Theo Bloomberg, các căn nhà ống, nằm dọc những ngõ hẻm nhộn nhịp nơi Phố cổ Hà Nội, không chỉ phản ánh nền văn hóa cộng đồng của người Việt, mà còn gợi nhớ ảnh hưởng thời Pháp thuộc, cả trong nhiều thập kỷ sau khi Thủ đô đã hoàn toàn được giải phóng.
Các công trình kiến trúc nhiều tầng, nhỏ hẹp, vừa là không gian cho gia đình và thương mại, được cho vẫn giữ được tính biểu tượng về kiến trúc ngay cả khi các tòa chung cư hiện đại thi nhau mọc lên, thu hút tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
Theo Bloomberg, chúng tạo nên cảnh quan đường phố đặc trưng của Việt Nam, mà điển hình nhất là khu Phố cổ Hà Nội – tập hợp 36 phố phường ở trung tâm TP có từ thời Lý – Trần. Các con phố, được đặt tên theo các ngành nghề từng thống trị các khu phố, trong khi những tòa nhà nối nhau ở đó là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một gia đình, hay thậm chí cả những người không cùng chung huyết thống.
“Đó là một nét văn hóa cộng đồng đến từ cuộc sống làng xã Việt Nam”, kiến trúc sư Tống Mạnh Hải nói với Bloomberg.
Vị KTS này từng thiết kế lại một phần căn nhà phố cổ của gia đình mình thành một quán trà theo phong cách đương đại, với những chiếc ghế gỗ hơn 100 năm tuổi. Quán trà nằm trên tầng 2 của một tòa nhà, cùng với một cửa hàng phụ kiện điện thoại, một shop bán vali và một quán cà phê khác, dưới cùng là các tầng dân cư.
Phía trên quán trà là nhà bếp, phòng tắm và phòng khách của chủ nhà. Một tầng lửng bố trí giường ngủ, chỗ để đồ dưới mái hiên và bàn thờ gia tiên. Các phòng không lớn nhưng mỗi tầng đều có ban công râm mát nhìn ra đường để có thêm không gian bên ngoài.
Sơ đồ mặt bằng điển hình của những ngôi nhà ống ở Phố cổ Hà Nội.
Khu Phố cổ phát triển từ văn hóa làng nghề, khi những người thợ thủ công và thương nhân ban đầu xây dựng các quầy hàng họp chợ trước khi xây dựng các khu sinh hoạt phía sau. Trước khi người Pháp đô hộ miền Bắc Việt Nam vào cuối những năm 1800, các căn nhà ở kết hợp thương mại này thường có 2 tầng, với một cửa hàng bán lẻ ở phía trước của tầng thấp.
Theo ông Michael DiGregorio – chuyên gia tại Hiệp hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, khi các đường phố Hà Nội bắt đầu chật kín xe cộ, chính quyền Pháp buộc phải dỡ bỏ các cửa hàng bán lẻ và bắt các chủ sở hữu phải thiết kế lại tòa nhà của mình, với tầng 1 làm không gian thương mại – tương tự các cửa hàng mặt phố ở những thị trấn nông thôn nước Pháp. Do đó, các sân trong ngăn cách khu vực bán lẻ và khu vực sinh hoạt cuối cùng đã trở thành một phần của các khu nhà mặt phố này sau khi được mở sâu.
“Các cửa hàng mặt phố này ở Hà Nội cho thấy những ảnh hưởng từ thời Pháp thuộc, với trần cao, cửa sổ mái mở ra ban công và tường xi-măng dày để chống nóng ẩm. Các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh được xếp chồng lên nhau và được kết nối với cầu thang lát gạch dốc và thanh kim loại hình tròn”, ông Đinh Quốc Phương – Chủ nhiệm Khoa kiến trúc nội thất của Trường Thiết kế, ĐH Công nghệ Swinburne ở Victoria, Australia, đồng thời là người đã nghiên cứu kiến trúc Việt Nam trong 20 năm qua, cho biết.
Một số tòa nhà, cả nguyên vẹn lẫn hư hại do chiến tranh, đã được chính quyền trực tiếp quản lý sau khi Trung đoàn Thủ đô tiếp quản Hà Nội vào ngày 10/10/1954. Nhiều người chủ cũ sau đó đã thuê lại các căn nhà mặt phố từ Chính phủ và không ít người cuối cùng được phép mua lại toàn bộ hoặc một phần của các tòa nhà. Các thương nhân ở Phố cổ được phép tiếp tục kinh doanh, mặc dù vẫn còn một số hạn chế vào thời điểm đó.
Tinh thần kinh doanh của đất nước trỗi dậy vào cuối những năm 1980, sau khi Bộ chính trị thực hiện kế hoạch đổi mới, đưa đất nước hướng tới nền kinh tế định hướng thị trường. Khu Phố cổ Hà Nội lại một lần nữa nhộn nhịp với hoạt động kinh doanh, cho đến khi gặp phải cú sốc do lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bị tạm ngừng do đại dịch Covid-19 bùng phát.
Quán trà ở Phố cổ do KTS Tống Mạnh Hải thiết kế.
Bloomberg dẫn lời KTS Tống Mạnh Hải cho biết, các căn nhà ở kết hợp thương mại theo kiến trúc truyền thống tại Việt Nam đang bắt đầu thưa thớt, do bối cảnh tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng mong muốn sống trong những ngôi nhà có tiện nghi tiêu chuẩn quốc tế. Các khu phố cổ như vậy cũng phải cạnh tranh với các trung tâm mua sắm mới, cung cấp dịch vụ giải trí và mua sắm có máy lạnh. Chẳng hạn tại TP Hồ Chí Minh, chính quyền TP đã phá dỡ nhiều tòa nhà lịch sử để làm khách sạn cao cấp, khu phức hợp văn phòng và các dự án khu dân cư mới.
Tuy nhiên, như lý giải của các chuyên gia, ngoài giá trị bất động sản được ước tính dựa trên sự sầm uất và tiềm năng phát triển của các con phố, những ngôi nhà chật hẹp truyền thống chứa đừng nhiều giá trị khó đong đếm.
“Tại TP HCM, rất nhiều thứ đã bị san lấp, khi người ta đặt mục tiêu Việt Nam phải giống như một Bangkok hay Singapore. Họ cho xây những tòa nhà cao tầng thay thế, mỗi người cố gắng tạo một dấu mốc nhưng thực chất lại phá hủy tất cả những dấu mốc khác để làm điều đó”, ông DiGregorio nêu quan điểm.
Tuy nhiên, không vì vậy mà nói rằng người Việt Nam đang hoàn toàn từ bỏ những căn nhà ống mặt phố. Bloomberg dẫn ví dụ về một số chủ sở hữu nhà ở Phố cổ Hà Nội, dù đã chuyển đến sống tại các khu dân cư hiện đại để có thêm không gian và tiện nghi, thì các thành viên gia đình hoặc người thuê vẫn ở lại các ngôi nhà lịch sử để giám sát hoạt động kinh doanh.
“Những người tìm kiếm các tiện ích mới hơn vẫn có xu hướng giữ lại tinh thần cộng đồng của nhà ở thương mại, nơi họ chia sẻ với nhau mọi thứ, từ người trông trẻ đến hàng hóa với hàng xóm” – điều mà chuyên gia DiGregorio gọi vui là “sự nông thôn hóa của Hà Nội”.
Bình luận của bạn