Dân gìn giữ di sản

Thứ 6, 13/01/2023, 13:15 (GMT+7)

Chia sẻ

Chỉ có người dân mới giữ được các di sản văn hóa. Nhưng họ cần được trao quyền cũng như có cơ chế minh bạch.

5b3837335dca-tru-3-dgjc-1.jpg

 Ca trù đang được nhiều người yêu thích, gìn giữ

Ông Nguyễn Hoài Nam, một người dân Hà Nội, giận run lên khi tới đình Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội) hồi cách đây 2 năm. Khi đó một cặp nghê cổ đang được đơn vị trùng tu chuẩn bị mang đi khỏi di tích. Nhiều xà gỗ chạm trổ cũng đang được chuẩn bị mang đi. May là ông Nam cùng bạn bè đã đến kịp. “Tôi nói với đơn vị trùng tu rằng không mang nghê đó đi đâu hết. Mang đi rồi đổi lại nghê mới lại càng không. Một số xà còn dùng được tôi cũng đề nghị dùng tiếp. Sao phải thay mới khi mọi thứ vẫn đang dùng được”, ông Nam nhớ lại. Sau đó, đôi nghê cổ đã được giữ lại đình. Người dân Quang Húc vui mừng khôn xiết.


Dân tự giám sát

Thực tế, còn một loạt di sản khác nhờ tin báo của những nhà nghiên cứu “tay trái” như ông Nam mà giữ được như: chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội), đình Tiên Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Họ đã lên tiếng cảnh báo, qua báo chí, ngay khi những ngôi đình chùa ấy bị trùng tu như phá. Một trường hợp khác: lo lắng trước cảnh ngôi đình Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội) ngập sâu mỗi khi mưa xuống, một số người dân quanh vùng đã “la lên” trên trang cá nhân Facebook và chủ động thông tin cho báo chí, nhờ đó mà ngôi đình đã được sự quan tâm của chính quyền.

Những người dân yêu và hiểu di sản còn có ở nhiều nơi. Nhiều người trong số đó cùng sinh hoạt một nhóm, chẳng hạn như nhóm Đình làng Việt, cùng nhau đi điền dã để ngắm, để chụp ảnh lưu lại vẻ đẹp của đình. Còn có nhóm khác như Đại Việt cổ phong lại rất hứng thú tìm hiểu các lối sống cổ xưa. Họ thậm chí còn phục dựng nhiều trang phục cổ. “Chúng tôi làm vì yêu thích, tự bỏ tiền ra để làm”, ông Nguyễn Đông, một thành viên của nhóm phục dựng áo giao lĩnh, cho biết.

Không chỉ các di sản vật thể, di sản phi vật thể cũng đang sống được nhờ vòng tay bao bọc của người dân. “Cứ nhìn ví giặm và đờn ca tài tử là thấy rất rõ. Các di sản đó sống được trong dân nên sức sống của nó vô cùng mạnh mẽ. Cả vùng sông nước Nam bộ không lúc nào vắng được đờn ca tài tử”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, nói.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lại chia sẻ một câu chuyện khác về người dân thương yêu đùm bọc di sản. “Tôi đi chấm thi liên hoan ca trù Hà Nội. Có một thí sinh mới 15 tuổi là Nguyễn Phương Trà My. My lên bảo cháu yêu ca trù lắm nhưng mà chả có ai dạy. Cháu học chỗ này chỗ kia mỗi chỗ một tí. Cũng chả có ai đệm đàn cho cháu nên cháu phải đi nhờ. Có gì thì mong ban giám khảo thông cảm cho cháu. Rồi cháu tủi thân khóc òa lên”, ông Hiền nhớ lại. Ca trù đang được những người yêu nó giữ trong đơn độc như thế.

Cần cơ chế hỗ trợ

Dù tình yêu của Trà My là rất đáng kể, nhưng việc học ca trù của thí sinh này và nhiều người khác cũng còn mang tính tự phát, mà đã học tự phát thì có thể dẫn đến điều lệch lạc. Theo ông Bùi Trọng Hiền, hiện đào kép toàn tự học qua băng đĩa, trong khi học qua băng đĩa với ca trù là điều rất khó. “Nắm bắt cái tinh tế trong nhịp phách khó. Cái đấy phải truyền dạy trực tiếp. Mà nó cũng chưa được nghiên cứu để đúc kết thành âm luật nên càng khó. Việc gõ phách cũng thế, thậm chí nghệ nhân còn gọi là hát không có phách vì đánh không ra khuôn phách gì cả”, ông Hiền nói, đồng thời đề xuất: “Nhà nước phải có chính sách bảo trợ. Chứ nếu không bây giờ họ thích họ học rồi mai mốt lấy chồng họ lại bỏ nghề, thế là hết”. Theo ông, nhờ có chính sách tổ chức liên hoan định kỳ ở Hà Nội vài năm nay, số lượng người học ca trù đang nhiều lên, trẻ hơn, và những chính sách như thế cần được phát huy.

GS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng cần có thông tin để giúp người dân không lệch lạc trong việc giữ di sản. “Chẳng hạn, nhiều người cho rằng việc thờ Mẫu, hầu đồng phải rất tốn kém mới được. Trong khi trước đây các cụ ta chỉ cần vài quả cau, trái cây là có thể hầu đồng được”, ông cho biết.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình lại cho rằng cần có cơ chế kết nối thông tin để người dân có thể cùng nhà quản lý giữ di sản. “Hiện việc kết nối với chính quyền, nhóm Đình làng Việt chúng tôi đang làm tốt với Hà Nội. Thông tin về di sản cần bảo vệ thì Phó giám đốc Sở VH-TT và Phòng Di sản đều hỗ trợ. Nên chúng tôi kết hợp với Hà Nội làm được rất nhiều việc”, ông Bình nói. Nhóm của ông Bình đã cùng Sở VH-TT tổ chức nhiều hoạt động như thi làm đồ chơi trung thu, hay cùng dạy gói bánh chưng tết.

Minh bạch thông tin di sản

Theo ông Nguyễn Đức Bình, việc để người dân tham gia giữ di sản còn vướng ở cơ chế minh bạch thông tin di sản. Có những nơi, chẳng hạn như ở một ngôi đình H.Quốc Oai (Hà Nội), ông đã phải qua 4 lần xin phép mà vẫn không thể vào thăm đình. “Đầu tiên là xin phép cụ từ, xong rồi đến trưởng thôn, xong rồi đến ông phụ trách văn hóa xã, rồi sau đó phải kêu đến cả ông phó chủ tịch xã. Đến 4 lượt khóa như vậy rồi bọn mình cũng không vào được mà vẫn phải đứng ở ngoài đình thôi”, ông Bình nói và đề xuất các nơi nên có cơ chế vừa bảo vệ hiện vật tốt, vừa vẫn để người xem vào thăm di sản. “Phải có cơ chế để mọi người có thể vào thăm di sản. Chứ không phải buộc phải có ý kiến của chủ tịch xã thì mới vào được. Không ai du lịch mà lại đi xin ý kiến của xã cả. Nghĩa là cần nhất minh bạch là như vậy. Kể cả trùng tu cũng cần có cơ chế cho người dân giám sát. Chúng tôi cũng đã phát hiện nhiều vụ trùng tu sai mà”, ông Bình kiến nghị.

Bình luận của bạn

Tin khác