràng: Bậc thềm phòng khách và sau đó trong truyện là phòng ngủ đi kèm phòng tắm riêng, nơi diễn ra những hỉ nộ ái ố của các nhân vật.

20a07009-02-1.jpg

 Ký họa: Ngã tư Hàng Mã – Hàng Cân
Tác giả: Nguyễn Hoàng Lâm

Cảm thức “Văn minh”
Sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ một hai năm, Hà Nội chứng kiến cuộc hồi cư của một bộ phận cư dân. Vũ Bằng đã ghi lại cuộc trở về này qua vài nét chấm phá trong tùy bút Hà Nội trong cơn lốc (1953), ghi lại phong trào tái xây dựng nhà cửa Hà Nội theo kiểu hiện đại, các phố mới ngang bằng sổ thẳng, các biệt thự phong cách mới. Những lời kể của Vũ Bằng về kiểu dáng nhà cửa có thể kiểm chứng qua các bức ảnh cùng thời, cho thấy ảnh hưởng của phong cách Art Deco và Modernism ảnh hưởng đậm nét lên hình thức công trình, thay thế các hình thức Tân cổ điển mang dấu ấn Đế chế hay nệ cổ trước đây. Bộ phim truyện có tiếng nói hoàn chỉnh của Việt Nam là Kiếp hoa ra đời năm 1953 cũng gây chú ý khi ngoại cảnh ghi hình tại một số đường phố Hà Nội với các ngôi nhà biệt thự hiện đại. Dễ nhận ra phong cách của chúng tương tự các biệt thự khu vực hồ Thiền Quang và các phố ô bàn cờ quanh khu vực cuối phố Bà Triệu. Các biệt thự này có mái bằng, dàn hoa và hàng rào có hoa bê tông đúc, mang đậm nét phong cách thập niên 1940-1950.

Mặc dù mặt bằng tổ chức công năng và hình khối cơ bản của các biệt thự mới tuân theo các quy tắc hiện đại, nhiều biệt thự tỏ ra có nỗ lực tìm tòi các phương pháp thể hiện đặc điểm thẩm mỹ của mỹ thuật trang trí truyền thống, ảnh hưởng từ phong cách Đông Dương. Các chi tiết như hàng hiên giả mái ngói, con sơn dưới mái kiểu chồng đấu, ô cửa có song hoa hình chữ thọ, các bức phù điêu đắp nổi phong cách Art Deco phỏng theo các điêu khắc gỗ đình chùa, tạo ra một nét thẩm mỹ về tinh thần Đông Tây giao lưu. Một số ngôi nhà vẫn duy trì hình thức mái ngói dốc truyền thống, kết hợp cách tổ chức như một biệt thự hiện đại, hoặc cải lương như có một hàng hiên có những đồ án trang trí kiểu cổ điển châu Âu mà người ta gọi là “hiên Tây”. Sự đa dạng trong khai thác nét xưa cũ cho thấy trên hết là một ý thức thẩm mỹ tạo sự kết nối truyền thống, đem lại một cảm thức “văn minh” cho những hình ảnh quen thuộc có nguy cơ bị xếp vào lạc hậu. Có thể kể tới ngôi nhà 115 Hàng Bạc (KTS Phạm Hoàng Hộ) hay 84 Nguyễn Du (KTS Ngô Huy Quỳnh) điển hình cho phong cách này. Tiếc rằng số các ngôi nhà như thế này đã và đang bị phá dỡ để thay thế bằng các tòa nhà văn phòng do sức hấp dẫn của việc mua bán hoặc cho thuê bất động sản.

20a07009-03-1.jpg

 Ký họa: Biệt thự 90 Trần Hưng Đạo – Tác giả: Phạm Anh Quân

“Màu ước vọng in hình xanh nõn lá”
Biệt thự Pháp và phái sinh của nó là các ngôi nhà 2-3 tầng trong các khu phố cũ tạo ra một dữ liệu văn hóa sống mới: Những ô cửa sổ và ban công. Ngôi nhà cổ truyền ba gian hai chái điển hình thường ít cửa sổ. Đại bộ phận không có khái niệm nhìn từ gác xuống mặt đất. Những ngôi nhà trong khu phố cổ có thêm gác và một khoảng cửa nhỏ nhìn xuống đường, tuy nhiên quang cảnh nhìn ra thành phố từ một độ cao chỉ xuất hiện khi có những ngôi nhà biệt thự có các tầng trên và các nhà buôn bán mặt phố có trổ ban công ở mặt tiền. Ngay chính những ngôi nhà cao tầng mặt phố cũng được hưởng lợi từ các cây xanh trồng dọc vỉa hè, tạo ra một không gian chuyển tiếp giống như một biệt thự có vườn phía trước.

“Em ơi! Hà Nội phố
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ
Cánh tay trần trên gác cao
Mở cửa
Mùa xuân trong khung
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình xanh nõn lá”
(Em ơi Hà Nội phố – Phan Vũ)

Đoạn thơ trên trong bài thơ nổi tiếng của Phan Vũ tiết lộ một cảm hứng về “trên gác cao” với khung cửa sổ nhìn ra những tầng tán cây xanh ngoài phố. Những dư âm của hình thái biệt thự đã đem lại ấn tượng về độ rộng lẫn chiều cao của không gian sống. Trước khi các công trình nhà ở cao tầng được xây dựng (“Xây cho nhà cao cao mãi” – Những ánh sao đêm – Phan Huỳnh Điểu), biệt thự là một cách để người Việt những thập niên hiện đại hóa đầu tiên giải phóng khát vọng chinh phục không gian sống theo chiều cao. Ngay khi mảnh đất hình ống không đủ chỗ tạo khoảng giãn cách với các ngôi nhà bên cạnh, nghĩa là không thể tạo ra được một biệt thự đúng nghĩa, người Việt theo đúng mô hình trên thế giới, tìm cách gợi ra một biệt thự thứ cấp bằng cách tận dụng các khoảng sân trong hoặc giáp tường hai ngôi nhà liền kế để hình thành các biệt thự song lập.

Chiều cao của các ngôi nhà này với cầu thang được tạo thành điểm nhấn không gian với phong cách trang trí đặc sắc, gợi nhớ các biệt thự. Nhiều ngôi nhà có cầu thang được thiết kế và thi công tinh tế, bằng các chất liệu mới khi đó là xi măng đá rửa tô màu, kết hợp hoa gốm, hoa sắt và tay vịn trơn, tạo ra một mỹ cảm đặc trưng của biệt thự hậu thuộc địa ở Đông Dương: Không sa vào trang trí diêm dúa mà chắt lọc một vài chi tiết điểm vào các mảng miếng trơn ôm lấy các khối uốn lượn nhẹ nhàng. Tư duy tuyến đặc biệt quan trọng trong hệ thẩm mỹ này.

Có thể nói, sắc thái “đủ độ” đã tạo ra hồn cốt cho những biệt thự và nhà ống “giả biệt thự”. Đáng nói là trong số các biệt thự đẹp có từ trước 1954 tại Hà Nội, số biệt thự phong cách hiện đại chiếm tỉ lệ lớn. Các biệt thự kiểu cổ điển dường như ít tạo ra cảm hứng sáng tạo cho các KTS, trong khi đó các biệt thự khai thác các đặc điểm truyền thống lại kết nối với hệ thống các dinh thự hay công trình công cộng có màu sắc bản địa hóa rất nhịp nhàng. Người ta nhớ về Hà Nội một thời là nhớ không gian hòa hợp đó, với những ngôi nhà có khối tích vừa đủ nằm dưới những tán cây xanh, và quan trọng hơn cả là khoảng giãn cách đủ rộng do tỉ lệ chiếm đất của công trình không nhiều. Đáng nói là sự đồng điệu về đồ án trang trí hay chi tiết mái ngói, hoa văn lan can, cửa “trong kính ngoài chớp” giữa các biệt thự và nhà khu phố cổ đã khiến hai loại nhà này dường như giao thoa với nhau.

Câu chuyện về biệt thự hoàn toàn là một đề tài đáng khảo sát kỹ lưỡng trong sự tác động lên tâm thế của cộng đồng, khi hội tụ các khía cạnh của vấn đề hậu thuộc địa cho đến sự ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn nhân văn thế kỷ cũ. Sự ngưỡng vọng về những công trình biệt thự còn lại chính là tổng hòa của sự ngưỡng vọng về một quan niệm đô thị mà ở đó văn hóa, nghệ thuật tìm thấy cảm hứng từ không gian của chúng. Biệt thự thật sự không chiếm tỉ lệ nhiều trong quỹ nhà ở trước đây, song sức ảnh hưởng của chúng thấm vào khung cảnh chung, khiến cho những “lô xô màu ngói cũ” của biệt thự như hòa làm một với những ngôi nhà khu phố cổ. Chúng đồng cất tiếng về một thẩm mỹ chung. Khi chúng ta tìm kiếm những vẻ đẹp bình yên của Hà Nội, biệt thự cũ là một sự đảm bảo dường như chắc chắn nhất.

Nhà văn.KTS Nguyễn Trương Quý
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2020)-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác