Tập thể cũ Hà Nội: Ký họa và hồi ức

Thứ 3, 13/12/2022, 10:44 (GMT+7)

Chia sẻ

“Tập thể cũ Hà Nội – Ký họa và Hồi Ức” là cuốn sách ảnh và tập hợp các bài viết về kỷ niệm của những người dân đã từng sống trong các khu tập thể cũ Hà Nội mấy chục năm đã qua, từ ký ức của người lính già trở về làm tổ trưởng tổ dân phố mang một tên gọi thân thương với đời là “ông vác tù và hàng tổng”, những nàng dâu của khu tập thể đến nhà văn thành danh một thời sinh sống trong những căn hộ của một khu tập thể cũ…

 bia-sach-khu-tt-cu-hn-new-layout-1-1.jpg
Cuốn sách được thực hiện bởi Nhóm Ký họa Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi – USK Hanoi).USK Hanoi là một sân chơi phi lợi nhuận dành cho cộng đồng những người yêu ký họa, thành viên của Urban Sketchers Group (tổ chức ký họa đô thị Thế Giới). Thành lập từ tháng 9/2016, USK Hanoi đã thu hút được trên 3000 thành viên tham gia gồm rất nhiều các lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Từ những em bé chưa biết viết, các bạn học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, các KTS, họa sỹ và những người về hưu… USK Hanoi vẽ và ghi chép lại những công trình cũ đang bị phá bỏ trong quá trình đô thị hóa, các công trình cũ, công trình kiến trúc cổ có giá trị nhằm tôn vinh các giá trị di sản. Giá trị hình ảnh mà ký họa đem lại phản ánh hiện thực khách quan giúp chúng ta dễ dàng nhìn nhận và định hướng cho sự phát triển đô thị trên nguyên tắc phát triển bền vững. Chúng tôi đi vẽ ký họa hàng tuần vào các ngày chủ nhật, dạy vẽ miễn phí cho mọi người và tổ chức triển lãm hàng năm tại các không gian công cộng tại Hà Nội. USK Hanoi đã tham gia các sự kiện ký họa chuỗi các công trình di sản Kinh Bắc, Huế, Hội An…tổ chức các cuộc triển lãm tại các thành phố này nhằm lan tỏa những hình ảnh đẹp đó trong cộng đồng trong và ngoài nước. USK Hanoi vinh dự được đăng cai tổ chức sự kiện Ký họa Châu Á tại Hà Nội năm 2019.

 7491d782-6342-41b6-ab8c-e9f111ea02ec-1.jpg
Với những đứa con Hà Nội thế hệ 6x, 7x, 8x như chúng tôi, khu tập thể (KTT) là cả một ký ức tuổi thơ sống động và ngập tràn kỷ niệm. Ở nơi ấy chúng tôi có cuộc sống rất giản dị, êm đềm, với hàng xóm láng giềng cùng chúng bạn sống trong KTT. Mặc cho cuộc sống của mỗi gia đình lúc bấy giờ có rất nhiều khó khăn, chật vật cùng với sự thiếu thốn chung của cả đất nước sau nhiều năm chiến tranh và bom đạn, bọn trẻ chúng tôi vẫn thật vô tư, hạnh phúc trong khu ở của mình. Những cầu thang bộ lấp lánh khe sáng xuyên qua từ những bức tường hoa bê tông, những dãy hành lang chung bề bộn, những khoảng sân rợp bóng cây giữa hai khối nhà, những ghế đá, những góc đường … cùng với những căn hộ bé xíu mà thật ấm áp của mỗi gia đình, tất cả đều là những không gian quá đỗi thân thương với những người lớn lên trong các KTT cũ.

 031c7747-075b-4d31-a126-e80c861b17f9-1.jpg
Các căn hộ trong KTT cũ với những khung cửa sổ nhỏ mở ra cả một thế giới ước mơ và khát khao của những đứa trẻ mà chúng bây giờ cũng đã trở thành những người lớn U40, U50 rồi: “Bao nhiêu ô cửa sổ/ Thắp bấy nhiêu khoảng trời/ Không có gì so được/ Đôi mắt ấy đầy vơi”

 img-5c11fc351498a-1.png
Trong một bài viết của mình, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cho biết: Khu tập thể’ là cụm từ để chỉ một loại “không gian sống”, một dạng “mô hình sống” thành cộng đồng gắn bó của người dân Hà Nội những năm tiền đổi mới. Khái niệm “KTT” không nhất thiết đồng nghĩa với khái niệm “chung cư” (theo nghĩa nhà ở nhiều tầng hay cao tầng). KTT có thể là những khu nhà cấp 4, một tầng, quy mô nhỏ lẻ dành cho các cán bộ, công nhân viên thuộc cùng một cơ quan, tổ chức, hay doanh nghiệp của Nhà nước; thường nằm ngay bên trong hay bên cạnh cơ sở làm việc. Những KTT dạng này không có cấu trúc về không gian và kiến trúc rõ rệt. Do vậy, đến nay chúng đã biến hình hoàn toàn, khiến chúng ta không thể nhận ra được nữa.

ap-the-a12-khuong-thuong-tac-gia-kts-pham-thanh-son-1.jpg

 Tập Thể A12 Khương Thượng. Tác giả KTS Phạm Thanh Sơn

ap-the-e5b-trung-tu-tac-gia-kts-nguyen-hoang-lam-1.jpg
 Tập thể E5B Trung Tự. Tác giả KTS Nguyễn Hoàng Lâm

khu-tap-the-bo-nang-luong-l2-lang-ha-tac-gia-pham-thanh-son-1.jpg
 Khu tập thể Bộ Năng lượng L2 Láng Hạ (tác giả Phạm Thanh Sơn).
 khu-tap-the-bo-xay-dung-ky-hoa-cua-pham-anh-quan-1.jpg

 Khu tập thể Bộ Xây dựng – Ký họa của Phạm Anh Quân

ky-uc-ve-khu-tap-the-quynh-mai-tac-gia-nguyen-duy-phuc-1.jpg
 Ký ức về khu tập thể Quỳnh Mai (tác giả Nguyễn Duy Phúc).

nha-a1-tap-the-thanh-cong-ky-hoa-cua-tran-thi-thanh-thuy-1.jpg
 Nhà A1 Tập thể Thành Công – Ký họa của Trần Thị Thanh Thủy

tap-the-e10-thanh-cong-tac-gia-pham-quang-anh-1.jpg
 Tập thể E10 Thành Công. Tác giả Phạm Quang Anh


Loại KTT được biết đến nhiều hơn là những KTT dạng chung cư, có quy hoạch, thiết kế và xây dựng đồng bộ thành các dự án trong khoảng 3 thập kỷ: 60, 70, 80 của thế kỷ 20 ở Hà Nội. Đây có thể nói là những nơi ở lý tưởng nhất của người dân Thủ đô những năm bao cấp. Và cho đến ngày nay chúng vẫn tràn đầy sức sống trong chính những “cơ thể” vật chất dù đã cũ và không còn “thời thượng”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một cư dân đã từng sống ở KTT Trung Tự đã rất xúc động khi cho rằng: “Cuốn sách là một ý tưởng độc đáo. Ý tưởng này đã biến những không gian xưa, thời gian xưa tưởng đã chìm vào quên lãng giờ trở lại sống động và ám ảnh lạ thường. Một sự thật là, khi đang sống trong những chung cư ở Hà Nội thuở ấy, chúng ta phải đương đầu với bao khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt. Những căn hộ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nước, thiếu điện, thiếu không gian cho những đứa trẻ…”

Và những căn hộ trong những KTT cũ cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sinh ra và trưởng thành của đại bộ phận những người dân Hà Nội. Đó là “Nhà”, là “Nơi chốn” với những kỷ niệm mà những người viết trong cuốn sách đã gợi nhớ lại trong miền ký ức của họ.

Nó thân thuộc và gây thương nhớ không nguôi, đến nỗi mà Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong bài thơ “Nhà cũ ở Thành Công” đã thốt lên rằng: “Căn phòng quen thuộc/ Nay xa cách rồi/ Sao lòng thương nhớ/ Không làm sao nguôi? Nhớ hành làng hẹp/ Nơi ta đứng chờ/ Con vừa đi học/ Ai về như mơ… Nhớ gian bếp nhỏ/ Cả nhà rất siêng/ Giã cua chưng mắm/Canh suông rau dền…/

cau-thang-cu-ky-hoa-cua-hoang-quoc-dat-1.jpg

Cầu thang cũ – Ký họa của Hoàng Quốc Đạt

Xin dược thay lời kết bằng một trích đoạn trong cuốn sách: “Có một sự thiêng liêng mà mọi người ở mọi nền văn hóa đều giống nhau đó là sự trở về nơi chốn cho dù nơi chốn ấy khắc nghiệt đến thế nào. Không một lời than vãn, trách móc hay chối bỏ trong toàn bộ các trang viết cho dù người viết viết về những năm tháng khó khăn và đầy thiếu thốn, không một bóng tối nào trùm lên những bức vẽ cho dù họa sỹ dùng màu sáng hay màu tối. Đấy là lẽ tự nhiên của tâm hồn vừa bản năng vừa đầy ý thức của mỗi con người khi nghĩ về ngôi nhà của mình. Cuốn sách với những hồi tưởng chân thực và xúc động cùng những bức họa thực sự tinh khiết và huyền ảo đã xác lập một giá trị vĩnh hằng về nơi chốn gọi là “nhà” của mỗi con người”.

Trần Thị Thanh Thủy
Trưởng nhóm Ký họa Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2018)-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác