Nhà phố Pháp trong khu phố cổ Hà Nội (phần 3): Giải pháp bảo tồn những ngôi nhà có giá trị cao nhất

Thứ 4, 07/12/2022, 15:55 (GMT+7)

Chia sẻ

Trong điều kiện còn nhiều hạn chế về chính sách, tài chính và nhận thức xã hội, việc bảo tồn nhà phố Pháp trong Khu phố Cổ (KPC) Hà Nội là một việc rất khó song vẫn cần phải tiến hành. Chính vì vậy, những ngôi nhà có giá trị cao nhất tại đây sẽ được ưu tiên bảo tồn trước, một cách bài bản, theo sự tư vấn và giám sát của các chuyên gia, kết hợp tham khảo những kinh nghiệm hay trong nước cũng như quốc tế, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể. Đó là nỗ lực lưu giữ một phần hình ảnh đô thị, lịch sử đô thị, văn hóa đô thị, ký ức đô thị. Trong một xã hội, nếu muốn hiện đại và văn minh thì cần phải có cách ứng xử phù hợp với quá khứ qua những di sản còn để lại, và các dự án đầu tiên này sẽ rất hữu ích cho việc thực hiện bảo tồn các nhà phố Pháp khác ở Thủ đô Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Kinh nghiệm bảo tồn nhà phố phong cách kiến trúc thuộc địa ở Malaysia
Melaka là một thành phố di sản của Malaysia được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận năm 2008. Do có vị trí chiến lược, án ngữ eo biển Melaka, tuyến giao thông hàng hải huyết mạch từ Châu Âu sang Châu Á, Melaka sớm bị người phương Tây nhòm ngó và xâm chiếm. Trong suốt 350 năm, từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20, Melaka lần lượt bị người Bồ Đào Nha, người Hà Lan và người Anh thống trị. Kết quả là khu phố trung tâm Melaka có sự pha trộn hình thức cả ba loại kiến trúc thực dân Bồ Đào Nha – Hà Lan – Anh, bên cạnh kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc bản địa. Kiến trúc thời kỳ thuộc địa khá nổi bật với nhiều dãy nhà mặt phố cao hai tầng với bốn phòng chính: Gian hàng và phòng sinh hoạt chung dưới tầng một và hai phòng ngủ trên tầng hai. Chiều ngang ngôi nhà là 4m và chiều dài phổ biến từ 15 đến 16m. Cấu trúc và kích thước ngôi nhà khá tương đồng với nhà phố Pháp ở Hà Nội. Trong mỗi ngôi nhà như vậy thường chỉ có một hộ gia đình. Các hoạt động kinh doanh thương mại và sinh hoạt hàng ngày hầu như không ảnh hưởng lẫn nhau.

 hinh-1a.jpg
 hinh-1b.jpg
Kinh nghiệm bảo tồn của Melaka ở Malaysia
• Công trình được trùng tu với sự tư vấn của chuyên gia về bảo tồn. Từ một vài công trình thí điểm ban đầu, mô hình này đã được nhân rộng dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền đô thị và có sự tham dự của cộng đồng;
• Hộ gia đình cam kết với chính quyền sở tại bằng văn bản. Không thay đổi hình thức cũng như chi tiết căn nhà sau đợt trùng tu năm 2005, trước khi Melaka đón nhận danh hiệu di sản của UNESCO;
• Ngược lại, chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ gia đình, cả về chính sách lẫn sự hỗ trợ về tài chính. Thực chất đó là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi và là chìa khóa thành công của bảo tồn di sản nhà ở đô thị.

Quan điểm bảo tồn nhà phố Pháp có giá trị trong KPC Hà Nội
– Để có thể bảo tồn nhà phố Pháp có giá trị trong KPC Hà Nội, cần có sự nhìn nhận đầy đủ và toàn diện giá trị của công trình, lấy chính các giá trị đó làm tiêu chí đánh giá, với thang điểm tương ứng với tầm quan trọng của mỗi tiêu chí và mức điểm phân loại phù hợp với đặc điểm và tính chất của thể loại công trình nhà phố Pháp;

hinh-2-1.jpg

 Giải pháp cải tạo mặt bằng và nội thất nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2018)

– Bảo tồn công trình di sản không theo hướng “bảo tàng hóa”, tách biệt công trình ra khỏi cuộc sống đương đại của đô thị như một “ốc đảo”, mà cần theo hướng ngược lại, tức là coi công trình như một thực thể sống, có cuộc sống riêng gắn bó hữu cơ với cuộc sống đương đại của đô thị;

– Công trình di sản đặt trong bối cảnh đô thị, chịu các tác động của đô thị, cả tích cực lẫn tiêu cực, nên cần có sự sàng lọc. Những tác động tiêu cực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng chính sách, với những quy định cụ thể và rõ ràng;

– Đối với nhà phố Pháp, cần chấp nhận thực tế là không gian phía trước dưới tầng một đã không còn giữ được tính nguyên bản, nên sẽ tập trung bảo tồn mặt đứng tầng hai, và trong một số trường hợp, cả tầng ba. Tuy vậy, mặt đứng tầng một có thể can thiệp chỉnh sửa để trở nên hài hòa hơn, theo tư vấn của các chuyên gia bảo tồn di sản. Những nhà phố Pháp có giá trị thường vẫn giữ được nguyên bản mặt đứng của (các) tầng trên. Tính nguyên bản không nhất thiết phải là để nguyên những chi tiết hay cấu kiện bị hư hại do tác động của thời tiết, thời gian và con người, mà có thể sửa chữa, thậm chí thay thế mới, miễn là giống hệt kiểu cách ban đầu, còn màu sắc và chất liệu nếu không hoàn toàn giống thì có thể cho phép gần giống.

hinh-3-1.jpg

 Bảo tồn mặt đứng nhà phố Pháp có giá trị trong KPC Hà Nội (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2018)

– Cho phép cải tạo cấu trúc không gian bên trong nhà để phù hợp với cuộc sống của chủ nhân với phương châm tiện nghi, cả về tiện nghi vật chất và tiện nghi vi khí hậu.

Nguyên tắc bảo tồn nhà phố Pháp có giá trị trong KPC Hà Nội
– Cần tính toán lại số lượng hộ gia đình trong một nhà phố Pháp cho phù hợp với mục tiêu bảo tồn. Diện tích ở bình quân là một tiêu chí quan trọng. Chất lượng ở không thể tốt nếu diện tích ở bình quân quá thấp, dưới 10 m2/người. Do vậy, cần nghiên cứu lại kế hoạch giãn dân. Để có thể thành công, rút kinh nghiệm từ những chương trình trước, nhất thiết phải đạt được sự đồng thuận giữa các hộ dân và có chính sách tái định cư phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho những hộ dân có nguyện vọng di dời;

– Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, người dân cũng như tổ chức đại diện trong quá trình trước, trong và sau bảo tồn (tương ứng là các giai đoạn 1, 2 và 3). Sự tham gia của cộng đồng dựa trên nhận thức về giá trị di sản vào cả ba giai đoạn sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của công tác bảo tồn. Tương tự như vậy với công tác xã hội hóa các nguồn lực cho bảo tồn di sản;

– Bảo tồn gắn với phát triển và hướng tới phát triển bền vững, phát huy giá trị của di sản thông qua các hoạt động du lịch văn hóa, trải nghiệm văn hóa;

– Những nhà phố Pháp có giá trị nhất, theo kết quả đánh giá, sẽ được ưu tiên bảo tồn sớm. Một vài nhà trong số đó sẽ được chọn áp dụng thí điểm, kiểm chứng kết quả trong thực tế. Nếu kết quả tích cực sẽ được nhân rộng;

– Bảo tồn nguyên trạng mặt đứng tầng hai (và tầng ba – nếu có). Mặt đứng tầng một được chỉnh trang đáp ứng tiêu chuẩn văn minh thương mại. Mặt bằng cũng như nội thất các tầng có thể được cải tạo cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống tiện nghi thời hiện đại.

Giãn dân – Bài toán khó cần lời giải thỏa đáng
Một nhà phố Pháp nguyên bản cao hai tầng có chiều sâu trên dưới 20 m như đa số các trường hợp khảo sát, với một cầu thang, một sân trong, nếu không được cơi nới hoặc cải tạo sẽ có hai phòng ngủ trên tầng hai và một phòng sinh hoạt chung, được tận dụng một phần phía trong làm phòng ngủ dưới tầng một, chỉ đảm bảo diện tích sinh hoạt và chất lượng cuộc sống ở mức độ tương đối cho một hộ gia đình có không quá sáu nhân khẩu (bố mẹ, hai con và ông bà, hoặc bố mẹ với bốn con chưa đến tuổi trưởng thành, lập gia đình riêng). Nếu chiều cao tầng đủ lớn để thiết kế gác lửng, thì hai gia đình với tám nhân khẩu có thể cùng ở. Nếu chiều sâu nhà lên tới 30 m, sẽ có thêm một khối nhà hai tầng với hai buồng ngủ phía sau, số gia đình có thể lên tới bốn hộ và số nhân khẩu không quá 20 người. Tuy nhiên, trong thực tế, đại đa số các nhà phố Pháp có mật độ cư trú cao gấp đôi, thậm chí gấp ba, so với mức tính trên. Điều kiện sinh hoạt do vậy sẽ khá chật chội (dưới 7 m2/người), kém tiện nghi (có những phòng ở không được chiếu sáng và thông gió tự nhiên đầy đủ nên rất tối và bí), không thể ở lâu dài.

Để công tác bảo tồn thành công, thành phố cần đặt vấn đề giãn dân – tái định cư với các gia đình trong căn nhà phố Pháp đạt mức đánh giá loại 1 – trên 67/100 điểm – và nhất là những ngôi nhà đạt trên 70/100 điểm (tức là loại đặc biệt cần ưu tiên hàng đầu), cho họ thời gian tự thương lượng với nhau. Thông thường, hộ dưới tầng một sẽ tiếp tục ở lại vì cuộc sống của họ gắn liền với việc kinh doanh hoặc các hoạt động dịch vụ bố trí ở gian mặt phố. Các hộ còn lại cần được bố trí tái định cư. Có ba hình thức tái định cư:

Trường hợp 1 (Tái định cư tại chỗ): Khi chiều sâu của căn nhà đủ lớn (thường chiều sâu trên dưới 30m, khoảng 1/3 đến 1/2 khối bên trong có thể được xây mới, cao bốn đến năm tầng, đảm bảo chỗ ở cho bốn đến năm hộ gia đình. Khi đó có thể tập trung bảo tồn khối nhà phố Pháp cao hai tầng hoặc ba tầng bên ngoài. Hai khối nhà cũ – mới này sẽ tách nhau bởi một sân trong;
Trường hợp 2 (Tái định cư gần): Khi chiều sâu của căn nhà dưới 20m, không đủ để phát triển mới khối bên trong, chỉ bảo tồn khối bên nhà bên ngoài. Các hộ dân đồng thuận di dời sẽ chuyển đến sinh sống tại một địa điểm khác trong phạm vi phố Cổ thuộc trường hợp 1 – khi các hộ gia đình tại đó mong muốn chuyển đến chỗ ở mới xa hơn, để lại “suất” của mình cho các hộ khác có nguyện vọng ở gần có thể dọn đến. Đây là trường hợp điều tiết chéo trong cùng một ô phố hoặc giữa hai ô phố với nhau trong KPC;
Trường hợp 3 (Tái định cư xa): Điều kiện tương tự như trường hợp 2, song quỹ đất không đảm bảo tái định cư gần. Các hộ dân đồng thuận di dời sẽ chuyển đến sinh sống trong một khu đô thị mới ở ngoại vi thành phố.
Số lượng nhà phố Pháp có giá trị loại 1 và đặc biệt sẽ không nhiều, chỉ có vài chục trường hợp, với khoảng một hai trăm hộ gia đình có liên quan cần di dời, có thể coi đó như bài toán giãn dân quy mô nhỏ, không phải là kế hoạch tái định cư trên diện rộng nên có thể được nghiên cứu kỹ hơn để quá trình thực hiện thuận lợi và kết quả thu được sẽ khả quan. Vấn đề mấu chốt để người dân tin tưởng và đồng thuận với việc giãn dân là chính quyền cam kết (và thực hiện cam kết) người dân sẽ không bị “thiệt” khi tái định cư dựa trên những yếu tố sau:

Chỗ ở mới tương đương với chỗ ở cũ về giá trị vật chất;
Chất lượng sống (cảnh quan, môi trường, các tiện ích cơ bản) tại chỗ ở mới tốt hơn tại chỗ ở cũ;
Một số ưu đãi kèm theo (giảm thuế hoặc miễn thuế một thời gian, được lựa chọn vị trí kinh doanh và nhận hỗ trợ một phần vốn, …) liên quan đến thu nhập do công việc thay đổi đối với những hộ trước đây sống dựa hoàn toàn vào “nền kinh tế vỉa hè” trong KPC với những quầy hàng nhỏ do không có điều kiện sở hữu cửa hiệu mặt phố khang trang.
Giải pháp đối với mặt bằng và nội thất căn nhà
Trên quan điểm nội thất ngôi nhà có thể được cải tạo, sửa chữa để phục vụ tốt cùng một lúc hai nhu cầu – sinh hoạt và kinh doanh – của chủ hộ, giải pháp đề xuất như sau:

Về cơ bản, cấu trúc của ngôi nhà vẫn được giữ nguyên (hệ kết cấu, tường ngoài, mái);

Những kết cấu cơi nới lấn chiếm bên trong và phía sau, nếu có, cần được phá dỡ;
Lối đi chung dưới tầng một (nếu có) có thể được bỏ (nếu không ảnh hưởng đến kết cấu). Khi đó, cửa hàng sẽ rộng hơn trước, chiếm toàn bộ gian mặt tiền, việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Nếu gian mặt tiền phía trước cho thuê, lối đi này cần giữ lại để gia đình có thể sinh hoạt độc lập;
Một khu vệ sinh khép kín sẽ được xen cấy cho gian bán hàng (hoặc cho thuê) ở tầng một tiện sử dụng. Hai khu vệ sinh khép kín, tương tự, cũng được thiết kế cho hai phòng ngủ trên tầng hai;
Khu phụ ở tầng một phía sau được cải tạo cho hợp vệ sinh. Trên mái có thể được cải tạo thành vườn cảnh. Từ phòng ngủ phía sau của tầng hai có thể tiếp cận khu vườn này qua một lối đi kiểu hành lang có mái che và lan can. Sân trong và giếng trời được giữ nguyên để lấy ánh sáng tự nhiên và đảm bảo thông thoáng cho các phòng phía sau nhà.

Giải pháp bảo tồn mặt đứng
Đây có thể coi như nội dung bảo tồn quan trọng nhất đối với nhà phố Pháp, vì như đã phân tích, giá trị của ngôi nhà thể hiện phần lớn qua mặt đứng, nhất là mặt đứng tầng trên. Đối với mặt đứng nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội cần chấp nhận phương án mặt đứng tầng một được cải tạo khác với nguyên bản để phục vụ kinh doanh nhưng vẫn có thể được chỉnh trang cho hài hòa hơn theo sự tư vấn của các chuyên gia thiết kế đô thị (lựa chọn vật liệu hoàn thiện) và mỹ thuật công nghiệp (gắn biển quảng cáo). Vì vậy, nên tập trung bảo tồn nguyên trạng mặt đứng tầng hai và nếu có ba tầng (một vài trường hợp như nhà số 86 phố Hàng Bạc, 37 phố Hàng Bồ, 46 phố Lãn Ông, 48 phố Hàng Ngang) thì mặt đứng tầng ba cũng được chú trọng bảo tồn nguyên trạng. Những chi tiết trang trí bị nứt vỡ, bong tróc, … cần được sửa chữa hoặc thay thế đúng theo hình thức và kích cỡ, chất liệu và màu sắc ban đầu, có sự tư vấn và giám sát của các chuyên gia.

Đối với biển quảng cáo – một thành phần không thể thiếu trên mặt đứng nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội – chỉ cần quy định kích thước biển quảng cáo trong một số trường hợp phổ biến, còn cách bố trí nhãn hàng ra sao, thiết kế tên cửa hiệu như thế nào, phông nền và đèn chiếu sáng biển hiệu buổi tối có màu gì sao cho dễ nhận diện, không bị chói lóa mà vẫn đẹp và đạt hiệu quả quảng cáo cần thiết. Đều này sẽ do họa sỹ thiết kế biển quyết định trên cơ sở tham khảo nguyện vọng của chủ hộ. Cần có một ban thẩm định xét duyệt mẫu thiết kế nhằm đảm bảo tính mỹ thuật cũng như tính đa dạng cần thiết, tránh tình trạng đơn điệu trong biển quảng cáo như đợt thí điểm trên phố Lê Trọng Tấn (Quận Thanh Xuân) năm 2016.

Về kích cỡ biển quảng cáo, chiều dài biển có thể chạy một phần (ở giữa) hoặc chạy suốt bề ngang phía trước ngôi nhà (4 – 5m), còn về chiều cao thì có hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Nhà có ban công. Chiều cao tối đa cho biển quảng cáo là từ mép trên cửa đi tầng một đến mép dưới ban công tầng hai, khoảng 1,2m;
Trường hợp 2: Nhà không có ban công. Chiều cao tối đa cho biển quảng cáo là từ mép trên cửa đi tầng một đến mép dưới cửa sổ tầng hai, khoảng 2m, nếu không có chi tiết trang trí ở dưới bệ cửa sổ tầng hai hoặc nếu có thì chi tiết này ít giá trị;
Các cục nóng điều hòa, vì lý do thẩm mỹ, nếu được lắp đặt trên mặt tiền nên đặt sau biển quảng cáo hoặc tường chắn mái để tránh lộ diện.

Giải pháp gắn kết các bên có liên quan

Các bên có liên quan trong việc bảo tồn nhà phố Pháp có giá trị trong KPC Hà Nội:

Chủ nhà;
Chính quyền: Ủy ban Nhân dân phường/quận cùng Ban Quản lý Phố Cổ;
Cơ quan chuyên môn: Hội KTS Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia, Viện Bảo tồn Di tích, Viện Nghiên cứu các Vấn đề Đô thị (IMV) của Pháp, …;
Đại diện cộng đồng dân cư địa phương.
Giữa các bên này có những mối liên hệ hai chiều, được trình bày qua Hình 4 và Bảng 1.

hinh-4-1.jpg

 Hình 4: Sự kết nối các bên có liên quan trong việc bảo tồn nhà phố Pháp có giá trị trong KPC Hà Nội (nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2018)

hanoi-old-quarter-1.jpg
 Phố Hàng Đào. Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức
 capture-1.jpg

capture2-1.jpg
 Bảng 1: Vai trò và trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc bảo tồn nhà phố Pháp có giá trị trong KPC Hà Nội
(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2018)

Kết luận
Nhà phố Pháp trong KPC gắn liền với lịch sử phát triển, cảnh quan và kiến trúc đô thị của khu vực đặc biệt quan trọng này của Hà Nội trong vòng 100 năm qua. Nhiều nhà trong số đó thực sự có giá trị, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn ở khía cạnh văn hóa và lịch sử, vì vậy rất cần được bảo tồn trong thời gian sớm nhất có thể, tránh nguy cơ biến dạng hoặc biến mất hoàn toàn. Để việc bảo tồn những ngôi nhà này thực sự có hiệu quả và bền vững, cần gắn liền công tác bảo tồn với sự phát triển tự nhiên, tất yếu của kiến trúc và thích ứng với mức sống cũng như điều kiện kinh tế của một khu phố cũ trong lòng một xã hội hiện đại.

20171202-231342-1.jpg

 Tranh ký họa ngôi nhà 17 Phố Nguyễn Quang Bích – KTS Trần Thị Thanh Thủy

Để có cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn nhà phố Pháp trong KPC Hà Nội, việc đánh giá giá trị và xếp loại công trình là việc làm cấp thiết. Giá trị của mỗi nhà phố Pháp được xem xét trên năm tiêu chí: Giá trị lịch sử – văn hóa, giá trị quy hoạch – cảnh quan, giá trị kiến trúc, tính nguyên bản và tính đương đại. Một trong những tiền đề quan trọng khác của việc bảo tồn là chính sách giãn dân hợp tình hợp lý.

Những nhà phố Pháp có giá trị nhất trong khu phố Pháp sẽ được ưu tiên bảo tồn trước theo kiểu phân tầng: Tầng hai (và tầng ba) được bảo tồn nguyên trạng còn tầng một được bảo tồn chỉnh trang áp dụng cho các yếu tố cửa ra vào, cửa kính quầy hàng, biển quảng cáo, … theo khuyến nghị của các chuyên gia để hoạt động kinh doanh và chất lượng ở của chủ nhà vẫn được duy trì, hoàn toàn không ảnh hưởng lớn đến giá trị di sản của căn nhà. Căn nhà được gìn giữ đúng với bản chất là một thực thể sống trong lòng một đô thị đang vận động và chuyển mình mạnh mẽ. Khi các lợi ích được cân đối, hài hòa thì việc bảo tồn di sản sẽ không quá khó và di sản sẽ tồn tại lâu dài và bền vững. Những kinh nghiệm hay sẽ được tổng kết, phân tích và áp dụng cho việc bảo tồn các nhà phố Pháp khác ở Hà Nội, trước khi được triển khai rộng hơn cho các đô thị khác trong nước cũng có hệ thống di sản kiến trúc thuộc địa Pháp.

Xem thêm:

Nhà phố Pháp trong khu phố cổ Hà Nội (Phần 1)

Nhà phố Pháp trong khu phố cổ (Phần 2) – Giá trị và đánh giá giá trị các ngôi nhà

TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2018)

Bình luận của bạn

Tin khác