Cầu Thăng Long

Thứ 2, 28/11/2022, 00:26 (GMT+7)

Chia sẻ

Cầu Thăng Long với ý nghĩa “Rồng bay”, là khởi đầu cho một vóc dáng Hà Nội hiện đại, bề thế mở rộng về phía Tây Bắc.

Đây là một công trình lớn bắc ngang sông Hồng ở ngay cửa ngõ thủ đô Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng. Cầu xây dựng cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 11km. Chính thức khởi công tháng 11/1974.

 z3888485560244-4f3f1dc6e86b1ed082f1376e5501f149-1.jpg
Cầu chính dài 1.688m, có 15 nhịp, mỗi nhịp dài 112m, đặt trên 14 trụ và 2 mố. Mỗi trụ gần một vạn mét khối bê tông. Cầu có hai tầng, tầng trên rộng 19,5m, phần ô tô rộng 16,5m cho bốn làn xe ô tô cao tốc, hai đường cho người đi bộ, mỗi bên rộng 1,5m. Tầng dưới rộng 17m. Trong lòng cầu rộng 10m, đặt hai đường xe lửa khổ 1,435m. Hai bên có hai đường xe thô sơ, mỗi đường rộng 3,5m.

Chiều dài toàn cầu:

- Cầu đường sắt dài 5.503m, kể cả cầu chính và cầu dẫn.

- Cầu ô tô dài: 3.116m, kể cả cầu chính và cầu dẫn.

- Cầu đường xe thô sơ dài: 2.650m, kể cả cầu chính và cầu dẫn.

Cầu Thăng Long hoàn thành từng bước:

Tháng 10 năm 1983 nối liền hai bờ Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) và Võng La (huyện Đông Anh) của thủ đô Hà Nội.

Tháng 1 năm 1984: thông xe đường ô tô bước 1, ở tầng dưới. Tháng 6 năm 1984: thông tàu hoả một làn đường sắt khổ 1 mét.

Tháng 5 năm 1985: khánh thành, thông xe toàn cầu.

Về nền móng: Xây 14 trụ cầu chính, dùng móng loại giếng chìm đường kính 18m, hạ sâu xuống mặt đất từ 40m đến 50m, có trụ sâu tới 60m. Đã phải sử dụng tới hơn 100km cọc ống đường kính 55cm đúc ly tâm dự ứng lực: gần 1000 phiến dầm bê tông dự ứng lực, mỗi phiến dài 32m, nặng từ 50 tấn đến 130 tấn và hàng vạn tấm bảng bê tông các loại để dùng cho cầu dẫn đường sắt, đường ô tô.

Công việc lắp dầm thép: Có hơn 20.000 tấn gồm 15 nhịp, cứ ba nhịp một làm dầm liên tục. Kết cấu hàn, ghép bằng bu lông cường độ cao. Mặt cầu liên hợp gồm các bản trực hướng ghép nối với nhau và với dàn bằng bu lông cường độ cao, và chủ yếu bằng mối hàn.

Cầu Thăng Long với hai đường xe lửa, bốn đường ô tô, hai đường xe thô sơ và hai đường người đi bộ... là cây cầu “thế kỷ” có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, là thể hiện đặc trưng của tình hữu nghị Việt - Xô.

Việc hoàn thành xây dựng cầu Thăng Long đã nâng cao gấp bội năng lực giao thông ở trung tâm quan trọng trong mạng lưới giao thông cả nước.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác