Nhà phố Pháp trong khu phố cũ Hà Nội: Di sản bị lãng quên, cần nhận diện để bảo tồn

Thứ 7, 10/12/2022, 20:29 (GMT+7)

Chia sẻ

Kiến trúc thuộc địa Pháp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đô thị ở TP Hà Nội. Hầu hết các công trình kiến trúc nổi bật, như các tòa nhà công cộng hay các biệt thự kiểu Châu Âu, được xây dựng trong thời kỳ thuộc địa Pháp từ những năm 1890 tới những năm 1940, đã được công nhận là di sản kiến trúc của TP. Tuy nhiên, vẫn còn một nhóm các công trình có giá trị di sản còn được gọi là các nhà phố Pháp dường như đã bị “lãng quên” trong quá trình đô thị hóa tại Hà Nội. Nhóm nhà phố này chủ yếu được xây dựng dọc theo những trục đường mới của Hà Nội trong những năm 1920 – 1945, cho những người làm việc trong bộ máy chính quyền thực dân, cũng như các thương nhân thời đó. Trong thực tế, rất nhiều nhà phố Pháp có giá trị hiện hữu trong khu vực phố cũ Hà Nội đang đối diện với những biến đổi nội tại nghiêm trọng, nếu những không sớm được đánh giá đúng giá trị, để được quản lý và bảo vệ kịp thời; thì sự biến mất của loại hình di sản kiến trúc này trong khu phố cũ Hà Nội chỉ còn là vấn đề thời gian.

18a12014-tckt-01-1.jpeg

 Dãy nhà phố kiểu Châu Âu đã hiện hữu trên phố Paul Bert (đoạn phố Hàng Khay hiện nay) nhìn ra Hồ Hoàn Kiếm, được lưu lại trong bức ảnh năm 1901 (Nguồn ảnh tư liệu: https://36hn.files.wordpress.com)

Về sự hình thành và phát triển của Nhà phố Pháp tại Hà Nội
Sự xuất hiện của nhà phố Pháp tại Hà Nội gắn liền với quá trình phát triển đô thị trong thời kỳ thuộc địa Pháp, những ngôi nhà phố với hình thức kiến trúc kiểu Châu Âu đã xuất hiện sớm trên trục đường Rue Paul Bert (trục đường Hàng Khay – Tràng Tiền ngày nay). Đây là trục đường đầu tiên mà người Pháp xây dựng vào năm 1884, đúng hơn là mở rộng và nâng cấp từ phố Hàng Khảm, chuyên hành nghề thuộc da khi đó: “…từ một con đường rộng chưa tới 3m đầy những hố nước hôi thối vào năm 1883, phố Hàng Khảm năm sau đã trở thành một con đường mới rất rộng…” [1]. Trục đường này kết nối khu vực thành cổ nơi quân đội Pháp đồn trú với khu vực Nhượng địa ban đầu đặt gần bờ sông Hồng, là trục đường quan trọng, khởi đầu của sự phát triển khu phố Pháp về sau: “Không có gì có thể báo trước được một phố nằm ở ngoại ô toàn đầm lầy như phố Hàng Khảm, nay là phố Paul Bert, có ngày lại trở thành trung tâm náo nhiệt của Hà Nội. Khu phố Pháp chỉ nảy sinh từ con đường đó mà không ở nơi nào khác, đơn giản vì con đường này trực tiếp nối khu nhượng địa với Thành Hà Nội và với khu phố buôn bán” [2]. Thông qua những hình ảnh ghi lại khung cảnh của khu phố Paul Bert trong năm 1901, có thể thấy rõ ràng những dãy nhà phố kiểu Châu Âu đã hiện hữu từ rất sớm, trong thập kỷ đầu thời kỳ thuộc địa.

Năm 1921, chính quyền thuộc địa Pháp ban hành Nghị định 1921 quy định rõ ràng những khu phố mới trong khu phố Tây chỉ được phép xây nhà kiểu Âu. Tiếp ngay sau đó là nghị định 1922, bổ sung thêm các con đường với quy định tương tự về kiểu nhà cho phép được xây dựng. Đây chính là lý do chính cho sự phát triển mạnh mẽ của nhà phố Pháp bắt đầu diễn ra trong những năm 1920. (Nội dung nguyên gốc của các nghị định 1921 và 1922 hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc Gia I. Mã tài liệu: J342 “Bulletin Municipal de Hanoi”, tr 416-417 & tr 496-497)
Nhà phố Pháp tiếp tục được xây dựng và phát triển mạnh mẽ cho tới những năm 1940 và chững lại bởi chiến tranh Đông Dương lần thứ I. Trong giai đoạn ngay sau đó từ 1947 tới 1954, nhà phố Pháp ở Hà Nội nói chung và khu phố cũ nói riêng vẫn được tiếp tục xây dựng: “trên quy mô lớn hơn giai đoạn trước, thay thế cho những ngôi nhà bị phá hủy trước đó”. [3]

18a12014-tckt-02-1.jpeg

 Bản đồ thể hiện những con đường trong khu phố Tây thời Pháp thuộc, nơi chỉ được xây dựng nhà kiểu Châu Âu
(Nguồn: Nguyễn Vinh Quang, 2018. Dữ liệu khảo sát và nghiên cứu thực địa. Tên phố thời Pháp thuộc đã được đổi sang tên phố hiện tại dựa theo tư liệu trong cuốn sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873 – 1954”, Đào Thị Diễn chủ biên (2010), cung cấp bởi Trung tâm lưu trữ Quốc gia I – Đồ họa: tác giả)


Sau năm 1954, khi người Pháp rời khỏi Hà Nội, một số lượng lớn nhà phố Pháp trong khu phố cũ đã được chính quyền tiếp quản. Cùng với một số loại hình nhà ở khác trong thành phố, nhà phố Pháp đã được phân phối cho người dân theo chính sách nhà ở thời kỳ bao cấp. Đặc biệt, việc nhiều hộ gia đình cùng chia sẻ một căn nhà đã dẫn tới những hệ lụy đáng kể, tác động tiêu cực tới giá trị nguyên bản của Nhà Phố Pháp ở các thập kỷ sau này.

 18a12014-tckt-03-1.jpeg
Giai đoạn từ 1986 cho tới nay, khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, nhà phố Pháp đã bị biến đổi nghiêm trọng, từ không gian chức năng cho tới hình thức kiến trúc. Một loại hình di sản kiến trúc nên được gìn giữ của thủ đô dường như đang dần chìm vào “quên lãng” và có nguy cơ bị cuốn đi trong dòng chảy đô thị hóa và hiện đại hóa tại Hà Nội.

Giá trị di sản của nhà phố Pháp trong khu phố cũ Hà Nội
Trên thế giới, thuật ngữ “giá trị di sản” đề cập đến ý nghĩa và giá trị mà các cá nhân hoặc nhóm người ban tặng cho di sản; những giá trị này là yếu tố then chốt trong việc hợp pháp hóa việc bảo vệ và quản lý di sản. Giá trị di sản có thể được phân thành nhiều loại như giá trị lịch sử, giá trị kinh tế, giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ và một loạt các loại khác tùy thuộc vào loại di sản cụ thể [4].

18a12014-tckt-04-1.jpeg

 Hình ảnh một số nhà phố Pháp trong khu phố cũ (Nguồn: Nguyễn Vinh Quang, 2018. Dữ liệu khảo sát và nghiên cứu thực địa)


Cũng như nhiều công trình kiến trúc thuộc địa khác, nhà phố Pháp rõ ràng có chứa đựng những giá trị di sản riêng biệt của mình:

  • Giá trị niên đại: Như đã đề cập ở phần trên, phần lớn nhà phố Pháp được xây dựng trong những năm 1920 – 1930 vẫn còn hiện diện trên nhiều khu phố cũ, trong khu vực đô thị lịch sử của Hà Nội. Với tuổi đời gần một thế kỷ, những ngôi nhà này cần được coi trọng như những di sản kiến trúc khác của thành phố. Cụ thể: Dãy nhà số 22A +22+24+26 phố Trần Quốc Toản có thời gian xây dựng vào năm 1923, dãy nhà số 6+8+10 ngõ Hội Vũ có thời gian xây dựng vào năm 1924, hay nhà số 59 phố Nguyễn Trường Tộ cũng có thời gian xây dựng vào năm 1923 (bằng chứng quan trọng về năm xây dựng vẫn lưu lại trên tường chắn mái) và nhiều nhà khác nữa trong khu phố cũ.
  • Giá trị lịch sử: Là một loại hình nhà ở hình thành và phát triển trong một giai đoạn lịch sử phát triển đô thị quan trọng của TP Hà Nội, nhà phố Pháp xứng đáng được ghi nhận là một trong những yếu tố cấu thành nên khu vực đô thị lịch sử của Hà Nội, là một phần của kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội.
  • Giá trị văn hóa: Sự giao thoa của hai nền văn hóa Á – Âu biểu hiện trong không gian chức năng hay các yếu tố trang trí mỹ thuật cổ điển của Nhà Phố Pháp là một trong những đặc trưng riêng biệt mà loại hình này chứa đựng. Dấu ấn văn hóa Pháp vẫn hiện hữu rõ rệt nơi những căn nhà này. Cụ thể: Nhà số 9 phố Bà Triệu với các trang trí đậm chất Châu Âu qua các họa tiết cổ điển còn lưu lại trên đầu cột và tường chắn mái.
  • Giá trị Kiến trúc: “Giá trị nổi bật về kiến trúc của nhà phố Pháp là sự hài hòa về tỷ lệ phân vị và sự tinh tế của các chi tiết trang trí trên mặt đứng, mà đặc biệt nhất trong một số trường hợp là mốc thời gian hoàn thành được đắp nổi ở giữa tường chắn mái”.[5] Chỉ có một số nhà có đặc điểm này, chứ không quá phổ biến. Mặt đứng kiến trúc của nhà phố Pháp tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn bởi các phong cách kiến trúc của các tòa nhà công cộng và biệt thự xây dựng cùng thời kỳ trong thành phố. Trong đó, phong cách cổ điển và Art Deco được xem như là những phong cách kiến trúc chính hiện hữu trên mặt đứng nhiều nhà phố Pháp cho tới nay, khẳng định giá trị kiến trúc đáng ghi nhận của loại hình này. Tỷ lệ mặt đứng khi chuyển sang kiểu nhà phố Pháp có sự thay đổi so với biệt thự và công thự Pháp, nhưng những nét đặc sắc của chi tiết gần như được giữ nguyên. Cụ thể: Nhà số 22 phố Hàng Than có chi tiết trang trí trên mặt đứng tiêu biểu cho họa tiết trang trí theo phong cách cổ điển Pháp. Các nhà số 48+50 phố Phạm Hồng Thái (dù đã bị can thiệp nghiêm trọng, song một số chi tiết nguyên bản trên mặt đứng điển hình cho phong cách Art Déco vẫn còn lưu lại.
  • Giá trị về cảnh quan đô thị: Khác với những Nhà Phố Pháp được “xây chen” trong khu phố cổ Hà Nội, Nhà phố Pháp trong khu phố cũ thường được xây dựng thành dãy, ngắn thì 5 – 6 căn, còn dài thì trên dưới 20 căn liên tục, đóng góp đáng kể cho vẻ đẹp cảnh quan phố thị. “Tính liên tục của nhiều căn nhà giống nhau hoặc tương tự nhau về hình thức kiến trúc trên các tuyến phố thương mại tự bản thân đã tạo nên giá trị về quy hoạch và cảnh quan đô thị.” [6] Cụ thể: Dãy 05 nhà phố Pháp 95+95A+97A+97+99 phố Nguyễn Thái Học tạo nên một điểm nhấn đô thị rất thú vị trong cảnh quan đường phố, với hai phong cách khác biệt nhưng cách xử lý tinh tế khiến sự khác biệt không quá lớn, tạo nên sự hài hòa.

18a12014-tckt-05-1.jpeg

 Hình ảnh nhà số 9 phố Bà Triệu
(Nguồn: Nguyễn Vinh Quang, 2018. Dữ liệu khảo sát & nghiên cứu thực địa)

18a12014-tckt-06-1.jpeg

18a12014-tckt-07-1.jpeg
 Hình ảnh dãy nhà số 95+95A+97A+97+99 phố Nguyễn Thái Học
(Nguồn: Nguyễn Vinh Quang, 2018. Dữ liệu khảo sát và nghiên cứu thực địa)


Không chỉ có vậy, nhà phố Pháp, dù được xây dựng từ gần một thế kỷ trước, còn được xem như một ví dụ về nhà ở tư nhân điển hình, có ảnh hưởng tới sự phát triển của các nhà phố hiện đại xây dựng tại Hà Nội sau này, khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 và thực hiện chính sách kinh tế mở cửa ngay một thập kỷ sau đó. Việc học hỏi cách tổ chức các không gian chức năng, cách sử dụng vật liệu; thậm chí cả việc sao chép kiến trúc cổ điển Pháp, đã từng là một trào lưu mạnh mẽ diễn ra tại Hà Nội. Cho tới nay, Nhà phố vẫn là một trong những thể loại công trình nhà ở đặc trưng trong đô thị Việt Nam. Chúng vẫn tồn tại và phát triển ở các thành phố lớn và các khu vực đô thị mới như là một thực thể không thể tách rời của cấu trúc đô thị.

 Khác biệt thú vị giữa Nhà phố Pháp xây trong KPC và nhà phố Pháp trong khu phố Pháp (Nguồn: Bản vẽ nhà phố Pháp trong khu phố cổ được cung cấp bởi KTS Hoàng Phương, BQL Phố cổ Hà Nội. Bản vẽ Nhà phố Pháp trong khu phố Pháp thuộc dữ liệu khảo sát và nghiên cứu thực địa của tác giả, năm 2018)


Những đặc trưng của nhà phố Pháp trong khu phố cũ Hà Nội
Như đã đề cập ở phần trước, khi TP Hà Nội nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Pháp, nhà phố Pháp đã được xây dựng chủ yếu dọc theo các con đường trong khu vực thuộc khu phố Pháp. Bên cạnh đó, “Trong Khu phố Cổ (KPC) Hà Nội, nhà phố Pháp cũng được xây dựng, xong ở quy mô hạn chế hơn, bởi vì cấu trúc của KPC cuối thế kỷ 19, trước khi người Pháp chiếm thành Hà Nội, về cơ bản đã ổn định. Người Pháp đã tôn trọng tối đa những ngôi nhà ống đã hiện diện từ trước trong KPC và chỉ tiến hành xây chen nhà phố Pháp tại những ô – thửa đất còn trống, hoặc thay thế cho những ngôi nhà ống đã hư hại vì hỏa hoạn hoặc mục nát sau nhiều năm sử dụng.”[7]

Việc các nhà phố Pháp xây chen trong KPC, trong khu vực buôn bán nhộn nhịp, trên thửa đất nguyên bản trước đây (hẹp bề ngang và chiều dài lớn) đã tạo nên một số đặc điểm khác biệt khá thú vị giữa nhà phố Pháp xây dựng trong KPC và nhà phố Pháp xây dựng trong khu phố Pháp.

  • Nhà phố Pháp trong KPC thường được xây dựng với mục đích vừa để ở vừa để kinh doanh, nên thường có từ 2 khối nhà lớn ngăn cách nhau bởi sân trong rộng, trên khu đất dài chừng 25m 30 m. Phần cửa hàng nằm ở tầng 1 khối phía trước tiếp cận đường phố, với các cửa mở lớn.
  • Trong khi đó, nhà phố Pháp xây dựng trong khu phố Pháp đa phần thường có chức năng nguyên bản để ở, nên thông thường, chỉ gồm có 1 khối nhà lớn và một khối nhà phụ (garage, bếp và WC), xây dựng trên khu đất có chiều dài chừng 15m-20 m; ngăn cách nhau cũng bởi một sân trong đặc trưng.

18a12014-tckt-09-1.jpeg
 Đặc điểm đặc trưng của Nhà phố Pháp nguyên bản trong khu phố Pháp.
(Nguồn: Nguyễn Vinh Quang, 2018. Dữ liệu khảo sát và nghiên cứu thực địa)


Những biến đổi của Nhà Phố Pháp trong khu phố cũ Hà Nội qua thời gian.
Có thể nói, những thay đổi đáng kể trong các ngôi nhà này bắt đầu ngay sau thời kỳ thuộc địa, khi quỹ nhà ở thời Pháp thuộc để lại nằm dưới sự quản lý của chính quyền mới.

  • Sự biến đổi về sở hữu: Những thay đổi về sở hữu có thể được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những thay đổi khác liên quan đến không gian chức năng và các đặc điểm kiến trúc nguyên bản của nhà phố Pháp sau này. Chính sách phân phối nhà ở từ thời kỳ bao cấp là lý do chính dẫn tới việc hiện nay có nhiều hộ gia đình cùng sở hữu ngôi nhà trong khu phố cũ. Do đó, việc quản lý và kiểm soát các thay đổi khác của ngôi nhà luôn là một thách thức rất lớn đối với chính quyền thành phố.
  • Sự biến đổi không gian chức năng: Qua thời gian, từ những thế hệ đầu tiên tiếp nhận ngôi nhà cho đến nay, số lượng hộ gia đình tăng lên gấp đôi thậm chí gấp ba, đã khiến các không gian chức năng cơ bản của ngôi nhà bị biến dạng. Nhiều không gian mới được cơi nới nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt “tối thiểu” của cư dân, dẫn tới những biến đổi nghiêm trọng về kiến trúc của ngôi nhà.
  • Sự biến đổi các thành phần Kiến trúc: Các chi tiết kiến trúc bên trong lẫn mặt đứng bên ngoài ngôi nhà đã và đang bị can thiệp “tự phát”, không chỉ đe dọa trực tiếp tới tính nguyên bản (the integrity of heritage) của kiến trúc nhà phố Pháp; mà còn gây ra sự xuống cấp nghiêm trọng của các ngôi nhà hiện nay.

Hướng đi nào để bảo tồn và quản lý nhà phố Pháp trong khu phố cũ?
Bảo tồn là công việc mang tính liên ngành và liên quan đến nhiều bên, đòi hỏi phải có sự tham gia và hợp tác chặt chẽ.

  • Về mặt chuyên môn: Các chuyên gia về di sản nên cùng chung tay hợp tác với chính quyền thành phố và cư dân để tìm ra giải pháp thích đáng cho việc bảo tồn các công trình xứng đáng được xếp hạng là di sản thuộc địa này. Trước những biến đổi nghiêm trọng đã và đang xảy ra đối với nhà phố Pháp, người viết cho rằng, việc sớm thực hiện các công tác khảo sát hiện trạng, xây dựng tiêu chí để đánh giá, xếp loại và công nhận di sản là điều rất quan trọng. Trong đó, việc gấp rút bảo vệ các yếu tố nguyên bản, hiện chưa bị mất đi, của nhà phố Pháp là một việc làm cần thiết nhất vào thời điểm này. Các giải pháp cụ thể để cải tạo không gian bên trong nhà ở theo hướng tái sử dụng thích ứng sẽ phù hợp hơn cho các giai đoạn tiếp theo.
  • Về mặt xã hội: Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh những hoạt động cộng đồng liên quan để tuyên truyền, khuyến khích người dân tự giác ý thức được việc bảo vệ ngôi nhà đồng nghĩa với bảo vệ quyền lợi và lợi ích của chính mình. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có những chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp dưới dạng cam kết song phương một cách phù hợp và kịp thời đối với cư dân đang sinh sống trong các ngôi nhà phố Pháp có giá trị, kèm yêu cầu cụ thể liên quan tới việc bảo vệ ngôi nhà.
  • Về mặt quản lý: Thành phố Hà Nội cần sớm công nhận chính thức nhóm nhà phố Pháp trong khu phố cũ có giá trị theo sự đánh giá của các chuyên gia là di sản kiến trúc thuộc địa. Hiện nay, nhóm nhà phố Pháp trong khu phố cũ đang dần bị mai một, vì chưa có văn bản pháp quy chính thức nào đề cập cụ thể tới việc phải bảo vệ các ngôi nhà này. Việc công nhận di sản đối với nhóm nhà phố Pháp là rất cần thiết, để làm được điều này; người viết rất tán thành ý kiến của TS. Nguyễn Quang Minh trong loạt bài viết về Nhà phố Pháp trong khu phố cổ Hà Nội: “cần có sự nhìn nhận đầy đủ và toàn diện giá trị của công trình, lấy chính các giá trị đó làm tiêu chí đánh giá”. Chỉ khi chúng ta nhìn nhận đúng đắn giá trị di sản của nhà phố Pháp thì việc nỗ lực bảo vệ các ngôi nhà này mới có thể khả thi. Song song với việc sớm công nhận di sản cho nhóm nhà phố Pháp tại Hà Nội, chính quyền cần nhanh chóng có lộ trình giải quyết vấn đề sở hữu phức tạp đang tồn tại trong hầu hết các nhà phố Pháp. Đề xuất giãn dân cũng của TS. Nguyễn Quang Minh đối với các nhà phố Pháp trong phố cổ dựa trên việc đáp ứng nghiêm chỉnh và đầy đủ nguyện vọng chính đáng của các hộ cần di dời đến nơi ở mới là một trong những giải pháp khả thi, có thể áp dụng được cho nhóm nhà phố Pháp trong khu phố cũ. (Trong nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp các cư dân vào tháng 3.2018, người viết nhận thấy rằng, hầu hết các hộ gia đình không có lợi ích kinh tế đường phố (không sở hữu không gian cửa hàng của nhà phố Pháp) thì đều có mong muốn được rời khỏi các không gian ở đang ngày càng xuống cấp, họ không thể tự sửa chữa ngôi nhà vì những vấn đề sở hữu chồng chéo trong không gian ở. Họ cũng không thể thuyết phục được những hộ gia đình đang sở hữu cửa hàng ở tầng 1 cùng bán căn nhà để chuyển đi vì sự đồng thuận trong việc này vẫn còn rất xa vời.)

Thay lời kết
Di sản kiến trúc trong bất cứ đô thị lịch sử nào về bản chất luôn chứa đựng giá trị quý giá của riêng mình. Việc ứng xử linh hoạt trong việc nhận diện và đánh giá giá trị của di sản là điều rất cần thiết; giúp kết nối xuyên suốt việc “đối thoại” văn minh giữa hiện tại và quá khứ. TS. Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích từng có ý kiến về vấn đề này: “Chúng ta đang khá cứng nhắc khi phân loại và tiếp cận di sản. Tiếp cận một di sản, dù được công nhận hay chưa, trước hết, phải tôn trọng và ứng xử khách quan, nhân văn. Nếu nhìn nhận giá trị di sản chỉ dựa trên trên phương diện hành chính (xếp hạng) sẽ dễ dẫn đến cực đoan”.[10] Với cách phân loại di sản như hiện nay, thì việc những công trình kiến trúc quy mô nhỏ, dù được xây dựng từ thời thuộc địa như nhà phố Pháp, bị “lãng quên” là điều rất dễ xảy ra. Như đã luận bàn ở phần trước, nhà phố Pháp hiện hữu trong nội đô Hà Nội như là một trong những bằng chứng của lịch sử phát triển đô thị thủ đô, chúng ta không thể, hay nói đúng hơn là không được chối bỏ vị trí quan trọng của những ngôi nhà này trong đô thị Hà Nội. Việc nhận diện giá trị di sản của Nhà Phố Pháp một cách sâu sắc, văn minh và đầy trách nhiệm từ chính quyền thành phố, cũng như những cư dân đang sở hữu những ngôi nhà này thực sự quan trọng và cấp bách, sao cho việc gìn giữ được những gì còn lại của quỹ di sản kiến trúc thuộc địa tại Thủ đô sẽ không là trở ngại quá lớn trong xu thế hiện đại hóa và phát triển chung của thành phố trong các thập niên tới.

KTS Nguyễn Vinh Quang
(Nghiên cứu sinh, Khoa Kiến trúc & nghiên cứu đô thị, ĐH Bách khoa Milano, Italia)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)

 
Ghi chú:

[1] [2] Andre Masson, 1929. “Hanoi pendant le Période Héroique (1873 – 1888). Book, Oriental Library Paul Gautner, Paris. / Dịch bởi: Lưu Đình Tuân, 2009. “Hà Nội giai đoạn 1873 – 1888.” Sách in, tái xuất bản tại NXB Hà Nội, trang 81 & 149)
[3] [7] Nguyễn Quang Minh, 2017. Nhà phố Pháp trong khu phố cổ Hà Nội – Phần 1. Tạp chí Kiến trúc số 271 (11/2017).
[4] Margarita Díaz-Andreu, 2017. “Heritage Values and the Public”, Journal of Community Archaeology & Heritage. UK (Quyển 1, tập 4, trang 2)
[5] [6] Nguyễn Quang Minh, 2016. Bảo tồn Nhà Phố Pháp trong khu phố Pháp tại Hà Nội. Tạp chí Kiến trúc số 256 (08/2016).
[8] Đào Thị Thu Hương, ND. The development of Housing sector in Vietnam. HDM, Lund University.
[9] Katherine Gough & Hoai Anh Tran, 2009. Changing housing policy in Vietnam: Emerging inequalities in a residential area of Hanoi. CITIES – Elsevier Journal. (Số 4, Tập 26, trang 175-186)
[10] Chi Mai & Linh Anh, 2018. Tìm giải pháp bảo tồn di sản chưa xếp hạng. Báo Kinh tế & Đô thị trực tuyến, truy cập ngày 8.10.2018 tại: http://kinhtedothi.vn/tim-giai-phap-bao-ton-di-san-chua-xep-hang-318303.html
Nguyễn Vinh Quang, 2018. Dữ liệu khảo sát thực địa và nghiên cứu cá nhân.

Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác