Có một phố quạt và một làng quạt thủ đô

Thứ 4, 15/02/2023, 00:04 (GMT+7)

Chia sẻ

Hà Nội có phố Hàng Quạt. Phố này dài khoảng 200m, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố có hướng Đông-Tây, nối từ phố Lương Văn Can đến phố Hàng Nón. Gọi là Hàng Quạt vì trước kia, phố này chuyên mua và bán quạt...

Hà Nội ba sáu phố phường/ Nhớ về Hàng Quạt, lại thương cậy hồng.
 
(“Hồng hồng má phấn duyên vì cậy/Chúa dấu, vua yêu một cái này” - Vịnh cái quạt giấy, thơ Hồ Xuân Hương. Quả cậy giống quả hồng nhưng nhỏ hơn, sắc tươi quyến rũ, có nhiều nhựa. Nhựa cậy rất được ưa chuộng cho việc dán quạt giấy vì độ dính của nó bền vững trong mọi điều kiện thời tiết)
 images1081748-trang8-1-1.jpg
 
Chiếc quạt Vác được ví như “linh hồn” của làng Canh Hoạch, không chỉ để làm mát mà còn là nhân chứng chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử... Ảnh: Tư liệu
 
Hà Nội có phố Hàng Quạt. Phố này dài khoảng 200m, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố có hướng Đông-Tây, nối từ phố Lương Văn Can đến phố Hàng Nón. Gọi là Hàng Quạt vì trước kia, phố này chuyên mua và bán quạt. Ngôi đình ở số 4, phố Hàng Quạt, có chữ đề “Xuân phiến thi” (Chợ bán quạt mùa xuân) vẫn còn đến ngày nay. Hồi đó, sau Tết âm lịch hàng năm, dân phố đón các “chiếng” quạt từ khắp nơi, quạt về nhiều vô kể... Rồi người ta lại đưa các loại quạt đi phục vụ mọi miền đất nước. Quạt vào Huế của miền Trung ruột thịt. Quạt về TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Quạt đến với bạn bè năm châu. Ngày nay, phố Hàng Quạt không còn bán quạt nữa, các chủ cửa hàng chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác như đồ thờ, hàng cho việc hiếu, hỷ, chúc thọ...
 
Hà Nội lại có một làng quạt đến nay vẫn còn giữ được nghề - làng Vác (tên chữ là Canh Hoạch). Làng Vác ở cạnh ngã tư Vác (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai). Từ quận Hà Đông, đi theo quốc lộ 21B về hướng Vân Đình, được khoảng 20km là tới.
 
Ngay từ xa xưa, giữa đất Việt với cơ man các loại quạt: bình dân như quạt nan tre hoa, quạt nan bằng cây lụi, bằng gỗ bạch đàn...; quý như quạt lụa, quạt tàu, quạt văn công, quạt lông ngỗng...; đặc biệt và đắt tiền như quạt nan bằng ngà voi (còn gọi là nha phiến quạt), bằng sừng trâu (ngưu giác quạt)..., quạt Vác nổi tiếng là loại thông dụng, bền, giá cả hợp lý.
 
Quạt Vác hội tụ tinh hoa. Mỗi công đoạn, mỗi chi tiết đều được chú ý cẩn trọng. Nhất là đối với những phần chính yếu của chiếc quạt. Nghệ nhân quạt Vác mua tre làm nan quạt ở Bối Khê, Bình Đà, Thạch Bích trong huyện; mua giấy phất ở làng Bưởi (Tây Hồ), ở Bắc Ninh, ở làng Quán (Phú Xuyên); mua quả cậy để làm nhựa phất ở tận Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa... Nan quạt có nhiều loại: nan bi (toàn cật, chuốt tròn cạnh), nan pha (nửa cật, nửa lòng)... Nan cái (hai nan ngoài cùng) bao giờ cũng dùng nan cật, có khi là hai mặt cật ghép lại với nhau bằng sơn ta. Nan tre được ngâm kỹ để không bị mọt.
 
Màu sắc của quạt là do cậy phất. Cậy giã nhỏ đem ngâm kỹ. Cậy ngâm càng kỹ, mùi càng khó ngửi càng tốt (phết vào quạt thì dần dần bay hết mùi). Nước cậy được đưa một miếng sắt han gỉ vào khuấy đều rồi mang phất quạt, sẽ cho quạt mầu đen. Cho một dúm phẩm đỏ, có quạt mầu hồng. Cho phẩm tím, có quạt mầu tím...
 
Ở làng Vác, quạt giấy thường được châm kim, với hình Tứ linh, Tứ quý, Long vân khánh hội, Cửu long tranh châu, Mai điểu, tùng lộc, Cành hồng cánh bướm, đôi chim bồ câu... tùy theo yêu cầu người đặt mua. Người châm kim nhớ các hình mẫu như trong lòng bàn tay, cầm chiếc kim khâu, rê đi rê lại rất khéo léo, tinh xảo trên mặt quạt. Xong, soi quạt lên trời sẽ thấy hiện ra từ những lỗ kim nhỏ li ti các hình thù, càng nhìn càng thấy cái đẹp kín đáo, ý nhị.
 
Cuốn “Truyện các ngành nghề” (Nhà Xuất bản Lao động, H, 1977) đề cập: có một chiếc quạt Vác được Bác Hồ dùng từ khoảng mùa Xuân năm 1946. Đó là chiếc quạt giấy, dài một thước ta (quạt thước). Trên mặt quạt có châm kim hoa văn rất đẹp và 8 câu thơ, gồm 4 câu thất ngôn tứ tuyệt: “Gió xuân hây hẩy Ba kỳ mát/ Muỗi cỏ vo ve một phảy tan/ Gia Cát quạt lông, Hồ quạt giấy/ Trước sau quét sạch lũ tham tàn” và bốn câu lục bát: “Ra tay quạt gió xua nồng/ Cho dân bức bối thỏa lòng ước mong/ Quạt nồng Nam, Bắc, Tây, Đông/ Quạt cho hòa khí xuân phong trở về”. Chiếc quạt lịch sử ấy do nhân dân làng Canh Hoạch sản xuất và kính biếu Bác Hồ nhân dịp sinh nhật của Người năm 1946.
 
Sinh thời, cụ Hoàng Đạo Thúy (Một trong nhừng nhà văn hóa lớn của nước ta, Giám đốc Trường Dân tộc Trung ương/ Ủy ban Dân tộc Trung ương) có kể lại: Tháng 6/1948, Hồ Chủ tịch phát động phong  trào thi đua yêu nước. Cụ Thúy được Người giao trách nhiệm làm Tổng Bí thư Ban thi đua Trung ương. Sau khi bàn công việc xong, Người đưa cho cụ Thúy một cái quạt thước và nói: Cụ cầm quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh. Đó chính là cái quạt thước nhân dân làng Canh Hoạch biếu Bác Hồ dịp 19/5 hai năm trước. (Hoàng Đạo Thúy, “Theo Bác”, Tác phẩm mới, Hà Nội, số 11, tháng 1-2, 1971).
 
Chẳng bao lâu, lòng ước mong của nhân dân làng Vác và cũng là của nhân dân ta đã thành hiện thực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã quét sạch lũ đế quốc tham tàn; gió xuân đã thổi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
 
... Hiện nay làng Vác vẫn sản xuất quạt giấy và hành nghề khá ổn định. Một vài công đoạn đã được cải tiến để năng suất cao hơn, quạt cũng đẹp hơn về hình thức. Nhưng mỗi một chiếc quạt được làm ra ở Vác hôm nay, đều thấm đượm tình cảm vui buồn của dân làng gắn bó cùng sự hình thành và phát triển nghề làm quạt giấy. Cũng chính vì lẽ đó mà giờ đây, quạt làng Vác đã trở thành món quà lưu niệm được nhiều người mến mộ. Vào ngày 12/3 âm lịch hằng năm, tại Đình Canh Hoạch, nhân dân làng Vác tổ chức hội làng với nhiều hoạt động hấp dẫn, trong đó tiêu biểu nhất là nghi lễ rước quạt, tỏ lòng thành kính tiền nhân đã đưa nghề quạt giấy trở thành nghề truyền thống của làng Vác thân yêu.
 
PHẠM XƯỞNG

Bình luận của bạn

Tin khác