Đây là ý kiến nhận được đồng thuận cao bởi các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu lịch sử đô thị, đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hoá, kiến trúc, di sản đô thị... tại cuộc tọa đàm "Từ tranh luận về đồi dinh nghĩ đến tương lai Đà Lạt" do Người Đô Thị và Save Heritage Vietnam đồng tổ chức.
Cuộc toạ đàm diễn ra trong bối cảnh sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là giới chuyên môn hữu quan lại bùng lên và đang hướng về phố núi Đà Lạt khi chính quyền địa phương nơi đây tổ chức trưng bày, lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng (thuộc Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình). Điều đáng nói là, chỉ mới cách nay hơn hai tháng (ngày 29.6), lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt còn chia sẻ chính quyền và nhân dân thành phố đang trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển để Đà Lạt xứng đáng là đô thị di sản về cảnh quan, kiến trúc và văn hóa.
Toạ đàm thu hút đông đảo các chuyên gia là các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hoá, kiến trúc, di sản đô thị... tham gia. Trong ảnh: PGS-TS-KTS. Nguyễn Hạnh Nguyên trình bày tại toạ đàm. Ảnh: T.D.
Ở cấp cao hơn, như là bước quan trọng trong việc hướng tới xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị di sản đầu tiên trong cả nước, UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 25.6 cho biết đã thống nhất chủ trương xây dựng đề án quy chế bảo tồn kiến trúc cảnh quan Đà Lạt và Sở Xây dựng Lâm Đồng được tỉnh giao làm chủ đầu tư thực hiện đề án và phải khẩn trương xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí, lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện trong thời gian tới (1).
Vậy nhưng, không lâu sau khi công bố chủ trương đó, chính quyền địa phương lại trưng ra ba phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh mà “chỉ chú trọng tô vẽ thêm bề ngoài, nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa Khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt, hoàn toàn phớt lờ các đề nghị bảo tồn Khu Hòa Bình của cộng đồng, và các cơ quan chức năng (Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,…), và các chuyên gia trong nước và nước ngoài”, như nhận định được đông đảo giới hữu quan đồng tình của TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn.
Những điều trông thấy...
“Nói đến Đà Lạt là nói đến thành phố trong rừng, rừng trong thành phố nhưng bây giờ Đà Lạt là thế này...”, câu nói dẫn đề của PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên (Trưởng bộ môn Lý luận lịch sử, Khoa Kiến trúc Nội thất, Đại học Kiến trúc TP.HCM) khiến hướng nhìn của mọi người dự toạ đàm tập trung về phía màn hình trình chiếu.
Đó là một tấm hình chụp toàn cảnh trung tâm Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ai đó trong khán phòng buông ngay một tiếng thở dài: Thế thì còn gì là Đà Lạt nữa! Rồi có người nhận ra “điểm sáng” của bức hình, đó là mảng xanh quý giá cuối cùng của trung tâm Đà Lạt tập trung ở đồi Dinh. Rồi khi màn hình chiếu qua hình ảnh ba phương án kiến trúc Khu Đồi Dinh đang tổ chức trưng cầu ý kiến, cảm xúc ai nấy như lại bị giật lại bởi nói một cách hình ảnh, nếu được thông qua đó sẽ là những khối lego bê tông nhà kính tiếp theo ráp vào bức tranh đã ken dày bởi bê tông ở trung tâm phố núi.
Khu vực Đồi Dinh là mảng xanh còn sót lại của lõi trung tâm Đà Lạt. Các chuyên gia đề nghị cơ quan hữu quan địa phương phải triển khai quy hoạch phân khu trước khi làm quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu vực này của Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh
Là một trong những người nghiên cứu xây dựng tiêu chí pháp luật bảo tồn ở Đà Lạt, KTS. Cao Thành Nghiệp (Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014 về Quy hoạch - Giải Hội đồng) là người sục sạo Đà Lạt không chỉ trên tư liệu, hồ sơ xưa cũ mà còn có những ngày tháng dầm dề đi khảo sát, cẩn thận thống kê và chụp từng căn biệt thự. Con số mà KTS. Cao Thành Nghiệp thông tin khiến nhiều người giật mình hơn, không chỉ bởi những gì đang diễn biến xung quanh Đồi Dinh mà còn cho mục tiêu đưa Đà Lạt thành đô thị di sản: “Hiện không quá 100 biệt thự có giá trị về mặt kiến trúc cần phải bảo tồn. Nếu tính cả dinh thự chùa chiền, công trình cổ thì còn khoảng 130 công trình. Tôi nghĩ không nên dùng các số liệu cũ khi cho rằng thành phố đang có một, vài ngàn cái biệt thự có giá trị kiến trúc, di sản”, vị chuyên gia có nhiều năm xây dựng đồ án thực tế tại Đà Lạt chia sẻ.
Tuy nhiên KTS. Cao Thành Nghiệp cũng cho rằng điều làm nên nét riêng cho Đà Lạt và muốn thành phố trở thành đô thị di sản thì không chỉ dừng ở việc bảo tồn các biệt thự riêng lẻ mà cần nhìn xa hơn là không gian văn hoá, không gian lịch sử, những dấu ấn của bao lớp tiền nhân dựng nên thành phố này.
Kể về thời gian lật lại tàng thư Đà Lạt xưa “đến bây giờ cảm giác vẫn lạnh người”, KTS. Cao Thành Nghiệp mô tả những cuộc đấu tranh của người Việt trong các hội đồng thị xã Đà Lạt xưa để “chiếm lấy” khu vực chợ đến dốc Phan Đình Phùng, dốc Nhà Làng, và dựng nên những khu vực riêng cho người Việt như ngày nay vẫn thấy. Bao lớp tiền nhân đã tranh đấu trong đó phải kể đến ông Lê Phát An (1868-1946; chính là cậu hai của Nam Phương Hoàng Hậu) đã phải bỏ tiền và cũng nhờ nằm trong hội đồng nên mới dành được khu đất này cho người Việt. Không chỉ là dấu ấn kiến trúc, đó còn là câu chuyện lịch sử thú vị để kể với con cháu...
Đồng ý với quan điểm này của KTS. Cao Thành Nghiệp, PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục (Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững) - tác giả của nhiều bài viết với chất lượng chuyên môn cao, trực diện xới lên các vấn đề còn bất cập trong dự định quy hoạch Đà Lạt đã đăng tải trên Người Đô Thị, do tham gia toạ đàm với hình thức trực tuyến từ Hà Nội - đã chọn cách nối dài những suy nghĩ về Đà Lạt từ hai bài viết: Hiểu sai về “phát triển” đô thị ở Đà Lạt và Có hay không việc tư nhân hóa đất di sản - đất công ở Đà Lạt? để chia sẻ nhanh thông tin đáng chú ý:
“Vấn đề của Đà Lạt không chỉ là của thành phố này nữa mà là một đô thị đặc biệt của Việt Nam. Đây là một đô thị di sản bởi Đà Lạt sinh ra vào thời điểm bắt đầu phát triển các đô thị hiện đại trên thế giới, nó không chỉ khoác lên dấu ấn di sản mà còn mang tầm vóc quốc tế. Cùng với một số đô thị ở Đông Dương, Đà Lạt tránh được hoàn toàn chủ nghĩa hiện đại vì kiến tạo dựa vào cấu trúc địa phương, đặc biệt là về tự nhiên và con người bản địa”.
Theo TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng đang trưng bày, lấy ý kiến đều không ổn, bởi quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt vốn dĩ đã là một quy hoạch sai lầm về bảo tồn và phát triển đô thị. Trong ảnh: 03 phương án kiến trúc công trình khu vực đồi Dinh (bên trái) và Dinh Tỉnh trưởng hiện hữu. Ảnh: TL
Gợi mở thêm vấn đề này, KTS. Cao Thành Nghiệp chia sẻ bản thân người Pháp khi ngăn hồ Xuân Hương để trữ nước làm cảnh quan cho đô thị này vô hình trung sinh ra hai thái cực là hai khu vực: khu vực người Pháp và khu vực của người Việt. Giai đoạn đầu chưa có quy hoạch, KTS. Ernest Hébrard (1875 – 1933) chủ trương không được đem cái xấu vào Đà Lạt, tức công trình gì ở Pháp đẹp thì mang qua đây xây, không bản thiết kế. Chủ trương nữa là lô đất quy hoạch từ 2.000m2 trở lên mới cho xây biệt thự.
Về sau KTS. Louis G.P.Pino (1933) đã chủ trương muốn xây cái gì trên Đà Lạt phải có những nghiên cứu cụ thể. Đó là những đường đồng mức, cảnh quan, những khu vực khác nhau phải có kiến trúc tương ứng chứ không bê nguyên xi công trình nơi khác tới đặt vào đó. Về mặt lịch sử, đây là giai đoạn diễn ra thế chiến 2, có làn sóng các thương gia Pháp từ Sài Gòn đổ xô lên Đà Lạt nên xây cất rầm rộ. Điều này tạo ra quỹ biệt thự Đà Lạt đẹp như bây giờ...
Đồ án “bê tông hoá” Đà Lạt có phạm luật?
Từ câu chuyện ra đời của những ngôi biệt thự có giá trị kiến trúc giai đoạn 1927 - 1939, KTS. Cao Thành Nghiệp cho rằng những ý định “bê tông hoá” Đà Lạt cần phải dừng ngay mà ba phương án kiến trúc Đồi Dinh vừa qua là ví dụ điển hình. Chỉ ra một thực tế, do làn sóng di cư/nhập cư ở Đà Lạt, những cư dân hoặc nhà đầu tư đã mang theo các kiến trúc sư nơi khác đến, và có thể do chưa có những nghiên cứu, đánh giá hoặc vì lý do kinh tế (hay lý do cụ thể nào đó ?!) mà nhiều công trình kiến trúc ra đời sau này đã “phá hỏng” Đà Lạt: “Thành phố này không thích ứng với công trình mái bằng, công trình cao tầng, công trình cổ điển kiểu tiểu tiết đắp rồng đắp phượng. Không nghiên cứu kỹ văn hoá, bản sắc dẫn đến khi lên đây các công trình xây mái ngang, cao tầng dẫn đến công trình làm “nát” cảnh quan. Nhiều công trình phá hỏng không gian trung tâm Đà Lạt như vừa qua cũng vì lý do đó”.
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục: "Xóa sổ Khu trung tâm lịch sử Rạp Hòa Bình với những bản phối cảnh chất lượng thấp, có phần ngô nghê là sự cẩu thả, thể hiện sự coi thường dân và nóng vội phát triển...". Ảnh: TL
Diễn giải cụ thể hơn vào đồ án quy hoạch kiến trúc khu trung tâm, đặc biệt là ba phương án Đồi Dinh, theo KTS. Cao Thành Nghiệp địa phương xác nhận bảo tồn công trình Dinh Tỉnh trưởng nhưng không biết các tác giả đồ án đã được giao đề bài như thế nào, đã nghiên cứu về văn hoá, lịch sử, giá trị cảnh quan rất riêng của Đà Lạt hay chưa để rồi các phương án đưa ra bị nhiều phản ứng tiêu cực như vậy?
Theo ông Nghiệp, chưa nói đến việc Dinh Tỉnh trưởng đáng lẽ phải được công nhận di sản quốc gia (chứ không chỉ di sản cấp tỉnh như đã có thông tin, bởi vì nó có yếu tố lịch sử), thì với đồ án Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình, phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng cần phải làm rõ chính quyền đang muốn thực hiện chỉnh trang đô thị hay giải toả trắng? Theo ông Nghiệp, căn cứ vào Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, lý do tác giả đồ án cho rằng ở đây thương mại vì thấy có chợ Đà Lạt, tuy nhiên cần hiểu đúng rằng, là những khu phố thương mại với đặc tính kiến trúc phù hợp cảnh quan chung chứ không phải là đất để xây dựng trung tâm thương mại đồ sộ.
Ông Nghiệp nêu câu hỏi, rằng giải toả trắng thì có gọi là chỉnh trang và phải chăng đây là quy hoạch chứ không phải chỉnh trang và nếu làm quy hoạch thì có sai về luật? Theo ông Nghiệp, nếu thông qua việc giải toả trắng khu Đồi Dinh còn dẫn đến hệ quả dây chuyền là có thể Dinh 1, Đồi Cù hay thậm chí Dinh 2, Dinh 3 sẽ được triển khai vì đã có dự án rồi.
Chạm vào đúng vấn đề đang bức xúc, KTS. Phạm Thị Kiều Anh cho rằng Sở Xây dựng Lâm Đồng đáng lẽ phải lập quy hoạch phân khu cho các khu vực trong toàn thành phố nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa làm. Trong năm năm qua thành phố chủ yếu triển khai quy hoạch phân khu ở các phường xa trung tâm. Và như băn khoăn của bà Kiều Anh cùng nhiều người khác là trong thời gian chưa làm quy hoạch phân khu nhưng địa phương lại tích cực cho thực hiện các quy hoạch chi tiết và điều này làm “cắt vụn” Đà Lạt ra, trong đó bao gồm quy hoạch chi tiết của Khu trung tâm Hoà Bình.
“Quy hoạch chi tiết này tôi thấy có dấu hiệu vi phạm so với Quy chuẩn quy hoạch Việt Nam mới được ban hành. Khu Đồi Dinh với diện tích 16 ha không thể có mật độ xây dựng lên đến 70% như trong quy hoạch vừa được duyệt”, KTS. Phạm Kiều Anh nêu.
KTS. Phạm Kiều Anh đặt vấn đề, rằng quy hoạch chi tiết trung tâm Hoà Bình dù đã được phê duyệt nhưng chưa được triển khai, cũng có thể nói là chưa hoàn thiện. Phương án kiến trúc của khu Đồi Dinh thực chất chính là giải pháp kiến trúc công trình cụ thể và cảnh quan khu vực - một trong những nội dung bắt buộc của Quy hoạch chi tiết 1/500. Như thế, bản quy hoạch này cần được xem xét lại toàn diện vì nội dung chưa hoàn chỉnh và không phù hợp với Quy chuẩn quy hoạch”, KTS. Phạm Kiều Anh nhận định, đồng thời nêu đề nghị phải tập trung làm rõ vào việc tại sao không lập quy hoạch phân khu cho khu vực Phường 1, Phường 2 với đầy đủ số liệu về mật độ dân số, tỷ lệ đất giao thông, cây xanh, công trình công cộng. Trên cơ sở đó sẽ phân tích được tại sao hạ tầng khu này xuống cấp, kẹt xe, cũng như nhu cầu với các dịch vụ văn hóa, thương mại để đề ra giải pháp phù hợp nhất.
Quy hoạch chỉnh trang và phát triển Đà Lạt, với sự nhấn mạnh những trung tâm bản địa mới của KTS Lagisquet năm 1943
Về khía cạnh pháp lý xung quanh vấn đề lập đồ án quy hoạch, PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan (Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng), tham gia trực tuyến từ Hà Nội, đã dẫn lại hàng loạt vấn đề đáng chú ý từ bài viết Quy hoạch Khu Hòa Bình - Đà Lạt: Không lẽ chỉ là “thằng Bờm đổi cái quạt mo”? đăng tải trên Người Đô Thị, để từ đó nhắc lại quan điểm cần xem xét lại các quy định liên quan đến kinh phí từ nguồn phi ngân sách cho công tác quy hoạch trong các Luật và Nghị định liên quan, bởi "Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị" nghe có vẻ rất cởi mở, tích cực và vô hại, nhưng thực ra hàm chứa nguy cơ tai hại, làm méo mó mục tiêu, ý nghĩa của quy hoạch”.
Đưa ra hướng giải quyết, PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan nhấn mạnh đến yếu tố Quỹ Cảnh quan di sản ở các đô thị. Có một thực tế đáng suy ngẫm cho không chỉ riêng Đà Lạt mà cho rất nhiều thành phố có di sản, đặc biệt là những khu có giá trị thiên nhiên như biển, núi, ven sông cảnh quan tự nhiên đẹp đã bị tư nhân hoá, người dân khó tiếp cận hoặc phải bỏ tiền để trải nghiệm. Theo PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan điều này khác với Úc, khi tất cả những cảnh quan đẹp thì cộng đồng có thể tiếp cận được thông qua những hạ tầng cơ bản (bắt buộc) như đường đi bộ, khu vệ sinh, nơi ngắm cảnh...
PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan cho rằng: “Tôi không muốn bình luận sâu cả 3 phương án kiến trúc kia xấu đẹp ra sao. Xấu hay đẹp chẳng có ý nghĩa gì bởi chúng đã không phù hợp và không xứng tầm để đặt vào một vị trí đặc biệt như khu Đồi Dinh”. Ảnh tư liệu: Zing
Để những không gian chung, không gian di sản không bị lái theo ý đồ của nhà đầu tư, bị tư nhân thâu tóm, PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan cho rằng các đồ án quy hoạch ở các địa phương cần có bản đánh giá cảnh quan di sản một cách đầy đủ, sau đó phải phân loại ra. Có những loại cảnh quan di sản cần bảo tồn, nhưng cũng có những loại cảnh quan chúng ta cần phải đầu tư để có thể phục vụ được cho cộng đồng. “Nhưng phải được luật hoá, rằng tất cả những cảnh quan của xã hội, của một thành phố thì cùng một kịch bản khai thác phải có một phần dành cho cộng đồng và đảm bảo cộng đồng được tiếp cận, thụ hưởng mà không phải trả phí”, PGS. Loan nói.
“ADN” của Đà Lạt
Cho rằng Đà Lạt có nhiều yếu tố đặc thù, duy nhất, có tiềm năng trở thành một đô thị di sản và đây là điều rất hiếm hoi trong tổng số hơn 800 đô thị Việt Nam hiện nay, các chuyên gia tham dự tọa đàm nhận định đó là vấn đề mà chính quyền và các cơ quan hữu quan nơi đây cần cân nhắc để có thể phát triển thành phố lâu dài, bền vững...
TS. Nguyễn Thị Hậu (Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nêu quan điểm phải tìm ra bản sắc – “ADN” của Đà Lạt như thế nào thì chúng ta mới giữ được cái gọi là di sản. Sau khi nêu các vấn đề về yếu tố lịch sử, đặc thù đô thị phố núi hiện nay, đến yếu tố tương lai, TS. Hậu lại đặt ra những câu hỏi, đó là: Đà Lạt muốn hướng đến một đô thị như thế nào? Là đô thị di sản hay là đô thị làng nhàng như những đô thị khác?…
Theo TS. Hậu, đặc trưng của đô thị đang xây của Việt Nam bây giờ là các nhà cao tầng, các trung tâm thương mại mang tên nước ngoài hoành tráng nhưng vô hồn; còn nhà dân hướng đến xây dựng các khách sạn và nhà nghỉ. TS. Hậu gợi ý, “ADN” của Đà Lạt là bốn vấn đề. Đầu tiên Đà Lạt vẫn được gọi là thành phố thung lũng ngàn hoa, tức là nói đến địa hình, khí hậu và bây giờ có thể hướng đến là một nền nông nghiệp đặc trưng – nông nghiệp sạch về cây trái, chế biến nông sản...
Thứ hai, tính chất của thành phố này khi bắt đầu xây dựng cho đến giờ ngoài ưu thế là thành phố du lịch nghỉ dưỡng, một góc độ văn hoá nữa cần khai thác, đó là thành phố về nghệ thuật.
“Ca nhạc phòng trà chẳng hạn, đó là một đặc trưng rất khác Sài Gòn. Hay những nghệ sỹ độc lập ở đây và nếu có thêm mảng ký hoạ đô thị nữa thì rõ ràng thành phố này phải là nơi phát triển về nghệ thuật. Nó không phải là trung tâm nghệ thuật đỉnh cao như Sài Gòn hay Hà Nội mà nó sẽ trở thành thành phố của các nghệ sỹ”, TS. Hậu nhận định, đồng thời chia sẻ đặc trưng tiếp theo là thành phố được quy hoạch và có kiến trúc rất đặc sắc, vì nó dựa vào địa hình như thành phố đồi dốc, suối đèo, thung lũng... và lối kiến trúc độc đáo ấy là ADN cần phải giữ. TS. Hậu cũng lưu ý gần đây rất nhiều những công trình có yếu tố Trung Quốc xuất hiện ở Đà Lạt mà nếu những công trình này xâm lấn về văn hoá thì rõ ràng bản sắc bị mất rất nhanh...
Mỗi hàng quán, cửa hiệu ở khu Hòa Bình đều ghi dấu đời sống thanh tao của thành phố Đà Lạt một thời. Ảnh: TL
Ông Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả chuyên viết về di sản và lịch sử, tham gia toạ đàm với vai trò khiêm tốn là “một người dân yêu Đà Lạt”. Dẫn dắt câu chuyện về sự hình thành phố núi từ mục tiêu của những người xây dựng, điều hành ông Tiến cung cấp thêm nhiều thông tin về những thời đoạn đặc trưng của Đà Lạt. Là thành phố độc đáo vì gần như người Pháp tạo nên hoàn toàn, không dựa trên nền của các đô thị Việt Nam, Đà Lạt không chỉ là một thành phố nghỉ mát của người Pháp ở Đông Dương mà từng có kế hoạch biến nơi đây trở thành thủ đô của liên bang Đông Dương.
Là thành phố nghỉ dưỡng, phong lưu sang trọng, phố núi còn có thêm yếu tố mới mà trước đây người Pháp chưa đặt ra nhiều đó là giáo dục. Đà Lạt trở thành nơi có Viện đại học và nói đến Đà Lạt là nghĩ đến một tầng lớp trí thức trẻ. Những tập đoàn, công ty Singapore đã chào dự án Đà Lạt 2 ở khu Suối Vàng, ca ngợi đây giống như Zurich của Đông Nam Á. Nhưng rồi nay đã bước sang thế kỷ 21, nơi đây vẫn nằm trong quỹ đạo thành phố cấp tỉnh, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và cứ thế phình ra một cách cơ học: “Câu chuyện phát triển Đà Lạt đã có nhiều cuộc thảo luận, đề xuất đưa ra như xây dựng nơi đây là thành phố giáo dục, thành phố thiền... Rồi Đà Lạt rơi vào tình trạng như nhiều thành phố đang mắc phải đó là cái gì cũng muốn có nhưng...”, ông Tiến bày tỏ sự thất vọng.
Theo ông Tiến, chúng ta muốn Đà Lạt như thế nào cần phải có những cuộc thảo luận đầy đủ của người dân, những người có chuyên môn với những nhà quy hoạch không chỉ gói gọn trong nội bộ tỉnh Lâm Đồng: “Tôi nghĩ nếu tầm nhìn chỉ đặt trong vỏn vẹn lãnh thổ tỉnh thì uổng lắm. Cuối cùng vấn đề của đô thị vẫn phải là công nghiệp nhưng công nghiệp của Đà Lạt là công nghiệp không khói, là công nghiệp dịch vụ. Phải nghĩ đô thị Đà Lạt này có phải gắn chuyện những vùng nông nghiệp chung quanh nó và phải quy hoạch trong một thể chế nào đó hay gắn với đô thị”.
Cũng theo ông Tiến, những cái mà người Việt đã bồi đắp rồi thì phải công nhận nó, tức phải công nhận đây là một đô thị giáo dục nếu muốn Đà Lạt là đô thị cấp quốc gia thì ngay từ nguồn đầu tư, luồng định hướng dân cư, kể cả người đi học, phải thay đổi. Ngoài ra, nếu xác định Đà Lạt là đô thị nghỉ dưỡng quốc tế nhưng quan niệm thu hút du lịch quốc tế là phải có shopping, phải phá bỏ không gian di sản, xây trung tâm thương mại thật lớn thì cần xem xét lại.
“Quan trọng là địa phương muốn xây dựng đô thị này là đô thị du lịch quốc tế với những hình mẫu như Zurich, Genève... hay chỉ là thành phố du lịch đơn thuần. Bởi nếu chỉ cốt thu hút khách đổ đến thật đông thì chỉ làm hư thành phố đó thôi”, ông Tiến bày tỏ, đồng thời cho rằng nếu muốn làm một cái gì mới cho Đà Lạt thì nên đầu tư vào khu vực mới (như Paris có khu La Défense), còn khu trung tâm với không gian văn hoá và các công trình có giá trị kiến trúc di sản thì cần phải gìn giữ, bảo tồn.
Cũng là những tâm hồn xao động trước các diễn biến đã và đang xảy ra tại không gian trung tâm Đà Lạt, những người trẻ tại toạ đàm là đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hoá, kiến trúc, di sản đô thị... bằng tình yêu Đà Lạt đã có những cách làm rất riêng với kỳ vọng xây một tương lai sáng cho phố núi.
Anh Vũ Đức Chiến, người sáng lập Urban Sketchers Vietnam, thành viên của Cộng đồng Người ký hoạ Quốc tế, có cách tiếp cận độc đáo vừa thể hiện trách nhiệm cá nhân bảo vệ di sản, vừa gieo cảm hứng vào cộng đồng, thông qua ký hoạ lại các công trình cổ, công trình cũ. Hướng đi đặc biệt này đang diễn ra ở nhiều quốc gia, và đây cũng là tổ chức gắn kết được những người yêu đô thị ở các châu lục. Theo người sáng lập Urban Sketchers Vietnam, ký hoạ đô thị góp thêm góc nhìn đa chiều hơn trong việc bảo tồn di sản khi quy tụ được cộng đồng những người trẻ, kết nối lại với nhau thông qua nhiều kênh... giúp họ hiểu thế nào về một công trình kiến trúc đẹp, một di sản, đặc biệt là giúp cho trẻ em yêu nơi mình ở, hiểu được câu chuyện lịch sử quanh nó.
Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, có điều kiện đi đây đi đó rồi một ngày thấy rõ ràng thành phố này thay đổi, mất mát nhiều giá trị nên anh Nguyễn Trung Hiền đã sáng lập dự án Phố bên đồi với các nội dung mang tính giáo dục, thay đổi nhận thức. Theo anh Hiền, ý tưởng tốt nhất để tiếp cận, thay đổi con người là nghệ thuật, nên đã lập ra các dự án nghệ thuật, tạo điều kiện cho những người trẻ ngồi lại với nhau, định vị lại Đà Lạt thông qua nghệ thuật. Và khi tạo ra những sản phẩm cụ thể như thế sẽ gây ấn tượng với du khách. Anh Hiền cho rằng, khu vực Đồi Dinh nên là bảo tàng, khu cộng đồng chứ không nên xây cất khách sạn như các phương án kiến trúc đang trưng bày.
Dốc Nhà Làng sẽ trở thành một khu phố đẹp, tươi trẻ và thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Một hoạt động của Phố bên đồi 2018. Ảnh: TL |
Các sinh viên trình bày “ý niệm” về một Đà Lạt từ góc nhìn của người trẻ. Ảnh: Nguyên Hạnh Nguyên |
Chung ý tưởng, anh Thái Bá Thiên Sơn, Giám đốc và người sáng lập Base Creative cho rằng do điều kiện tiếp cận với người trẻ nên hướng đi là thiết kế trải nghiệm đô thị cho người trẻ. “Từ trải nghiệm đó người ta mới hình dung được đô thị có giá trị ở chỗ nào, rồi hình thành ý niệm bảo vệ, họ sẽ là những người thay chúng ta bảo vệ trong tương lai”.
Đồng ý với những ý tưởng và cách làm vì một tương lai đáng sống cho Đà Lạt, đặc biệt là mục tiêu đô thị di sản, nhưng theo KTS - Luật sư Nguyễn Hồ, rõ ràng việc phải đối diện trước mắt vẫn là bảo vệ cho được không gian lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị ở khu trung tâm Đà Lạt.
Bình luận về con số mà PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên nêu ở đầu toạ đàm, đó là chỉ trong thời gian ngắn nhưng đã có tới hơn 45 bài viết về ba phương án kiến trúc Đồi Dinh, KTS. Nguyễn Hồ cho rằng cùng với những chia sẻ trên mạng xã hội đó là “làn sóng đặc biệt” và cần phải nhân rộng. Bởi, điều đó chứng tỏ sự quan tâm ngày càng nhiều hơn của dư luận, của người dân về di sản nói riêng và không gian sống đô thị gắn với họ nói chung, đó là trách nhiệm cộng đồng. Và làm gì thì cũng cần nghĩ đến quyền lợi của người dân nơi đó.
Theo KTS. Nguyễn Hồ với một đồ án quy hoạch còn nhiều vấn đề như vậy, đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần phải có kiến nghị kịp thời, cần dừng lại để xem xét thấu đáo. Theo vị kiến trúc sư - luật sư này, nhóm Bảo vệ Di sản cần lên tiếng và có ý kiến đề nghị Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, xem xét lại đồ án này.
“Tôi hi vọng sớm có một hội thảo để bàn cho ra vấn đề này”, KTS. Nguyễn Hồ bày tỏ.
Song Ngô
Theo Quyết định 704/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, định hướng không gian các khu đô thị ở Khu đô thị trung tâm lịch sử: Quy mô dân số khoảng 80.000 người, diện tích khoảng 1.700 ha; là trung tâm hành chính - chính trị cấp thành phố và cấp tỉnh, trung tâm thương mại - dịch vụ du lịch hỗn hợp, trung tâm du lịch văn hóa, di sản cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm y tế cấp thành phố và cấp vùng, trung tâm bảo tồn không gian cảnh quan - không gian mở - không gian kiến trúc đô thị, trung tâm giáo dục - đào tạo cấp thành phố. Về Định hướng không gian các trung tâm chuyên ngành, các trung tâm chuyên ngành có tổng diện tích là 520 ha. Trong đó, Trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng tập trung khu vực trục di sản và khu vực chợ Hòa Bình có tổng diện tích khoảng 75 ha. Bố trí một trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng tại khu du lịch hỗn hợp gần sân bay Cam Ly.” |
(1) https://thanhnien.vn/van-hoa/da-lat-huong-den-do-thi-di-san-1244639.html
>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi
Bình luận của bạn