Khánh Hòa không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp, được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, khí hậu mà còn được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc góp phần phát huy giá trị tích cực trong các mặt sản xuất và đời sống ở địa phương
Nghề làm nước mắm
Ở Khánh Hòa, nghề làm nước mắm đã có từ lâu đời. Nước mắm cá cơm của Nha Trang trong vắt, vàng ươm, có mùi thơm đặc biệt hấp dẫn. Nước mắm sản xuất ra không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn được đem bán với khối lượng lớn cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Từ lâu, các thương hiệu nước mắm Cửa Bé (Vĩnh Trường), nước mắm Chụt (Vĩnh Nguyên) của TP. Nha Trang đã nổi tiếng trên toàn quốc. Muối Khánh Hòa cũng từ lâu đã nổi tiếng có chất lượng tốt, nhất là muối Hòn Khói.
Nước mắm Nha Trang
Nghề sản xuất nước mắm tại Nha Trang cũng là nghề sản xuất chính đem lại nguồn thu nhập và cuộc sống no đủ cho ngư dân nơi đây đồng thời cũng tạo ra được công ăn việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương.
Nghề sản xuất nước mắm tại Nha Trang rất phát triển, nghề làm nước mắm được cha truyền con nối và hiện nay các thế hệ sau vẫn duy trì và phát triển nghề nghiệp của thế hệ trước. Nước mắm Nha Trang danh tiếng không những nhờ khí hậu, địa lý tại Nha Trang mà còn nhờ vào bí quyết sản xuất gia truyền có sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ của những người thừa kế nước mắm chế biến có thể đạt hàm lượng trên 40 độ đạm.
Nước mắm Nha trang được nhiều người biết đến và được cộng đồng đồng thuận là một di sản văn hóa phi vật thể cần được giữ gìn và phát triển cho nhiều thế hệ mai sau.
Nghề lưới đăng
Khánh Hòa có đường bờ biển dài, tạo thuận lợi cho nghề đánh bắt cá phát triển. Nắm bắt đặc điểm này, cách đây trên 200 năm, ngư dân thuộc hải phận Khánh Hòa đã phát kiến ra một phương pháp đánh bắt vô cùng độc đáo: nghề lưới đăng. Nghề này có quy mô lớn, lao động nhiều, sản lượng cao lại chủ yếu là cá ngon nhưng không phải di chuyển dàn lưới mà chỉ cắm, đón lõng ở những nơi cố định chờ cá đến.
Độc đáo nghề lưới đăng
Lưới đăng đan bằng xơ dừa hoặc vỏ cây mấu lấy trên rừng đem về ngâm nước, đạp tơi ra, tước thành sợi nhỏ rồi đánh thành nhợ. Neo bằng đá hoặc gỗ. Từ lưới đến dây, phao ganh, neo chẳng đều làm bằng vật liệu tự tạo như thế nên không được bền chắc, mỗi mùa chỉ dùng được đôi ba tháng. Kỹ thuật đánh bắt cũng rất đơn giản. Người ta buộc dây từ gành ra khơi một quãng dài trên dây buộc lòng thòng xuống nước các thứ lá cây, rong biển hay các cành khô để chắn cá. Bầy cá đi chuyển tới đó, gặp chướng ngại vật phải vòng ra xa, mấy chiếc ghe câu đã thả lưới chờ sẵn, gặp bầy cá tới là họ cứ việc đứng ở mũi ghe kéo hai đầu lưới lên như kéo rớ.
Dần dần, lưới đăng phát triển thành một đại hải nghệ, có năng suất và lợi tức cao nhất trong ngành ngư nghiệp của tỉnh Khánh Hòa, nay chỉ còn trên dưới chục sở đầm hoạt động, chủ yếu ở các làng đảo Khải Lương (Vạn Ninh) và Bích Đầm (Nha Trang).
Nghề đánh bắt cá
Đếm cá.
Ở Khánh Hòa có trên 30 loại nghề đánh bắt cá. Quan trọng nhất là các nghề lưới rê như cản lộng, cản ba lường, lưới cước, lưới chuồn, lưới tôm; Thứ đến là nghề câu; Tiếp theo là mành đèn, giã tôm, giã cá. Hàng năm, từ tháng Chạp đến tháng 5 âm lịch, các loài cá khơi có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá bò từ vùng biển phía Nam di cư lên phía Bắc thường đi dọc theo chân các gành đảo trong lộng. Nghề đánh bắt cá tạo việc làm và thu nhập cao cho đông đảo người dân địa phương.
Nghề khai thác yến sào
Đu dây xuống hang Du Hạ (hòn Nội) để thu yến
Đã từ lâu, trên một số đảo ngoài khơi Khánh Hòa có loài chim yến sinh sống. Chim yến làm tổ trên các vách đá trong các hang của đảo yến. Tổ yến (yến sào) được làm bằng nước bọt của chim yến tiết ra trong mùa làm tổ, đẻ trứng. Theo dân gian truyền lại, nhân dân địa phương đã biết khai thác yến sào trên các đảo ngoài khơi Khánh Hòa từ vài ba trăm năm nay. Người thợ lấy tổ yến, tiếng nghề gọi là dân sào chĩa, thường là cha truyền con nối và phải hội đủ các phẩm chất cần thiết như can đảm, dẻo dai, tinh nhanh, cẩn thận. Suốt ngày đu mình trên những giàn giáo cheo leo dựng bằng tre lồ ô từ chân sóng đến trần hang cao hàng chục mét hay bám chặt những sợi dây chão lần xuống vực sâu thăm thẳm chỉ nghe dội lên liên hồi tiếng sóng xô đập ầm ào hung dữ như muốn nuốt chửng mọi thứ, nghề khai thác yến sào thực sự là một nghề gian khổ và nguy hiểm.
Nghề đan tre
HTX Vĩnh Phước (Khánh Hòa)
Các nghề chế biến lâm sản có nghề mộc gia dụng, nghề đóng ghe thuyền, nghề đan lát mây, tre, lá buông. Ghe nan, thúng chai là sản phẩm của nghề đan tre Khánh Hòa dùng để đi lại trên sông biển. Dân các vùng Ninh Đa, Ninh Hà, Xuân Sơn (Ninh Hòa), Diên Điền, Diên Sơn (Diên Khánh) biết lấy cây mấu trong rừng để đan võng. Trong các chùa và một số gia đình ở thị trấn Thành, Vạn Giã, Ba Ngòi có nghề làm nhang. Dân các xã Cam Tân, Cam Phúc (Cam Ranh), Suối Tân, Suối Cát, Diên Sơn, Diên Điền (Diên Khánh) có nghề chằm nón lá. Ở Suối Dầu (Diên Khánh), Đồng Bò (Nha Trang) trước đây có nghề đốt than. Ninh Hòa và Vạn Ninh là nơi có nghề khai thác trầm kỳ, có nhiều người đi điệu (đi tìm trầm) lâu năm.
Nghề gốm
Làng nghề gốm Lư Cấm
Các nghề sản xuất vật liệu xây dựng có nghề khai thác đá chẻ ở vùng Tân Dân (Vạn Ninh); Đá Chẹt, Đồng Bò (Nha Trang). Đá hoa cương (gra-nít) có nhiều ở các núi dọc duyên hải miền Trung. Nghề đóng gạch, ngói, nghề nung vôi từ san hô tập trung ở Diên Khánh, Ninh Hòa và Nha Trang. Trước khi có gạch thẻ và ngói tây thì ghè ống (loại gạch có hình trụ) và ngói móc hay ngói âm dương là những sản phẩm độc đáo của các lò gạch cổ ở Lư Cấm, Ngọc Hội (Nha Trang). Ở thôn Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp, Nha Trang) có nghề làm đồ gốm rất lâu đời, nay còn bảo lưu nhiều địa danh cổ như xóm Gốm, xứ Gò Gốm. Đình Lư Cấm nguyên trước đây là miếu Đồng Lư bổn thợ thờ ông tổ nghề gốm ở địa phương. Đã có một thời Lư Cấm là nơi cung cấp sản phẩm gốm cho toàn khu vực Nha Trang và phụ cận… Mặt hàng gốm thô sản xuất ở đây khá đa dạng nhưng nay chỉ còn sản xuất các loại lò than và lò củi. Ở Nha Trang và Ninh Hòa còn có nghề tạc bia đá và nghề làm cối đá xay bột.
Nghề đúc đồng
Nghề Đúc Đồng Diên Khánh.
Nghề đúc đồng, nhôm có ở Phú Lộc (Diên Khánh), nghề đúc gang ở Hà Ra (Nha Trang). Đồng nát, nhôm, gang phế thải sau khi được thu gom đem về nấu chảy trong lò làm bằng đất sét chịu lửa, khử tạp chất rồi rót vào các khuôn cũng làm bằng đất sét. Sản phẩm đúc hồi đó, về đồng có chuông, tượng, mâm, thau, bộ lư đèn; Về nhôm có nồi, xoong; Về gang có chảo, lưỡi cày… Nghề rèn có ở nhiều nơi, sản xuất ra các loại xẻng, lưỡi cuốc, dao, rựa, câu liêm… Ở Chụt, Cầu Đá (Nha Trang) có nghề thủ công độc đáo làm đồ mỹ nghệ bằng vỏ hải sản. Những cái vỏ sò, vỏ ốc tưởng chỉ có thể vứt đi, nhưng với bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân Nha Trang, chúng đã trở thành những mặt hàng trang trí, kỷ niệm có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao.
Nghề dệt chiếu
Làng dệt chiếu truyền thống Mỹ Trạch
Nghề dệt chiếu cói ở Vĩnh Thạnh, Ngọc Hiệp (Nha Trang) vẫn còn tồn tại như thách thức với sự tan rã của nhiều nghề thủ công khác. Hàng năm các hộ gia đình làm nghề dệt chiếu ở đây vẫn sản xuất và cung cấp cho thị trường cả trăm ngàn tấm chiếu các loại từ mẫu chiếu hoa cờ, hao dâu, hoa khúc đến chiếu tân hôn, chiếu nôi em bé… Ở vùng biển như Đại Lãnh, Đầm Vân, Chụt có nghề đan lưới; Ở Ninh Hòa trước đây có nghề dệt đệm buồm. Nghề trồng bông dệt vải, khăn với khung cửi bằng gỗ cũng có rải rác ở nhiều nơi trong tỉnh. Những nơi có nghề dệt vải thường có thêm nghề thêu ren. Nghề may thường có ở các thị tứ, thị trấn.
Bảo Ngọc (TH)
Bình luận của bạn