Tư vấn du lịch Thái Nguyên

Thứ 7, 03/02/2024, 11:17 (GMT+7)

Chia sẻ

Tỉnh Thái Nguyên, là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ; Thái Nguyên giáp Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang. Đây là nơi không chỉ có những điểm căn cứ địa cách mạng nổi tiếng mà còn nhiều danh lam thắng cảnh.

 Hồ Núi Cốc. Ảnh: Trần Đoàn Huy

Hồ Núi Cốc. Ảnh: Trần Đoàn Huy

Khí hậu

Thái Nguyên có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, được chia làm bốn mùa rõ rệt theo đặc trưng miền Bắc. Do địa hình từ đồng bằng, trung du đến miền núi nên mỗi vùng ở Thái Nguyên có nhiệt độ khác nhau. Nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất (tháng 6) là 28,9 độ C và tháng lạnh nhất (tháng 1) là 13,7 độ C.

Tháng giêng là thời điểm có nhiều lễ hội truyền thống và tín ngưỡng tâm linh như lễ hội đền Đuổm, Lồng Tồng, hội Hích, hội Chùa Hang, hội Núi Văn – Núi Võ. Mùa hè là lúc những đồi chè – đặc sản Thái Nguyên – xanh và đẹp nhất để du khách đến tham quan, chụp ảnh.

 

Di chuyển

Thái Nguyên cách Hà Nội khoảng 80 km. Du khách có thể di chuyển bằng xe máy, ôtô hoặc xe khách.

Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng (hay Quốc lộ 3 mới) là một trong các tuyến cao tốc lớn của miền Bắc. Quốc lộ 3 chạy dọc suốt 85 km chiều dài của tỉnh, là tuyến huyết mạch nối Thái Nguyên với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Thái Nguyên cách sân bay Nội Bài khoảng 50 km nên phù hợp những chuyến đi ngắn dịp cuối tuần.

Tại các bến xe lớn như Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát đều có các hãng xe đi Thái Nguyên. Giá vé dao động 70.000 – 150.000 đồng. Một số nhà xe tham khảo: Thanh Thủy, Đức Phúc, Lạc Hồng.

 
 


Lưu trú

Du khách có thể lựa chọn lưu trú tại các khách sạn trong TP Thái Nguyên như Habana, Dạ Hương, May Plaza, Đông Dương, Hải Âu, The King Hotel, với mức giá dao động từ 400.000 đến hơn 1 triệu đồng một đêm.

Khu cắm trại bên suối Mojen’s Camp & Retreat. Ảnh: Mojen

 Khu cắm trại bên suối Mojen’s Camp & Retreat. Ảnh: Mojen
 

 
 Khu vực Hồ Núi Cốc, huyện Đại Từ, có một số khách sạn: Hồ Núi Cốc Plaza, Khách sạn Công Đoàn, khách sạn Mỏ Việt Bắc. Giá dao động từ 700.000 đến 1,2 triệu đồng một phòng một đêm. Tại huyện Đại Từ có một khu cắm trại sang chảnh (glamping) Mojen Retreat thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Khu cắm trại có chỗ ở cho khoảng 60 người, với giá 1,2 triệu đồng một người một đêm vào cuối tuần, bao gồm toàn bộ dịch vụ ăn và ở.

Ở khu vực TP Sông Công, du khách có thể nghỉ tại một số khách sạn như khách sạn Green, khách sạn Sông Công, khách sạn Grace, khách sạn Ngọc Thủy. Mức giá dao động từ 350.000 đến 700.000 đồng.

Ngoài ra, du khách có thể nghỉ tại một số homestay Hoang Nong farmstay, homestay Hải Hà, homestay Hoàng Kim với mức giá từ khoảng 300.000 đến 600.000 đồng.

Chơi đâu

Hồ Núi Cốc

Đi thuyền trên hồ Núi Cốc. Ảnh: Dulichhonuicoc

 Đi thuyền trên hồ Núi Cốc. Ảnh: Dulichhonuicoc

Để bảo tồn và phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng trong khu vực hồ Núi Cốc, năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chính sách cho phép tổ chức, cá nhân nhận bảo vệ rừng được phép khai thác một số diện tích trồng keo nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc, để trồng thay thế bằng cây bản địa, như: Dổi, lát, mắc ca… Việc là này nhằm nâng cao độ che phủ đất, chống xói mòn, bảo vệ môi trường, cảnh quan rừng trong khu vực hồ Núi Cốc, đồng thời, giúp người dân thu lợi để sống khá từ rừng. Mặt khác, rừng cây bản địa cũng là điểm đến của du khách theo xu hướng du lịch miệt vườn sinh thái của hồ Núi Cốc.

Khu du lịch hồ Núi Cốc là một thắng cảnh thiên nhiên nằm ở phía nam huyện Đại Từ, cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 15 km. Khu có tổng cộng 89 hòn đảo với những cái tên như đảo Núi Cái, đảo Hoa, đảo Cò, đảo Long Hội. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm ngồi thuyền thúng, khám phá động Thế giới Cổ tích và Âm phủ, động Ba Cây Thông, tham quan quần thể Thuyết Nhân Quả – Chùa Thiêng Thác Vàng, ngôi chùa nằm trong lòng Phật lớn nhất miền Bắc được ghi nhận kỷ lục Guniess.

Hồ Ghềnh Chè

 
 

 
Hồ Ghềnh Chè thuộc xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, cách TP Thái Nguyên khoảng 20 km. Đây là hồ thủy lợi được xây dựng năm 1986 với diện tích mặt nước khoảng 80 ha, gồm 45 bán đảo. Hồ Ghềnh Chè được du khách biết đến như một điểm du lịch sinh thái và câu cá vào mỗi dịp cuối tuần. Hiện hồ Ghềnh Chè đã phát triển thêm các dịch vụ du lịch mới như đi tàu khám phá lòng hồ, ăn uống, cắm trại, dã ngoại.

Suối Kẹm và Vùng chè La Bằng

Suối Kẹm nằm ở xã La Bằng, huyện Đại Từ, cách TP Thái Nguyên khoảng 35 km. Đầu nguồn con suối nằm trên đỉnh Tam Đảo. Men theo những ghềnh đá dọc theo suối, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tầng thác nối tiếp nhau cao dần như ruộng bậc thang, đổ nước xuống tạo thành những bãi tắm thiên nhiên. Chè La Bằng là một trong những vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên. Tại đây du khách có thể lên những đồi chè xanh chụp ảnh, trải nghiệm hái chè cùng người địa phương. Đến thăm Trung tâm thông tin làng nghề và trưng bày sản phẩm thủ công của Hợp tác xã chè La Bằng, du khách còn có dịp thưởng thức đặc sản chè Thái Nguyên.

Hang Phượng Hoàng – Suối Mỏ Gà

Đây là một danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia, nằm ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Hang Phượng Hoàng gắn với truyền thuyết về một đôi chim phượng hoàng. Miệng hang trên đỉnh núi, độ cao khoảng gần 500 m. Lòng hang ăn sâu vào núi, rộng ba tầng với nhiều nhũ đá hàng trăm năm tuổi, có hình thù kỳ lạ trên trần hang. Từ cửa hang nước đổ xuống tạo thành nhiều thác nước nhỏ. Ngay chân núi Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà chảy tự nhiên, nước trong và mát. Khu du lịch hang Phượng Hoàng hiện có các dịch vụ nhà hàng, bể bơi, nhà nghỉ, tổ chức sự kiện, khu bán hàng lưu niệm.

 


Chùa Hang

 
 

 
Chùa Hang cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 2 km, là di tích cấp quốc gia năm 1999. Núi Chùa Hang trước đây có tên gọi là núi đá Hóa Trung, núi Long Tuyền. Động Chùa Hang trong núi còn có tên gọi là động Tiên Lữ, có nhiều nhũ đá đẹp, trong động có thờ Phật. Vách đá cửa động có câu đối cổ bằng chữ Hán: “Phong cảnh thiên nhiên duy đệ nhất. Danh lam nhân tạo thị vô song” (Phong cảnh thiên nhiên đẹp vào bậc nhất. Danh lam do con người tạo ra cũng không gì sánh được). Trong vách động còn khắc những vần thơ chữ Hán của các danh sĩ Vũ Quỳnh, Đặng Nghiệm (thế kỷ XV), Cao Bá Quát (thế kỷ XIX).

Núi Đuổm – Đền Đuổm

 
Núi Đuổm trước đây gọi là Điểm Sơn, cách trung tâm TP Thái Nguyên 24 km. Sách Đại Nam Nhất thống chí xếp Điểm Sơn là danh thắng của đất Thái Nguyên. Từ xa nhìn vào, sáu ngọn núi đá tựa như sáu đầu rồng. Các vách đá thẳng đứng, phủ rêu phong cổ kính. Dưới chân núi phía Đông bắc có đền thờ nổi tiếng của danh nhân Dương tự Minh – Thủ lĩnh phủ Phú Lương, phò mã hai đời vua nhà Lý, người có nhiều công lao bảo vệ biên cương phía Bắc của nước Đại Việt. Đền Đuổm đã được tôn tạo và xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993. Lễ hội đền Đuổm được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng hàng năm.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa

 An toàn khu Định Hóa. Ảnh: Khắc Thọ

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), huyện Định Hóa cùng các huyện Đại Từ, Phú Lương được chọn làm An toàn khu Trung ương (ATK) – thủ đô kháng chiến của cả nước. ATK Định Hóa được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012. Tại đây, du khách có thể tham quan đồi Khau Tý – nơi đặt trụ sở làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa, văn phòng làm việc của Tổng bí thư Trường Chinh ở đồi Nà Mòn, đồi Phong Tướng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội Việt Nam Võ Nguyên Giáp, nhà trưng bày ATK Định Hóa, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, lán Bác Hồ ở Khuôn Tát, di tích làng Quặng, di tích Bảo Biên, nhà tù Chợ Chu…

Cụm di tích Khởi nghĩa Thái Nguyên 1917

 
Ngày 31/8/1917, khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa đã để lại một dấu mốc đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Việt Nam, một cuộc khởi nghĩa diễn ra, giành được chính quyền tại một tỉnh, có tuyên ngôn, tuyên bố nền độc lập, có quốc kỳ, quốc hiệu, thành lập quân đội riêng. Ngày nay, các địa điểm Dinh Công sứ, Trại lính Khố Xanh, Nhà lao Thái Nguyên, phòng tuyến Gia Sàng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng chỉ còn lại những tàn tích.

Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam

 
Nằm ở trung tâm thành phố, bên sông Cầu, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là công trình văn hóa quy mô lớn. Đây là nơi trưng bày và bảo quản trên 40.000 tài liệu, hiện vật gốc về văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Trong nhà có các phòng trưng bày giới thiệu văn hóa các tộc người, chia theo các nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường, Tày – Thái, Mông – Dao, Môn – Khơ me, Nam Đảo và Hán. Ngoài trời trưng bày không gian 6 vùng văn hóa của đất nước gồm: núi cao phía Bắc; Thung lũng; Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ; Miền trung – Ven biển, Trường Sơn – Tây Nguyên và Đồng bằng Nam Bộ.

Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc

 
Nằm trên đường Quang Trung, phường Tân Thịnh, Bảo tàng lực lượng vũ trang Việt Bắc – Quân khu I trưng bày gần 10.000 hiện vật gốc về Việt Bắc – căn cứ địa, chiến trường chính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng có 28 hiện vật gốc có kích thước lớn như máy bay, tên lửa, ra đa, pháo. Đây là những vũ khí được lực lượng vũ trang sử dụng và lập chiến công trong các cuộc kháng chiến.

Ăn gì

Bánh chưng Bờ Đậu

Bánh chưng Bờ Đậu là đặc sản của Phú Lương, Thái Nguyên. Món bánh chưng truyền thống này gồm gạo nếp vải, một trong những loại gạo đặc sản của vùng Phú Lương, lá dong rừng Na Ri, nếp dày và có bản rộng, lạt được chẻ từ cây giang của vùng núi Thái Nguyên, nhân đậu xanh và thịt ba chỉ. Bánh chưng Bờ Đậu gây ấn tượng bởi màu xanh của lá dong, hương thơm đặc trưng xen lẫn vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt ba chỉ. Làng nghề Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương nằm cách trung tâm thành phố khoảng 8 km, tiện đường cho du khách ghé đến thưởng thức và mua về làm quà.

Bánh tro

Còn được gọi là bánh gio, bánh nẳng, là loại bánh dân dã của người Kinh, người Tày, người Sán Chay… Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo nếp vải ngâm trong nước tro đốt từ cây vừng và một số loại cây khác, dùng lá chít hoăc lá dong gói thành bánh đem luộc chín. Bánh tro ăn nguội, chấm với mật mía hay mật ong, có vị nồng, hăng nhẹ, cảm giác dịu mát ở đầu lưỡi. Bánh giúp làm mát ruột, dễ tiêu, thường được sử dụng trong dịp lễ, Tết.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc thường được người Tày vùng Định Hóa làm để dâng lên bàn thờ Bác ở nhà tưởng niệm trên đỉnh đèo De vào các dịp lễ, Tết. Xôi ngũ sắc có 5 màu cơ bản: màu đỏ của gấc, xanh của lá gừng hoặc lá dứa, vàng của nghệ, tím của lá cơm đen hoặc lá cây cau, trắng là màu nguyên bản. Theo quan niệm của người dân bản địa, xôi ngũ sắc thể hiện lòng yêu mẹ, kính cha, tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa và những điều may mắn, tốt lành.

 Nham trám. Ảnh: Bích Ngọc
 
 

 
 

Nham

Nham là đặc sản nổi tiếng của xã Hà Châu, huyện Phú Bình. Vào mùa trám chín (cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch), người Hà Châu thường làm món này. Nham được làm từ 14 loại thực phẩm, gia vị dân dã: cá cháy bắt từ sông Cầu (hoặc cá mè trắng), thịt ba chỉ nướng thái nhỏ, vừng, lạc rang, khế chua, lá sung, lá vừng non, lá nhội, cùi dừa và củ chuối thái nhỏ, tương, dấm thanh… Người Hà Châu dùng bí quyết gia truyền làm ra món nham thơm ngon, béo, bùi, mang hương vị đồng quê. Ngon nhất là ăn nham trám cuốn lá nhội, chấm với tương nếp Úc Kỳ, cũng là một đặc sản của Phú Bình.

Bánh cooc mò

Cooc mò là loại bánh truyền thống của đồng bào Tày, Nùng ở Thái Nguyên. Lá dong cuộn lại như hình phễu, nhân làm từ gạo nếp nương và lạc sống giã nhỏ, buộc bằng lạt, xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, luộc trong khoảng hai giờ. Bánh chín có màu xanh nhạt của lá dong. Tuy không có nhân nhưng khi nhai cảm nhận được vị thơm, dẻo của gạo nếp và vị béo, bùi của lạc. Tùy khẩu vị mỗi người, bánh có thể chấm với muối vừng hoặc mật ong, đường kính.

Cơm lam Định Hóa

Cơm lam là món ăn gắn với con suối nơi đầu nguồn, nương lúa bên sườn đồi và những vạt rừng tre nứa của vùng ATK Định Hóa. Cơm được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng, trong một ống tre hoặc nứa thon dài, nướng bằng than hoặc rơm trong khoảng một giờ. Khi cơm chín, dùng dao bóc tách từng lớp vỏ cháy cho tới khi gặp các lớp màng lụa mỏng màu trắng ngà bọc lấy phần cơm dài thành khúc theo chiều dài ống nứa. Bẻ từng khúc cơm chấm với muối vừng. Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn mềm, ngon và không bị hỏng.

 
 
 
 

Bánh ngải cứu

Ngải vốn là loại rau được người Tày trồng nhiều trong vườn nhà hoặc mọc nhiều ở ven suối. Ngọn non của rau ngải sau khi ninh với nước tro của cây nứa cho vào cối giã nhuyễn cùng gạo nếp đã đồ thành xôi đến khi chuyển sang màu xanh sẫm, dùng tay nặn thành hình tròn. Bánh ngải có nhân và không nhân. Nhân bánh ngải thường được làm từ đỗ xanh, lạc hoặc vừng rang giã nhỏ trộn lẫn đường. Bánh có vị hăng, mát, hơi tê tê của lá ngải dung hòa với vị dẻo, thơm của bột nếp và vị ngọt của nhân đường, mang đến hương vị lạ miệng, dễ ăn và không bị ngấy.

Quà gì

Chè Tân Cương , La Bằng

Thổ nhưỡng và khí hậu Thái Nguyên giúp cây chè sinh trưởng tốt, cho ra những búp chè mập, chất lượng nên được mệnh danh là “đệ nhất danh trà”. Chè Tân Cương có đặc điểm nước chè trong, màu xanh ngả vàng nhạt và sánh. Khi thưởng thức, có thể cảm nhận được vị chát đầu lưỡi, hậu vị ngọt đọng lại ở cuống họng, rất ít vị đắng.

 Chè là món quà quen thuộc từ Thái Nguyên. Ảnh: Chè Dùng Hiệp


Tương nếp Úc Kỳ

Đây là sản vật địa phương của người dân xã Úc Kỳ (huyện Phú Bình) được làm từ đỗ tương và mốc được lên men từ gạo nếp thầu dầu ngon nổi tiếng trồng ở xã Úc Kỳ. Tương có màu vàng đậm, nhuyễn, sánh đặc như mật, đậm mùi thơm của nếp và đỗ tương, khi ăn để lại vị ngọt. Tương nếp Úc Kỳ có thể dùng để làm nước chấm ăn kèm các món ăn trong bữa cơm hoặc tẩm ướp, chế biến các món ăn hàng ngày.

Miến Việt Cường

Xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) nổi tiếng với nghề làm miến gần 50 năm. Miến Việt Cường được làm từ củ dong riềng tía, vị ngọt mát, có màu nâu đặc trưng, không sử dụng phẩm màu. Miến được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, vừa có độ dai, ngon, không bị nát, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trám đen Hà Châu

Trám đen là loại quả đặc sản của người dân vùng Hà Châu ven sông Cầu. Quả trám màu đen, cùi vàng, nhân bên trong hạt màu trắng. Thổ nhưỡng và khí hậu ven sông Cầu đã tạo nên vị béo bùi, hương thơm đặc trưng và lớp thịt dày cho quả trám Hà Châu. Mùa trám chín thường vào khoảng tháng 7-8 Âm lịch. Ngoài nham, trám đen còn làm được rất nhiều món ăn khác như kho với thịt, cá, nấu xôi, ngâm mắm. Giá trám đen tương đối cao, một kg trám dao động 100.000 – 150.000 đồng.

Măng đắng Ngàn Me

Đây là những cây măng được lấy từ rừng Ngàn Me, được bày bán khá nhiều ở chợ Chùa Hang, Đồng Hỷ và dọc Quốc lộ 1B đoạn qua cầu Gia Bẩy. Măng bóc vỏ, để nguyên cây luộc qua hai lần nước, hết ngái là có thể ăn được. Cách đơn giản nhất là luộc chấm với muối ớt, khi ăn cảm nhận được độ giòn tươi, vị đắng nhẹ nhưng không chát của măng quyện với vị mặn, cay của muối ớt. Măng cũng có thể xào, nấu canh, mang đến những hương vị khác nhau.

Quỳnh Mai
Nguồn: Sở Du lịch Thái Nguyên

36pho.com 

Bình luận của bạn

Tin khác

Ngôi nhà xây bằng 3.000 tấn đá ở cố đô Hoa Lư

Ninh Bình: Toà nhà ba tầng của ông Lương Văn Quang, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, được xây bằng đá trong 14 năm.