Làng nghề làm nón ở xã Hội An, huyện Chợ Mới,tỉnh An Giang

Chủ nhật, 14/01/2024, 17:35 (GMT+7)

Chia sẻ

Làng nghề chầm nón lá xã Hội An là 01 trong số 13 làng nghề của huyện được UBND tỉnh công nhận vào năm 2006 (theo Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 20/12/2006 của UBND tỉnh An Giang). Hiện tại làng nghề có 308 hộ với 1123 nghệ nhân được công nhận, giải quyết việc làm cho 815 lao động thường xuyên trong làng nghề. Thu nhập bình quân của các lao động từ 3 triệu đến 4,5 triệu đồng /người/tháng. Sản phẩm của làng nghề làm ra gồm nhiều loại rất đa dạng, từ đó đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng, giá bán sản phẩm qua thương lái giao động từ 35.000 đến 150.000 đồng/cái, tùy loại sản phẩm.

Bên cạnh, sản phẩm làm ra chủ yếu là lao động thủ công do hộ gia đình trực tiếp sản xuất, nên lợi nhuận thu về từ công lao động từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/sản phẩm. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu là thu mua tại miền trung (Thừa Thiên Huế). Thị trường tiêu thụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia, đặc biệt sản phẩm được sử dụng nhiều ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long. Thời gian qua, làng nghề luôn gắn kết chặt chẽ với các ngành, đoàn thể và được sự quan tâm của xã về việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện cho làng nghề phát triển, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp về nhiều mặt như vay vốn sản xuất, hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị công nghệ mới, hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm ở các kỳ hội chợ, triển lãm,…

Địa phương đã đề nghị Ngân hàng CSXH huyện đã phát vay cho 170 hộ, với tổng số tiền 2.097,6 triệu động để phát triển sản xuất. Môi trường hoạt động sản xuất của các làng nghề phù hợp với nông thôn, nguồn lao động dồi dào, đáp ứng đủ nguồn lực cho yêu cầu sản xuất của các làng nghề, sản phẩm làm ra mang tính đặc thù của địa phương.

Làng nghề chằm nón gần trăm năm tuổi tại thị trấn Hội An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã nuôi sống nhiều thế hệ, nâng bước học sinh đến trường, mang lại sự no ấm cho các gia đình miền quê. Dẫu năm tháng có làm làng nghề dần mai một nhưng với những phụ nữ còn trụ lại với nghề, tình yêu và tâm huyết vẫn còn nguyên vẹn. Họ luôn tương trợ nhau để lưu giữ và phát huy làng nghề truyền thống địa phương.

Về ấp An Bình (thị trấn Hội An), chúng tôi bắt gặp hình ảnh bà Huỳnh Thị Xuân, năm nay đã 74 tuổi nhưng ngày ngày chằm nón lá. Do lớn tuổi, mắt có kém hơn, lưng có đau hơn ngày trẻ nhưng bà Xuân vẫn khéo léo và kiên trì cho “ra lò” từ 1 - 2 chiếc nón lá mỗi ngày. “Khi mới 6 tuổi, tôi đã tập làm phụ cha mẹ, đến năm 13 tuổi đã thạo việc, tự mình hoàn thiện 1 nón lá. Tôi làm đến nay đã hơn 60 năm và luôn tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, nghề đã nuôi mấy chị em tôi ăn học nên người.

Ngày trước vui lắm, cả xóm làm vần công, 5 - 6 gia đình cùng chung nhau làm 1 thiên (1.000) nón lá. Cha tôi chèo ghe mang sang Long Xuyên bán, tiền kiếm được cha đem về mua dụng cụ, tập sách đi học, ti-vi, phảng gỗ… Những kỷ niệm đó tôi còn ghi nhớ mãi nên giờ đây cuộc sống dẫu có cải thiện hơn, tôi dặn lòng không được phụ quên cái ơn của nghề” - bà Xuân bộc bạch.

Trước khi về hưu, bà Huỳnh Thị Xuân giữ vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Bình. Ngoài trực tiếp làm nón lá, bà Xuân còn tích cực tuyên truyền các chị em phụ nữ cùng tham gia Tổ hợp tác (THT) chằm nón lá. Sự liên kết các chị em làm nghề tại ấp An Bình và An Thới đã mở ra cơ hội làm việc nhiều hơn.

“Trước đây, thương lái đặt hàng bao nhiêu, chị em cân đo số vốn mình tự đi mua lá, trúc làm vành và đáp ứng số lượng cho thương lái. Nay với THT, các chị em được hỗ trợ vốn 10 triệu đồng/hộ, từ đó có thể đầu tư nhiều hơn, đáp ứng đơn hàng nhiều hơn” - bà Xuân cho hay.

 
Nhiều phụ nữ lớn tuổi gắn bó với nghề chằm nón

Là người gắn bó với nghề chằm nón lá đến nay trên 30 năm, chị Phạm Thanh Thủy (ấp An Bình) chia sẻ thêm về công việc này: “Từ lúc có chồng về đây, ngoài lo việc cơm nước, tôi tranh thủ học hỏi những chị em hàng xóm cách chằm nón lá. Ban đầu làm không quen, thấy quá khó, lắm công phu từ việc phơi lá, rọc lá, mua trúc chẻ làm khuôn nón, kiềng vòng, lợp lá, chằm lá, nứt vành, làm cả ngày có khi chỉ được 1 nón. Sau quen tay, làm được nhiều hơn.

Nón bán ra 35.000 đồng/cái, trừ nguyên - vật liệu còn lời từ 15.000 - 16.000 đồng/cái. Tuy số tiền công thu về chưa tương xứng nhưng với những phụ nữ nhàn rỗi ở quê, tranh thủ kiếm được đồng nào hay đồng đó. 3 năm nay, nhờ THT hỗ trợ số vốn 10 triệu đồng mỗi năm để mở rộng sản xuất, tôi có điều kiện mua nguyên liệu làm được nhiều nón hơn, đời sống gia đình được cải thiện hơn”.

Với bà Trần Thị Đông (ấp An Bình), nghề chằm nón lá tuy là kinh tế phụ nhưng giúp bà cùng chồng nuôi được 4 người con. Bà Đông cho hay: “Ở quê, ngoài ít đất canh tác làm lúa, làm rẫy, khi rảnh rỗi tôi chằm nón lá, mỗi ngày được 3-4 cái, kiếm được 50.000 - 60.000 đồng, tôi bỏ ống heo tiết kiệm hoặc khi có việc mình có được ít tiền, có thể chủ động giải quyết. Dù bây giờ các con khôn lớn, đời sống khá hơn nhưng tôi vẫn quen tay, quen việc. Ngoài trông giữ cháu, rảnh là tôi làm suốt. Từ ngày nhận thêm nguồn vốn hỗ trợ từ THT, tôi mua thêm nguyên - vật liệu được nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.

Làng nghề chằm nón lá bao năm giải quyết việc làm cho phụ nữ thôn quê, giúp bữa cơm các gia đình thêm no ấm. Thế nhưng, như bao làng nghề khác, nghề chằm nón đang đứng trước nguy cơ mai một. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Bình Nguyễn Thị Bé Huyền cho biết: “Hơn 80% phụ nữ địa phương gắn bó với nghề chằm nón lá, nhưng chúng tôi đang băn khoăn về lực lượng kế thừa. Bởi có một số em nhỏ ngoài đi học trên lớp, ở nhà học nghề phụ mẹ, còn một số khác chọn cách đi làm ăn xa để tăng thu nhập. Người gắn bó, cần mẫn với nghề hàng ngày là các mẹ, các bà lớn tuổi ở quê”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Hội An Trần Kim Ngân cho hay: “Nghề chằm nón lá Hội An có từ lâu đời, trước đây thu hút hàng trăm phụ nữ ở nhiều ấp cùng làm. Đến năm 2006, làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Từ đó, làng nghề được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn. Những năm gần đây, từ nguồn quỹ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, 20 hội viên của THT chằm nón được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền 200 triệu đồng, tạo điều kiện để các chị em mua thêm nguyên vật liệu, đáp ứng nhu cầu nhiều hơn.

Tuy nhiên, cùng với việc hỗ trợ vốn, làng nghề hiện nay đang đối mặt với nguy cơ thiếu người làm, lao động trẻ ít chịu chọn nghề chằm nón. Do vậy, các chị em trong THT đang tìm hướng đi mới như chia công đoạn sản phẩm hoặc thiết kế mẫu mã, trang trí nón ngày càng đẹp hơn nhằm nâng cao giá trị, mang lại lợi nhuận nhiều hơn mới đủ sức duy trì và phát triển làng nghề trong tương lai”.

36pho.com 

Bình luận của bạn

Tin khác