Bảo tồn các giá trị truyền thống của làng Việt trong quá trình phát triển

Thứ 2, 12/12/2022, 07:31 (GMT+7)

Chia sẻ

Cùng với quá trình phát triển của đất nước, làng Việt đang chuyển mình và có những diện mạo mới. Đó có thể là sự đổi mới các nghề thủ công truyền thống, là sự chuyển đổi của cơ cấu kinh tế mà ở đó, vai trò của sản xuất nông nghiệp dần được thay thế bởi các hoạt động phi nông nghiệp, hay cấu trúc xã hội đang từng bước bị thay thế bởi những hệ thống mới xuất phát từ ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa… Một biểu hiện rõ nét nhất cho sự thay đổi của làng Việt là sự mất đi của những di sản truyền thống và những giá trị cốt lõi của làng được tích tụ, lưu truyền từ hàng trăm năm qua. Bảo tồn các giá trị truyền thống của làng Việt trong quá trình phát triển thực sự là một thách thức lớn. Để tìm ra chìa khóa giải quyết vấn đề này, cần phân tích những vấn đề cốt lõi chi phối sự tồn tại và phát triển của làng Việt.

Làng trong tổ chức xã hội của người Việt
Làng là đơn vị tụ cư truyền thống lâu đời ở nông thôn Việt Nam, nơi bao đời nay người Việt cư trú, lao động sản xuất và tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần. Làng là nơi cố kết quan hệ dòng tộc, xóm giềng, hình thành nếp sống cộng đồng riêng có, tạo ra văn hóa làng, một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

18a02029-tckt-cn-01-1.jpeg

 Xây dựng nhà mới phá vỡ khung cảnh truyền thống tại làng Cự Đà

Làng là một thiết chế xã hội của nông thôn Việt Nam, có cơ cấu tổ chức phong phú nhưng chặt chẽ, có tính cộng đồng và tự trị cao. Một mặt làng Việt mang tính khép kín, bản vị, song nó lại chính là nơi lưu giữ, bảo vệ văn hoá làng chống lại sự xâm lăng, đồng hoá của văn hoá ngoại lai. Cộng đồng dân cư sống trong làng biết cách giảm sự can thiệp từ bên ngoài vào làng, thậm chí đối với cả sự can thiệp của chính quyền trung ương thời phong kiến, thể hiện ở thành ngữ “Phép vua thua lệ làng”.

18a02029-tckt-vn-02-1.jpeg

 Cổng làng Đường Lâm – ảnh Lê Bích

Ở Việt Nam, làng trở nên quan trọng vì nó gắn liền với mối liên kết cộng đồng: Dòng họ, phe giáp, phường thợ. Làng cũng là nơi tụ cư của một cộng đồng về văn hóa xã hội với các phong tục, tập quán chặt chẽ, các giá trị và chuẩn mực chung về sinh hoạt, lối sống, tâm lý, tư tưởng, đạo đức, phương thức ứng xử trong gia đình, cộng đồng cũng như phương thức ứng xử với tự nhiên, môi trường sinh sống… Mỗi làng đều thờ một vị thần được tôn làm Thành Hoàng làng, biểu trưng cho “sự thống nhất vận mệnh” của cả cộng đồng, cai quản và bảo vệ cho cuộc sống của tất cả mọi thành viên trong làng. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng, hội làng là biểu hiện của tính toàn thể, tính thống nhất, tính riêng biệt của cộng đồng làng.

Trong quá trình tồn tại của làng Việt, do ảnh hưởng của những tác động từ bên ngoài hoặc do những nhu cầu biến đổi tự thân, làng luôn có xu hướng thay đổi và chuyển hóa. Có thể nói không có làng Việt bất biến mà chỉ có làng Việt biến đổi nhiều hay ít để thích nghi với những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Vì thế không nên nhìn nhận làng Việt như một cơ chế cố định, cô lập và bất biến mà phải coi làng Việt như một cấu trúc động luôn luôn chịu sự tác động của các mối quan hệ bên trong, bên ngoài, và luôn luôn biến đổi, chuyển hóa theo tiến trình lịch sử.

18a02029-tckt-vn-03-1.jpeg

 Làng Cót, Hà Nội – ảnh Lê Bích

Nhìn nhận, đánh giá làng Việt truyền thống từ góc độ giá trị
Làng Việt được nhận diện và đánh giá bởi một hệ giá trị đa dạng, tổng hòa, đã được tích tụ, lưu truyền trong suốt quá trình hình thành, tồn tại của nó. Việc đó bắt nguồn từ việc nhận diện các giá trị của quá khứ tạo nên bản sắc, đặc trưng của mỗi ngôi làng, đó là hệ giá trị tổng hợp trong đó có cấu trúc không gian làng xã truyền thống, những công trình kiến trúc và cảnh quan cùng toàn bộ cuộc sống cộng đồng dân cư với mối quan hệ sinh thái bền vững. Mỗi làng đều có những đặc trưng riêng, phụ thuộc nhiều vào việc cải tạo và thích ứng với môi trường tự nhiên ở đó.

Bên cạnh việc lợi dụng các yếu tố, điều kiện thuận lợi của tự nhiên, thì ngay từ xa xưa, các cộng đồng dân cư trong làng xã cũng luôn phải tìm cách ứng phó và thích nghi với những tác động bất lợi của tự nhiên (khí hậu, thời tiết, gió bão, tố lốc, lũ lụt, hạn hán…) để bảo vệ sản xuất và cuộc sống của chính họ. Trong quá trình ấy, các cộng đồng cư dân làng xã ngày càng tích lũy kinh nghiệm để chung sống hài hòa và tận dụng tốt hơn các điều kiện tự nhiên. Những tri thức đó cũng được ứng dụng vào các sinh hoạt xã hội, cộng đồng và các hoạt động khác như làm nhà, tổ chức không gian làng xóm, nghi lễ… Đây chính là những yếu tố tạo nên giá trị cho từng ngôi làng. Giá trị này được ghi nhận, “kiểm chứng” và có sức sống trường tồn. Và chính mối quan hệ mật thiết, hài hòa với tự nhiên trong sản xuất cũng như trong đời sống đã tạo ra cho các cộng đồng dân cư những giá trị văn hóa, tinh thần hết sức phong phú, sáng tạo. Thiên nhiên trở thành một phần trong đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của con người. Sự gắn bó mật thiết với tự nhiên, tôn trọng tự nhiên, vừa ứng phó vừa hòa hợp với tự nhiên để sinh tồn và phát triển – là một trong những triết lý làm điểm tựa cho sự tồn tại và phát triển của làng Việt.

18a02029-tckt-vn-04-1.jpeg

 Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội – ảnh Lê Bích

Nhìn nhận ở góc độ khác, chính các không gian, kiến trúc làng truyền thống do con người tạo nên trong quá trình thích nghi với tự nhiên lại tác động lại tới con người, là môi trường nuôi dưỡng, phát triển nhân cách, tạo ra bản sắc của một cộng đồng sống trong môi trường đó. Và những bản sắc cộng đồng hay còn gọi là bản sắc vùng miền đó chính là nhân tố quan trọng của phát triển bền vững.

Những nguy cơ phá vỡ hay làm mất mát các giá trị truyền thống.
Sự thay đổi mạnh mẽ trong quá trình phát triển tất yếu của làng xã đã mang lại các tác động tích cực về đời sống kinh tế, cơ sở hạ tầng xã hội và các giá trị tinh thần theo xu hướng hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện những nguy cơ phá vỡ cấu trúc và tác động tiêu cực tới giá trị truyền thống của làng từ nhiều góc độ khác nhau.

  • Tác động của xu thế “hiện đại hóa”, “đô thị hóa”, “toàn cầu hóa”
    Văn hóa làng đã hình thành trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, xã hội của người dân với các giá trị vật chất như cấu trúc không gian, hệ thống kiến trúc, đường làng, ngõ xóm… và giá trị tinh thần như lệ làng, hương ước, tín ngưỡng, lễ hội… đặc trưng riêng của mỗi làng. Mặc dù văn hóa làng đã trở thành một phần bản sắc, nền móng của văn hóa Việt Nam, nhưng nhu cầu đổi mới, phát triển hay xu thế hội nhập vẫn là một quá trình tất yếu, mà trong đó, các yếu tố của văn hóa công nghiệp và văn hóa đô thị có thể chiếm ưu thế so với các yếu tố văn hóa truyền thống bản địa. Trong trường hợp Việt Nam, đã có những “đụng độ” nhất định trong việc hội nhập, bởi sự trái ngược khá rõ giữa văn hóa công nghiệp và văn hóa làng (giữa tính nguyên tắc, kỷ luật và tính xuề xòa tùy tiện; giữa tư duy logic và sự cảm tính; giữa trọng lý với trọng tình…).

18a02029-tckt-vn-05-1.jpeg

 Thôn Miêng Thượng, Ứng Hòa, Hà Nội đã trở thành “làng tỷ phú” với các biệt thự san sát nhau

  • Tác động của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội
    Việc cải thiện, xây dựng và “hiện đại hóa” các cơ sở hạ tầng trong làng truyền thống như thay thế đường gạch vỉa nghiêng bằng đường bê tông, xây mới các kiến trúc cao tầng xen lẫn hay thay thế các ngôi nhà cổ, bê tông hóa kiến trúc, “trẻ hóa” di tích, thu hẹp các không gian xanh, mặt nước… đã phá vỡ cấu trúc và cảnh quan không gian làng. Xây những ngôi nhà cao tầng kiểu nhà phố khép kín với rất ít sân vườn, cây xanh, không chỉ lạc lõng trong không gian làng, mà còn mất đi tính cộng đồng và sự gắn bó hữu cơ với môi trường thiên nhiên trong lối sống ở làng xã.
    Ở các làng nghề truyền thống, việc tổ chức sản xuất tập trung, cơ khí hóa các công đoạn trong quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công đã làm thay đổi khung cảnh sản xuất truyền thống, làm mất đi những giá trị đặc thù của các sản phẩm, là những giá trị văn hóa hiện hữu của làng. Bên cạnh đó, việc tập kết vật liệu, xả chất thải sản xuất không được kiểm soát đã gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường của làng xã.

18a02029-tckt-vn-07-1.jpeg

 Đường làng Đồng kỵ được mở rộng

18a02029-tckt-vn-06-1.jpeg

 Vận chuyển vật liệu để sản xuất tại đường làng Cự Đà

Tại những ngôi làng giàu bản sắc đã trở thành điểm đến của nhiều du khách, các hoạt động dịch vụ du lịch tất yếu diễn ra một mặt là yếu tố tích cực để quảng bá văn hóa, tăng thu nhập của người dân và phát triển kinh tế địa phương, nhưng mặt khác nó cũng tạo ra nguy cơ ảnh hưởng và phá vỡ những giá trị vốn có của làng. Các cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông mới, nhà hàng, nơi lưu trú, bãi xe, nhà vệ sinh… đã và đang xuất hiện nhanh chóng, thiếu kiểm soát, đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến không gian, diện mạo kiến trúc truyền thống của làng và giảm dần sức hút du khách.

  • Sự hạn chế trong nhận thức
    Các giá trị truyền thống tốt đẹp của làng xã luôn được các tổ chức có trách nhiệm và các nhà nghiên cứu đánh giá đầy đủ, trân trọng và nỗ lực gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, một số người dân là chủ thể của văn hóa làng lại không có nhận thức đầy đủ dẫn đến những hành vi vô tình xâm hại đến giá trị truyền thống của chính nơi mình sinh sống. Lối sống thực dụng, chỉ chú trọng lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, dẫn đến các việc như: Lấn chiếm, xâm phạm đất đai của di tích, xây dựng tùy tiện phá vỡ cảnh quan làng, thương mại hóa các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, “buôn Thần bán Thánh” để trục lợi… vừa tác động trực tiếp đến những yếu tố vật thể hiện hữu liên quan đến giá trị truyền thống, vừa làm mất đi những hình ảnh, môi trường văn hóa tạo sắc thái đặc trưng của làng.

Các hoạt động văn hóa truyền thống trong làng như lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cũng có nguy cơ biến đổi, chuyển hóa nếu không có nhận thức đầy đủ. Những cách tổ chức chỉ nhằm mục đích kinh doanh, dịch vụ như khoán thu, đấu thầu tổ chức lễ hội, không những không giữ được những giá trị tinh thần cốt lõi mà còn làm thay đổi, biến dạng những hoạt động truyền thống của địa phương theo hướng thế tục hóa. Kết quả là giá trị truyền thống bị suy giảm, sức hút đối với du khách cũng giảm sút theo.

  • Quản lý yếu kém, không kiểm soát được sự phát triển tùy tiện, tự phát
    Sự yếu kém trong quản lý, sự phối hợp lỏng lẻo hay chồng chéo đều dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được sự phát triển tự phát, tùy tiện của các cá thể trong cộng đồng và các giá trị truyền thống dễ dàng bị phá vỡ nhanh chóng. Với mỗi loại hình làng xã khác nhau (làng nghề, làng khoa bảng, làng ven sông, làng nội đô, làng cận đô…) cũng lại cần có những chính sách, phương thức, chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tính chất, nét đặc trưng về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội, phong tục, tập quán của từng địa phương, thì mới giảm thiểu được những nguy cơ thay đổi, biến dạng những giá trị truyền thống vốn có của làng.

Những nguy cơ kể trên, mà có thể vẫn còn nữa, hoàn toàn có thể xảy ra như những điều tất yếu trong sự tồn tại và phát triển của làng xã hiện nay. Vấn đề quan trọng là nhận thức được những xu thế hiện hữu ấy để có sự can thiệp, điều chỉnh hợp lý sao cho vẫn duy trì được những giá trị truyền thống tốt đẹp mà không cản trở sự phát triển của xã hội đương đại và hướng tới tương lai.

Bảo tồn những giá trị truyền thống của làng trong quá trình phát triển
Sự tồn tại và phát triển của làng luôn luôn như một dòng chảy không ngừng nghỉ. Nhu cầu nâng cao chất lượng sống trong làng là đòi hỏi tự nhiên của một cơ thể sống. Song nếu sự biến động tất yếu đó tạo ra nguy cơ làm suy giảm hay mất đi những giá trị tốt đẹp vốn có của làng, thì cần có sự can thiệp để chống lại xu hướng đó. Sẽ là phù hợp khi sự can thiệp ấy không đối kháng với nhu cầu phát triển tự nhiên, không chặn đứng sự chuyển hóa tất yếu, mà thiên về điều tiết để giải quyết mâu thuẫn giữa những đòi hỏi về bảo tồn và nhu cầu phát triển tự nhiên. Có thể gọi phương thức đó là “Bảo tồn giá trị truyền thống trong sự phát triển” – cách ứng xử thích hợp để duy trì những giá trị truyền thống mà không ngăn cản sự phát triển. Quan điểm cơ bản ở đây là không để mất mát những giá trị truyền thống, nhưng cũng không bó cứng hay đóng băng chúng mà tạo điều kiện để những giá trị ấy có thể được duy trì trong sự cộng sinh với các nhân tố mới đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống đương đại. Từ đó, các giá trị truyền thống sẽ “chung sống” với các nhân tố được bổ sung và tạo ra những giá trị mới mà các thế hệ tương lai lại có sứ mệnh bảo tồn chúng.

Để có thể bảo tồn những giá trị của làng Việt trong sự phát triển, trước hết cần sự nhận diện được những giá trị truyền thống căn bản, cái đã tạo nên đặc trưng, bản sắc của mỗi ngôi làng, những tích lũy của các thế hệ trước về lịch sử, văn hóa và kiến trúc để từ đó định ra cách tổ chức và điều tiết sự phát triển hợp lý. Những giá trị truyền thống của làng hiện diện trong một không gian văn hóa – kiến trúc của làng, bao gồm ba thành tố là cấu trúc không gian, diện mạo kiến trúc, cảnh quan và các yếu tố năng động khác tạo ra bởi các hoạt động cư trú, sinh hoạt, sản xuất. Nếu cấu trúc không gian làng được hình thành từ đặc điểm vị trí, địa hình và nhu cầu sống cơ bản, thì diện mạo kiến trúc, cảnh quan được tạo ra từ văn hóa, sở thích, ước muốn của cộng đồng, còn các yếu tố năng động khác là biểu hiện của những sự vận động để tồn tại và những nhu cầu đổi mới, phát triển. Cấu trúc không gian tạo ra hình dạng cơ bản của làng, diện mạo kiến trúc cảnh quan cùng với cấu trúc không gian ấy tạo ra hình thái riêng và khi các yếu tố năng động diễn ra trên nền cảnh ấy, thì tất cả tạo nên sắc thái đặc trưng của mỗi ngôi làng (Hình 1) mà ta vẫn gọi là giá trị truyền thống hay bản sắc của một vùng miền.

Phân tích tính chất của ba nhân tố cấu thành không gian văn hóa – kiến trúc làng nêu trên, có thể thấy cấu trúc không gian làng là yếu tố “tĩnh” (vì cơ bản không thay đổi), diện mạo kiến trúc cảnh quan là yếu tố “tĩnh” và “động” (vì có biến động ở mức độ nhất định) còn các hoạt động trong làng đương nhiên là yếu tố “động”. Nói một cách hình ảnh thì cấu trúc không gian là “nền”, diện mạo kiến trúc cảnh quan là “khung” và các yếu tố năng động là lớp “vỏ” bên ngoài. Trong quá trình tồn tại và phát triển, những xu hướng, yếu tố mới xuất hiện có nguy cơ làm suy giảm hay phá vỡ giá trị truyền thống sẽ tác động vào cơ thể làng bắt đầu từ phần “vỏ” hoặc chính phần “vỏ” ấy tự thân biến đổi, làm lung lay phần “khung”, hay nếu mạnh hơn sẽ làm phần “khung” mất ổn định và dần dần tác động đến cái “nền” của không gian văn hóa – kiến trúc làng. Như vậy, nếu để mọi việc diễn ra một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát thì sẽ có nguy cơ không gian văn hóa – kiến trúc làng và các giá trị truyền thống của làng sẽ bị phá vỡ. Diện mạo, sắc thái đặc trưng của làng sẽ tan biến và thay vào đó là những bộ mặt mới, không “nền tảng”, thiếu hồn cốt.

18a02029-tckt-vn-08-1.jpeg

 Lễ hội tại làng Diềm, Bắc Ninh – ảnh Lê Bích

Bảo tồn những giá trị truyền thống của làng trong sự phát triển tiếp nối là cách “kháng cự” có sức mạnh nhưng linh hoạt và mềm mỏng. Trên cơ sở nhận diện và định dạng chính xác, đầy đủ những yếu tố cấu thành không gian văn hóa – kiến trúc làng, những giá trị đặc biệt, sắc thái đặc trưng tiêu biểu của làng, từ đó sẽ bảo tồn gìn giữ những cấu trúc không gian cơ bản đã được định hình một cách hợp lý và ổn định theo lịch sử – yếu tố “tĩnh”; duy trì và điều chỉnh diện mạo kiến trúc, cảnh quan – yếu tố “tĩnh và động”, phù hợp với các nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống; và cuối cùng là sự lồng ghép, thích ứng với các yếu tố “động” luôn có xu hướng biến đổi trong cuộc sống đương đại và tương lai. Trên thực tế, không gian văn hóa – kiến trúc truyền thống của làng đã được tích tụ, định hình trong quá trình lâu dài từ quá khứ đến hiện tại, có sẵn trong mình những khả năng đồng hóa (assimilation) và điều tiết (accommodation) trong quá trình tiến hóa của làng. Vấn đề của chúng ta là phải làm sao để tạo ra được sự tương tác phù hợp giữa chủ thể là cái vốn có với những yếu tố mới trong môi trường tự nhiên và môi trường xã hội luôn biến động. Có thể nói rằng giá trị truyền thống có vai trò dẫn dắt trong việc tạo dựng quá khứ, nối quá khứ với hiện tại và vì thế có vai trò tạo dựng tương lai. Chính những giá trị truyền thống có năng lực định hướng quá trình phát triển, nếu không có sự hiện diện của nó, sự phát triển, tiến hóa có thể rơi vào tình trạng mất phương hướng. Đồng thời những giá trị đã được khẳng định cũng sẽ có vai trò làm giảm gánh nặng cho việc tạo dựng những giá trị mới.

Như vậy, “tương lai của quá khứ” hay cụ thể hơn là những giá trị của quá khứ có thể hiện diện, biến đổi hay biến mất trong tương lai không diễn ra một cách tự thân mà tùy thuộc vào cách nhìn nhận và nỗ lực điều tiết của chúng ta – những thế hệ đang thừa hưởng, nắm trong tay mình những di sản, giá trị của quá khứ, những năng lực của hiện tại và cả những cơ hội tạo dựng tương lai. Sự hiện diện và ý nghĩa của giá trị truyền thống trong cách tiếp cận và phương thức tổ chức, điều tiết sự phát triển tiếp nối của những ngôi làng sẽ giúp chúng ta một cách đắc lực và hữu hiệu trong việc xây dựng một tương lai bền vững mà vẫn bảo tồn được các giá trị truyền thống tốt đẹp.

TS.KTS Lê Thành Vinh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2016)-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác