Biệt thự 66 Lý Thường Kiệt
1.
Không thật quá khó để tìm ra những con phố với những căn biệt thự còn giữ nguyên dáng hình của một thời phố Tây cũ Hà Nội. Không quá khó bởi chúng còn lại không nhiều. Hồn phố cũ dường như không nhuốm bụi thời gian theo những hàng cây, hè phố… vào tới những căn biệt thự với khuôn viên bao quanh. Vừa gần gũi thân quen mà lại vừa xa lạ như bối cảnh xi nê những năm tiền chiến, vừa cũ lại vừa mới, đặc biệt, trong những ngày vắng vẻ thời dịch bệnh. Gần gũi với những người hơn nửa thế kỷ rong ruổi trên những con đường Hà Nội xưa này, ngắm nhìn những ngôi nhà cũ ấy, vài năm lại một lần được sơn vôi mới lại màu cũ. Nhưng còn lại thật quá ít những gần gũi ấy, những ngôi nhà và con phố đã làm nên Hà Nội của chúng ta. Dẫu rằng vẫn biết Hà Nội có ngàn năm lẻ mười tồn tại và phát triển, hôm nay dưới góc nhìn đô thị, Hà Nội không chỉ có Phố Cổ, Phố Cũ để tự hào, không chỉ có những khu tập thể, khu lắp ghép hình mẫu tiểu khu trước và sau chiến tranh phá hoại, và cũng không chỉ có những đại lộ thẳng tắp tới tận Quê Lụa và xứ Đoài… hôm nay.Tuy nhiên, như lớp người “xưa nay hiếm”, kẻ lữ hành, vốn chứng kiến những dấu mốc phát triển của Hà Nội đẹp và chưa đẹp ấy, vẫn muốn thả bộ bằng những câu chuyện tản mạn không đầu đuôi, về những ngôi nhà, góc phố mà một thời được gọi là trung tâm theo đúng mọi nghĩa.
2.
Quận Hoàn Kiếm, nơi ôm trọn Khu phố Cổ Hà Nội (vốn là khu Đồng Xuân cũ) và phần lớn khu phố Tây, cũng là nơi mang nặng sự giao thoa, giằng xé và trăn trở giữa cái Cổ, cái Cũ và cái Mới hiện nay. Trong sự phát triển chung của Hà Nội, lưu giữ được cả một con phố cũ như ở quận Ba Đình và cùng với nó là những ngôi biệt thự còn nguyên vẹn là một điều không thể. Có thể, vốn là khu trung tâm, với những tuyến phố trung tâm với nhiều công trình trụ sở, công cộng, thương mại khác nhau, nhà ở nói chung và biệt thự nói riêng ở đây, vốn được bố trí rải rác và xen kẽ, phần nhiều là những căn biệt thự lớn với khuôn viên lớn thường là những dinh thự cho quan chức cấp cao. Cũng do những tính chất, quy mô và vị trí như vậy mà ở đây đã chịu sự biến động rất lớn. Trong đó, hai yếu tố chính tác động đến ngôi nhà, theo tôi, là sở hữu và công năng. Nói cách khác, sở hữu làm thay đổi công năng. Khởi thủy, căn biệt thự được thiết kế được dành cho một gia đình, giầu hoặc rất giầu, để ở, và có thể kiêm chỗ hành nghề của chủ nhà như phòng mạch (cho chủ nhà bác sỹ), văn phòng (cho chủ nhà luật sư hay KTS). Thay đổi chủ sở hữu thời kỳ này vẫn chỉ là những thay đổi cho phù hợp hơn về mặt nghề nghiệp và nhân khẩu của chủ sở hữu mới. Sau năm 1954, khi thay đổi chủ sở hữu về số lượng, nếu vẫn để ở, hay quốc hữu hóa, chuyển mục đích sử dụng, thành cơ quan trụ sở… sự thay đổi bắt đầu mất kiểm soát, từ không gian bên trong đến khuôn viên bên ngoài. Và cuối cùng, là vẻ dáng bên ngoài rồi họa tiết và chi tiết… những căn biệt thự chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc Đông Dương dần trở thành phế tích của công cuộc cơi nới một thời bươn chải. Sau hết, vào thời kỳ kinh tế thị trường, giá trị khu đất với mặt tiền và vị trí trong khu phố Tây sang trọng, đã vượt qua mọi giá trị kiến trúc nhiều, rất nhiều lần. Để rồi, những cuộc thu gom cá nhân hay liên doanh dự án của mọi thể loại đang sở hữu biệt thự đã làm thổi bay những biệt thự một thời vào trong các cuốn sách về lịch sử kiến trúc. Một điều thật hiển nhiên, mà cũng thật đau xót cho những KTS nặng lòng vị cổ, trong mọi hợp đồng góp vốn bằng bất động sản, giá trị kiến trúc biệt thự phố chẳng bao giờ được nhắc đến bới nó chỉ được đo bằng từng m2 (thậm chí từng tấc vuông) đất. Cũng rất ít, rất rất ít đại gia (bị xì xào là chơi ngông), vì một lý do rất riêng tư và sở thích cũng rất riêng tư, bỏ tiền, bỏ tâm trí vào mua rồi phục dựng lại ngôi biệt thự như nguyên dạng để ở cùng gia đình, sống lại một ước mơ nhiều đời “ăn cơm Tầu, ở nhà Tây…”. Phải chăng, những dòng trên đã khắc họa phần nào lộ trình nghiệt ngã song phổ biến của số phận những ngôi biệt thự phố Cũ – di sản một thời Hà Nội.
3.
Có một vài câu chuyện về biệt thự ở khu Hoàn Kiếm xưa in khá đậm trong tâm trí của người viết bài này từ ký ức của một cậu học trò thích lang thang nhìn ngó những chốn thân quen thời thơ ấu đến con mắt soi mói của một người làm nghề lâu năm muốn được kể lại ở đây.
Câu chuyện thứ nhất, căn biệt thự góc phố (Nhà số 10 Lý Thường Kiệt và 19 Phan Chu Trinh) vốn là ngôi nhà đầu tiên khi gia đình tôi từ nước ngoài về Hà Nội năm 1955 ở gần 3 năm, nhưng sau này vẫn thường xuyên lưu tới, bởi bà chủ nhà dạy nhạc vốn là đồng nghiệp của mẹ tôi. Ngôi nhà ở vị trí rất đắc địa, được xây bề thế với một tầng trệt, thấp, vốn dành cho những người giúp việc, và 2 tầng trên cho gia đình. Cổng chính lớn quay ra phố Lý thường Kiệt, hướng vào vườn rộng và garage. Lối lên nhà chính cũng đi từ sân vườn rộng đó bằng một cầu thang ngoài lớn, tương phản là lối cổng bên, nhỏ, mở ra một cổng nhỏ hướng phố Phan Chu Trinh với một khoảnh vườn xinh xắn. Là một căn biệt thự phong cách đặc Pháp với chút ít chi tiết Việt hóa, mặt phố nhưng tận dụng tốt những khoảng lùi nhất định. Thủ pháp này được sử dụng ở không ít những biệt thự trên những đường phố lớn Hà nội thời đó. Nó cũng được nhại lại không ít ở những khu đô thị mới hiện nay. Ngay sau đợt cải tạo công thương, nhà nước quốc hữu hóa tầng hầm, một phần tầng 1 và toàn bộ sân vườn, garage. Nhiều chủ sở hữu mới được phân vào ở, vườn sân dần xây kín, cơi nới theo thời gian kèm đủ loại công năng và kiến trúc xen kẽ phía Lý Thường Kiệt. Ngôi nhà chính được cải tạo hoàn toàn không gian bên trong để trở thành một nhà hàng cổ kính có tiếng ở Hà Nội hiện nay.
Biệt thự 64 Nguyễn Thái Học (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)
Câu chuyện thứ hai, ngôi biệt thự giữa vườn cây (Nhà số 66 Lý Thường Kiệt) còn được đám trẻ con chúng tôi gọi là nhà Xanh,vốn của một gia đình trí thức có tiếng ở Hà Nội. Đây là một ngôi biệt thự vào loại bề thế hàng đầu ở Hà Nội, cả về ngôi nhà lẫn khuôn viên, kiến trúc theo phong cách Đông Dương phổ biến ở Hà Nội. Với một tỷ lệ đăng đối kiểu mẫu, ngôi biệt thự 2 tầng được bao quanh bởi khu vườn rất rộng, đặc biệt khu vườn sau, nơi lũ trẻ con chơi đủ các trò cả ngày không biết chán. Không gian bên trong ấn tượng nhất là sảnh chính thông tầng với cầu thang cuốn bao quanh. Tầng 1 với hai bên sảnh trước là khu phòng mạch và văn phòng luật sư của vợ chồng chủ nhà (bà chủ sau này trở thành giảng viên piano có tiếng của Trường Âm nhạc Việt Nam). Phía sau (cũng nối với sảnh chính) là một phòng ăn lớn và khu vực bếp. Tầng 2 cũng rất ấn tượng với phòng khách rất rộng, nơi thỉnh thoảng tổ chức được cả các công – xe sa – lông (salon concert) thịnh hành một thời và thư viện bên cạnh. Phía sau trên tầng 2 là các phòng ngủ của gia đình (cha mẹ và 5 người con). Khoảng năm 1973, khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Australia, nhà nước đã trưng dụng (thu mua) ngôi biệt thự này làm Tòa Đại sứ đầu tiên (nay là tư dinh của Đại sứ). Ngôi nhà chính tuy chuyển đổi công năng nhưng các không gian bên trong cải tạo không nhiều, mặt ngoài được tôn tạo chủ yếu theo nguyên bản. Tuy nhiên khuôn viên rộng lớn, niềm tự hào của ngôi biệt thự, đã bị can thiệp hoàn toàn, bỏ đi toàn bộ cây xanh sân vườn bao quanh, đặc biệt thay vào đó là các khu nhà xây mới phía sau.
Biệt thự song lập 16 – 18 Tống Duy Tân
Câu chuyện thứ ba, dãy phố với những biệt thự song lập liền kề, có lẽ đa phần người Hà Nội hôm nay đều biết đến phố ẩm thực Tống Duy Tân nằm giáp ranh quận Ba Đình. Trước năm 1964, căn phố nhỏ này mang tên Kỳ Đồng, và cũng chỉ liên quan đến ẩm thực bởi một quán bánh cuốn bà Mộc đầu ngõ Cấm Chỉ. Có thể nói đây là một hình mẫu khá lý thú cho những người nghiên cứu về sự phát triển các mô hình phát triển bất động sản Hà Nội trước năm 1954. Phố nhỏ dài khoảng 200m, phân thành các mô hình nhà ở dành cho các tầng lớp thị dân khác nhau. Khu nhà 1 tầng xen kẽ các căn nhà lụp xụp tạo thành những xóm nhỏ bình dân ở đầu phố 2 bên đường. (bên số lẻ kéo tới ngã 3 ngõ Cấm Chỉ) Bên số chẵn từ nhà số 8 đến nhà số 26 là 5 cặp biệt thự song lập 2 tầng giống hệt nhau. Tiếp đó là cặp biệt thự song lập 3 tầng và kết thúc là căn nhà 2 tầng góc phố. Phía bên số lẻ là một dãy nhà liền kề dài cho thuê theo căn, tầng, dưới có 3 cổng vòm thông vào các khu nhà ổ chuột nằm giữa 2 phố Kỳ Đồng và Hàng Bông. Phải chăng mô hình biệt thự liền kề hay biệt thự song lập cả dãy phố phổ biến trong các khu đô thị mới cao cấp hiện nay có khởi nguồn từ đây, từ bố cục đến tổ chức không gian. Có điều đã từ rất lâu, khi những căn biệt thự đó không còn là sở hữu của một gia đình, đặc biệt, hành trình biến Tống Duy Tân trở thành phố ẩm thực nổi tiếng hôm nay với đủ loại kiến trúc hàng quán Đông Tây và cả những căn nhà cao tầng mới xây, thật khó có thể nhận ra con phố nhỏ ngày xưa ấy và những căn biệt thự song lập ẩn mình dưới những vườn cây sau hàng rào sắt thưa.
Câu chuyện thứ tư, những căn biệt thự công vụ của Đại học Việt Nam đầu tiên, có lẽ không nhiều người biết, Viện Đại học Đông Dương, trường đại học đầu tiên của Việt Nam đầu thế kỷ trước, từng có những căn nhà công vụ dành cho Ban Giám hiệu và các giáo sư hàng đầu. Đó là các căn biệt thự 2 tầng, đơn lập và song lập, bên số chẵn đường Lê Thánh Tông hiện nay, đối diện với Khu Đại học. Khu nhà công vụ bao gồm một căn đơn lập có khuôn viên bao quanh, bẻ một góc 120 độ với mặt đường, vốn dành cho Viện trưởng Viện Đại học; hai cặp nhà song lập với 4 căn nằm trên mặt đường (với khoảng lùi 4,5m). Hình thức kiến trúc bên ngoài đơn giản với ngôn ngữ tương đồng với các ngôi nhà phía trong bên khu đại học, cấu trúc nội thất đặc trưng cho các biệt thự nhỏ ở Hà Nội về các phòng sinh hoạt, ngủ, khu phụ và cầu thang. Sau năm 1954, khi khu nhà không còn thuộc về sở hữu của Đại học Tổng hợp Hà Nội, và cùng với sự thay đổi đa sở hữu đó kèm theo những công năng khác nhau, năm căn biệt thự cũng cùng chịu những biến động rất lớn kèm hệ lụy nặng nề từ quá trình xây chen, cơi nới thậm chí đập hẳn di để xây mới… một nửa nhà !!!
Biệt thự 14 Lê Thánh Tông (Một nửa biệt thự song lập 14-16 Lê Thánh Tông)
4.
Bốn câu chuyện trên là những mảnh ghép băn khoăn của người viết khi suy ngẫm về khu phố Cũ Hà Nội với những di sản kiến trúc dân sinh. Nó có thể là sự chấp nhận vì quy luật đa sở hữu. Nó có thể là một chút nhen nhóm khi có nguồn lực nhà nước tập trung. Nó có thể là một chút nên chăng để mở rộng quy mô phục dựng không chỉ ngôi nhà mà còn cả dãy phố. Nó cũng có thể là một chút mộng mơ về tất cả những gì vốn thuộc về một di sản – biểu tượng của nền Đại học Việt Nam. Bốn câu chuyện về bốn địa chỉ khác nhau với những số phận không hẳn thật giống nhau nhưng đều được đặt chung một câu hỏi : “Phải chăng là quá khó và hầu như không có lời giải với bài toán bảo tồn những di sản kiến trúc dân sinh mà trong đó cuộc sống đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục?” Nên chăng, chúng ta hãy cùng lập một diễn đàn (forum) để cùng tìm những lời giải cho câu hỏi đó, vì tình yêu di sản phố cũ Hà Nội.
TS.KTS Trần Thanh Bình
Bài và ảnh của tác giả
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2020)-Nguồn
Bình luận của bạn