Cà phê Nhân ra đời vào năm 1946, khi gia đình ông bà Nguyễn Văn Thi đi tản cư ở Vân Đình, cùng với sự đồng thuận của lãnh đạo, ba người bạn là Thế, Nhân và Thi (cùng là đội viên Đội biệt động Liên khu 3 – đội biệt động Hoàng Diệu), mở quán bán cà phê, vừa là nguồn sống của gia đình ông Thi, vừa là nguồn kinh phí hoạt động cách mạng, lại có thể trở thành nơi nhận liên lạc của cán bộ Cách mạng.
Chữ Nhân trong cà phê Nhân do ba người đồng sáng lập cùng chọn làm tên hiệu với ý nghĩa: nhân tâm, nhân hậu, nhân đức, nhân nghĩa.
Cà phê Nhân do vợ chồng ông Nguyễn Văn Thi và bà Trần Thị Thanh Kỳ là hai người trực tiếp tìm tòi nghiên cứu ra công thức pha cà phê thơm ngon. Từ những khâu như chọn nguyên liệu cà phê để rang sau đó xay cà phê thủ công và cách pha chế sao cho hợp lý, tất cả đã tạo nên thương hiệu cà phê thơm ngon đặc trưng của quán.
Giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1951, thương hiệu cà phê Nhân theo gia đình ông bà Thi tản cư từ Vân Đình xuống Nho Quan, rồi từ Nho Quan lại quay về Hà Nội. Cà phê Nhân như một “căn cứ bí mất” để các chiến sĩ cách mạng gặp gỡ, móc nối liên lạc, trao đổi tin tức quân sự, tình báo giữa nội thành và vùng sơ tán địa phương.
Năm 1951, khi ông bà Thi quay trở về Hà Nội quán cà phê Nhân được gây dựng lại và phát triển mạnh, ngày đó quán được mở ở 100 Cầu Gỗ. Năm 1980 sau khi nghỉ hưu, cụ Kỳ quyết định mở lại quán cà phê ở số 27 phố Lương Ngọc Quyến.
Sau này, do khó khăn về địa điểm và lại có tuổi, cụ Kỳ đã thôi không trực tiếp bán hàng mà giao lại cho cô con gái Út là bà Nguyễn Thị Như Hạnh. Bà Hạnh thuê lại bãi đất trống ở ngã ba Hàng Hành (tức số nhà 39D ngày nay) làm nơi khởi nghiệp.
Sau này, cà phê Nhân không còn chỉ là một quán cà phê nhỏ mà đã trở thành một thương hiệu lớn mang tầm vóc quy mô công ty TNHH kinh doanh sản xuất và phát triển thương hiệu với nhiều ngành nghề vào năm 2003.
Đến nay, ở Hà Nội đã có gần một chục quán mang thương hiệu Cà phê Nhân do các con và cháu ông bà Thi Kỳ mở ở Hàng Hành, Láng Hạ, Nguyễn Thái Học, phố Đê La Thành… tuy nhiên theo đánh gia của giới yêu thích cà phê thì cà phê Nhân đang tự đánh mất chính mình khi đi theo hướng thương mại hóa, cà phê ở đây bây giờ chỉ còn lại một phần hương vị của cà phê ngày xưa mà thôi.
Bình luận của bạn