Lưu giữ ký ức Hà Nội qua tranh ký họa

Thứ 5, 15/12/2022, 11:28 (GMT+7)

Chia sẻ

Nói đến ký họa là người ta liên tưởng ngay đến lối vẽ ghi chép và phác thảo một cách rất cơ bản mà hoạ sĩ cũng như các KTS thường dùng để ghi lại cảm xúc, không gian, bố cục hoặc các chi tiết quan tâm. Ký họa là phương pháp thể hiện cảm xúc, cách nhìn của mỗi người đối với một đối tượng, chính vì vậy mà tranh ký họa rất phong phú từ góc nhìn, tình cảm, chất liệu thể hiện, có tính nghệ thuật và ghi chép bảo tồn rất lớn.

 kham-pha-mot-ha-noi-duyen-dang-qua-cac-buc-ky-hoa-26-1654-1.jpg
Ký họa đô thị (Urban sketch) chỉ ký họa những thứ thuộc về đô thị như hình ảnh đô thị, đặc điểm kiến trúc, chi tiết kiến trúc, không gian sống, đặc trưng về con người, dân tộc, ẩm thực…

 tac-pham-ngo-tu-do-cua-kim-am-1.png
 17a11038-tckt-vn-1-1.jpg
Khởi đầu phong trào ký họa đô thị từ Mỹ cách đây 10 năm, Urban Sketch đã nhanh chóng được sự hưởng ứng của cộng đồng và lan tỏa trên toàn thế giới.

 17a11038-tckt-vn-08-1.jpg
Chúng tôi, Urban sketchers Hanoi (Hội ký họa đô thị Hà Nội) là một trong những nhóm thành viên của Urban Sketcher Vietnam và Urban Sketcher Group (Hội ký họa đô thị Thế giới), ban đầu chỉ có 4 thành viên và sau 1 năm đã có hơn 2000 thành viên tham gia với mọi thành phần và lứa tuổi trong xã hội. Từ chú họa sĩ lang thang tìm cảm hứng đến anh bạn sinh viên vùi đầu sách vở trong trường, từ cô nhạc sĩ về hưu đến các em nhỏ mẫu giáo vừa vẽ vừa nhõng nhẽo đòi mẹ đồng quà tấm bánh, từ anh chàng KTS bận bịu đến chị nhân viên văn phòng, ngân hàng tranh thủ lo xong việc cơ quan, việc nhà rồi lao ra phố tẩy tẩy xóa xóa, những bạn nước ngoài đang làm việc công tác hay đang trong kỳ du lịch vội vã…

 17a11038-tckt-vn-01-1.jpg
Chúng tôi yêu vẽ, yêu nơi mình đang sống, yêu Hà Nội và những gì đẹp đẽ đang còn lại đâu đó trong đô thị, những góc nhỏ dưới ánh đèn vàng và mưa bụi, những mái ngói rong rêu nứt vỡ cố oằn mình tồn tại, những khung cửa bạc phếch với ban công rỉ sét màu thời gian, những gánh hàng rong lang thang với tiếng rao lạc lõng giữa còi xe và nhạc xập xình, những tô bún nóng trên vỉa hè chật chội, những mái bạt, cột điện cũ ngả nghiêng chen chân ôm lấy nhau đứng cho vững trong đô thị, nơi mà đang thay đổi từng ngày với quá trình đô thị hóa, bê tông hóa khốc liệt…

 17a11038-tckt-vn-03-1.jpg
Chúng tôi đã vẽ, vẽ rất nhiều, vẽ bằng cả sự đam mê và lòng nhiệt tình, đã đi nhiều nơi trên dải đất chữ S và đặc biệt là nơi chúng tôi đang sống và làm việc – Hà Nội…

 17a11038-tckt-vn-09-1.jpg
Hà Nội thời Pháp thuộc trong những bức ảnh cũ thật đẹp, thật cổ kính. Có kiến trúc Pháp đan xen với mái đình, chùa cổ của Kiến trúc Việt, có sự lai tạp giữa kiến trúc bản địa với Tây phương, có cái bình dị của làng quê Việt xen lẫn với cái tân thời mới du nhập.

istockphoto-678158656-1024x1024-1-1.jpg
Hà Nội thời bao cấp bình dị, ấm áp, khó khăn mà tình cảm. Hình ảnh đô thị cũng dần thay đổi, có các khu tập thể dần mọc lên, nhà phố chia 3 chia 5, thay đổi mặt tiền cho thích ứng với lối sống mới, có cửa hàng bách hóa, chợ, trạm điện… dần lấp đầy các không gian còn trống. Có tàu điện leng keng, phố xá nhộn nhịp dần xe đạp xe máy. Hà Nội vẫn rất thơ với nhiều hình ảnh đặc trưng của một thời đã đi vào ký ức.

 17a11038-tckt-vn-07-1.jpg
Hà Nội ngày nay phát triển chóng mặt, các khu đô thị cao tầng, cao ốc văn phòng hiện đại không ngừng mọc lên. Phố xá chật chội với nhiều loại hình phương tiện. Con người Hà Nội cũng thay đổi từ tính cách, văn hóa, lối sống và sinh hoạt với các trào lưu đương thời. Bộ mặt đô thị đang thay đổi từng ngày từng giờ. Đã không còn các phố cổ 36 phố phường nguyên vẹn, đình chùa bị lấn chiếm, ao hồ và cây xanh cũng thưa dần, đâu cũng thấy biển quảng cáo, mái bạt mái vẩy, khung nhôm kính cùng với nhiều kiểu kiến trúc lạ lùng xuất hiện… âu cũng là kết quả của sự phát triển kinh tế vượt bậc cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

 ky-hoa-quang-truong-dong-kinh-nghia-thuc-cua-tac-gia-dinh-hai-1.jpg
Nhưng Hà Nội vẫn còn có những hình ảnh, nét rất riêng mà không một đô thị nào có được, đó là niềm tự hào của người dân Thủ đô. Chúng tôi vẫn đang yêu và gìn giữ nó, lưu giữ nó bằng cách ghi chép lại qua những nét vẽ có thể còn vụng về, những màu sắc có thể còn vụng dại bằng cảm xúc lẫn lộn, vui có, buồn có – Vui vì được sống trên mảnh đất ngàn năm văn vật, thấm đẫm giá trị lịch sử lâu đời, buồn vì sự mai một của các di tích, các làng nghề mà hình ảnh khi xưa chỉ còn trong dĩ vãng và đang dần mất đi và chẳng còn ai nhớ nữa. Cái giá trị mất đi sẽ không bao giờ quay trở lại, thay vì nuối tiếc, chúng ta hãy gìn giữ những gì đang có, những giá trị vẫn còn lại ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay.

 ha-noi-qua-con-mat-cua-kts-nguoi-philippine-mark-dela-cruz-e28093-kts-e28093-philippines-1.png
Hy vọng trong thời gian sắp tới, những việc làm nhỏ bé của chúng tôi sẽ đem lại nhiều cảm xúc cho cộng đồng và sẽ lan tỏa tới các miền khác trên đất nước, để tất cả những người yêu quê hương đất nước, bạn bè năm châu thêm yêu và trân trọng những di sản, văn hóa, con người Hà Nội.

 17a11038-tckt-vn-06-1.jpg
Ths.KTS. Trần Thị Thanh Thủy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)-

Bình luận của bạn

Tin khác