Nhà phố Pháp trong khu phố cổ Hà Nội (Phần 1)

Thứ 4, 07/12/2022, 14:35 (GMT+7)

Chia sẻ

Nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ Hà Nội hình thành gần 100 năm trước, đã chứng kiến quá trình phát triển đô thị của khu vực trung tâm lịch sử Hà Nội. Là một bộ phận của di sản kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội, song khác với biệt thự Pháp và công thự Pháp, nhà phố Pháp chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. Loại hình nhà ở đô thị này có những đặc điểm riêng và nhiều trường hợp có giá trị kiến trúc cao, cần được đánh giá kỹ lưỡng và đầy đủ, làm cơ sở cho việc bảo tồn trong bối cảnh có nguy cơ giảm sút về số lượng cũng như xuống cấp về chất lượng dưới tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.

hinh-2-moi-1.jpg

Lịch sử nhà phố Pháp ở Hà Nội và nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ
Những ngôi nhà phố Pháp đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng trong giai đoạn 1920 – 1925, là thời kỳ mà công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của người Pháp được tiến hành trên quy mô lớn trên toàn xứ Đông Dương. Để chấn hưng nền kinh tế tại chính quốc, chính quyền Pháp đã tăng cường đầu tư, qua đó bòn rút tài nguyên vật lực và tiêu thụ hàng hóa dư thừa, tại các thuộc địa nói chung và xứ Đông Dương nói riêng bằng cách mở rộng các đô thị và khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của tầng lớp cư dân bản xứ, thay vì cấm đoán hoặc hạn chế như trước. Chớp lấy cơ hội này, các nhà thầu xây dựng của Pháp đã được cấp phép xây dựng nhiều dãy nhà phố thương mại mang phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp trong các khu phố phía Tây (địa bàn quận Ba Đình ngày nay) và phía Nam (một phần quận Hoàn Kiếm và một phần quận Hai Bà Trưng ngày nay). Nhà phố Pháp được xây dựng trên quy mô lớn trong các khu phố Tây đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và/hoặc sinh hoạt kết hợp với kinh doanh của một bộ phận thị dân thời bấy giờ, nhất là giới trí thức và tư sản người Việt – những người sớm tiếp xúc sớm với nền giáo dục và văn minh Pháp, có đời sống văn hóa tinh thần và quan niệm thẩm mỹ riêng, chịu ảnh hưởng của phương Tây ở các mức độ khác nhau, kể cả trong thẩm mỹ kiến trúc.

qm3a-1.jpg

 Phân vị trên mặt đứng nhà số 38 phố Hàng Bông (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

qm3b-1.jpg
 Phân vị trên mặt đứng nhà số 73 phố Hà Trung (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)


Trong Khu phố Cổ (KPC) Hà Nội, nhà phố Pháp cũng được xây dựng, song ở quy mô hạn chế hơn, bởi vì cấu trúc của KPC cuối thế kỷ 19, trước khi người Pháp chiếm thành Hà Nội, về cơ bản đã ổn định. Người Pháp đã tôn trọng tối đa những ngôi nhà ống đã hiện diện từ trước trong KPC và chỉ tiến hành xây chen nhà phố Pháp tại những ô – thửa đất còn trống, hoặc thay thế cho những ngôi nhà ống đã hư hại vì hỏa hoạn hoặc mục nát sau nhiều năm sử dụng. Những căn nhà phố Pháp đầu tiên được xây dựng trong KPC Hà Nội gần như cùng một thời điểm với các nhà phố Pháp trong các khu phố Tây, tức là trong thập niên 1920, chẳng hạn như nhà số 33 phố Tạ Hiện xây xong năm 1920, nhà số 3 phố Hàng Cót xây xong năm 1922, nhà số 30 phố Đào Duy Từ xây xong năm 1923, nhà số 127 + 129 phố Phùng Hưng xây xong năm 1922, … như dấu tích còn ghi lại trên mặt đứng, hoặc các nhà số 1 + 3 + 5 + 7 + 9 phố Cổng Đục được xây dựng năm 1925 – 1926 theo lời kể của những cư dân thế hệ thứ ba (trên 70 tuổi) hoặc thứ tư (ngoài 40 tuổi) hiện sinh sống trong những ngôi nhà này.

bai-lam-1-1.jpg

 Lược sử phát triển của nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017. Tư liệu ảnh: http://www.36hn.worldpress.com)

qm4-1.jpg
 Hình thái nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội – Đối xứng hoàn toàn và không hoàn toàn (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)


Lịch sử hình thành và phát triển của nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội có thể được chia thành sáu giai đoạn:

Giai đoạn 1 (1920 – 1929)

  • Bối cảnh lịch sử: Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai được đẩy mạnh.
  • Bối cảnh xã hội: Nhu cầu ở cũng như kinh doanh của một bộ phận cư dân đô thị hình thành và nhu cầu này cần được đáp ứng kịp thời. Mô hình nhà phố khang trang và rộng rãi hơn, tiện nghi hơn đã ra đời rất được ưa chuộng, thay thế cho nhà ống nhỏ hẹp.

Bối cảnh kiến trúc: Nhà phố Pháp hình thành trong KPC Hà Nội dưới hình thức xây chen, gần như đồng thời với trong các khu phố Tây, nơi nhà phố Pháp được quy hoạch bài bản và được phát triển trên quy mô lớn hơn. Yếu tố thẩm mỹ kiến trúc nhà ở cũng được chú trọng và mang sắc thái mới, chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây, thể hiện qua phong cách kiến trúc cổ điển Pháp nguyên gốc (kế thừa từ các biệt thự Pháp) và thể giản lược.

Giai đoạn 2 (1930 – 1945)

  • Bối cảnh lịch sử: Khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933) ở Phương Tây tác động đến các nước thuộc địa. Sự hình thành của chủ nghĩa phát-xít đã dẫn đến Thế chiến Thứ hai (1939 – 1945). Việt Nam bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng. Do sự tác động của chiến tranh, các hoạt động xây dựng đô thị bị ngưng trệ.
  • Bối cảnh xã hội: Nhu cầu ở cũng như kinh doanh tiếp tục gia tăng trong những năm 1930 và tạm thời giảm sút trong những năm Thế chiến Thứ hai.

Bối cảnh kiến trúc: Nhà phố Pháp tiếp tục phát triển trong KPC Hà Nội. Bên cạnh kiến trúc cổ điển Pháp, Art Déco và Đông Dương là hai phong cách mới hình thành, được áp dụng cho một số nhà phố Pháp, với số lượng hạn chế. Art Déco được du nhập vào Việt Nam từ đầu thập niên 1930, còn Đông Dương là sự pha trộn giữa kiến trúc Phương Tây với kiến trúc bản địa, được thể nghiệm trên phạm vi hẹp tại Hà Nội từ giữa thập niên 1930 cho đến khi Việt Nam tuyên bố độc lập năm 1945.

qm5a-1.jpg
 Chi tiết trang trí mặt đứng nhà số 57B phố Hàng Bồ (phong cách cổ điển Pháp) (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017

qm5b-1.jpg
 Chi tiết trang trí mặt đứng nhà số 86 phố Hàng Bạc (phong cách cổ điển Pháp) (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)
Giai đoạn 3 (1946 – 1947)

  • Bối cảnh lịch sử: Người Pháp quay trở lại xứ Đông Dương và cuộc chiến tranh Đông Dương nổ ra những ngày cuối năm 1946. Chiến sự kéo dài hai tháng. KPC là chiến trường giao tranh ác liệt giữa quân đội Pháp và lực lượng Việt Minh.
  • Bối cảnh xã hội: Việt Minh cho tản cư dân chúng và phát động chính sách tiêu thổ kháng chiến, tiếp theo là thực hiện chiến thuật giam chân quân đội Pháp trong các thành phố, mà trọng điểm là Hà Nội, để chuẩn bị cơ sở chiến đấu lâu dài tại một số căn cứ địa ở vùng núi phía Bắc.

Bối cảnh kiến trúc: Trước khi chiến sự nổ ra, nhiều công trình xây dựng, trong KPC bị phá hủy để người Pháp không sử dụng được khi tái chiếm Hà Nội. Trong hai tháng giao tranh, nhiều ngôi nhà – cả nhà ống truyền thống lẫn nhà phố Pháp – đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng do bom pháo.

Giai đoạn 4 (1947 – 1954)

  • Bối cảnh lịch sử: Người Pháp tái chiếm Hà Nội và tiến hành chiến tranh nhằm kiểm soát tình hình và khôi phục sự thống trị của nước Pháp tại Đông Dương như trước Thế chiến 2, nhưng nỗ lực này không thành công, kết thúc với thất bại tại Điện Biên Phủ, buộc phải rút quân đội về nước theo Hiệp định Geneva.
  • Bối cảnh xã hội: Người Pháp khôi phục lại Hà Nội và Hà Nội tiếp tục đóng vai trò là trung tâm hành chính của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Tuy nhiên, do chiến tranh dai dẳng nên thành phố ít được mở mang. Các hoạt động xây dựng chủ yếu là tái thiết những khu vực bị tàn phá cuối năm 1946 đầu năm 1947.

Bối cảnh kiến trúc: Nhà phố Pháp được xây dựng trên quy mô lớn hơn giai đoạn trước, thay thế cho những ngôi nhà bị phá hủy trước đó. Đến năm 1954, hệ thống nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội đã được định hình một cách hoàn chỉnh nhất, trước khi bước vào các giai đoạn tiếp theo mang những sắc thái biến đổi.
 qm6a-1.jpg

Chi tiết trang trí mặt đứng nhà số 37 phố Hàng Bồ (phong cách Art-Déco) (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017
 qm6b-1.jpg

Chi tiết trang trí mặt đứng nhà số 48 phố Hàng Ngang (phong cách Art-Déco) (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)
Giai đoạn 5 (1955 – 1986)

  • Bối cảnh lịch sử: Đây là một giai đoạn sôi động trong lịch sử, hòa bình xen kẽ chiến tranh. Thời gian 10 năm đầu tiên là thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Tiếp đó, công cuộc xây dựng và phát triển Hà Nội bị gián đoạn bởi hai cuộc chiến tranh phá hoại của Không lực Hoa Kỳ. Hòa bình được tái lập năm 1973 sau Hiệp định Paris. Sự khó khăn về kinh tế thời hậu chiến chỉ kết thúc khi Đại hội Đảng lần thứ 6 họp tháng 12/1986 thông qua chính sách Đổi Mới.
  • Bối cảnh xã hội: Sau khi Việt Nam thống nhất, mô hình kinh tế bao cấp được áp dụng trên cả nước trong hơn 10 năm, đã triệt tiêu nhiều nguồn lực phát triển, khiến nền kinh tế sa sút, cuộc sống của người dân ngày một khó khăn, xã hội lâm vào khủng hoảng toàn diện. Tình hình bế tắc này chỉ được tháo gỡ khi công cuộc Đổi Mới được áp dụng, đem lại những thay đổi lớn và tích cực hơn về kinh tế và xã hội cho đất nước cũng như Thủ đô.
  • Bối cảnh kiến trúc: Nền kinh tế gần như không phát triển, các hoạt động xây dựng được nhà nước kiểm soát chặt chẽ nên thời kỳ này là giai đoạn khá “ổn định” cho KPC nói chung và nhà phố Pháp tại đây nói riêng. Đa số nhà phố Pháp được “bảo tồn” khá tốt do hoàn cảnh thực tế chưa cho phép các hoạt động tự chỉnh trang, cải tạo hoặc xây mới. Một số nhà đã dần xuống cấp trong quá trình sử dụng bởi có quá nhiều hộ gia đình sinh sống trong đó – kết quả của chính sách phân phối nhà ở sau khi chính quyền mới tiếp quản Thủ đô.

Giai đoạn 6 (1987 đến nay)

  • Bối cảnh lịch sử: Nền kinh tế thị trường đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng về kinh tế – xã hội cho Thủ đô. Là khu vực trung tâm, KPC luôn sôi động với nhiều loại hình kinh doanh và dịch vụ ngày một đa dạng theo đà phát triển chung.
    Bối cảnh xã hội: Cả nhu cầu ở lẫn nhu cầu kinh doanh đều tăng đột biến, tạo nên sức ép rất lớn nên KPC, đặc biệt từ năm 2010 trở đi. Đây là khu vực có giá trị đặc biệt về kinh doanh, giá nhà đất nơi đây rất cao, đến cả tỷ đồng/m2. Đại đa số người dân đều muốn ở lại và bám trụ để làm giàu, chấp nhận điều kiện sống chật chội và kém tiện nghi.
  • Bối cảnh kiến trúc: Nhà phố Pháp suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều nhà đã bị đập bỏ để xây mới. Một số nhà khác được cải tạo song không đúng nguyên bản hoặc bị cơi nới làm giảm đáng kể giá trị. Số còn lại vẫn còn tương đối nguyên vẹn nhưng xuống cấp nhanh chóng vì không được bảo dưỡng hoặc tu sửa theo định kỳ. Dưới tác động của quá trình đô thị hóa thiếu sự kiểm soát, cảnh quan đô thị của KPC đã biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Nhà phố Pháp cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng nói trên.
     qm7a-1.jpg

Chi tiết ghi năm xây dựng (1922, vẫn còn nguyên vẹn) nhà số 3 phố Hàng Cót (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)
 qm7b-1.jpg

Chi tiết ghi năm xây dựng (1922, số 2 cuối cùng đã bị tróc nhưng vẫn còn dấu tích ở mảng vữa bám) nhà số 129 phố Phùng Hưng (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

Vị trí và sự phân bố nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội

Theo kết quả khảo sát cá nhân của tác giả, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2017, trong KPC Hà Nội – theo ranh giới được xác định bởi Ban Quản lý Phố Cổ [1] – có tổng cộng 1.213 nhà phố Pháp trên 77 tuyến phố và 10 ngõ. Sự phân bố nhà phố Pháp nhìn chung không đồng đều. Có những tuyến phố tập trung số lượng lớn và mật độ khá dày đặc nhà phố Pháp như phố Hàng Bông, phố Phùng Hưng, … song lại có những phố hoàn toàn không có nhà phố Pháp nào, chẳng hạn phố Gầm Cầu, phố Cầu Đông, phố Hàng Chai, … Trong đa số các trường hợp, mức độ hiện diện nhà phố Pháp là 10 – 30 căn/phố. Các nhà phố Pháp nếu không đứng đơn lẻ thì chỉ tạo thành cặp đôi hoặc bộ ba, bộ bốn. Dãy dài hơn – năm đến bảy căn – trong thực tế không nhiều. Các nhà phố Pháp tạo thành dãy dài trên 10 căn rất hiếm gặp, chỉ có ba trường hợp được ghi nhận là 12 căn liền nhau từ số 5 đến số 27 phố Tạ Hiện và riêng phố Phùng Hưng có hai dãy: 13 căn liền nhau từ số 61 đến số 89 và 14 căn liền nhau từ số 97 đến 115/115A/115B/115C/115D.

 bang-bieu-1-1.jpg
 bang-bieu-2-1.jpg

Bảng 1: Thống kê số lượng nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội tính đến cuối tháng 10 năm 2017 (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

Đặc điểm nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội
Nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội qua quan sát và ghi nhận có những đặc điểm chính sau:

• Chuyển đổi tính chất xây dựng giữa hai thời kỳ: Thời kỳ hình thành (1920 – 1929) và phát triển (1930 – 1945) nhà phố Pháp trong KPC ở dạng xây chen, lấp đầy các ô đất còn trống vốn dĩ không còn nhiều hoặc thay thế cho một số nhà ống đã bị hư hại do hỏa hoạn hoặc xuống cấp đến mức không khôi phục được, do vậy phân bố khá thưa thớt, khác hẳn với nhà phố Pháp trong các khu phố Tây được quy hoạch và xây dựng đồng bộ ngay từ đầu thành dãy dài hoặc cụm lớn. Trong thời kỳ được khôi phục (1947 – 1954), nhà phố Pháp trong KPC mới được xây dựng quy mô hơn, trên nền của những ngôi nhà đã bị phá hủy hàng loạt bởi chiến tranh, do vậy xét về mức độ tập trung đã gần hơn với nhà phố Pháp tại những nơi khác.

• Tính chất dãy: So với nhà phố Pháp trong khu phố Tây, nhà phố Pháp trong KPC thường tạo thành dãy ngắn hơn, thông thường dưới 10 căn.

• Chiều cao: Phổ biến là nhà hai tầng. Số lượng nhà từ ba tầng trở lên rất ít. Chiều cao tầng phổ biến từ 3,5 – 4 m.

• Kích thước: Chiều ngang nhà đều từ 4 m trở lên. Chiều ngang rộng nhất có thể lên đến 8 m. Chiều dài nhà có thể dao động trong một phạm vi khá rộng, từ 15 – 40 m. Với chiều dài lớn, thông thường từ 30 m trở lên, căn nhà được chia thành hai đến ba khối bởi một đến hai sân trong, giải quyết vấn đề lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên cho các phòng ở.

qm8a-1.jpg

 Chi tiết ghi tên chủ tiệm kinh doanh (Phạm Ngọc Phúc) bằng bê tông đúc nhà số 95 phố Hàng Bông (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

• Phân vị: Các nhà đều có sự phân vị ngang, thể hiện qua chi tiết gờ phân tầng. Với những ngôi nhà có chiều ngang lớn trên 6 m, phân vị dọc bao gồm trụ tường hoặc cột đắp sẽ được áp dụng để tạo nên mặt đứng hài hòa hơn (Hình 3a, 3b).

• Hình thái: Có hai dạng chính về hình thái nhà phố Pháp là đối xứng hoàn toàn và đối xứng không hoàn toàn, phụ thuộc vào vị trí của ngôi nhà cũng như số lượng hộ gia đình sinh sống bên trong. Với các nhà phố Pháp chỉ có một hộ sinh sống, thì dù ở đầu dãy hay giữa dãy, cấu trúc của ngôi nhà cũng đều đối xứng với một cửa đi ở chính giữa và hai cửa sổ nhỏ đối xứng hai bên, cả dưới tầng một và các tầng trên. Nếu như không có ban công, thì tầng trên sẽ có ba cửa sổ thay vì hai cửa sổ và một cửa ra vào. Với các nhà phố Pháp có nhiều hộ gia đình sinh sống, ở vị trí đầu dãy, căn nhà sẽ có thêm lối đi phụ từ bên hông nhà (ngõ hoặc phố vuông góc) dẫn thẳng vào khu vực cầu thang chung, từ đó sẽ tiếp cận đến từng hộ gia đình. Hình thái của ngôi nhà trong trường hợp này vẫn đối xứng. Nhưng nếu ở vị trí giữa dãy, hình thái mặt đứng sẽ trở nên bất đối xứng do sự xuất hiện của lối đi bên cạnh dẫn thẳng vào khu vực thang ở giữa và đi ra tận sân trong phía sau (Hình 4). Chỉ trong trường hợp nhà nhiều hộ có mặt tiền rộng, lối đi chung này có thể được đưa vào giữa, chiều rộng hai gian còn lại khoảng 3 – 3,5 m/gian, đủ để kinh doanh, hình thái nhà mới đối xứng.

qm8b-1.jpg

 Chi tiết ghi tên hiệu của cửa hàng (chữ Hoa) bằng vữa đắp nhà số 28 phố Đào Duy Từ (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2017)

• Kết cấu và vật liệu sử dụng: Các nhà phố Pháp đều được xây dựng với cấu trúc tường gạch chịu lực, có bổ trụ gạch gia cố ở những vị trí cần thiết. Sàn tầng có thể là kết cấu bê tông cốt thép lát gạch hoa hình vuông loại nhỏ kích thước 20 cm x 20 cm, hoặc bằng gỗ lim có hệ dầm đỡ bằng gỗ, ngoại trừ các khu ướt như bếp và nhà vệ sinh. Tương tự, cầu thang có thể được làm hoàn toàn bằng gỗ tốt, không bị mối mọt hoặc đổ bản bê tông cốt thép có bậc xây gạch.

• Chức năng sử dụng: Gần như 100% nhà phố Pháp có gian mặt tiền tầng một được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh hoặc cho thuê làm văn phòng hoặc mở dịch vụ rất đa dạng. Không gian sinh hoạt diễn ra ở phần còn lại của tầng một và toàn bộ (các) tầng trên. Một số trường hợp nhà phố Pháp, nhất là những nhà có mặt tiền rộng trên 6 m, có đến hai hoặc ba cửa hàng kinh doanh với hai hoặc ba loại hình khác nhau. Gần như 100% mặt tiền tầng một của các nhà phố Pháp đã được cải tạo khác nguyên bản với các cấu trúc và vật liệu hiện đại như cửa cuốn bên ngoài và cửa kính hoặc nhôm kính bên trong, ốp đá, gắn biển quảng cáo có đèn chiếu sáng buổi tối và ban đêm, lắp thêm mái hiên di động che mưa nắng, … Do vậy cần chấp nhận một thực tế rằng giá trị nghệ thuật kiến trúc cũng như tính nguyên bản của gần như toàn bộ nhà phố Pháp trong KPC chỉ được thể hiện ở mặt đứng tầng hai (và tầng ba trong một số trường hợp).

• Màu sắc: Vàng cam là màu sắc phổ biến của nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội. Khi đó, các chi tiết trang trí được sơn màu vàng nhạt hoặc màu trắng để nổi bật. Ngoài ra, một số màu khác cũng được sử dụng cho ngoại thất như màu hồng phấn, màu ghi, màu ngà, … nhưng mức độ sử dụng khá hạn chế.

• Chi tiết trang trí: Đây là đặc điểm nổi bật của nhà phố Pháp, nhất là những căn nhà có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc. Với phong cách kiến trúc cổ điển Pháp nguyên bản (áp dụng cho thời kỳ 10 năm đầu) và giản lược (áp dụng cho giai đoạn 15 năm sau), chi tiết trang trí khá cầu kỳ, đôi khi rất cầu kỳ, mang tính mỹ thuật cao, được thể hiện qua các chi tiết tường đỉnh mái vươn cao hoặc nhô lên vừa phải có hoa văn viền quanh, các diềm dưới mái dạng dây hoa hoặc một hàng tay cuộn được gắn vào giao diện của tường với mái đua, các chi tiết gờ phào hoặc mảng đắp vữa bên trên cửa sổ và cửa đi, ô chữ nhật bên dưới bệ cửa sổ. Nếu có trụ tường hoặc giả cột phân vị thì đầu cột cũng được đắp hoa văn trang trí theo kiểu tương tự như thức Ionic hoặc Corinthian. Trong trường hợp có ban công ở tầng hai và/hoặc tầng ba, ban công có hình bán nguyệt ôm gọn cửa ra vào hoặc chạy dài suốt mặt tiền nhà. Chi tiết hoa sắt uốn hoặc tấm đúc bê tông dạng chữ triện (chữ Phúc, chữ Vạn) hoặc một kiểu hoa văn giản lược nào đó của ban công cũng thường được bắt gặp, đóng góp vào chi tiết trang trí mặt đứng (Hình 5a, 5b). Với phong cách kiến trúc Art-Déco, sự trang trí mặt đứng nhà đơn giản hơn và mang tính hình học rất rõ nét, đặc biệt là các ô tròn, có thể là cửa sổ hoặc ô đắp trang trí. Một số nhà phố Pháp xây theo phong cách Art-Déco có hệ thanh trên mái bằng lam bê tông đúc, một phía kê lên dầm bắc qua cột, một đầu gắn vào tường, khá đặc trưng và dễ nhận diện.

• Chi tiết đặc biệt: Một số nhà phố Pháp có ghi năm công trình được hoàn thành dạng vữa đắp nổi ở vị trí chính giữa tường đỉnh mái, thông thường là những năm thuộc thập niên 1920, 1930 và 1940. Một số nhà phố Pháp khác có ghi tên chủ nhân hoặc tên cửa hiệu trên tường đỉnh mái hoặc ở khoảng giữa tầng một và tầng hai. Các chữ này là chữ Việt (nếu chủ nhân là người Việt) hoặc chữ Hoa (nếu chủ nhân là Hoa kiều). Các chữ này hoặc được đắp nổi bằng vữa, có sơn màu nổi bật so với màu nền, hoặc được đúc bằng bê tông rồi gắn lên tường. Hai chi tiết này hoàn toàn không thấy xuất hiện ở biệt thự hoặc công thự Pháp. Do vậy, nếu đánh giá giá trị kiến trúc của nhà phố Pháp, cần có thêm điểm cộng cho những chi tiết riêng biệt này.

Ghi chú [1]: Ranh giới KPC được xác định bởi Ban Quản lý KPC Hà Nội
Phía Tây: Phố Phùng Hưng;
Phía Bắc: Phố Hàng Đậu;
Phía Đông: Các phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải;
Phía Nam: Các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng.

TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2017) Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác