Làng nghề 'xanh', 'làng nghề số' trong thời công nghệ 4.0

Thứ 4, 15/03/2023, 10:50 (GMT+7)

Chia sẻ

(Chinhphu.vn) - Thúc đẩy việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, đặc biệt là làng nghề thủ công mỹ nghệ, thực hiện “làng nghề xanh”, “làng nghề số” nay đã thành xu hướng tất yếu.
 Các làng nghề giờ đây không chỉ bán hàng trong cửa hàng mà còn thông qua kênh thương mại trực tuyến. Ảnh minh họa
Các làng nghề giờ đây không chỉ bán hàng trong cửa hàng mà còn thông qua kênh thương mại trực tuyến. Ảnh minh họa

Khi thương mại điện tử vẫn là một khái niệm mới trong kinh doanh của làng nghề truyền thống, anh Trần Dương Quý (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) đã đưa sản phẩm gốm Bát Tràng lên internet thông qua website Bát Tràng online vào năm 2015.

Anh Quý cho biết, phải mất 2 năm mới cơ bản xây dựng được thương hiệu của làng gốm, để những người làm nghề hiểu được hiệu quả mà internet mang lại, vượt qua tâm lý ngại đổi mới. Đến bây giờ, thương mại điện tử đã rất phát triển tại Bát Tràng, kinh doanh online trở nên phổ biến, rất nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội facebook.

"Nhiều xưởng còn dè chừng đăng hình ảnh sản phẩm lên website, nhưng khi thực hiện, họ mới thấy bán được rất nhiều sản phẩm. Ban đầu, những xưởng hợp tác với chúng tôi có quy mô rất nhỏ, khoảng 200m2 với quân số 6 - 8 người; sau 1 năm, phát triển lên 60 người", anh Trần Dương Quý chia sẻ.

Hay tại làng lụa Vạn Phúc, hiện nay công nghệ 4.0 đã hỗ trợ hiệu quả cho công đoạn suốt sợi hay thiết kế mẫu mã, hoa văn cho lụa. Nhờ vậy, hiệu quả công việc tăng cao gấp hàng chục lần làm thủ công, mẫu mã sản phẩm cũng đa dạng hơn. 

Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho biết: "Ngoài ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tác động của công nghệ 4.0 còn mở ra nhiều kênh tiêu thụ. Ngày nay, người thợ không chỉ bán hàng ở trong cửa hàng mà còn thông qua các kênh thương mại trực tuyến, mạng xã hội. Đặc biệt, đẩy mạnh tương tác trực tuyến để khách hàng cùng tham gia vào thiết kế mẫu mã sản phẩm".

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) cho hay, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số. Trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp phải xác định cần vừa duy trì kênh bán hàng truyền thống, vừa phát triển thương mại điện tử.

Một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy và đạt được thành công bước đầu với kênh "online", nhưng nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, cần các hoạt động tập huấn, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị.

TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 315/KH-UBND về việc khuyến công TP. Hà Nội năm 2023. Theo đó, sẽ khuyến khích các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến phù hợp với tình hình mới. Tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh, tham gia các chuỗi cung ứng và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, hạn chế gây ô nhiễm môi trường nông thôn.

Hiện dư địa xuất khẩu cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ còn rất lớn. Do đó, để nắm bắt cơ hội thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, trong đó có truy xuất nguồn gốc.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản, có những sản phẩm tốt và những nhà sản xuất có trách nhiệm, nhất là những cơ hội lớn đang được mở ra từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA đối với ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay.

Có thể thấy, thúc đẩy việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, thực hiện "làng nghề xanh", "làng nghề số" nay đã thành xu hướng tất yếu.

Trong thực tế, việc số hóa, chuyển đổi số các khâu của quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiến hành đồng thời với thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị càng nhân lên giá trị gia tăng của từng khâu, từ đó, tăng giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng thủ công. Đương nhiên, đối với các cơ sở làng nghề còn ở quy mô nhỏ, trình độ thấp ... việc ứng dụng chuyển đổi số có thể có khó khăn, song có thể thực hiện từng bước, từ thấp đến cao.

Diệu Anh - Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác