Phủ Tây Hồ - Những điều chưa biết: Lịch sử và giới thiệu khái quát.

Chủ nhật, 26/02/2023, 14:24 (GMT+7)

Chia sẻ

Phủ Tây Hồ toạ lạc trên doi đất hình Kim quy, bên trái có long chầu, bên phải có hổ phục. Đất này thuộc thôn Bảo Khánh, ấp Tây Hồ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức nay thuộc địa phận phường Quảng An, quận Tây Hồ.

phu-tay-ho-4-1.jpg

Nếu hồ Tây là đất thiêng liêng của Thăng Long thì ấp Tây Hồ là đất thiêng của hồ Tây. Ấp Tây Hồ là trung tâm của Hồ Tây, là nơi có không gian kiến trúc liên hoàn nổi tiếng gồm đình Tây Hồ, chùa Tây Hồ, đền Kim Ngưu, đền Bảo Khánh, phủ Tây Hồ, văn chỉ huyện Vĩnh Thuận. Rất tiếc văn chỉ huyện Vĩnh Thuận, Đền Kim Ngưu đã bị huỷ hoại hoàn toàn. Phủ Tây Hồ nổi tiếng trong cả nước bởi sự linh thiêng và phong cảnh tuyệt vời của nó. Câu đối trong phủ đã nói lên tất cả:

Long hổ phùng nghênh tứ diện hoa hoàn thuỷ nhiễu.

Quy xà hình thế ức niên nhân kiệt địa linh.

Tạm dịch:

Rồng hổ bái châu bốn mặt hoa thơm nước biếc

Rắn rùa tạo thế ngàn năm người giỏi đất thiêng.

Hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu về Tứ bất tử, về Mẫu Liễu Hạnh và phủ Tây Hồ. Người đi tiên phong trong việc tạo thần là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748). Với ngòi bút tài hoa của mình, Hồng Hà nữ sĩ làm cho mọi người tin Trạng Bùng gặp tiên ở Tây Hồ là thực: vào một ngày đầu hè đẹp trời, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan rủ Cử nhân họ Ngô và Tú tài họ Lý lãng đãng đi chơi hồ Tây. Ba vị say sưa ngắm cảnh, uống rượu, ngâm thơ. Họ cứ theo bờ bên đông mà đi, chẳng bao lâu đã đến ấp Tây Hồ. Từ xa hiện ra lâu đài mờ ảo lẫn trong sương nào khác bồng lai tiên cảnh. Trước lâu đài đề bốn chữ “Tây Hồ phong nguyệt” (gió trăng Tây Hồ). Vừa hay có một mỹ nữ mặc áo hồng hiện ra mời chào khách vào thăm quán, thưởng thức món cá đặc sản của Tây Hồ. Hỏi ra Trạng Bùng biết đây là quán của Liễu Hạnh công chúa. Họ vào quán và được chủ tươi cười niềm nở đón tiếp, cùng nhau ngâm vịnh đến khuya mới chịu chia tay.

Vài tháng sau, thày trò Trạng Bùng lại đến ấp Tây Hồ nhưng không thấy lâu đài nhà cửa gì cả, chỉ thấy hồ nước mênh mang, trúc reo, liễu rủ. Họ chợt tỉnh ngộ vài tháng trước đã gặp tiên, tỏ ra luyến tiếc vô cùng.

Chuyện gặp tiên, nhớ tiên cho xây lầu Vọng Tiên đã có tiền lệ từ thời Lê Thánh Tông. Nay họ Phùng gặp tiên nhớ tiên cho xây phủ Tây Hồ là học theo người trước mà thôi.

Hiện có ba kiến giải về việc xây dựng phủ Tây Hồ. Đó là:

- Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1523 - 1613) sau khi gặp Liễu Hạnh công chúa ở hồ Tây cho lập phủ để kỷ niệm.

- Triều Lê lập phủ Tây Hồ để dân Thăng Long tỏ lòng ngưỡng mộ Mẫu Liễu.

- Do dòng họ Trần Lê (dòng họ Liễu Hạnh) xây dựng.

Thực ra ba quan niệm đó chưa đủ sức thuyết phục. Đó chỉ là dự đoán, hiện chưa có sách nào khẳng định như thế. Các sách viết về Thăng Long - Hà Nội như: Thăng Long cổ tích khảo, Hà Thành linh tích cổ lục, Long Biên bách nhị vịnh, Đồng khánh dư địa chí, Tây Hồ chí... đều không chép về phủ Tây Hồ. Nếu phủ Tây Hồ linh thiêng nổi tiếng ngay từ xưa thì vì lý do gì các sách lại lờ đi không ghi chép.

Các tư liệu Hán - Nôm hiện có ở phủ Tây Hồ như bia đá, chuông, sắc phong, hoành phi, câu đối cũng chỉ xuất hiện vào cuối thời Nguyễn mà thôi. Có điều các bia đá không nói gì đến phủ mà chỉ nói đến văn chỉ huyện Vĩnh Thuận, chùa Hoàng Ân, đền Bảo Khánh. Quả chuông có niên đại Duy Tân thứ sáu (1912) được treo ở phủ đề: Bảo Khánh từ chung (chuông chùa Bảo Khánh). Hai tấm bia đá dựng ở trong phủ cũng có tiêu đề:

Bảo Khánh bản thôn chư tộc gia tiên công liệt vị

Nghĩa là:

Bài vị các cụ tổ dòng họ của thôn Bảo Khánh, tạo năm 1928.

Bảo Khánh thôn linh từ bi hậu ký

Nghĩa là:

Bài ký bia hậu thần đền thôn Bảo Khánh, tạo năm 1937.

Như vậy, phủ Tây Hồ cũng là đền Bảo Khánh chăng? Nếu không vì sao các cụ tổ của làng lại được thờ ở đây. Cũng có khả năng năm 1947 giặc Pháp thiêu huỷ cả làng Tây Hồ, sau dân làng xây dựng lại phủ nên đã đưa bài vị tổ tiên vào thờ chung ở phủ.
Về mặt kiến trúc phủ Tây Hồ hoàn toàn mang phong cách hiện đại, chất liệu bê tông giả gỗ. Phủ chia làm hai toà riêng biệt.


Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Xem thêm: Chuyện về phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ nằm ở làng Tây Hồ. Làng này là dải đất ăn ra hồ Tây. Thời Lý, Trần do có vị trí đẹp, khí hậu tốt nên các vua xây cung ở đây nghỉ ngơi mới có tên là xóm Cung, rồi cung đổ nát, các quan xây phủ, dân quanh vùng gọi là xóm Phủ.

Đời Hậu Lê, làng là nơi binh sĩ triều đình luyện tập bắn cung vì thế làng lại có tên Trường Bắn. Sau 1954, xóm Cung đổi thành Quảng Khánh và làng Tây Hồ nay thuộc phường Quảng An quận Tây Hồ. Xưa dân Tây Hồ chủ yếu làm ruộng, hái sen và đánh bắt cá hồ Tây. Trong làng có vài nhà làm nghề xe chỉ, có nhà làm “bùa tua bùa túi” tức là khâu các quả bằng mụn vải nhiều màu sắc cho trẻ đeo vào dịp Tết Đoan ngọ.

Đầu thế kỷ XX, Tây Hồ có thêm nghề mới là trồng hoa và quất chơi Tết. Quất thì nhiều làng trên đất Việt Nam trồng nhưng trồng quất ép quả chín vàng vào đúng dịp Tết thì chỉ có dân Tây Hồ làm được. Và từ Tây Hồ, trồng quất chơi Tết lan ra Tứ Liên. Dù quất cảnh chơi Tết lan tỏa khắp nơi nhưng người ta biết đến làng Tây Hồ vì phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh.

Theo nghiên cứu và công bố năm 2008 của Chu Xuân Giao và Phan Lan Hương (viện Nghiên cứu văn hóa), sau đó là nghiên cứu khá toàn diện của Chu Xuân Giao đã đưa ra quan điểm khác. Từ đọc các văn bản liên quan, đi thực tế, đọc các câu đối và cả các sắc phong ở phủ, Chu Xuân Giao đi đến kết luận: “Định thuyết trước nay cho rằng phủ Tây Hồ được xây dựng vào thế kỷ XVI là không có cơ sở tư liệu vững vàng; nói cách khác không thể có phủ Tây Hồ từ thế kỷ XVI”.

Cũng theo ông Chu Xuân Giao thì phủ Tây Hồ như ngày nay được hình thành rất muộn, có lẽ là vào giai đoạn cuối của thời Nguyễn (thời Bảo Đại, thậm chí có thể là trong thập niên 1940). Ông Giao đưa ra mốc thời gian năm 1943 vì năm này có một cuộc đại trùng tu tại khuôn viên phủ ngày nay. Bởi vậy, có thể bức hoành phi mang niên đại 1943 đã được dâng tiến trong hay sau cuộc trùng tu đó.

Thêm nữa, cùng năm 1943, người trưởng họ Trần ở Tiên Hương, tỉnh Nam Định là Trần Cung Phức cũng đã dâng tiến phủ Tây Hồ một đôi câu đối có ghi niên đại rõ ràng (mùa xuân năm Qúy Mùi niên hiệu Bảo Đại). Ông Chu Xuân Giao kết luận: “Phải chăng lần trùng tu năm 1943 là lần trùng tu mang tính quyết định, đã tạo ra sự chuyển đổi một cách cơ bản về nội dung tín ngưỡng của ngôi đền Bảo Khánh linh từ, đưa nó sang thành dạng như phủ Tây Hồ ngày nay”.

Bảo Khánh linh từ là ngôi đền của thôn Bảo Khánh, bên cạnh đền này có một ngôi chùa nhỏ. Một cách chính xác: Cả khuôn viên phủ Tây Hồ ngày nay được gọi chung là Bảo Khánh linh từ. Trong linh từ đó, có phần thờ thần (bên đền) và phần thờ Phật (bên chùa). Nhưng, vì sao Bảo Khánh linh từ lại chuyển thành phủ Tây Hồ? Ai đã bỏ tiền xây dựng? Tại sao đang gọi là đền lại chuyển sang gọi thành phủ? Hai câu hỏi trên chưa có lời giải đáp còn câu thứ ba thì Chu Xuân Giao giải thích: “Bản thân chữ “phủ” như trong cách gọi “phủ Giầy”, “phủ Tây Hồ” hay “phủ Na”… không thấy xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí”.

Chu Xuân Giao cho rằng chắc chắn trước thế kỷ XVIII, chữ “phủ” hay “phủ thờ” đã rất thông dụng trong tiếng Việt. Trong cuốn Mặt gương Tây Hồ nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc nhận định: “Những nơi thờ mẫu gọi là đền nhưng đặc biệt những nơi có liên quan mật thiết với Mẫu Liễu Hạnh (nơi sinh, nơi hiển thánh)… thì gọi là phủ”. Lý giải đó nghe hợp lý.

Nguyễn Ngọc Tiến

Bình luận của bạn

Tin khác