Cuộc sống mưu sinh của người Việt trong mắt họa sĩ Pháp

Thứ 4, 21/12/2022, 11:18 (GMT+7)

Chia sẻ

Xe máy chở đầy vịt, gánh bún riêu, cá viên chiên lề đường… hiện lên sống động qua nét vẽ họa sĩ Pháp Fred Campana.

tranh-cua-fed-9-1671577014-1.jpg

 Các bức vẽ của họa sĩ Fred Campana được đăng trên tài khoản Instagram Theminimalisturbansketcher và được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Nhiều người bình luận tác phẩm của anh gợi cảm xúc hoài niệm, bình yên.
Trong tranh là khoảnh khắc gia đình bốn người trên chiếc xe máy ở TP HCM. Họa sĩ nói: “Những hình ảnh rất bình dị và chỉ có ở Việt Nam đã khiến tôi thực sự hạnh phúc và cười rất nhiều khi chứng kiến”. Fred Campana sinh năm 1976 tại Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp. Anh có vợ là người Việt Nam, hiện sống chủ yếu ở TP HCM và Hong Kong.

tranh-cua-fed-7-1671577009-1.jpg
 Chiếc xe bán bún riêu cua giá 30.000 đồng ở vỉa hè. Fred cho biết bị mù màu, vì vậy, chủ yếu vẽ tông đơn sắc trên giấy màu nâu. Phong cách họa sĩ theo đuổi là minh họa bằng bút mực và rửa mực. “Tôi là họa sĩ ký họa đô thị. Tôi thích ra ngoài, vẽ những gì mình nhìn thấy và được truyền cảm hứng”, anh nói.

tranh-cua-fed-11-1671577865-1.jpg
 Bức họa mô tả khoảnh khắc người đàn ông nằm ngủ trên ba chiếc xe máy, tờ báo đặt lên mặt để che bớt ánh sáng. Họa sĩ cho biết trong một lần dạo chơi phố cổ Hà Nội, anh bắt gặp khoảnh khắc này. Ở biển số xe, anh đề chữ “Only in Vietnam” (Chỉ có ở Việt Nam).

tranh-cua-fed-2-1671577012-1.jpg
 Fred cho biết một lần, khi đang dạo quanh khu chợ người Hoa ở TP HCM, anh nhìn thấy chiếc xe máy chở hàng trăm con vịt. Họa sĩ cố gắng chụp một bức ảnh nhưng không kịp do xe chạy quá nhanh. Sau đó, anh nghiên cứu tài liệu, hỏi thăm bạn bè người Việt và tìm thấy một số hình ảnh tương tự, làm tư liệu để vẽ. “Tôi biết rằng vịt được nuôi ở trang trại và các nhà hàng, quán ăn có thể mua chúng khi còn sống. Hình thức vận chuyển gia cầm này phổ biến ở Việt Nam”, họa sĩ nói.

tranh-cua-fed-8-1671577013-1.jpg
 Xe máy bán cá viên chiên – hình ảnh xuất hiện nhiều ở TP HCM. Họa sĩ mong muốn khơi gợi cảm xúc và đưa người xem trở về với những kỷ niệm thời thơ ấu. “Tôi yêu đất nước và con người Việt Nam. Rất nhiều người gửi tin nhắn cảm ơn tôi và nói rằng các bức tranh nhắc họ nhớ về kỷ niệm đẹp, khiến họ biết ơn. Điều này thực sự tuyệt vời và là lý do tôi vẽ những chủ đề này”, anh nói.

tranh-cua-fed-3-1671577011-1.jpg
 Bức “Chiếc xe đạp bán kem” là món quà họa sĩ tặng vợ nhân dịp sinh nhật. Anh nói: “Cô ấy muốn có một tác phẩm nghệ thuật gợi nhớ tuổi thơ. Đó là những buổi chiều khi nghe thấy tiếng chuông, vợ tôi chạy từ nhà ra chỗ xe kem và xin bố mẹ mua cho một chiếc”. Từ những chia sẻ của vợ, Fed vẽ một bức khổ lớn, hiện trưng bày ở phòng khách trong nhà.

tranh-cua-fed-5-1671577010-1.jpg
 Tác phẩm mô tả công việc của một người lao công. Trên trang cá nhân, họa sĩ viết: “Tôi vẽ những người không ai nhìn vào, không ai để ý đến. Những người im lặng làm việc, như những cái bóng vô hình nhưng chúng ta thực sự cần họ”.

tranh-cua-fed-4-1671577011-1.jpg
 Người đàn ông bán kẹo kéo.
Họa sĩ cho biết đang học tiếng Việt để có thể hiểu hơn về con người và văn hóa Việt Nam.

tranh-cua-fed-10-1671577014-1.jpg
 Người phụ nữ bên gánh hàng rong với các món ăn vặt như bánh tráng, kẹo lạc, tào phớ… Trung bình họa sĩ mất từ hai đến tám giờ để hoàn thành tác phẩm, tùy thuộc vào sự phức tạp của mỗi bức.

tranh-cua-fed-1-1671577012-1.jpg
 Fred cho biết hình ảnh người chở thú cưng trên xe máy xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của mình. “Tôi thường xuyên bắt gặp chó, mèo ngồi phía trước hoặc sau yên xe của người dân. Ở đây, mọi người rất yêu động vật”, anh nói.

tranh-cua-fed-6-1671577010-1.jpg
 Tác phẩm mô tả hình ảnh người dân từ TP HCM về quê dịp Tết – một trong những bức họa Fred tâm đắc.

Hiểu Nhân (ảnh: Họa sĩ cung cấp)

Bình luận của bạn

Tin khác