Chàng trai ‘xây nhà’ từ bìa carton, que kem

Thứ 3, 29/11/2022, 16:20 (GMT+7)

Chia sẻ

Với những vật liệu như gỗ vụn, que kem, bìa giấy… Tuấn Anh lắp ghép thành những mô hình nhà cửa ‘nhuốm màu thời gian’ được nhiều người tìm mua.

Phạm Tuấn Anh, 28 tuổi, tốt nghiệp cao đẳng giao thông ở TP Vinh (Nghệ An) nhận ra mình có đam mê làm diorama (sa bàn – tổ hợp mô hình xây dựng khung cảnh trong không gian nhỏ, thể hiện khung cảnh lịch sử, tự nhiên hoặc viễn tưởng) từ năm 2017.

Dù bận rộn với công việc của một công ty xây dựng, ngày nào Tuấn Anh cũng lên YouTube xem những video của nghệ nhân nước ngoài làm diorama.

Sau gần ba năm tự nghiên cứu, anh bắt tay vào thực hiện với niềm tin sẽ thành công.

Đầu năm 2021, Tuấn Anh xin nghỉ việc, mua vật liệu để theo đuổi đam mê dù bố mẹ phản đối kịch liệt. Tháng đầu tiên, anh mò mẫm làm mô hình thu nhỏ nhà của bà ngoại bằng nguyên liệu bìa carton, vỏ lon nước ngọt, keo epoxy….

Mái ngói nhuốm màu thời gian, bức tường rêu phong, cửa sổ cũ kỹ, hàng cây xanh trước nhà… được Tuấn Anh mô phỏng với tỷ lệ 1:35. Ngay sau khi đăng lên trang cá nhân, mô hình này được một ca sỹ nổi tiếng hỏi mua. “Tôi lấy đó làm động lực để tiếp tục”, anh nói.

Những mô hình nhà mini nhìn qua tưởng dễ làm nhưng việc phối màu, sắp xếp chi tiết khiến tác phẩm sống động như thật không hề đơn giản.

Để tạo hồn cho ngôi nhà, Tuấn Anh phải trau chuốt từ những chi tiết nhỏ nhất, như chiếc khăn phơi, bến đỗ thuyền hay bó củi vụn… Ngoài ra, anh còn dùng thêm sắt, kẽm, keo, sơn để hoàn thiện.

Các chi tiết, tỷ lệ phải chuẩn, chỉ cần một sai sót nhỏ sản phẩm coi như bỏ. Với mỗi mô hình, thời gian hoàn thiện ít nhất mất 5 ngày, nhiều lên đến 17-20 ngày, tùy vào độ phức tạp.

Một sản phẩm thông thường trải qua 5 bước. Đầu tiên là lên ý tưởng và lập bản vẽ, tiếp đến cắt và dựng mô hình thô. Sau đó là làm các chi tiết nhỏ hơn, sơn màu và gắn các chi tiết nhỏ lên mô hình. Cuối cùng là làm đế và hoàn thiện.

Với những ngôi nhà Bắc Bộ, Tuấn Anh làm từ gỗ hoặc bìa mô hình formex, nhà sàn Tây Bắc được dựng từ những que kem.

Cây cối được dựng từ thân gốc thật, lá làm bằng giấy phun màu, sông suối được tạo từ keo epoxy…

Dù rất nhiều công đoạn, theo Tuấn Anh, sơn màu là khó nhất bởi việc pha màu quyết định mô hình có chân thực và cổ kính hay không. “Tôi đã chi rất nhiều tiền mua màu về tập pha, vô số lần mô hình được sơn lên rồi lau đi vì chưa đạt chuẩn”, anh nói.

Vốn là một người ưa thích những hình ảnh giản dị, nhuốm màu thời gian nên Tuấn Anh thường đưa những chi tiết gỉ sét, màu sắc cũ kỹ pha chút hoài cổ vào tác phẩm của mình.

Đến nay, chàng trai này đã làm được khoảng 25 sản phẩm. Ngoài việc làm các mô hình theo ý tưởng, anh còn làm theo yêu cầu của khách hàng.

Mô hình phố đường tàu trên đường Phùng Hưng – Hà Nội được Tuấn Anh dựng lên theo hình ảnh trên mạng và trí tưởng tượng của mình.

Một số tác phẩm Tuấn Anh thấy ưng ý là mô hình Phố cổ Hội An, đường phố Sài Gòn năm 1968, nhà trên sông nước miền Tây… Những tác phẩm này gồm rất nhiều chi tiết, mất đến nửa tháng đến cả tháng để hoàn thành.

Ngoài ra, mô hình nhà Tây Bắc cũng thu hút chàng trai này. Từng bậc cầu thang gỗ cũ kỹ, bếp đun củi trong nhà… những đặc trưng của kiến trúc nhà sàn được lột tả rất sống động. Phía dưới ngôi nhà sàn tận dụng để phơi đồ, bảo quản củi, lương thực, nuôi lợn… giống hệt người dân vùng cao sinh hoạt thường ngày.

“Nếu chụp gần, không ai nghĩ đó là nhà mô hình, bởi tưởng nhà thật”, một người bạn của Tuấn Anh chia sẻ.

Để truyền cảm hứng của mình tới những bạn trẻ cùng đam mê, Tuấn Anh dự định trong tương lai sẽ mở một quán cà phê nhằm trưng bày những mô hình do anh tự làm ra.

Hiện chàng trai này cũng mở một kênh YouTube chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm với những người cùng sở thích.

mo-hinh-1-1645818862-1.jpg

mo-hinh-3-1-1.jpg

mo-hinh-4-1-1.jpg

anh-tiep-3-1.jpg

anh-14-tay-bac-1645586356-1.jpg

anh-13-hoi-an-1645586796-1.jpg

anh-10-pho-duong-tau-1645586444-1.jpg

anh-8-mien-tay-1645586333-1.jpg

anh-4-mien-tay-1-1645586260-1.jpg

mo-hinh-5-1.jpg

Phố Hàng Thủ Công

Bình luận của bạn

Tin khác