Ngôi nhà sàn Bác Hồ trong khuôn viên Phủ Chủ tịch – Hà Nội là điểm tham quan không thể bỏ qua đối với nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế khi vào lăng viếng Bác. Là một công trình nhỏ nhưng đây là một nơi chốn đầy ý nghĩa và là một di sản văn hóa lớn lao.
Ngôi nhà nhỏ bình dị gần gũi với thiên nhiên
Sau khi quân ta tiếp quản thủ đô vào ngày 10/10/1954; tới cuối tháng 12/1954, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội. Ban đầu, Bác Hồ được tổ chức bố trí ở và làm việc trong Phủ Toàn quyền Đông Dương – tức Phủ Chủ tịch – là một công thự to lớn và bề thế ở Quảng trường Ba Đình. Nhưng với bản tính giản dị, muốn sống gần gũi với thiên nhiên, Bác không ở đó. Bác chỉ sử dụng Phủ Chủ tịch để tiếp khách và hội họp, còn Người ở trong một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên Phủ Chủ tịch – vốn là nơi ở của người thợ điện làm việc trong phủ. Người đã ở trong ngôi nhà này từ khi về Hà Nội tới tháng 5/1958.
Sau chuyến đi thăm hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về, Bác trầm ngâm suy nghĩ rồi đề xuất với các đồng chí phục vụ: Bác muốn làm một căn nhà sàn ở bên bờ ao trong Phủ Chủ tịch để ở và làm việc cho thoáng. Điều này hẳn có nguyên do. Bên cạnh đức tính giản dị gần gũi thiên nhiên của Bác như đã nói; thì trong thời kỳ kháng chiến 9 năm ở chiến khu Việt Bắc, Bác đã ở trong nhiều ngôi nhà sàn bằng tre nứa của đồng bào dân tộc, ở cùng đồng bào và Người đã quen và yêu thích kiến trúc ấy, không gian ấy. Đó cũng là tình cảm sâu sắc của Người đối với ngườidân Việt Bắc. Vì vậy, khi hòa bình trở về Hà Nội, Người muốn giữ một nếp xưa cũng như gìn giữ tình cảm với nhân dân ở chiến khu trong những tháng năm kháng chiến.
Theo ý Bác, mùa hè năm 1958, kế hoạch xây dựng ngôi nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch được tiến hành. Cục thiết kế cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam được giao thi công công trình. Người được giao trọng trách thiết kế là kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh – khi ấy là Cục trưởng Cục thiết kế dân dụng, Bộ Kiến trúc. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh là một trong 8 người Việt Nam học kiến trúc khóa đầu tiên của Trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông cũng chính là người thiết kế lễ đài Ba Đình cho cuộc mit-tinh của nhân dân thủ đô đón Bác Hồ cùng phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ trở về thủ đô ngày 1/1/1955.
Trước khi thiết kế, Bác trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh rất kỹ về nguyện vọng của Bác đối với ngôi nhà. Bác muốn làm một ngôi nhà sàn giống như nhà Bác đã ở của đồng bào Việt Bắc; tầng 1 thoáng rộng, tầng 2 có hai phòng, giữa hai phòng có vách ngăn tận dụng làm giá sách, xung quanh có hành lang… Bác còn căn dặn làm nhà bằng gỗ bình thường, gỗ tốt nhóm 1 để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học… Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh theo lời Bác nhanh chóng triển khai thiết kế. Sau khi được Bác góp ý, bản thiết kế được chỉnh sửa hoàn thiện và đi và thi công. Trong thời gian Bác đi công tác, đội thi công 30 người là lính công binh đã khẩn trương xây dựng và hoàn thành vào ngày 1/5/1958. Vào dịp sinh nhật 19/5/1958, Bác Hồ đã chuyển sang ở ngôi nhà này cho tới ngày 17/8/1969 – khi Người trở bệnh nặng.
Ngôi nhà sàn Bác Hồ có dáng dấp của ngôi nhà sàn dân tộc Tày – Thái ở Việt Bắc. Công trình có quy mô nhỏ bé với chiều dài 10,5m, rộng 6,2m, cao hai tầng. Tầng dưới để trống, là nơi Bác thường làm việc vào mùa hè, cũng là nơi Bác cùng Bộ Chính trị họp bàn quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng, của đất nước. Đây cũng là nơi Bác tiếp khách thân mật. Tầng trên có hai phòng, 1 phòng làm việc và 1 phòng ngủ của Bác. Ngôi nhà được làm bằng vật liệu gỗ chủ đạo, lợp mái ngói. Xung quanh ngôi nhà là vườn rợp bóng cây xanh với nhiều loại cây được mang về trồng từ mọi miền đất nước; phía trước là một ao cá rộng, nơi Bác vẫn thường ra nghỉ ngơi, thư giãn, cho cá ăn. Ngôi nhà sàn Bác Hồ là một điểm nhấn kiến trúc xinh xắn, gần gũi và bình dị trong không gian sân vườn Phủ Chủ tịch. Đây cũng là nơi Người đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Di sản văn hóa lớn lao
Ngôi nhà sàn Bác Hồ là một công trình nhỏ bé, khiêm nhường, giản dị phản ánh rõ tính cách và tâm hồn của Người. Đó là một công trình đậm bản sắc truyền thống, gần gũi, hòa nhập cùng thiên nhiên. Công trình có một ý nghĩa đặc biệt, là nơi ở lâu nhất của Bác Hồ và cũng là những năm tháng cuối đời, gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Đây vừa là một di sản kiến trúc, vừa là một di sản văn hóa, chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao. Nhân dịp 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”
Nhà sàn Bác Hồ là một phần quan trọng trong quần thể Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt ngay đợt đầu tiên năm 2009. Theo Giám đốc Khu Di tích Nguyễn Văn Công: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác đã sống, làm việc, dưỡng bệnh và sống những năm tháng cuối đời (1954-1969). Mỗi di tích, tài liệu, hiện vật nơi đây chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau là minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp cách mạng, hạnh phúc của nhân dân.
Từ năm 1970 đến nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phục vụ, đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách tham quan, trong đó có khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bà Julia Helen, du khách người Anh chia sẻ: “Tôi thực sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi tới thăm ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi không thể hình dung một lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia lại sống giản dị và đơn sơ như vậy. Bác Hồ quả là một nhân cách đáng kính trọng. Còn bà Nguyễn Thị Chiêm, quê Quảng Ngãi lần đầu tới thủ đô và thăm lăng Bác Hồ bày tỏ: Bác Hồ giản dị quá! Lần đầu tới đây tôi không khỏi xúc động khi thấy ngôi nhà của Bác. Có cảm tưởng rằng như hình bóng Bác vẫn đâu đây…”
Ảnh và bài: Hà Thành
© Tạp chí Kiến trúc-Nguồn
Bình luận của bạn