Trong quỹ di sản kiến trúc phong phú của Hà Nội, gồm những đền miếu cổ, những chùa chiền, những di tích của kinh đô Thăng Long xưa, những công trình công cộng cũng như các cơ sở hạ tầng lịch sử, các biệt thự được xây dựng từ thời thuộc địa Pháp có một vị trí rất đặc biệt – Và, chính bởi vậy, có một sự trân trọng cụ thể, trên cả hai chiều tiếp cận, từ người dân đô thị đến các chuyên gia.
Thật vậy, các biệt thự không phải là những di tích và do đó không được biết nhiều như các công trình công cộng, chẳng hạn Nhà hát Lớn Hà Nội, chi nhánh cũ của Ngân hàng Đông Dương, Tòa án hay cầu Long Biên… Những công trình này, đã trở thành những di tích lịch được quốc gia công nhận, tất cả đều có một điều gì đó đặc biệt khiến chúng trở nên độc đáo: Cây cầu Long Biên, cây cầu kim loại số một ở châu Á, là một kỳ tích công nghệ thực sự ngoài việc thể hiện một hình bóng thanh lịch làm biểu tượng của thủ đô; Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong ba nhà hát mà người Pháp đã xây dựng ở châu Á, điều đó đã làm cho nó trở thành một yếu tố kiến trúc và đô thị hiếm có, ngoại lệ bên cạnh vai trò cấu trúc tạo thị trong khu vực trung tâm Hà Nội. Các biệt thự không hoành tráng, rất hiếm khi nổi bật, được xây dựng mà không cần đến những công nghệ kỹ thuật đặc biệt. Đó là một di sản gắn kết nhiều hơn với cuộc sống hàng ngày của người dân thành phố. Tôi thích mô tả chúng bằng từ “bình dị”… Đó là điều đã làm cho chúng trở nên mong manh, bởi theo cách hiểu, những gì bình dị và thường nhật sẽ không được coi là đặc biệt hoặc phi thường.
Do đó, giá trị di sản của các biệt thự sẽ khác với di tích, sự đánh giá chúng như là một di sản trong quan điểm mỗi người dân đô thị là khác nhau, vai trò của chúng trong TP lịch sử và trong cấu trúc đô thị cũng sẽ khác nhau – Do đó, các công cụ để bảo tồn và bảo vệ cũng nên khác nhau.
Dự án cải tạo Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo – Viện PRX – Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam
Tuy nhiên, mặc cho những gì mà ta cho là điểm yếu liên quan đến giá trị di sản của biệt thự Hà Nội, chúng lại có những lợi thế nhất định để củng cố tầm quan trọng trong bản sắc đô thị của thủ đô: Một mặt, chúng có số lượng rất lớn, không chỉ đa dạng đáng kinh ngạc về phong cách và hình thức kiến trúc của chúng, mà còn cả vị trí của chúng trong TP điều mà ta cũng có thể gọi là tính đô thị của chúng. Do đó, các biệt thự cũ của Pháp không thể tách rời với những gì hiện đang là bản sắc đô thị của Hà Nội.
Dường như đối với tôi, các giải pháp để bảo tồn và nâng cao di sản biệt thự rất đặc biệt từ thời thuộc địa Pháp này phải dựa trên ba “đòn bẩy” như sau:
- Đảm bảo tính ổn định của một số lượng lớn biệt thự trong TP (số lượng có thể là yếu tố để bàn bạc, thảo luận giữa các chuyên gia và những người ra quyết định vì vậy có thể được chế định);
- Nhận biết các phong cách và sự đa dạng, được phản ánh trong sự phát triển của chúng, khi mà chúng không có những chính sách ưu đãi riêng mang tính hệ thống;
- Thực hiện một chiến lược đô thị toàn diện ở quy mô của khu phố, cũng như đối với sự kết nối tổng thể của đô thị.
Nếu chúng ta xem xét những tin tức gần đây về Hà Nội, thì than ôi, vẫn còn rất nhiều nỗ lực liên quan đến ba “đòn bẩy” hành động này. Dù sao đi nữa, vẫn có các quy định đã có hiệu lực, các dự án thí điểm đã được thực hiện, và các quy hoạch cùng kế hoạch nâng cao giá trị đã được ban hành.
Theo một khảo sát được thực hiện năm 2008 (dự án IMV thực hiện cùng với Interscene cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội), có khoảng 250 biệt thự và nhà ở xứng đáng là di sản, có thể được coi là những di sản đặc biệt, đáng chú ý hoặc tương đối đáng chú ý trong một vành đai tương ứng với mạng lưới ô cờ của khu phố cũ thời thuộc địa Pháp và nửa phía Nam của khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Một đánh giá nhanh được thực hiện 10 năm sau, vào năm 2018, cho thấy: Khoảng 60 biệt thự và nhà ở đã biến mất. Số lượng biệt thự ở Hà Nội vẫn còn đáng kể, nhưng xu hướng phá hủy chúng là đáng lo ngại. Sự phá hủy này cho thấy giá trị di sản của các biệt thự vẫn chưa được thống nhất, niên đại của một tòa nhà dường như không mang lại giá trị kinh tế trong thời điểm này.
Ký họa: Góc Phùng Hưng – Cửa Đông
Tác giả: Nguyễn Hoàng Lâm
Nghiên cứu về các kiểu biệt thự, trong đó có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi giữa các chuyên gia trong một thời gian dài, không phải là một cách diễn dịch thích hợp để xác định xem một tòa nhà thuộc về một trào lưu nghệ thuật hay một thời kỳ cụ thể nào. Trên thực tế, thời kỳ xây dựng các biệt thự, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, và trong bối cảnh thuộc địa, các phong cách được sử dụng khá tự do, hoặc thậm chí được xác định lại bởi các nhà xây dựng và khách hàng của họ. Tuy nhiên, sự đa dạng đáng kinh ngạc về phong cách cũng như sự sáng tạo của các phong cách này, chẳng hạn phong cách Đông Dương với các kiến trúc cổ điển, Tân cổ điển, Chủ nghĩa Địa phương, Art déco, Chủ nghĩa Hiện đại và các kiến trúc khác đã làm nên sự đa dạng của biệt thự Hà Nội.
Thật không may, chúng ta hiện đang chứng kiến sự đánh mất giá trị của một số phong cách nhất định, đáng chú ý là Art déco và Chủ nghĩa Hiện đại, ủng hộ Chủ nghĩa Cổ điển hoặc Chủ nghĩa Chiết trung không chính gốc. Chẳng hạn, trên các phố Nguyễn Gia Thiều, hay Trần Quốc Toản, những biệt thự của chủ nghĩa hiện đại đã bị biến đổi đến mức không còn nhận ra hình dáng tòa nhà ban đầu. Những ngôi nhà theo Chủ nghĩa Hiện đại thường xuyên được sửa đổi, bổ sung các yếu tố kiến trúc lấy cảm hứng từ kiến trúc cổ điển. Hiện tượng này thật đáng tiếc. Các biệt thự theo Chủ nghĩa Hiện đại đều được xây dựng vào những năm 1940 và đầu những năm 1950. Đây là một trong những phong cách hiếm hoi xác định một giai đoạn trong lịch sử của TP và thậm chí là của một khu vực cụ thể, đó là vùng ngoại ô TP trong thời kỳ thuộc địa Pháp. Các biến đổi trên các ngôi nhà theo Chủ nghĩa Hiện đại đã làm cho sự gắn kết đô thị của quỹ biệt thự này là không thể. Mặt khác, số lượng lớn biệt thự theo Chủ nghĩa Hiện đại ở Hà Nội rất đáng chú ý, thậm chí còn nhiều hơn cả ở Paris hoặc ở hầu hết các TP lớn của Pháp. Những biến đổi này có tác dụng hủy diệt, xóa bỏ tính đặc thù của Chủ nghĩa Hiện đại mà Hà Nội đã có.
Ký họa Báo Hà Nội mới phố Lê thái Tổ
Tác giả: Phạm Anh Quân
Cuối cùng, tính đô thị của biệt thự Hà Nội là điều cần thiết cho giá trị di sản của chúng. Biệt thự nói chung không phải là loại nhà ở được ưa thích trong đô thị, và do đó không phải là nhà ở đặc trưng cho các TP như các tòa nhà chung cư, nhà tập thể hay nhà liền kề. Nhưng các biệt thự ở Hà Nội tôn trọng quy tắc chung về quy hoạch đô thị, tạo nên các khu vực “rất đô thị” thông qua sự đồng nhất, đều đặn và cân bằng giữa hình thức kiến trúc, không gian công cộng và thảm cây xanh. Ngoài ra, các khu biệt thự là nơi đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Hà Nội được trang bị, lắp đặt mạng lưới điện, nước sinh hoạt hoặc thậm chí hệ thống nước thải… những cơ sở hạ tầng như vậy đã tạo ra tính đô thị cho một khu vực có tính đặc thù của TP.
Địa thế của các biệt thự trong khu phố cũng góp phần làm nên những di sản đô thị đáng chú ý. Ví dụ, một số biệt thự ở các góc đường (góc Lý Thường Kiệt và Phan Chu Trinh; góc Hàm Long và Ngô Quyền; góc Trần Hưng Đạo và Dã Tượng)… làm nổi bật mạng lưới quy hoạch đô thị thuộc địa cũ cũng như mô phỏng vai trò cấu trúc của các tòa nhà công cộng mang tính biểu tượng của Hà Nội, như Nhà hát Lớn, Nhà ga xe lửa, Tòa án hoặc Viện Pasteur. Do đó, giá trị di sản của các biệt thự không chỉ là giá trị kiến trúc, mà trên hết là giá trị đô thị, góp phần tạo nên bầu không khí đặc trưng khiến Hà Nội trở thành một TP độc đáo, được người dân cũng như du khách đánh giá cao. Việc khôi phục các biệt thự nên được đưa vào một dự án toàn diện hơn để tăng cường giá trị cho toàn bộ khu phố, trong đó kiến trúc đóng vai trò then chốt, bên cạnh những con đường, những hàng cây và những vỉa hè rộng rãi.
TS.KTS Emmanuel Cerise
Viện trưởng PRX vùng thủ đô Paris
TS.KTS Trần Minh Tùng
Đại học xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2020)-Nguồn
Bình luận của bạn