Rộn ràng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Thứ 6, 24/03/2023, 00:12 (GMT+7)

Chia sẻ

Những ngày qua, hàng ngàn người đã đổ về TP. Châu Đốc tham dự Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2016 (diễn ra từ ngày 22 đến 27-4 âm lịch hàng năm). Năm nay, mặc dù không tổ chức quy mô lớn nhưng các hoạt động lễ hội cấp quốc gia được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, an toàn...

Sân khấu hóa lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam

Sân khấu hóa lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam
 

Tưng bừng lễ hội

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2016 nhằm ngày nghỉ cuối tuần nên lượng du khách đến TP. Châu Đốc đông nghịt. Sáng 28-5 (nhằm 22-4 âm lịch), từng dòng xe môtô, ôtô, xe khách biển kiểm soát từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước nối đuôi nhau tụ về khu vực lễ hội. Chị Mỹ Hằng (ở Vũng Liêm, Vĩnh Long) phấn khởi: “Lễ hội Vía Bà năm nào tui cũng đi. Năm nay, lễ hội ngay thứ bảy, chủ nhật nên gia đình tui đi từ 5 giờ sáng để tránh kẹt xe và dễ kiếm nhà trọ. Tranh thủ dâng hương cúng Bà, rồi dẫn cả nhà đi cúng, tham quan các chùa, di tích lịch sử nổi tiếng quanh đây. Nôn nao lắm! Chỉ mong đến chiều để tham gia đoàn lên núi rước Bà”.

Linh thiêng miếu Bà Chúa Xứ | Về chốn linh thiêng (VOVTV) Tọa lạc dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, miếu Bà Chúa Xứ là điểm đến tâm linh nổi tiếng nhất nhì vùng này.

Điểm nhấn của lễ hội là lễ phục hiện bối cảnh rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về miếu thờ (theo truyền thuyết 9 cô gái đồng trinh đưa Bà xuống núi) được tổ chức qui mô. 14 giờ, giải leo núi do Trung tâm Thể dục- Thể thao TP. Châu Đốc tổ chức thu hút đông đảo các vận động viên nghiệp dư tham gia, tạo không khí sôi nổi cho ngày lễ hội. 15 giờ, tiếng trống của các đội lân, sư, rồng, đội lính khiêng kiệu, lính hầu, các vị bô lão và hàng ngàn khách tham quan tập trung về khu vực Nhà Bia liệt sĩ thành phố để dâng hương, đánh trống khai hội, phục hiện lễ rước tượng Bà. Chương trình lễ khai hội khá phong phú với các tiết mục sân khấu hóa.

15 giờ 30 phút, đoàn rước Bà khởi hành lên núi. Dòng người rồng rắn xuất phát từ chân núi Sam dần dần tiến lên đỉnh núi. Khi tốp đầu đến nơi bệ đá đặt tượng Bà làm lễ thỉnh Bà xuống núi thì tốp cuối vẫn còn nối đuôi nhau ở gần chân núi. 16 giờ 30 phút, nghi thức dâng hương, thỉnh Bà được thực hiện trên đỉnh núi. Các nghi thức cúng tế vẫn duy trì theo cổ lệ do Ban Quản trị Lăng miếu và một số bô lão trong làng thực hiện. 17 giờ 30 phút, đoàn rước tượng Bà xuống tới chân núi với sự chào đón trang trọng của người dân, các đoàn lân nổi trống ở từng chặng đường nghinh tiếp. Khi mặt trời vừa khuất bóng, đoàn rước tiếp tục nghinh Bà về miếu thờ trong không khí trang nghiêm và náo nức. Nghi thức nhập miếu được thực hiện với màn múa lân, sư, rồng trước cổng miếu. Trong sân khu vực miếu Bà, một sân khấu được dàn dựng công phu, rực rỡ cờ, đèn; các diễn viên múa hóa trang 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer biểu diễn các tiết mục đặc sắc, thu hút hàng ngàn người theo dõi.

Lễ hội văn hóa đậm nét tâm linh

Ông Huỳnh Văn Đường, Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam cho biết: Sau lễ phục hiện rước tượng Bà, lúc 0giờ ngày 23-4 âm lịch diễn ra lễ tắm Bà. Bà Chúa Xứ sẽ được tắm trong khoảng hơn 30 phút bằng nước pha 9 loại hoa. Do ghi thức tắm Bà là điều linh thiêng nên trong thời gian tắm Bà chỉ có những người làm nhiệm vụ mới được vào bên trong. Trong các ngày tiếp theo, nhiều lễ nhỏ cũng được diễn ra tại khu vực Miếu Bà như: Lễ Túc yết và Xây chầu; lễ cúng Chánh tế… Cuối lễ là lễ thỉnh sắc thần (tức lễ rước sắc Thoại Ngọc Hầu cùng chư vị về lại lăng vào ngày 27-4 âm lịch). Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ngày càng chứng tỏ là 1 lễ hội văn hóa dân gian lớn, mang đậm nét hành hương, tâm linh. Qua đó, khẳng định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong những ngày cao điểm lễ hội, khu vực chính điện miếu Bà, lễ vật (trái cây, nhang, đèn, heo quay, gạo, muối…) được người dân mang đến cúng Bà rất nhiều. Bên ngoài, lò đốt giấy, nhang luôn đỏ lửa suốt cả ngày. Sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ núi Sam được loan truyền khắp nơi nên ngày càng thu hút khách thập phương đến hành lễ, dâng hương. Họ đến đây mang theo những ý nguyện, cầu mong Bà Chúa Xứ ban phước lộc. Anh Đức (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Đoàn hành hương của chúng tôi (gần 1.000 người), đủ tầng lớp, ngành nghề, lứa tuổi đến dâng hương, khấn Bà. Là dân kinh doanh, tôi cầu Bà phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, bình an, làm ăn phát tài”. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, trên tinh thần bảo tồn những di sản văn hóa dân tộc, các nghi thức cổ truyền tại lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội phối hợp Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam tiến hành một cách nghiêm túc. Nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục- thể thao, vui chơi được tổ chức để phục vụ người dân và du khách. Thông qua lễ hội nhằm tạo điều kiện cho địa phương giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng để thu hút du khách và các nhà đầu tư. Mặt khác, ngoài việc thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, lễ hội còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển du lịch của các vùng lân cận, như: Khu du lịch Lâm viên núi Cấm, Hà Tiên… Hầu hết du khách đến với lễ hội từ các vùng khác, nhu cầu du lịch sau khi hành hương là rất lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch ở các tỉnh, thành phố.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 23-27 tháng 4 âm lịch hàng năm. Thời gian chọn làm ngày vía Bà được giải thích là ngày tượng Bà an vị sau khi khiêng từ trên núi xuống. Năm 2001, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là lễ hội cấp Quốc gia. Với nhiều thắng cảnh như: Chùa Tây An, chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu... Hàng năm, Châu Đốc thu hút gần 4 triệu khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo Báo An Giang

Bình luận của bạn

Tin khác