Hơn 700 năm đã trôi qua nghề rèn truyền thống An Tiêm ( xã Thụy Dân huyện Thái Thụy) vẫn còn được lưu giữ và truyền qua các thế hệ. Nét đẹp truyền thống ấy được in đậm dấu ấn qua những đôi tay cần cù, khéo léo của người thợ nơi đây.
Thôn An Tiêm, xã Thuỵ Dân, huyện Thái Thụy từ lâu đã nổi tiếng với nghề rèn truyền thống. Từ xa xưa người dân nơi đây đã lưu truyền câu ca: “Chẳng tham ao gỗ cá bè, Chỉ tham cái búa cái đe thợ rèn.” Theo tư liệu để lại, nghề rèn có từ năm 1288, khi Hưng Đạo Đại Vương lập doanh trại ở nơi đây (ngày nay là xã Thụy Hồng) để chuẩn bị vũ khí cho quân đội. Trong 5 người phụ trách đứng đầu xưởng rèn đó thì có đến bốn người quê ở An Tiêm. Vì nghề rèn góp phần công lao lớn trong thời kỳ đó nên được vua Trần Nhân Tông sắc phong cho năm người đứng đầu là Ngũ vị tổ sư nghề rèn. Nghề rèn An Tiêm cũng bắt đầu từ đó và phát triển cho đến ngày nay.
Lễ hội truyền thống làng rèn An Tiêm
Người dân làng An Tiêm say sưa với nghề rèn truyền thống
Đã 30 năm nay, ngày nào cũng vậy, bễ lò rèn nhà ông Trịnh Quốc Thường cũng đỏ lửa… Là người có tay nghề giỏi trong làng, theo ông Thường dẫu có nhọc nhằn vất vả thì những người nông dân làng An Tiêm như ông vẫn nặng lòng với nghề ông cha đã gìn giữ.
Ông Trịnh Quốc Thường , thôn An Tiêm 3, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy: “Đây là nghề truyền thống và chúng tôi được học từ bé nên vẫn giữ gìn và duy trì cho tới hôm nay”
Nghề rèn ở An Tiêm đã có cách đây hơn 700 năm. Dưới bàn tay của những người thợ lành nghề những phôi thép đỏ rực dưới tác động của nhịp quai búa lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc khoan thưa, lúc dồn dập để rồi tạo thành những vật dụng sinh hoạt như dao, kéo, búa, liềm, đến những chi tiết máy móc phức tạp đầy sự sáng tạo.
Vất vả là vậy nhưng là nghề truyền thống, thế nên, những người thợ ở làng rèn luôn lấy làm tự hào vì thế mà ngoài những lúc mùa vụ, họ lại tất bật với việc giữ lửa cho nghề rèn.
Anh Phạm Văn Quyền, thôn An Tiêm 1, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy: “Làm nghề này chúng tôi có thu nhập ổn định, mỗi ngày cũng được từ 300- 500 nghìn đồng; người dân ở đây ai cũng yêu thích nghề rèn”
Để mặt hàng của làng nghề cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Người thợ rèn An Tiêm đã áp dụng khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hóa làng nghề. 56 cơ sở làm rèn trong xã đều trang bị máy cán thép, máy cắt gọt kim loại, máy búa sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn và phát triển thị trường tiêu thụ.
Người thợ rèn An Tiêm đã áp dụng khoa học vào sản xuất
Anh Phạm Ngọc Trìu, thôn An Tiêm 1, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy: “Nếu như trước đây một ngày mỗi tổ thợ chỉ làm được đến 20 con dao nhưng nay ứng dụng CNC vào một lúc có thể cắt được 200 con dao, năng suất tăng lên gấp nhiều lần so với làm thủ công”
Giữ lửa nghề rèn, hàng năm vào ngày 14/3 âm lịch, ngày mở hội Đình làng người dân làng An Tiêm lại tổ chức Hội thi nghề rèn truyền thống. Hội thi không chỉ là dịp để các thợ rèn trong làng tri ân tưởng nhớ “Ngũ vị tổ sư nghề rèn” - những người đã có công tạo dựng nghề rèn ở An Tiêm, mà còn là dịp để người thợ rèn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cổ động phát triển nghề rèn truyền thống của người dân làng An Tiêm.
Những người giữ lửa nghề rèn
Ông Đặng Xuân Ý, Chủ tịch UBND xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy: “Địa phương tạo điều kiện cho các cơ sở vay vốn phát triển mở rộng sản xuất đồng thời hàng năm tổ chức các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường”
Với trình độ tay nghề cao, cùng với việc giữ gìn và phát huy thương hiệu được xây dựng từ trước đó, các sản phẩm rèn An Tiêm ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường, được tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Bên bếp than đỏ lửa, với cái nắng của thời tiết, sức nóng của lò, dưới bàn tay thô ráp của những người nông dân nơi đây, những sản phẩm được tạo ra như hơi thở của một vùng làng quê bình dị.
Hồng Hạnh
Bình luận của bạn