Tỉnh Yên Bái nằm ở phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 160 km, giáp các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai và Hà Giang. Yên Bái gồm thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và 7 huyện gồm Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Nhắc đến du lịch Yên Bái, nổi bật nhất là những thửa ruộng bậc thang, mùa vàng, mùa đổ nước. Ngoài ra Yên Bái còn nổi tiếng bởi những đỉnh núi, suối nước nóng, những ngôi làng cổ và nhiều món ăn đặc sắc.
Di chuyển
Từ Hà Nội có hai hướng lên Yên Bái. Trước đây du khách chủ yếu đi đường bộ theo Quốc lộ 32, qua Sơn Tây, cầu Trung Hà, Thu Cúc (Phú Thọ), chiều dài quãng đường gần 200 km, thời gian chừng 5 tiếng. Tuyến đường này hiện vẫn được lựa chọn.
Hiện du khách thường di chuyển theo cao tốc Hà Nội - Lào Cai, rút ngắn khoảng cách còn 150 km, thời gian gần 3 tiếng.
Đường vào huyện Văn Chấn, nơi có xã Tú Lệ. Ảnh: Cungphuot
Tuy nhiên, tùy vào điểm đến trong tỉnh Yên Bái và mục đích cá nhân, du khách chọn đường đi phù hợp. Nên tham khảo trước Google Maps hay theo chỉ dẫn của người địa phương hoặc những người thông thạo chặng đường này.
Khoảng cách giữa các điểm đến nổi tiếng trong tỉnh Yên Bái: Từ Nghĩa Lộ đến Tú Lệ: 50 km; từ Tú Lệ đến Mù Cang Chải: 60 km; từ Nghĩa Lộ đến Trạm Tấu: 30 km; từ thành phố Yên Bái đến Nghĩa Lộ: 75 km.
Du khách từ các địa phương khác di chuyển đến Hà Nội bằng đường hàng không, đường bộ, đường sắt, sau đó tham khảo các chặng đường đi như trên bằng phương tiện: xe cá nhân, xe khách, xe thuê riêng, taxi.
Lưu trú
Mù Cang Chải là nơi có nhiều điểm lưu trú được tìm kiếm. Khách sạn ở đây chủ yếu là các homestay, nhà sàn (các phòng ngủ tập thể) bình dân. Du khách dễ dàng tìm một nhà sàn xung quanh các điểm du lịch nổi tiếng như: trung tâm huyện, Bản Thái, khu ruộng bậc thang La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình.
2-3 năm gần đây, Mù Cang Chải xuất hiện nhiều khu nghỉ có chất lượng tốt và khép kín hơn. Du khách có thể chọn ở Mù Cang Chải homestay, Mù Cang Chải Ecolodge, La Phan Tan Paradise, Dream house homestay. Trong năm 2024, khu nghỉ cao cấp Garrya Mù Cang Chải sẽ mở cửa, bổ sung thêm lựa chọn cho du khách.
Nơi lưu trú ở Tú Lệ cũng thường là homestay, nhà sàn và nhà nghỉ bình dân. Giá phòng dao động 200.000 đồng đến 500.000 đồng một phòng một đêm. Nhà sàn có giá từ khoảng 50.000 đến 100.000 đồng một người. Một số địa chỉ phổ biến: Búng Xổm homestay, Homestay Thùy Linh, Sùng A Hờ homestay, Quyết Đoản homestay, Homestay Nhận Thịnh, Nhà nghỉ Suối Tiên.
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Le Champ Tu Le Resort Hot Spring & Spa có 100 bungalow với đầy đủ dịch vụ khép kín. Ở đây còn có khu khoáng nóng, đường trượt zipline, các dịch vụ massage thư giãn.
Trạm Tấu chỉ có homestay và các nhà nghỉ, trong đó đông khách nhất là Homestay Suối khoáng nóng Trạm Tấu (Cường Hải) nằm ở khu 5, được xây với chất liệu gỗ mộc. Các căn bungalow 1-2 giường, loại thường, cao cấp hoặc VIP, nhà sàn cộng đồng từ 6 đến 20 người, giá từ 800.000 đồng đến 5,5 triệu đồng mỗi căn. Thuận tiện nhất tại đây là các bể khoáng nóng ngay trong khuôn viên, du khách không phải di chuyển xa. Ngoài ra còn có homestay Đồi chè Trạm Tấu ở khu 3, Xoè Homestay Trạm Tấu nằm ở bản Hát Lừu, Zoni Home Trạm Tấu.
Khu homestay Om Tara tại huyện Yên Bình.
Thành phố Yên Bái có nhiều điểm lưu trú là các khách sạn 2-3 sao và một số homestay như Hồng Nhung - Yên Bái, Phương Thúy, Như Nguyệt, Thiên Hương hoặc các nhà nghỉ bình dân hơn. Giá phòng giao động từ khoảng 200.000 đồng đến 800.000 đồng.
Khu trung tâm
Thị trấn Nghĩa Lộ nhỏ, không nhiều điểm tham quan, thường là nơi dừng chân trên hành trình di chuyển đến các điểm khác trong tỉnh. Nếu phải nghỉ qua đêm, có thể chọn Mường Lò Retreat Yen Bai, Dragonfly Hotel Nghĩa Lộ, khách sạn Mường Lò, Miền Tây Hotel và một số nhà nghỉ bình dân giá rẻ khác.
Ngoài các khu kể trên, Yên Bái còn các điểm lưu trú nổi bật tại một số huyện có điểm du lịch như: Thác Bà Paradise Islands, Khu du lịch Đảo Xanh Thác Bà (hồ Thác Bà, huyện Yên Bình), Vũ Linh homestay Thác Bà, Om Tara Retreat với giá phòng từ 800.000 đồng đến 3 triệu đồng một đêm.
Chơi đâu
Thị trấn Nghĩa Lộ
Nghĩa Lộ là nơi mà du khách muốn tới các điểm du lịch nổi tiếng ở Yên Bái thường phải ghé qua. Toàn bộ cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc là Mường Lò nằm trong thị trấn Nghĩa Lộ. Mường Lò còn nổi tiếng với suối nước nóng, thu hút khách du lịch và cả người dân địa phương. Mường Lò cũng có chè shan tuyết. Nghĩa Lộ còn có di tích Căng và đồn Nghĩa Lộ, được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996, lưu giữ tư liệu về thực dân Pháp giam giữ tù binh. Phía bắc của lòng chảo Mường Lò có suối Thia (tiếng địa phương là "nước mắt"), mùa nước lớn lòng suối rộng tới cả trăm mét.
Hồ Thác Bà được ví như "Hạ Long trên núi", là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, rộng gần 20.000 ha, gồm hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Tham quan hồ Thác Bà, du khách sẽ được kết hợp thăm Thủy điện Thác Bà và điểm du lịch tâm linh - đền Mẫu Thác Bà.
Đèo Khau Phạ là một trong Tứ đại đỉnh đèo ở Việt Nam, nằm ở Yên Bái, nối hai huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn. Một trong những trải nghiệm "cảm giác mạnh" ở đây mỗi mùa lúa chín là bay dù ngắm cánh đồng lúa. Điểm bay dù thường nằm ở đỉnh đồi, cao 1.200 m so với mực nước biển. Du khách sẽ bay với một phi công chuyên nghiệp, thời gian bay 10-20 phút (tùy điều kiện thời tiết). Giá bay dao động từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng (tùy thuộc ngày thường hay cuối tuần) một người một lần.
Tuyến zipline dài bậc nhất Việt Nam nằm trong khu trò chơi mạo hiểm Aeris Hill tại xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn), mở cửa năm 2020. Zipline có hai chặng với tổng chiều dài 1,2 km. Chặng một dài gần 1 km, du khách có cơ hội thu vào tầm mắt toàn cảnh thung lũng Tú Lệ núi non trùng điệp. Chặng 2 sẽ đưa khách xuống điểm đón xe trở về khu vui chơi. Du khách dưới 50 kg sẽ được treo thêm bao cát nặng 10 kg để đảm bảo hoàn thành đường trượt. Mỗi người sẽ mất khoảng 2 phút để đi hết hai chặng.
Mù Cang Chải
Mù Cang Chải đẹp quanh năm. Với ruộng bậc thang, mùa đẹp là mùa đổ nước từ tháng 4 và tháng 5. Khi đó, mặt ruộng như những tấm gương khổng lồ. Sau đó nông dân sẽ cấy mạ xen kẽ tạo nên những mảng màu xanh - trắng mát mắt. Từ tháng 9 đến tháng 10, Mù Cang Chải vàng óng. Đây cũng là thời điểm đẹp nhất, thu hút đông nhất các nhiếp ảnh gia, du khách. Vào những mùa khác như đông hay xuân, Mù Cang Chải rực sắc hồng của hoa tớ dày. Các điểm đến nổi bật nhất ở Mù Cang Chải: Bản Thái, ruộng bậc thang La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình.
Mù Cang Chải mùa đổ nước và cấy mạ non. Ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn
Tú Lệ
Thung lũng Tú Lệ nằm sát Mù Cang Chải, cách biệt bởi đèo Khau Phạ, là một điểm đến quen thuộc với nhiều phượt thủ trên cung đường khám phá Yên Bái. Du khách thường kết hợp tham quan cả Tú Lệ và Mù Cang Chải. Nơi đây được biết đến với cảnh sắc Tây Bắc quyến rũ, đặc sản nếp dẻo thơm, suối nước khoáng nóng tự nhiên và những tập tục thiêng liêng của đồng bào dân tộc Thái. Khác với những địa danh khác, ruộng Tú Lệ gợi cảm giác hiền hòa và gần gũi vì không nằm chênh vênh trên những quả đồi hay sâu hun hút trong khe núi.
Trạm Tấu
Bể khoáng nóng tự nhiên tại Trạm Tấu. Ảnh: Hùng Lekima
Du lịch Trạm Tấu đã được nhiều người biết đến nhờ cảnh đẹp và nhiều hoạt động. Du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, núi rừng hùng vĩ, khám phá những điều mới lạ từ thiên nhiên và nền văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái. Đặc biệt, du khách được trải nghiệm các hoạt động du lịch mạo hiểm, cộng đồng, nghỉ dưỡng.
Tà Xùa
Đỉnh Tà Xùa là ranh giới tự nhiên của tỉnh Yên Bái và Sơn La với độ cao khoảng 2.800 m. Đây là một trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Địa hình Tà Xùa là những đoạn đường hẹp, dốc, hai bên là vực sâu. Ngoài việc di chuyển bằng xe máy hoặc ôtô, bạn có thể trekking đỉnh Tà Xùa, với các cung đường có độ dài khác nhau từ cả phía Yên Bái hoặc Sơn La.
Hoàng hôn Tà Xùa nhìn từ một khu homestay. Ảnh: Nguyễn Thành Luân
Ẩm thực
Yên Bái hội tụ đủ các món ăn đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc như thịt (bò và lợn) gác bếp, xôi trứng kiến, gà nướng mắc mật, các loại xôi, lạp xưởng. Ngoài ra, Yên Bái còn một số món đặc biệt khác.
Nậm pịa
Nguyên liệu chính của món ăn là nội tạng các loài vật ăn cỏ, kết hợp với một thứ nước sệt từ bên trong ruột non của con bò, dê, trâu hoặc ngựa. Tất cả được hầm nhừ cùng nhiều gia vị như rau thơm, bột hạt sẻn (một gia vị đặc trưng Tây Bắc), mắc khén, tỏi, ớt, mùi tàu băm nhỏ. Món nậm pịa được múc ra bát có màu nâu đậm, nước sệt, ban đầu khi nếm thử sẽ thấy vị đắng và hơi nồng, nhưng lại ngọt hậu kèm những vị là lạ của mắc khén. Nậm pịa có thể dùng làm nước chấm cho các món thịt nướng hay ăn cùng thịt bò hoặc dê hấp.
Bánh chưng đen
Bánh chưng đen Mường Lò không chỉ lạ bởi màu sắc mà còn hấp dẫn ở hương vị. Nguyên liệu để làm bánh chưng đen gồm có lá dong, gạo nếp Tú Lệ, đậu xanh, thịt ba chỉ nhiều mỡ. Để tạo màu đen, người Thái lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo. Bánh chưng đen được làm thủ công, tỉ mỉ từ khâu chuẩn bị và căn lửa khi luộc. Trước đây, loại bánh này chỉ xuất hiện trong những ngày lễ Tết hay giỗ chạp nhưng hiện đã trở thành món ăn phổ biến, thường được mua về làm quà.
Măng vầu cuốn thịt
Yên Bái có nhiều loại măng và được chế biến thành các món khác nhau mang hương vị riêng, trong đó phải kể đến măng vầu cuốn thịt. Để làm món ăn, quan trọng nhất là phần nhân thịt, thường phải là thịt ba chỉ cả mỡ lẫn nạc, nhiều mỡ hơn để tăng vị béo ngậy. Rau răm băm nhỏ, trộn đều với thịt đã xay nhuyễn và trứng, thêm một chút muối và bột nêm. Măng vầu luộc chín, thái lát mỏng, sau đó cuốn thịt bên trong. Cuốn xong, bắc nồi nước lên bếp, giữ lửa vừa phải, đun đến khi măng và thịt cùng chín đều.
Đặc sản
Cốm Tú Lệ
Cốm Tú Lệ
Xã Tú Lệ nổi tiếng với giống lúa nếp đặc trưng cho ra những mẻ cốm có màu xanh sẫm, ăn ngon nhất khi vừa làm xong. Lúa gặt về phải chế biến ngay trong ngày. Sau khi loại bỏ hạt lép, lúa được đem rang, sau đó để nguội và giã trong cối đá. Tất cả các công đoạn làm cốm Tú Lệ đều thực hiện thủ công. Cốm Tú Lệ hạt mềm, dẻo, thơm, hậu vị có một chút đắng sau đó chuyển sang vị thanh và hơi ngọt. Cốm thường được ăn với hồng đỏ, chuối hoặc nấu cháo vịt, xôi, chè và làm các món mặn như chả cốm, nem rán.
Trà shan tuyết
Trà shan tuyết được chế biến từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trồng trên đỉnh Suối Giàng (huyện Văn Chấn) ở độ cao gần 1.400 m so với mực nước biển. Cây chè shan tuyết có thân màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành và cao, buộc người thu hoạch phải trèo lên để hái. Nhờ khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù nên chè ở đây búp và lá to, phủ một lớp lông tơ mịn và trắng. Một năm chè shan tuyết được thu hoạch ba vụ, luôn được xếp đầu bảng các loại chè nhờ "năm cực": "Cực khổ" khi trồng và thu hái, "cực sạch" vì điều kiện khí hậu, môi trường và công chăm sóc, "cực hiếm" vì sản lượng ít, "cực ngon" nhờ hương thơm, vị đậm, nước xanh. Vì "bốn cực" trên nên shan tuyết thường thêm yếu tố "cực đắt". Loại đắt nhất có thể lên đến 10 triệu đồng/kg, thông thường khoảng 2-3 triệu/kg.
Măng ớt Trạm Tấu
Măng ớt Trạm Tấu.
Đây là món ăn được chế biến từ cây măng lay - loại cây chỉ mọc ở vùng núi cao. Măng lay kích thước bằng ngón tay, đặc ruột, rất phổ biến trên các sườn núi đá ở Trạm Tấu. Cứ mỗi độ vào thu, khi lưng đèo được bao phủ bởi những lớp sương cũng là thời điểm mầm măng đua nhau mọc. Với đồng bào người Mông ở Trạm Tấu, măng ớt là một trong những món ăn không thể thiếu trong những bữa cơm trên nương hay trong dịp lễ Tết.
Gạo nếp nương
Chí chủa, nếp cẩm, nếp nương là những loại gạo do người Mông trồng ở vùng Trạm Tấu. Gạo nếp Trạm Tấu ngon, có mùi thơm đặc trưng. Trước khi nấu ngâm gạo từ 2-4 tiếng, nấu sôi từ 25 - 30 phút. Thành xôi có vị ngọt tự nhiên, có cái mộc mạc của núi rừng, tinh túy của trời đất. Gạo nếp ngoài dùng để nấu cơm, đồ xôi, làm bánh chưng còn được chế biến thành các món chè, sữa gạo, hoặc chưng cất rượu nếp. Bột gạo nếp được dùng để làm bánh nếp, bánh giầy, bánh rán, bánh trôi, bánh gai, bánh cốm.
Các loại quả
Hồng Vĩnh Lạc. Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử Yên Bái
Yên Bái có ba loại quả được nhiều người biết đến là hồng Vĩnh Lạc, cam sành Tân Lĩnh, quýt vỏ giòn Minh Xuân. Hồng Vĩnh Lạc nở rộ dịp Tết Trung thu. Quả được ngâm nước sạch khoảng 36 tiếng, sau đó vớt ra để ráo, gọt bỏ lớp vỏ ngoài, cắt thành miếng. Hồng có màu vàng tươi, vị ngọt mát, không hạt và giòn. Cam sành Tân Lĩnh quả màu vàng nâu, vỏ sần và dày. Múi cam róc vỏ, không dính bết và mọng nước, có vị ngọt đậm. Quýt vỏ giòn Lục Yên có màu hồng tươi điểm đốm xanh, giòn và dễ bóc. Quýt thơm và mọng nước.
Mật ong rừng Mù Cang Chải
Mật ong rừng Mù Cang Chải. Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử Yên Bái
Mật ong rừng là đặc sản được nhiều du khách lựa chọn mang về làm quà. Nhờ sự phong phú của hàng trăm loại hoa rừng, những bầy ong ở Mù Cang Chải đã tạo ra loại mật vàng sánh, đậm đặc, tổng hòa hương thơm và vị ngọt tinh túy của núi rừng. Đây là loại mật mà ong làm tổ trong các hang đá, hốc cây, có vị ngọt tinh khiết, không bị kết tinh, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ.
Tâm Anh
Bình luận của bạn