Chuyên đề “Di sản công trình Kiến trúc Pháp trong cuộc sống đương đại”

Thứ 5, 08/12/2022, 18:11 (GMT+7)

Chia sẻ

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị trên địa bàn Quận là mục tiêu, là giải pháp, vừa là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế quận theo hướng Thương mại – Dịch vụ – Du lịch.

Khu phố Pháp thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm được xây dựng đầu tiên tại Hà Nội trước năm 1954 theo mô hình “Thành phố vườn” với hệ thống giao thông ô bàn cờ, gồm nhiều công trình tiêu biểu cho một đô thị hiện đại vào đầu thế kỷ 20 như cầu Long Biên, Bảo tàng Lịch sử, Toà Thị chính, Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn, Trường Đại học Dược, Ga Hà Nội…

20a07002-02-1.jpg

Một trong những di sản kiến trúc quan trọng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chính là những biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc – Đó là một bộ sưu tập phong phú các công trình kiến trúc Pháp, đã tạo thành một quần thể từ quy hoạch, cảnh quan đến kiến trúc đô thị Pháp ở Hà Nội. Quá trình phát triển kiến trúc biệt thự trong một trăm năm đã tạo nên một quỹ di sản kiến trúc đô thị có giá trị, góp phần làm nên bản sắc đô thị của Hà Nội. Do đó, việc nhận diện các giá trị để bảo tồn và phát triển kiến trúc biệt thự được xây dựng thời Pháp ở Hà Nội có ý nghĩa quan trọng và quyết định đối với chính quyền quận Hoàn Kiếm trong giai đoạn hiện nay.

Hệ thống biệt thự kiến trúc Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc về di sản đô thị – phần ký ức đô thị của Hà Nội đã ngàn năm tuổi. Đây là hệ thống giá trị rất cơ bản mà theo Luật Di sản văn hóa thì phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị – Một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác quản lý đô thị, đảm bảo các giá trị hiện hữu của Hà Nội, tăng sức cạnh tranh với các đô thị trong vùng và các quốc gia lân cận.

Trên thực tế, những khu biệt thự đã chịu sự tác động của nhiều yếu tố cả chủ quan, khách quan và đã có sự thay đổi rõ rệt. Với hiện trạng sở hữu nhà đất đan xen Nhà nước và tư nhân, nguồn tài chính eo hẹp, nhận thức của cộng đồng và chủ sở hữu, người sử dụng các công trình kiến trúc biệt thự Pháp còn hạn chế; trong khi các công trình tiếp tục bị biến dạng và xuống cấp, số lượng cần trùng tu lớn…, việc giữ gìn những công trình kiến trúc này đồng nghĩa với việc tạo lập các giá trị lịch sử, văn hóa đã được Luật Di sản Văn hóa, Luật Thủ đô bảo hộ. Vấn đề ở đây là phải xác định rõ giá trị và bảo tồn các công trình biệt thự như thế nào? Đó cũng chính là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho chính quyền đô thị và giới chuyên môn (bao gồm KTS quy hoạch, KTS công trình, các nhà Lịch sử, Văn hóa). Tuy nhiên, nội hàm bảo tồn và phát huy giá trị không phải một công trình đơn lẻ trong khu phố cổ, khu phố cũ mà phải là một cấu trúc tổng thể, đảm bảo tính hiện hữu, khả thi, và các yêu cầu thực tế khác.

20a07002-03-1.jpg

Về việc này, giai đoạn trước, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp liên ngành, trong đó trọng tâm là Sở Xây dựng, đã phân nhóm biệt thự theo luật định (Luật Nhà ở, Luật Di sản Văn hóa, Luật Thủ đô) và lập danh mục 1540 biệt thự, Sở Quy hoạch Kiến trúc tham vấn ban đầu, sau chuyển giao cho Sở Xây dựng, chốt danh sách 1253 biệt thự, chia làm 3 nhóm:

Nhóm 1: Rất có giá trị, cần bảo tồn nguyên trạng, ưu tiên đầu tư phát triển bảo tồn. Trong trường hợp xuống cấp nghiêm trọng, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, quyết định phải phá dỡ thì phải xây dựng theo nguyên gốc;
Nhóm 2: Khi các cơ quan thẩm định, kiểm định, quyết định được phép phá dỡ, có thể xây dựng lại nhưng phải giữ cấu trúc, có thể thay đổi công năng;
Nhóm 3: Đã bị biến dạng, ít giá trị hơn, nếu phá dỡ, khi cải tạo được phép đổi mới cho phù hợp với quản lý QHKT Khu vực và các luật quy định;
Theo đó, Khu phố Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 86/125 biệt thự loại 1, 180/382 biệt thự loại 2, 261/645 biệt thự loại 3 và nhiều công trình có giá trị trước năm 1954. Những ngôi biệt thự này thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau, khu vực sở hữu bởi Nhà nước và các cơ quan ngoại giao được bảo trì tương đối tốt, khu vực sở hữu đan xen hoặc người dân ở là bộ phận xuống cấp mạnh nhất.

20a07002-06-1.jpg

20a07002-05-1-1.jpg

20a07002-07-1-1.jpg

Thời gian trước, UBND TP đã quan tâm đến bảo tồn Khu phố Cổ, đồng thời bước đầu ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố Cũ theo Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND ngày 13/8/2015, xác định những công trình kiến trúc Pháp và đặc trưng Khu phố Pháp tại Quận Hoàn Kiếm là Quỹ di sản đặc biệt quan trọng, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị quỹ di sản đặc biệt này sẽ góp phần gìn giữ được giá trị văn hoá, giá trị kiến trúc và là động lực để phát triển du lịch, dịch vụ tại khu vực nội đô lịch sử.

Do vậy, quận Hoàn Kiếm đã đề xuất với Thành ủy, UBND TP Hà Nội và bước đầu được thông qua việc nghiên cứu, triển khai đề án Khu phố Pháp trở thành vùng di sản. Có làm được điều này, không gian đô thị thuộc về phần hồn của đô thị, đặc biệt là khu vực quận Hoàn Kiếm – trung tâm của nội đô lịch sử mới được lưu giữ, phát triển một cách khả thi, thích ứng.

Khu phố Pháp, cần thực hiện những giải pháp có tính tổng thể, đồng bộ. Thứ nhất, việc nghiên cứu, đề xuất chế tài cho Vùng di sản – Khu phố Pháp, ngoài dinh thự, công thự thì biệt thự là một thành tố quan trọng nằm trong tổng thể được bảo tồn, gồm không gian, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng khác – Đó là về nhận thức, định hướng cho công tác bảo tồn. Thứ hai, cần đề xuất mô hình giải pháp quản lý biệt thự có dân ở, căn cứ theo danh mục đã được duyệt, quy chế đã có, Nhà nước và nhân dân cùng bảo vệ di sản. Thứ ba là các biện pháp quản lý tăng cường, quán triệt quan điểm: Không được phá biệt thự, tìm cách ứng xử thích ứng trong công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, về mặt cơ chế chính sách, cần khẳng định vai trò chủ động của quản lý nhà nước, có thể thiết lập quỹ bảo tồn di sản, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh với các hành vi xâm hại các công trình di sản….

Trên cơ sở đó, tôi cho rằng cần xác định những việc cần làm ngay cho các biệt thự kiến trúc Pháp trong thời gian tới, cụ thể như sau:

  • Có quy định, chế tài bảo vệ các công trình biệt thự, xây dựng công cụ quản lý phù hợp tình hình thực tế
  • Tổng rà soát hình thái sở hữu các biệt thự đan xen nhà nước và tư nhân, cần quy về một hình thái thống nhất, tối ưu cho công tác bảo tồn, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo;
  • Bảo tồn biệt thự phải chuẩn hoá được không gian xung quanh, bảo tồn cấu trúc không gian đặc trưng của thành phố vườn. Thông qua thiết kế đô thị, kiểm soát trạng thái của các biệt thự, tiến tới việc thiết lập các giải pháp phục hồi các khu biệt thự mẫu, không gian mẫu để tạo ra các tuyến khu vực, không gian tiêu biểu để làm điểm nhấn trong vùng di sản;
  • Bảo tồn biệt thự cần được đồng bộ hoá cùng quá trình bảo tồn các công thự, dinh thự, không gian, hạ tầng giao thông, vườn hoa, quảng trường… để củng cố, kiến tạo không gian di sản đô thị đặc trưng của Khu phố Pháp.

Cùng với Quy chế quản lý Khu phố cổ, Khu phố Cũ, Quy chế quản lý chung Quy hoạch – Kiến trúc toàn TP và những Thông tư, Nghị định khác… chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là những giải pháp hữu ích, bổ trợ quản lý kiến trúc đô thị, đồng bộ cùng hoàn chỉnh QH phân khu đô thị, QH chi tiết và thiết kế đô thị chung của quận Hoàn Kiếm, nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Một điều quan trọng là cần tuyên truyền rộng rãi để mỗi người dân đều nhận thức được quyền hạn, trách nhiệm của mình, cùng tham gia vào nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị vùng di sản của Khu phố Pháp, trong đó có biệt thự kiến trúc Pháp, góp phần tạo ra những giá trị mới cho Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác