Nghề thủ công mỹ nghệ: Bước đệm cho phát triển công nghiệp văn hóa

Thứ 2, 28/11/2022, 12:42 (GMT+7)

Chia sẻ

Giữ vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước, Thăng Long - Hà Nội hội tụ và tỏa sáng không chỉ ở những giá trị văn hóa tiêu biểu của Việt Nam mà còn ở những giá trị độc đáo riêng ở “thế đất thiêng của muôn đời”, “chất thanh lịch của muôn người” và “tính độc đáo riêng có của muôn nghề”… Trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay, đặc biệt là khi thành phố tập trung phát triển công nghiệp văn hóa thì nghề thủ công mỹ nghệ vẫn có một chỗ đứng rất quan trọng.
 nguoihanoi-com-vn-nhip-dieu-lang-nghe-nguyen-quy-kha-1.jpg
Nhịp điệu làng nghề - Ảnh: Nguyễn Quý Kha

Khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ

Ngay từ khi được chọn là nơi định đô, Thăng Long đã có nhiều nghề thủ công như dệt vải, làm gạch sứ, đúc tượng đồng, nấu rượu tăm, chạm vàng bạc rồi cả những làng nghề chuyên doanh như trồng dâu nuôi tằm, trồng hoa cây cảnh. Tìm hiểu về làng nghề, phố nghề đất lề Kẻ Chợ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã chỉ rõ, bách nghệ kinh đô đa số có gốc gác tứ trấn Đông, Nam, Đoài, Bắc nhưng đã tinh xảo lên trong thị trường lớn nhất và cũng khó nhất là Thăng Long - Hà Nội. Nghề thủ công truyền thống Thăng Long - Hà Nội được hình thành chủ yếu từ ba nguồn. Một là những nghề có sẵn ở các làng mạc thôn xóm trước khi Thăng Long trở thành kinh đô của cả nước. Hai là do những biến cố của lịch sử, thợ thủ công ở các nơi khác kéo về ngoại ô, tìm chỗ thuận tiện lập nên làng xóm để hành nghề (gốm Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xá…). Ba là thợ thủ công ở các nơi kéo về nội đô làm ăn, mang theo những đặc sắc của quê hương mình, vừa sản xuất vừa bán ngay sản phẩm tại phố phường (phố Tô Tịch là nơi sản xuất và bán sản phẩm của làng tiện Nhị Khê; phố Hàng Bạc là nơi hành nghề, trao đổi buôn bán của dân chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hưng Yên), Định Công (Thanh Trì, Hà Nội)… 


Kể từ năm 2008 khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây - nơi được ví von là “đất trăm nghề” thì kho báu di sản làng nghề truyền thống của Hà Nội càng trở nên phong phú hơn. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1350 làng nghề lớn nhỏ. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã, một số có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều làng nghề nổi tiếng thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên)… Đặc biệt, các làng nghề đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.


Bước đệm cho phát triển công nghiệp văn hóa


Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, thủ công mỹ nghệ được xác định là một trong số 12 ngành công nghiệp trọng tâm để phát triển công nghiệp văn hóa. Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, mặc dù có 12 ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa, nhưng trước mắt thành phố tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào 6 lĩnh vực để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó có thủ công mỹ nghệ. 


Vậy hướng đi nào cho ngành thủ công mỹ nghệ có thể bắt nhịp và tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô, đó là một bài toán mà giới nghề còn nhiều trăn trở. Thực tế cho thấy, nghề thủ công mỹ nghệ của Thủ đô đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo số liệu của Sở Công thương Hà Nội, trong số 1350 làng nghề Thủ đô có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, 207 làng có nghề đang phát triển, 543 làng có nghề đã bị mai một và 287 làng có nghề có dấu hiệu mai một. Nguyên nhân cản trở sự phát triển của nghề thủ công mỹ nghệ đó là do thiếu chiến lược, kế hoạch để thúc đẩy, hỗ trợ và phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế, khả năng tiếp cận thị trường còn thụ động, chất lượng nguồn lao động tại làng nghề chưa cao, sản phẩm làng nghề thiếu sự độc đáo, chưa thể hiện rõ bản sắc văn hóa… Đặc biệt, mối liên kết giữa nghệ nhân với hộ kinh doanh, doanh nghiệp lữ hành, giữa các làng nghề với nhau cũng chưa thực sự gắn kết.


Để làng các nghề phát triển bền vững, giới chuyên môn cho rằng Hà Nội cần chú ý công tác quy hoạch, bảo tồn làng nghề, có những chính sách đặc thù hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề về vốn, mặt bằng sản xuất; hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường; chú trọng đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề… Đặc biệt, cần gắn sản xuất với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề, để mỗi làng nghề là một địa chỉ du lịch văn hóa... 


Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ tự hào khi mây tre đan Phú Vinh đã vươn tới tầm quốc tế với nhiều sản phẩm xuất khẩu chất lượng. Ông bảo, để có được “tiếng vang” đó, những nghệ nhân, thợ giỏi trong làng dồn nhiều tâm sức cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Tự hào là vậy nhưng ông vẫn canh cánh đó là làm sao Phú Vinh sớm có sản phẩm phục vụ du lịch cộng đồng ngay tại làng nghề có phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, kết nối nhiều tour du lịch đưa khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm…


Theo họa sĩ Vũ Hy Thiều - chuyên gia ngành thủ công mỹ nghệ, để thủ công mỹ nghệ phát triển ở tầm cao mới, trở thành ngành công nghiệp văn hóa tạo đà cho sự phát triển của Thủ đô thì cần phải nâng cao chất lượng thẩm mỹ các sản phẩm của làng nghề chứ không đơn thuần chỉ tập trung đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật. “Muốn nâng cao chất lượng thẩm mỹ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì phải đầu tư cho thiết kế đúng mức và đúng cách. Thêm nữa, cần phải nâng cao trình độ thẩm mỹ cho chính các nghệ nhân làng nghề”, họa sĩ Vũ Hy Thiều nhấn mạnh.

nguoihanoi-com-vn-tich-trung-thu-chu-cuoi-chi-hang-1.jpg
Tích trung thu chú Cuội chị Hằng - Sản phẩm của nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu

Trăn trở của họa sĩ Vũ Hy Thiều khiến tôi nhớ tới chuyện nghề của nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu. Từ niềm đau đáu với nghề xưa, với khát vọng đem đến làn gió mới cho tò he Việt, Hậu đã nỗ lực tìm tòi cải tiến chất lượng bột tạo độ bền cho sản phẩm đồng thời đa dạng mẫu mã, tìm kiếm thị trường cho tò he. Những ngày Covid -19 diễn biến phức tạp, trong ngôi nhà nhỏ ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, chàng trai trẻ Văn Hậu vẫn miệt mài với con giống, bột màu. Những đơn hàng online từ muôn ngả vẫn ùa về mang theo niềm hi vọng của nghệ nhân trẻ tuổi: nghề xưa phát triển hơn xưa.


Trở lại với câu chuyện về phát triển công nghiệp văn hóa, có lẽ đây chính là cơ hội vàng để làng nghề thủ công mỹ nghệ chuyển mình. Hi vọng rằng, trong một tương lai không xa với sự chung sức, đồng lòng từ những nghệ nhân, thợ giỏi…, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cấp các ngành, làng nghề truyền thống sẽ được gìn giữ, bảo tồn, góp phần vào sự phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. 

Khánh Thư-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác