Thăng Long, Hà Nội và di sản kiến trúc nghìn năm

Thứ 7, 10/12/2022, 21:02 (GMT+7)

Chia sẻ

Thủ đô Hà Nội đã hơn 1000 năm tuổi. 1000 năm – 10 thế kỷ là quãng thời gian dài đằng đẵng cùng bao thăng trầm của lịch sử. Thật khó có thể có được một bức tranh tổng quát và hoàn mỹ về diện mạo kiến trúc cho 10 thế kỷ – Bởi thiên tai, chiến tranh, thời gian đã vùi lấp quá nhiều. Song những gì còn lại – dẫu ít ỏi và thậm chí đang mai một – cũng có thể coi như một phác họa cơ bản nhất của di sản kiến trúc nghìn năm…

Từ di sản Hoàng Thành Thăng Long…

18a02030-tckt-vn-01-1.jpeg
 Cột cờ Hà Nội, một di tích trong khu thành cổ

Như một điều kỳ diệu, nhưng cũng là tất yếu, di sản kiến trúc Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (bao gồm Khu Thành cổ Hà Nội và Khu Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, ngay trước thềm đại lễ 1000 năm (năm 2010). Thăng Long chính thức là kinh đô của Đại Việt từ năm 1010, khi Thái Tổ Lý Công Uẩn – vị vua đầu triều nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới thể hiện nhiều khát vọng. Nhưng trước đó, từ thế kỷ thứ 9, vùng đất này – có tên là Tống Bình, rồi Đại La đã là thủ phủ, là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa xã hội từ thời An Nam đặt dưới sự đô hộ của nhà Đường. Suốt 13 thế kỷ, qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao khói lửa chiến tranh, thành Thăng Long xưa dường như bị xóa nhòa dấu vết. Những gì còn lại của thành quách, cung điện… là những kiến trúc ít ỏi chồng lấp qua nhiều thời kỳ từ thời Đại La cho tới các triều đại Lý – Trần – Lê, mà cuối cùng là thành Hà Nội (Bắc Thành) được xây dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn (thế kỷ 19) – khi mà Thăng Long không còn là kinh đô của đất nước. Thành Hà Nội sau đó cũng bị phá. Khu trung tâm thành cổ Hà Nội chỉ còn một vài kiến trúc nhưng cũng phản ánh được phần nào được diện mạo của kinh thành xưa và sự nối tiếp của lịch sử, sự giao thoa của văn hóa. Những kiến trúc may mắn còn lại là Đoan Môn (xây dựng thời Lê, tu sửa thời Nguyễn), thềm Rồng – Điện Kính Thiên (thời Lê); cột cờ Hà Nội (cùng thời gian xây thành Hà Nội, thời Nguyễn), Bắc Môn (xây dựng thời Nguyễn trên nền Bắc Môn thời Lê)…

18a02030-tckt-vn-02-1.jpeg

 Đoan Môn – cửa vào Cấm Thành của Hoàng Thành Thăng Long xưa, hiện là một di tích trong khu thành cổ

Việc phát lộ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2002 (tại 18 Hoàng Diệu – Ba Đình, nay được gọi là Khu Di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu) làm giới khảo cổ, lịch sử và kiến trúc ngỡ ngàng về một diện mạo rõ nét và vẹn nguyên của Hoàng thành Thăng Long nằm ẩn sâu trong lòng đất. Ở đó có đầy đủ các tầng văn hóa – kiến trúc đúng như lịch sử đã ghi lại. Đây thực sự là một di sản kiến trúc quý báu – dẫu chỉ là phế tích, nhưng lại có ý nghĩa nhất của 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

… Tới những kiến trúc dân gian truyền thống
Trải qua 1000 năm, đương nhiên những kiến trúc truyền thống với kết cấu gỗ không thể còn nguyên bản và nguyên vẹn. Nhưng dấu ấn của những công trình đó thì vẫn còn và được tiếp nối qua thời gian. Có những kiến trúc có tuổi hơn tuổi kinh thành Thăng Long, đa phần là đình, chùa, đền, miếu. Cổ xưa nhất và còn hiện hữu tới giờ là Chùa Trấn Quốc, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544-548), bên bờ sông Hồng, có tên là Chùa Khai Quốc. Đến đời Lê Trung Hưng (1615), do bãi sông lở, chùa được chuyển về đảo Cá vàng ở Hồ Tây (vị trí bây giờ). Trải qua nhiều lần đổ nát và được trùng tu, hiện nay chùa là một kiến trúc đặc sắc gắn liền với không gian Hồ Tây.

18a02030-tckt-vn-03-1.jpeg

 Chùa Trấn Quốc ngôi chùa cổ nhất Thăng Long – Hà Nội bên Hồ Tây

Những chùa khác có giá trị lịch sử – kiến trúc tiêu biểu có thể kể đến là: Chùa Một Cột (Diên Hựu Tự, thời Lý – thế kỷ 11), chùa Láng (Chiêu Thiền Tự, thời Lý – thế kỷ 12), chùa Kim Liên (Kim Liên Tự, thời Lý – thế kỷ 12)… Đáng tiếc nhất là các chùa rất lớn như: Chùa Báo Thiên (Báo Thiên Tự, thời Lý – thế kỷ 11, ở vị trí Nhà thờ lớn hiện nay); chùa Báo Ân (Báo Ân Tự, thời Nguyễn – thế kỷ 19, ở vị trí nhà Bưu điện bên Hồ Gươm hiện nay) đã bị phá hủy trong cuộc quy hoạch xây dựng thành phố mới của thực dân Pháp.

Thành Thăng Long không còn, nhưng Thăng Long Tứ Trấn vẫn đang là những ngôi đền linh thiêng của Thủ đô, trấn giữ bốn phía: Đền Bạch Mã ở phía Đông, Đền Voi Phục ở phía Tây, Đền Kim Liên ở phía Nam và Đền Quán Thánh ở phía Bắc.

Trong những kiến trúc và quần thể kiến trúc đình – chùa – đền – miếu còn lại của Thăng Long – Hà Nội thì Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể có giá trị nhất và vẹn toàn nhất, dù cũng bị phá hủy bởi chiến tranh và được tu sửa qua nhiều lần. Văn Miếu được xây dựng năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông, ở phía Nam thành Thăng Long (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội), là nơi thờ Khổng Tử (người sáng lập Nho giáo) và các bậc tiên thánh, tiên sư của Nho giáo. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám cạnh Văn Miếu – được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

18a02030-tckt-vn-04-1.jpeg

 Khuê Văn Các – Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội

Đời Lê, năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám ghi danh những người đỗ Tiến sỹ từ khoa thi 1442 trở đi. Hiện Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn lại 82 tấm bia tiến sỹ của các khoa thi thời Lê – Mạc (1442-1779). Tháng 3/2010, hệ thống bia tiến sỹ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội được công nhận là di sản ký ức thế giới

Kiến trúc của Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay là kiến trúc của thời Nguyễn, một số công trình được trùng tu, phục dựng trong những năm gần đây. Đặc biệt, năm 1805, vua Gia Long cho xây dựng Khuê Văn Các, một kiến trúc đặc sắc, do tổng trấn Bắc Thành (Hà Nội) Nguyễn Văn Thành thực hiện. Khuê Văn Các được xây dựng sau trong tổng thể, có kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn, nhưng lại rất hài hòa với cảnh quan chung. Bản thân kiến trúc Khuê Văn Các là một tác phẩm xuất sắc về hình tượng, tỷ lệ và tính tư tưởng. Khuê Văn Các đã trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

 Ở mảng kiến trúc nhà ở, Hà Nội có một di sản là phố cổ Hà Nội, hay còn gọi là khu 36 phố phường. Khu phố cổ Hà Nội có từ thời Lý – Trần, là một nơi sản xuất và buôn bán sầm uất bên ngoài, phía Đông thành Thăng Long, giáp với sông Hồng và với nhiều phường nghề. Khu vực này đã tạo một sức hút lớn với nhiều cư dân ở các làng, các địa phương gần Thăng Long ở đồng bằng Bắc Bộ. Diện mạo kiến trúc phố cổ được định hình vào khoảng thế kỷ 18-19 với đặc trưng là những ngôi nhà dài, hình ống với mái ngói, cấu trúc được phân nhiều lớp, có sân trong. Phố cổ Hà Nội nổi tiếng là phố nghề với những tên sản phẩm trở thành tên phố có chữ “Hàng”. Phố cổ Hà Nội còn khá nguyên vẹn cho tới giữa những năm 80 của thế kỷ trước, là hình ảnh đẹp đã đi vào văn học nghệ thuật. Rất tiếc phố cổ Hà Nội bây giờ đã bị biến dạng nhiều, cấu trúc – kiến trúc bị phá vỡ, hầu như không còn cơ hội bảo tồn.

Hồ Tây và Hồ Gươm – Những viên ngọc của kiến trúc cảnh quan
Hà Nội hình thành bởi sông, hồ và sông hồ có ảnh hưởng lớn đến cấu trúc của Thăng Long xưa cũng như các đồ án quy hoạch thành phố Hà Nội sau này. Ở đó có 2 viên ngọc quý là Hồ Tây và Hồ Gươm.

Theo huyền sử, Hồ Tây (còn có tên là Tây Hồ, hồ Dâm Đàm, hồ Kim Ngưu…) có từ thời Lạc Long Quân, nghĩa là gắn liền với sự ra đời của đất nước. Còn về mặt khoa học, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Hồ Tây là một phần của con sông Hồng đổi dòng tạo nên, nhưng cũng không rõ là thời gian nào. Tất cả các sử sách viết về Thăng Long Hà Nội đều có Hồ Tây hiện diện. Hồ Tây xưa mênh mang và hoang vu, gắn với nhiều huyền tích, cũng là thắng cảnh bậc nhất của kinh thành. Đó thực sự là một không gian sinh thái, một vùng khí hậu riêng, phong phú và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Hồ Tây cũng là một không gian văn hóa đậm đặc với nhiều làng cổ, nhiều đền, chùa, miếu, phủ nhất Hà Nội; cùng những di sản văn hóa phi vật thể khác. Với những giá trị của thiên nhiên và văn hóa, Hồ Tây là một phần không thể thiếu, một phần giá trị của Thăng Long – Hà Nội.

Mặc dù qua những đổi thay cùng thời gian, diện tích hồ đã bị thu hẹp nhiều, song Hồ Tây (hiện nay rộng 526ha, chu vi 17km), vẫn là một mặt nước, một không gian rộng có tầm ảnh hưởng lớn tới vấn đề quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan của Hà Nội.

Nếu như Hồ Tây mang vẻ đẹp mênh mang hùng vĩ thì Hồ Guơm lại đẹp như một lẵng hoa, nhỏ nhắn, hiền hòa. Hồ Gươm (còn có tên là hồ Lục Thủy, hồ Hoàn Kiếm) nằm ở phía Đông kinh thành xưa. Hồ Gươm xưa rất rộng, thông với sông Hồng. Tên hồ gắn với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Rùa thần sau khi chiến thắng giặc Minh (thế kỷ 15). Thời Lê, hồ còn là nơi luyện tập thủy quân nên còn có tên là Thủy Quân Hồ. Hồ Gươm là một thắng cảnh của Thăng Long xưa, giữ trong lòng một huyền thoại – hư mà thực. Bởi lẽ trong hồ đã từng có một loài rùa quý chưa từng thấy ở nơi khác, được coi là hậu duệ của Rùa thần mà vua Lê đã trả gươm.

Xung quanh hồ có nhiều kiến trúc có giá trị qua các thời kỳ, điển hình là quần thể kiến trúc Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút – Đài Nghiên. Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc được dựng vào đầu thế kỷ 19, ban đầu là chùa, sau đổi thành đền – thờ Thánh Văn Xương và Trần Hưng Đạo. Năm 1864, nhà nho Nguyễn Văn Siêu cho tu sửa đền, xây Trấn Ba Đình (đình chắn sóng) và cầu Thê Húc, phía bên ngoài cầu – trên bờ hồ dựng Tháp Bút và Đài Nghiên bằng đá. Quần thể Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút – Đài Nghiên được coi là biểu tượng Văn hiến của Thủ đô.

18a02030-tckt-vn-05-1.jpeg

 Cầu Thê Húc bên Hồ Gươm

Không gian Hồ Gươm rất quan trọng, trong những quy hoạch của người Pháp từ đầu thế kỷ 20 đã có cách ứng xử rất khéo léo với không gian hồ: Những công trình bên hồ có kiến trúc phù hợp và độ cao vừa phải. Những công trình lớn như Nhà hát lớn, Khách sạn Metropole, Ngân hàng Đông Dương… đều lùi xa hồ để đảm bảo sự thoáng đãng cho không gian hồ.

Hồ Gươm cũng là một không gian văn hóa của Hà Nội, một nơi chốn gần gũi thân thương và quen thuộc của mỗi người Hà Nội, và là điểm đến hàng đầu của những du khách khi tới Thủ đô.

Di sản kiến trúc Pháp
Sau khi chiếm thành Hà Nội lần thứ 2 (năm 1882), Hà Nội trở thành nhượng địa của triều đình nhà Nguyễn cho Pháp (năm 1888), người Pháp đã tiến hành xây dựng Hà Nội thành một thành phố mới theo quy hoạch hiện đại của phương Tây. Việc người Pháp phá thành Hà Nội, hủy bỏ cấu trúc đô thị thành lũy thời phong kiến là điều rất đáng tiếc ở góc độ bảo tồn di sản. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận khách quan rằng những gì những KTS Pháp làm được cho Hà Nội, từ quy hoạch đô thị cho tới các kiến trúc công trình đều có giá trị rất lớn. Vượt qua khỏi tầm ảnh hưởng của chính trị, quy hoạch đô thị và những công trình không chỉ là những cơ sở, phương tiện phục vụ cho bộ máy cai trị và bóc lột của thực dân. Đó thực sự là những tác phẩm quy hoạch – kiến trúc có giá trị nghệ thuật và chiều sâu văn hóa, có tính bền vững cao. Việc xây dựng một thành phố mới với những kiến trúc mới cũng tạo dấu ấn tích cực cho lịch sử xây dựng Việt Nam. Thông qua kiến trúc, người Pháp đã đem đến những giá trị của một nền văn minh bậc nhất thế giới thời bấy giờ – Đó là việc đào tạo KTS, việc chuẩn hóa thiết kế – kỹ thuật xây dựng thông qua bản vẽ, việc ứng dụng những công nghệ và vật liệu mới mà chúng ta chưa từng biết như kết cấu thép, bê tông cốt thép, vật liệu xi măng, kính, năng lượng điện… Riêng về kiến trúc công trình, các KTS Pháp mà tiêu biểu là Ernest Hébrard (Nguyên giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc Đông Dương) cùng các đồng nghiệp đã để lại một khối lượng lớn các công trình có giá trị ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Không chỉ dừng lại ở việc đưa các kiến trúc cổ điển phương Tây sang các nước thuộc địa, KTS Ernest Hébrard đã nghiên cứu và khởi nguồn cho một phong cách mới là phong cách Đông Dương, một phong cách kiến trúc kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc cổ điển với tính dân tộc và vật liệu bản địa, có nghiên cứu kỹ các yếu tố khí hậu nhiệt đới.

Không chỉ dừng lại ở việc đưa các kiến trúc cổ điển phương Tây sang các nước thuộc địa, KTS Ernest Hébrard đã nghiên cứu và khởi nguồn cho một phong cách mới là phong cách Đông Dương…

Nhiều công trình của người Pháp, đa dạng về thể loại, được xây rất sớm, nhưng vẫn bền vững, có giá trị đến tận bây giờ, có thể kể như: Cầu Long Biên (xây dựng năm 1899-1902); Khách sạn Metropole (xây dựng năm 1901); Nhà hát Lớn (xây dựng năm 1901-1911); Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch, xây dựng năm 1902-1907); Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, xây dựng năm 1919); Sở Tài chính (nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao, xây dựng năm 1925-1930); Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử, xây dựng năm 1928-1932); Nhà thờ Cửa Bắc (xây dựng năm 1931-1932)…

Bên cạnh các công trình công cộng, công sở, cùng với việc quy hoạch đô thị, người Pháp đã để lại một mảng công trình nhà ở rất có giá trị. Đó là các biệt thự ở các khu “phố Tây”, được quy hoạch rất chuẩn mực. “Biệt thự Pháp” – như cách nói thông thường – là một “đặc sản” của Hà Nội. Kiến trúc các biệt thự này khá đa dạng, nhưng đều có một điểm chung là tuân thủ theo quy hoạch, tạo nên những khu phố, những không gian đô thị đẹp. Kiến trúc các biệt thự này đều có tỷ lệ vừa phải, hài hòa với cây xanh, tạo nên giá trị cảnh quan đô thị. Các khu biệt thự nằm rải rác ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhiều nhất hiện nay ở quận Ba Đình. Hiện nay những kiến trúc giá trị này cũng đang bị hủy hoại nhiều; bởi tự thân chúng xuống cấp mà không được trùng tu, bên cạnh đó là sức ép của nhu cầu xây dựng nhà cao tầng trong nội thị.

 18a02030-tckt-vn-06-1.jpeg

Cầu Long Biên

18a02030-tckt-vn-07-1.jpeg
 Phủ Toàn quyền Đông Dương, nay là Phủ Chủ tịch, xây dựng năm 1902-1907

Kiến trúc thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa tới trước đổi mới 1986
Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, người Pháp rút khỏi Hà Nội. Miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trong những năm tháng vừa chiến tranh vừa xây dựng, chúng ta không có nhiều thành quả kiến trúc có giá trị, bởi cả hoàn cảnh chính trị – xã hội và kinh tế. Đa phần những công trình lớn đều do chuyên gia Liên Xô giúp đỡ thiết kế xây dựng. Công trình lớn nhất về quy mô và có ý nghĩa nhất chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác), được khởi công xây dựng ngày 2/9/1973, và khánh thành ngày 29/8/1975. Lăng Bác sau khi hoàn thành là chủ thể và tạo nên bố cục chặt chẽ cho Quảng trường Ba Đình – nơi có kiến trúc đa dạng qua nhiều thời kỳ. Một số các công trình khác do Liên Xô giúp đỡ là công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh (xây dựng năm 1970-1990), công trình Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô (xây dựng năm 1978-1985)…

71056259-1968802319932434-7154376974863958016-n-1.jpg

Khu tập thể Nguyễn Công Trứ – Hà Nội (khu mả Tây)

Những thành tựu đáng kể của KTS Việt Nam trong thời kỳ này có thể kể đến như: Hội trường Ba Đình (xây dựng năm 1963, phá dỡ năm 2008, do các KTS Nguyễn Cao Luyện và Trần Hữu Tiềm thiết kế); Trụ sở Tổng cục Thống kê (nay là Trụ sở Bộ Kế hoạch – Đầu tư, xây dựng năm 1960, do KTS Đoàn Văn Minh thiết kế), Cung Thiếu nhi Hà Nội (xây dựng năm 1970, do KTS Lê Văn Lân thiết kế)…

Tuy kiến trúc Hà Nội thời kỳ này có phần “khiêm tốn” về cả số lượng và chất lượng, nhưng cũng có những đại diện xứng đáng để góp mặt và tiếp nối những giá trị kiến trúc song hành cùng lịch sử Thăng Long – Hà Nội.

Kiến trúc Hà Nội hôm nay
Sau đổi mới 1986, cùng với việc mở cửa hòa nhập của đất nước, và nhất là từ những năm 1990, Hà Nội phát triển xây dựng mạnh mẽ, trở thành đại công trường. Nhiều dự án đầu tư ra đời, nhiều công trình kiến trúc ra đời. Sự thay đổi có chiều hướng tích cực về kinh tế cũng là một động lực thúc đẩy kiến trúc – xây dựng phát triển. Tới nay, hơn 20 năm, đã có rất nhiều công trình quy mô được thiết kế xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội.

tet-1.jpg

Hà Nội hôm nay

Bên cạnh nhóm các công trình văn hóa, giáo dục, hành chính… vẫn tiếp tục được xây dựng thì thời kỳ này bùng phát các công trình văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở. Nhiều công trình thương mại cao tầng có quy mô rất lớn, đầu tư cao về công nghệ… nhưng giá trị kiến trúc không có nhiều. Điều đó cũng tương tự với nhà ở cao tầng, biệt thự trong các khu đô thị mới. Việc thiếu một đồ án quy hoạch có định hướng đúng, và việc quản lý xây dựng lỏng lẻo cũng làm hạ thấp giá trị của công trình kiến trúc, dù là mới hay cũ. Những năm gần đây, một số dự án lớn, công trình lớn tầm quốc gia được triển khai, có công trình đã hoàn thành, như: Nhà ga T1 sân bay Quốc tế Nội Bài (hoàn thành năm 2001), Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (hoàn thành năm 2003), Trung tâm Hội nghị Quốc gia (hoàn thành năm 2006), Bảo tàng Hà Nội (hoàn thành năm 2010), Nhà Quốc hội (hoàn thành năm 2015), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (dự án)… Nhưng điều đáng suy nghĩ và trăn trở là những công trình trên hầu như đều do nước ngoài thực hiện, và dù là những công trình đặc biệt, cấp quốc gia nhưng chưa để lại được những dấu ấn mạnh mẽ về giá trị nghệ thuật của kiến trúc. Trong khi đó, những di sản kiến trúc đô thị thực sự ngày càng mai một và bị hủy hoại, nhiều kiến trúc dân gian, di tích lịch sử đang trở thành phế tích. Ở khu vực đô thị cũ do người Pháp quy hoạch, các cao ốc mới thế chỗ và lấn át hết các công sở cũ cùng các biệt thự, các không gian cây xanh, không gian văn hóa công cộng hầu như không có; phố cổ ngày càng biến dạng; hai viên ngọc quý Hồ Tây và Hồ Gươm bị công trình xây dựng bức hiếp đến nghẹt thở, môi trường ô nhiễm trầm trọng; các công trình mới bất tuân quy hoạch và các giá trị đô thị hiện hữu, các khu đô thị mới vô hồn, xám xịt bê tông, thiếu màu xanh… Tất cả đang vẽ nên một bức tranh nhiều mảng tối, và đó cũng là một lời cảnh báo nếu như chúng ta muốn giữ gìn giá trị cho Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi!

KTS Nguyễn Trần Đức Anh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1-2017)-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác