Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng tọa lạc tại đường Nguyễn Chí Thanh, P6, TP. Sóc Trăng, nằm đối diện với Trường Bổ túc Văn hóa Trung cấp Pali Nam Bộ, với diện tích 2.344 m2, gồm 02 phân khu: khu trưng bày hiện vật chiếm 368 m2, còn lại là sân và khu văn phòng mới được xây dựng sau này. Đây chính là nơi lưu giữ tổng hợp các hiện vật sinh động và đa dạng về đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất, sinh hoạt của cả dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Khmer vùng ĐBSCL nói chung.
Địa chỉ: 23 Nguyễn Chí Thanh, Phường 6, Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3822 983
Tỉnh: Sóc Trăng
Được khởi công xây dựng vào năm 1936, Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng khánh thành năm 1941 với tên gọi Hội Samacum, là nơi hội họp của đồng bào sư sãi Khmer Nam bộ. Dưới thời thực dân Pháp được đổi tên là Hội đào tạo trí thức Khmer Nam bộ và bắt đầu mở Trường trung học dạy tiếng Khmer - Việt - Pháp. Đến thời Ngô Đình Diệm thì việc mở các lớp học chữ Khmer bị nghiêm cấm. Giai đoạn 1955-1960 hầu hết các trường ở ĐBSCL đều bị đóng cửa. Đến năm 1986, Sở VHTT Hậu Giang tiếp nhận nơi này làm Nhà Truyền thống Khmer. Năm 1992, khi được chia tách thành tỉnh Sóc Trăng (từ tỉnh Hậu Giang cũ), Nhà Truyền thống Khmer được nâng cấp lên thành Bảo Tàng Văn hoá Khmer và sau này được xát nhập với Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng với tên gọi Phòng Trưng bày Văn hoá Khmer Sóc Trăng.
Ở Sóc Trăng, dân tộc Khmer chiếm gần 30% dân số của toàn tỉnh, người Khmer sống chủ yếu bằng nghề nông, có mức sống trung bình, nhưng đời sống văn hóa, tinh thần của họ rất đa dạng và phong phú được thể hiện rỏ nét qua hơn 470 hiện vật, mô hình được trưng bày tại nơi đây. Từ các nông cụ thủ công đơn sơ: vòng gặt lúa, nọc cấy và chuôi vòng gặt được làm bằng chất liệu sừng và trang trí hình học và hình mỏ chim, cày, bừa, trục; Mô hình nhà ở kiểu nhà sàn và những mô hình lao động sản xuất xưa của người Khmer như: làm mộc, làm đồng, dệt vải, dệt chiếu; Vật dụng dùng để đánh bắt cá chủ yếu được làm bằng tre như Chneng (người nữ sử dụng để bắt cá, tép). Ngrút (nôm) được người nam sử dụng đánh bắt cá to; Dụng cụ lấy lửa làm bằng chất liệu gỗ; Hộp đựng trầu cau, lọ vôi tập thể, bình trà và hộp thuốc bằng sừng và rễ cây, bình chứa nước thơm (dùng để vẩy vào các tín đồ ban phước lành, còn một số gia đình ướp nước thơm để tiếp khách), mô hình lò thêu, mô hình quan tài đại đức; Những đồ dùng sinh hoạt của sư như: Bình bát khất thực, cà men, quạt thomer, trang phục của sư, gối tựa bên hong và ghế thuyết pháp dùng cho các vị sư ngồi thuyết pháp trong các ngày lễ; Huân chương kháng chiến của nhà sư yêu nước - Đại đức Trần Kế An - giữ chức vụ PCT. QH lên án chính sách đồng hoá dân tộc của Mỹ Diệm; Những bộ trang phục truyền thống của người Khmer....
Nghệ thuật điêu khắc được xem là một phần gắn kết với đời sống của người dân Khmer phục vụ nhu cầu thẩm mỹ từ những đồ dùng để sinh hoạt hằng ngày với những hình tượng con vật được tạo nên từ gỗ, gáo dừa của nghệ nhân Trần Sẹn ở xã Đại Tâm - huyện Mỹ Xuyên khắc tạo; Hiện vật biểu trưng cho hình tượng đất nước và con người, được Đại đức Cao Túch sáng tạo và chạm trổ chạm khắc cách đây khoảng 200 năm thể hiện quan niệm sâu xa về nguồn gốc lịch sử con người, về thế giới xung quanh và nghệ thuật điêu khắc cũng được các nghệ nhân chế tác ngay trên đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như: trên ống điếu, trên những cây gậy bằng gỗ và tre cách đây hơn 100 năm.
Đời sống văn hóa tinh thần của bà con Khmer được thể hiện sâu sắc, phong phú thông qua sự đa dạng của các hiên vật như: mô hình nghệ thuật sân khấu Rô băm (lấy nghệ thuật múa là ngôn ngữ đóng vai trò chính yếu, tuồng tích được rút ra từ các truyền thuyết nhuốm màu thần thoại, nổi tiếng từ xa xưa), Dù kê (thuộc thể loại kịch hát Khmer ra đời ở ĐBSCL vào khoảng những năm 1929-1930, trên cơ sở thừa hưởng từ nghệ thuật sân khấu Rô băm). Chính sự ra đời của nghệ thuật sân khấu tạo điều kiện cho âm nhạc phát triển với nhiều loại nhạc cụ được sáng tạo rất phong phú và đa dạng: Phlêng Pinpét (hay còn gọi là dàn nhạc ngũ âm do trong biến chế dàn nhạc gồm có 05 chất liệu: đồng, gỗ, sắt, da, hơi; Bộ trống Chhayam (chỉ dành riêng cho nam), dàn nhạc môhôri (là dàn nhạc dây thường được sử dụng trong đám cưới, trong sân khấu Dù kê và các nghi lễ khác), Chapây chomriêng (là một loại đàn có thể độc tấu)... cùng với mô hình ngôi chính điện, đèn nước, ghe Ngo, hình tượng chim thần Krút, tượng Êra, Kâyno được đặt dưới các mái hiên chùa, tất cả đều được chạm trổ rất tinh tế thể hiện sâu sắc tinh thần, sắc thái dân tộc Khmer; Bản đồ mạng lưới chùa và dân cư Khmer tỉnh Sóc Trăng...
Trong khu vực ĐBSCL, cùng với Bảo Tàng tỉnh, Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng có thể được xem là một trong những điểm trưng bày tiêu biểu, còn lưu giữ được các hiện vật thể hiện rỏ bản sắc văn hóa, tinh thần, quá trình phát triển cuộc sống của dân tộc Khmer./.
Bình luận của bạn