Phương pháp đánh giá di sản biệt thự tại Hà Nội

Thứ 5, 08/12/2022, 17:53 (GMT+7)

Chia sẻ

Các công trình biệt thự được xây dựng trước năm 1954 theo phong cách kiến trúc Pháp tại các thành phố (TP) của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng là một phần của di sản kiến trúc thuộc địa rất có giá trị. Đặc biệt đối với Hà Nội, đã từng là thủ phủ của toàn Đông Dương, nên kiến trúc biệt thự ở Hà Nội lại có những nét độc đáo riêng. Trong giai đoạn hiện nay, việc bảo tồn di sản biệt thự trong cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng có một ý nghĩa thời sự. Để bảo tồn bền vững các biệt thự thì điều quan trọng là phải đánh giá giá trị của chúng một cách khoa học. Bài viết giới thiệu một phương pháp tiếp cận đánh giá giá trị biệt thự thời Pháp thuộc tại Hà Nội thông qua các dự án thực tiễn, và đã được Hà Nội chấp nhận ứng dụng.

20a07005-1-1.jpg

 Biệt thự số 49 Phan Đình Phùng (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Thực trạng di sản biệt thự thời Pháp thuộc trên địa bàn Hà Nội
Các di sản biệt thự thời thuộc Pháp (gọi tắt là biệt thự Pháp) được phân bố không đều cả về chất và lượng trên địa bàn Hà Nội. Những biệt thự xây dựng cho tầng lớp lãnh đạo tập trung ở phía Tây TP thuộc quận Ba Đình, biệt thự cho sĩ quan công chức nằm ở quận Hoàn Kiếm, trong khi biệt thự cho công chức lưu dung lại nằm ở phía Nam quận Hai Bà Trưng. Về quy mô công trình, độ lớn khuôn viên đất thể hiện sự khác nhau tùy theo chức vụ người sử dụng. Về phong cách, thể hiện sự đa dạng của hình thức – kiểu loại tùy theo thời gian biệt thự Pháp thâm nhập vào Việt Nam. Chẳng hạn, các biệt thự xây dựng trước năm 1900 chủ yếu mang phong cách Tân cổ điển của châu Âu với các kiểu duy lý – thuần khiết – đế chế. Từ năm 1900-1920, chúng lại thể hiện rõ phong cách kiến trúc địa phương Pháp. Người ta có thể phân biệt kiến trúc biệt thự miền Bắc, Trung, Nam Pháp qua hình thái mái với độ dốc khác nhau. Mái của biệt thự miền Bắc Pháp dốc hơn miền Nam. Tuy nhiên từ năm 1920-1930, các biệt thự đã có sự hòa nhập giữa kiểu bố cục đăng đối của châu Âu với các hình thức kiến trúc các nước Đông Dương (Việt, Khmer, Trung) để trở thành phong cách kiến trúc Đông Dương. Giai đoạn cuối cùng, từ năm 1930 đến năm 1954, các biệt thự phần lớn mang phong cách Art Deco, thể hiện sự dung hòa văn hóa kiến trúc Đông – Tây, giao thoa kiến trúc Việt – Pháp, chú trọng công năng hơn hình thức, hình khối hơn trang trí.

Khi có sự xâm nhập của kiến trúc thực dân vào Việt Nam, các KTS người Pháp và người Việt đã cố gắng tạo nên những sản phẩm kiến trúc đa dạng nhưng lại rất phù hợp với môi cảnh. Chẳng hạn, chỉ có biệt thự ở các tỉnh Hà Nội, Sapa, Đà Lạt mới được trang bị lò sưởi (cheminee) trong nội thất thật sự. Các biệt thự ở các vùng khác có thể có lò sưởi, nhưng chỉ là lò sưởi giả. Sở dĩ như vậy vì chỉ có 3 TP này là có thời tiết lạnh như ở châu Âu. Hoặc chỉ có biệt thự ở Hà Nội mới có kiểu trang trí cầu kỳ, hình thức hơn ở các TP khác của Việt Nam.

Quỹ di sản biệt thự Pháp ở Việt Nam chủ yếu nằm ở TP Hà Nội, TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đà Lạt, Sapa… với hình thức mỗi nơi một vẻ. Đã có nhiều luận án, các đề tài nghiên cứu về đặc trưng của các biệt thự này ở các địa phương như của TS Trần Quốc Bảo (Hà Nội), TS Nguyễn Quốc Tuấn (Hải Phòng), TS Nguyễn Anh Tuấn (TP HCM), TS Lê Minh Sơn (Đà Nẵng)… Một số dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị biệt thự của Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI), Viện nghiên cứu đào tạo Đô thị IMV của Ille de France cho Hà Nội, của Paddi và Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM… Hầu hết các nghiên cứu đều đã phân tích hệ thống giá trị các biệt thự trước năm 1954 và giá trị đặc trưng của chúng tại các vùng miền, đã đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của biệt thự trong cuộc sống phát triển hiện nay.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, quỹ biệt thự thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang bị giảm dần về số lượng, xuống cấp về chất lượng, nhiều công trình đang bị xâm phạm hoặc sử dụng sai mục đích, dẫn đến nguy cơ xóa sổ. Danh mục biệt thự thuộc diện quản lý bảo tồn được thiết lập bởi Sở Quy hoạch Kiến trúc Đô thị Hà Nội kết hợp Viện UAI vào năm 2012 đang được nghiên cứu điều chỉnh lại. Tuy nhiên, dù điều chỉnh cách nào thì vấn đề cơ bản là cần xem xét quy trình nghiên cứu đánh giá giá trị biệt thự đã làm từ trước tới nay như thế nào. Quy trình này đã thể hiện tính khách quan khoa học, kết hợp lập luận và thực tiễn của các chuyên gia, các nhà quản lý như thế nào. Bài viết giới thiệu một số cách thức tiếp cận trong đánh giá giá trị các biệt thự tại Hà Nội trước năm 1954.

Công tác rà soát thống kê số liệu phân loại biệt thự trên địa bàn Thành phố
 20a07005-5-1.jpg

Ký họa: Nhà số 8 phố Chân Cầm
Tác giả: Phạm Thanh Sơn

Đòi hỏi đầu tiên của việc rà soát phân loại biệt thự là phải thu thập số liệu, tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn thứ nhất là từ cơ quan quản lý. Đó là nguồn tài liệu chính thống từ các sở ban ngành, là cơ quan trực tiếp quản lý quỹ biệt thự Pháp. Đó là Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên môi trường, từ các cấp chính quyền như Phòng Xây dựng của quận, Phòng Địa chính của phường… Nguồn thứ hai có thể thu thập tài liệu là từ các cơ quan nhà nước trực tiếp được giao sử dụng quỹ biệt thự phục vụ chuyển đổi mục đích như: Cục Phục vụ ngoại giao đoàn, Bộ Quốc phòng, các Cơ quan Trung ương… Nguồn thứ ba là từ các doanh nghiệp, tư nhân – là chủ sở hữu các biệt thự. Nguồn thứ tư là từ các chuyên gia, những người ít nhiều đã có sự đam mê hoặc có những nghiên cứu về các biệt thự của TP. Trong số này có cả những chuyên gia Pháp, các cơ quan nghiên cứu của Pháp nằm tại Hà Nội.

Bước tiếp theo sau khi thu thập tài liệu là khảo sát thực tiễn. Việc khảo sát hiện trạng sẽ được tiến hành chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các cán bộ nghiên cứu tiến hành quan sát, chụp ảnh vẽ ghi. Nhóm thứ hai là các chuyên gia tiến hành khảo sát độc lập. Bước thứ ba là thống nhất xác định các tiêu chí đánh giá giá trị biệt thự thông qua một Hội đồng chuyên gia. Hội đồng này được thành lập theo Quyết định của TP bao gồm các chuyên gia thuộc các lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch, Bảo tồn di sản, các nhà quản lý thuộc các Sở Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Văn hóa, Tài nguyên môi trường, Hội KTS. Nhiệm vụ của Hội đồng là xác định các tiêu chí và mức thang điểm dành cho mỗi tiêu chí. Và đó chính là cơ sở để phân loại đánh giá giá trị biệt thự.

Các tiêu chí đánh giá Biệt thự Pháp tại Hà Nội
 20a07005-4-1.jpg

Ký họa: Góc Phố Hàng Rươi – Hàng Chai
Tác giả: Chu Quốc Bình

Hội đồng chuyên gia tại Hà Nội đã họp và thống nhất các tiêu chí đánh giá biệt thự Pháp tại Hà Nội bao gồm 5 tiêu chí: (1) Lịch sử văn hóa, (2) Nghệ thuật kiến trúc, (3) Quy hoạch và cảnh quan đô thị, (4) Tính nguyên bản và (5) Công năng sở hữu. Trong khi đó , tại TP HCM, các tiêu chí đánh giá biệt thự của Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM đề xuất bao gồm 4 tiêu chí: (1) Lịch sử văn hóa, (2) Nghệ thuật kiến trúc, (3) Tình trạng hiện tại, (4) Môi trường xung quanh. Về cơ bản, hai cách đánh giá đều thống nhất quan điểm, cho dù cách tiếp cận ở Hà Nội mang tính hàn lâm hơn, và TP HCM mang tính thực tiễn hơn. Việc xác định tiêu chí và nội hàm của các tiêu chí đã được thông qua nhiều lần trong các cuộc họp của Hội đồng chuyên gia.

(1). Giá trị lịch sử văn hóa của biệt thự liên quan tới tuổi đời và các giá trị gắn liền với các sự kiện lịch sử văn hóa, liên quan tới các danh nhân văn hóa đã từng sống tại đó. Ở một góc cạnh khác, tiêu chí này còn đánh giá ý nghĩa của biệt thự trong việc thể hiện không gian sống, lối sống (văn hóa) của người Việt, hoặc thể hiện sự du nhập của văn hóa phương Tây với phương “Ta” như thế nào trong cách thức bày biện bố trí nội thất. Tiêu chí này Hôi đồng đề nghị 20/100 điểm;

(2). Giá trị về nghệ thuật kiến trúc được thể hiện từ hình thức (from) và kiểu loại (type) của kiến trúc biệt thự. Về Form của biệt thự, được đánh giá căn cứ vào tỷ lệ hình khối kiến trúc hài hòa, kiểu cách trang trí mặt đứng kiến trúc từ mái tới cửa sổ, từ chi tiết hoa văn họa tiết tạo nên những giá trị thẩm mỹ. Dưới góc độ kiểu loại (Type), công trình được xác định thuộc phong cách nào, đại diện cho một kiểu kiến trúc địa phương theo xu hướng nào. Tiêu chí này được các chuyên gia rất quan tâm, và được xem là quan trọng nhất, với đề nghị 30/100 điểm;

(3). Giá trị về quy hoạch – Cảnh quan đô thị: Tiêu chí này xem xét giá trị của vị trí địa điểm. Một công trình biệt thự có thể nằm ở những vị trí quan trọng đóng góp tích cực vào cảnh quan đô thị như tại các trục đường lớn, nhưng cũng có thể ẩn náu trong các ngõ hẻm. Việc di dời một di sản biệt thự từ vị trí này sang vị trí khác có thể vẫn đảm bảo giá trị kiến trúc nhưng không còn đảm bảo giá trị về vị trí địa điểm. Một công trình biệt thự loại 3 ít giá trị, nhưng 3-4 công trình loại 3 đó đứng cạnh nhau tạo nên một nhịp điệu cho cả tuyến phố khiến nó có thể được thăng thành loại 2 vì giá trị kiến trúc cảnh quan của cả nhóm công trình. Ngoài ra bản thân sự rộng hẹp của khuôn viên biệt thự cùng giá trị cây xanh, hàng rào cũng làm tăng giá trị cảnh quan.. Hội đồng đề nghị 20/100 điểm;

(4). Về tính nguyên bản của công trình: Tiêu chí này đánh giá mức độ thay đổi về mặt kiến trúc, kết cấu của biệt thự và các hạng mục phụ trợ theo thời gian đối chiếu với tình trạng gốc. Cần phân biệt sự biến đổi do thời gian, thời tiết (xuống cấp), với sự thay đổi do tác động của con người (phá hoại, khai thác sử dụng). Việc cho phép xây bù một công trình mới giống hoàn toàn công trình cũ, trước khi phá dỡ công trình cũ, thì tính nguyên bản của phiên bản mới cũng chỉ là con số 0. Mỗi công trình được xem là di sản đều có “ADN” riêng của nó. Vì vậy việc phá dỡ nó đi để thay bằng một công trình mới chỉ là thay bằng một thân xác, còn giá trị của di sản sẽ không còn nữa. Vì vậy, ngay cả việc sơn vôi mới lại công trình, tu sửa mới lại công trình cũng có thể đồng nghĩa với phá hoại di sản. Chính vì vậy, tiêu chí này cũng được đánh giá 20/100 điểm;

(5). Tiêu chí công năng sở hữu: Tiêu chí này liên quan đến tình trạng hiện tại của biệt thự dưới góc độ khai thác sử dụng và người sử dụng. Ở nhiều nước châu Âu, các dinh thự cổ của vua chúa được biến đổi thành các nhà bảo tàng, và sự chuyển đổi này thật phù hợp với chức năng cũ của nó. Tuy nhiên, cũng có những công trình mà sự chuyển đổi chức năng trở thành những thách thức mới. Chẳng hạn, một tòa biệt thự cho một gia đình được chia ra thành nhiều căn hộ cho nhiều gia đình sẽ xuất hiện những khu vệ sinh mới, và chính những khu vệ sinh này đã ảnh hưởng tới cấu trúc gốc của tòa nhà. Về đối tượng sử dụng, việc sở hữu biệt thự thuộc cơ quan nhà nước tốt hơn là khu vực tư nhân, nhất là một tập thể tư nhân. Chẳng hạn, như báo chí mới thông tin, tòa nhà biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội là một biệt thự có giá trị với lịch sử hơn 100 năm tuổi, nhưng 40 năm nay chưa được bảo trì, vì chủ sở hữu là 17 hộ gia đình cùng chung sống trong biệt thự. Trong trường hợp này, tiêu chí 5 chỉ là con số 0 bởi tình trạng xập xệ kéo dài mà không thể tu bổ được. Tiêu chí này được đánh giá 10/100 điểm.

Việc xác định và thống nhất thang điểm đánh giá cho các biệt thự tại Hà Nội là cực kỳ khó khăn vì cách nhìn và quan điểm của các chuyên gia khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Hà Nội đều thống nhất phải cho điểm mới có cơ sở khoa học khách quan để phân loại di sản. TP HCM kiến nghị đánh giá giá trị biệt thự không theo thang điểm, mà theo thang giá trị: Giá trị đặc biệt, giá trị đáng chú ý và giá trị. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, việc phân loại biệt thự sẽ gặp khó khăn giữa nhóm chuyên gia và nhóm quản lý, giữa tính khách quan và chủ quan.

Phân loại biệt thự theo thang điểm
 20a07005-3-1.jpg

Biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Nếu như việc xác định các tiêu chí là khó khăn, việc xác định thang điểm là khó khăn, thì việc cho điểm còn khó hơn nhiều. Căn cứ theo thang điểm đánh giá, mỗi biệt thự sẽ được hệ thống cho điểm dựa theo trung bình cộng của số điểm của chuyên gia 1 + chuyên gia 2 và nhóm nghiên cứu. Trong quá trình khảo sát đánh giá sẽ có sự thảo luận trực tiếp giữa các chuyên gia khi tổng điểm và thành phần điểm được cho quá lệch nhau. Đã có nhiều trường hợp phải cùng kiểm tra lại tại hiện trường để thống nhất đánh giá điểm. Tuy nhiên, với một công trình mà có 3 phiếu điểm đánh giá khác nhau thì việc rà soát cũng được xem là khách quan và có chất lượng chuyên môn cao.
Sau khi có điểm số xác định cho mỗi biệt thự được Hội đồng thông qua, thì việc phân loại sẽ rất đơn giản, thậm chí có thể đưa vào máy tính để cho ngay kết quả với sự thống nhất mức phân loại như sau:

Biệt thự loại 1: Có mức điểm trên 70 điểm, được bảo toàn tuyệt đối;
Biệt thự loại 2: Có mức điểm từ 50-69 điểm, cho phép cải tạo mức độ nhỏ;
Biệt thự loại 3: Có mức điểm dưới 50 điểm, cho phép cải tạo mức độ cao hoặc phá dỡ tùy số điểm và mức độ xuống cấp tại hiện trường. Những công trình có điểm số thấp (dưới 20 điểm) được đề nghị loại ra khỏi danh sách biệt thự cần quản lý bảo tồn.

Như vậy, việc rà soát phân loại biệt thự theo thang điểm lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam vào năm 2012, với sự chủ trì của của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và tư vấn của Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị UAI, qua thực tiễn đã cho thấy một số ưu, nhược điểm. Ưu điểm của cách đánh giá biệt thự theo thang điểm là tạo cho mỗi công trình một hệ thống dữ liệu số, để từ đó có thể đánh giá khách quan giá trị của một công trình và giá trị so sánh với các công trình khác bằng con số. Việc quản lý bảo tồn có thể căn cứ vào số điểm để ưu tiên bảo tồn hoặc giới hạn khai thác sử dụng. Ở một khía cạnh khác, việc cho điểm từng tiêu chí cũng rất giá trị cho dù đòi hỏi năng lực chuyên môn cao của chuyên gia đánh giá, Tuy nhiên, nó cho người ta khả năng nhận biết những giá trị nổi bật của công trình trên cơ sở giá trị tổng thể. Và điều đó xác định rõ hơn sự tập trung và chú trọng vào những tiêu chí nào trong quá trình trùng tu, bảo tồn di tích. Ngoài ra, với số điểm được xác định bởi Hội đồng chuyên gia thì việc quản lý của các cấp có thẩm quyền sau này có cơ sở khách quan và khoa học hơn những nhìn nhận chủ quan và không thống nhất do chuyên môn khác nhau. Chính vì vậy việc quản lý sẽ chặt chẽ hơn, tính pháp lý cũng cao hơn.

Ưu điểm của cách đánh giá này là khách quan, nhưng nhược điểm của nó là thực tế, giá trị của biệt thự có biến đổi theo thời gian. Trong quá trình sử dụng công trình có thể bị xuống cấp, hoặc nâng cao và số điểm đánh giá vì thế cũng bị thay đổi. Đặc biệt đối với những công trình nằm ở ranh giới giữa 49 và 50 điểm. Chỉ chênh nhau 1 điểm nhưng biệt thự lại thuộc 2 mức phân loại khác nhau và lẽ dĩ nhiên có hai quy chế quản lý khác nhau. Trong đó loại 2 (từ 50 điểm trở lên) là không được phá dỡ (ngoại trừ ý kiến của Thủ tướng), trong khi loại 3 (từ 49 trở xuống) có thể phá dỡ nếu được cấp thành phố đồng ý. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi cần phải cân nhắc các quyết định nhậy cảm lại bị trói buộc vào các con số vô hồn. Đơn vị sản xuất ra các con số đó là một Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia. Lẽ đương nhiên họ không chấp nhận phúc tra. Số điểm thì không thay đổi, nhưng cơ quan có thẩm quyền sẽ cân nhắc hiện trạng trong thực tế, mời các chuyên gia xem xét so sánh với thời điểm đánh giá để có những quyết định phù hợp. Đó là cách làm có thể chấp nhận với thực tiễn quản lý.

Quản lý bảo tồn và phát huy giá trị biệt thự Pháp trên địa bản TP Hà Nội
 20a07005-7-1.jpg

Biệt thự số 9 đường Thanh Niên
(Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Quản lý Bảo tồn bắt đầu từ nhận thức

Cần phải xác định rằng việc quản lý bảo tồn di sản biệt thự phải bắt đầu từ nhận thức của toàn xã hội. Cần phải để cộng đồng hiểu rằng, bảo tồn di sản không đơn thuần chỉ là gìn giữ những tài sản giá trị của đô thị, mà còn có ý nghĩa tạo ra một nguồn gen di sản đặc trưng có sự tiếp thu chọn lọc các yếu tố nước ngoài, tạo nên bản sắc của đô thị, được tiếp nối từ quá khứ tới hiện tại và tương lai. Biệt thự thời Pháp thuộc là một phần di sản quan trọng của Hà Nội. Cần tuyên truyền giáo dục cộng đồng ý thức bảo tồn quỹ di sản biệt thự, phát hiện kịp thời những hành vi phá hoại di sản.

Quản lý bảo tồn phải căn cứ vào thang giá trị của Di sản biệt thự

Bảo tồn một Di sản biệt thự cần phải căn cứ vào giá trị và phân loại làm căn cứ để quản lý bảo tồn. Thực tế cho thấy nhiều công trình giống biệt thự từ thời Pháp thuộc, nhưng nó chỉ là công trình xây dựng mới theo thức giả cổ, không cần bảo tồn. Ngược lại, có những công trình cũ nát, bị đề xuất phá dỡ đi vì nguy hiểm lại là những di sản rất quan trọng, cần có biện pháp trùng tu bảo tồn. Trong mọi trường hợp, nhận dạng di sản phải căn cứ vào các thang giá trị. Thực tế công tác khảo sát đánh giá giá trị một công trình biệt thự chủ yếu mới được nhìn nhận từ bên ngoài với những đánh giá về hình thức kiến trúc, mà thiếu những khảo sát từ bên trong công trình. Nhiều công trình bề mặt còn rất đẹp và nguyên vẹn nhưng bên trong cũ nát, thậm chí có nguy cơ sụp đổ vì tường mất cột nghiêng… Ở các nước, việc “khám nghiệm” di sản diễn ra theo định kỳ, khi phát hiện có tình trạng hư hỏng, người ta sẽ bổ sung hệ thống chống đỡ lắp dựng vào công trình mà không làm ảnh hưởng và thay đổi yếu tố gốc.

Quản lý bảo tồn cần công khai danh mục phân loại các biệt thự

Ở Việt Nam, việc quản lý các di sản biệt thự hiện nay cần công bố công khai và chính thức danh mục phân loại các biệt thự trên. Điều đó sẽ giúp các nhà đầu tư khi mua hoặc thuê các biệt thự này sẽ có thêm thông tin để có quyết định phù hợp. Thực tế cho thấy, có một số nhà đầu tư không biết đó là biệt thự loại 1 hay loại 2, đã đầu tư thực chất là mua vị trí địa điểm. Những vị trí của các biệt thự có giá trị có thể lên tới hàng tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, khi xin phép phá dỡ họ mới được biết đây là công trình cấp 1, không được phép thay đổi. Ở các nước phát triển, đã có áp dụng quy chế đền bù không gian chiều cao bằng chính sách cho phép sang nhượng quyền sử dụng không gian tầng cao, mà công trình biệt thự bị thiệt thòi. Với cách này có thể lấy lại sự công bằng cho các nhà đầu tư bất động sản, và bảo đảm cho các công trình biệt thự không có nguy cơ bị phá dỡ để xây dựng các kiến trúc cao tầng. Chúng ta cần nghiên cứu để sớm đưa quy chế này vào tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Quản lý bảo tồn biệt thự cần dựa trên các văn bản và quy định có tính pháp quy cao

Cần xây dựng Bộ Quy chế quản lý di sản biệt thự có nguồn gốc thuộc địa từ trước năm 1954, trong đó có những quy định chung và những quy định cụ thể trong sử dụng, khai thác dựa trên nguyên tắc bảo tồn bền vững. Đồng thời căn cứ vào phân loại giá trị biệt thự để có những quy định phù hợp ứng theo góc độ giá trị của công trình. Đối với những biệt thự loại 1 có số điểm cao (loại 1 sao) cần thiết lập hồ sơ kiến trúc gốc và kiến trúc cải tạo qua các giai đoạn như một hồ sơ lý lịch của biệt thự. Số biệt thự này nằm nhiều ở quận Ba đình, nhưng khả năng an toàn cao hơn do được nhà nước quản lý. Ngược lại ở quận Hoàn Kiếm, số biệt thự này nằm trong tay tư nhân quản lý nhiều hơn.

Chính vì vậy, cần xây dựng Bộ Quy chế khai thác sử dụng khi cho thuê sử dụng các biệt thự cao cấp đối với các đối tác quốc tế hoặc các cơ quan trung ương. Đối với các biệt thự thuộc sở hữu nhiều chủ cần tạo điều kiện cho một chủ đầu tư và quản lý, được phép bảo tồn và khai thác sử dụng theo quy chế. Cần có chế độ theo dõi và khảo sát định kỳ để kịp thời phát hiện và trùng tu di sản. Trong mọi trường hợp, vai trò của chuyên gia là hết sức quan trọng. Họ sẽ là người giúp nhà quản lý có cách nhìn và quản lý đúng đắn đối với một loại hình di sản rất có giá trị – Biệt thự thời Pháp thuộc.

 20a07005-2-1.jpg

Biệt thự 56 Nguyễn Thái Học
(Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)


GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi  – Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị UAI

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2020)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Quy Hoạch và Kiến trúc đô thị UAI. Dự án rà soát, phân loại, lập danh mục quỹ biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội. 2010.
Viện Quy Hoạch và Kiến trúc đô thị UAI. Bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp, quận Ba đình, TP Hà Nội. 2012.
Trung tâm nghiên cứu Kiến trúc – Chương trình nghiên cứu bảo tồn di sản Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM. Tổng hợp phương pháp bảo tồn di sản biệt thự tại TP HCM. 2014

Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác