Chợ Đuổi.

Thứ 3, 28/02/2023, 18:25 (GMT+7)

Chia sẻ

Hà Nội còn một loại chợ gọi là chợ đuổi. Cũng như chợ xanh, đuổi không phải là tên địa danh nơi họp chợ mà là danh từ chung chỉ các chợ bị đuổi từ chỗ này thì họp chỗ khác. Đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, chợ Hôm chỉ họp đến 17h là đóng cửa vì không có hệ thống đèn điện chiếu sáng. Thế nhưng, vào giờ này thì những người lao động tự do mới xong việc và nhận tiền công từ chủ. Khi họ ra chợ mua rau, đậu… về nấu ăn thì chợ Hôm đã đóng cửa.

Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều người bán rau, đậu phụ, thịt, cá, hay đồ ăn đã chế biến họp ngay trước cửa chợ mặt phố Huế, nhưng bị quản chợ xua đuổi. Bị đuổi, những người bán hàng chuyển sang họp ở phố Tuệ Tĩnh, bị đuổi tiếp thì họ lại chuyển sang chỗ khác, cuối cùng thì họ chuyển về khu đất trống ở phố Lê Đại Hành. Từ các loại chợ kể trên cho thấy một quy luật của kinh tế thị trường, đó là có cầu ắt sẽ có cung.

pho-tue-tinh-1.png

Phố Tuệ Tĩnh ngày nay

Đầu thế kỷ XX, chợ Hôm đã là một chợ lớn sầm uất chỉ thua chợ Đồng Xuân, chợ có cổng chính, cổng phụ, các cầu chợ và có hàng rào xung quanh. Cuối buổi chợ là người “khán chợ”, ngày nay gọi là bảo vệ chợ, đóng cổng, giải tán họp chợ. Mà vào buổi chiều, nhu cầu mua bán vẫn còn nên những người bị đuổi lại kéo nhau xuống khu bãi cỏ ở làng Thể Giao, chỗ này thời Pháp thuộc là ngõ 325 nay là phố Thể Giao, để họp chợ cùng với những người bán hàng rong trên phố nhưng vẫn còn hàng chưa bán hết. Nên cái chợ cóc này gọi là chợ Đuổi, chợ của những người bị đuổi từ chợ Hôm xuống, nay là đoạn cuối phố Tuệ Tĩnh.

Người Pháp mở con phố từ Phố Huế đến phố Nguyễn Đình Chiểu đặt tên là Rue Goussard (phố Gútxa) đi qua cái chợ cóc này. Dân chúng gọi tên là phố Chợ Đuổi, đến 1945 đổi tên là phố Thái Phiên, thời tạm chiếm từ 1947 đến 1954 đổi lại tên cũ là phố Chợ Đuổi. Đến tháng 6/1964 trong đợt đổi tên một số đường phố của Hà Nội, phố Chợ Đuổi đổi tên là phố Tuệ Tĩnh rồi giữ nguyên cho tới bây giờ.

pho-cho-duoi-pho-tue-tinh-ngay-nay-1-1.jpg

Phố Chợ Đuổi – phố Tuệ Tĩnh ngày nay

CHỢ ĐUỔI VÀ PHỐ CHỢ ĐUỔI

Bài khảo cứu của Viet cuong Sarraut


Ngày nay ở Hà Nội nhiều người biết có một cái chợ dân sinh, đúng nghĩa chỉ là một cái chợ Cóc có tên là chợ Đuổi. Nhưng lại rất ít người biết lai lịch, xuất xứ về địa điểm và cái tên gọi của cái chợ này.

Ở Hà Nội không chỉ có chợ Đuổi mà Hà Nội từng có một con phố mang tên Phố Chợ Đuổi.

Qua khảo sát, tôi được biết nhiều người Hà Nội ngày nay cho rằng:

“Không có Phố Chợ Đuổi mà chỉ có Chợ Đuổi ở chỗ Phố Lê Đại Hành – Cao Đạt thuộc quận Hai Bà Trưng”.
Không phải như vậy. Qua việc khảo cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau, tôi xin kể với các bạn sự hình thành Chợ Đuổi và Phố Chợ Đuổi:

Đầu Tk XX chợ Hôm đã là một chợ lớn sầm uất chỉ thua có chợ Đồng Xuân, chợ có cổng chính, cổng phụ, các cầu chợ và có hàng rào xung quanh. Cuối buổi chợ là người “khán chợ”, bây giờ gọi là bảo vệ chợ, đóng cổng, giải tán họp chợ. Mà vào buổi chiều nhu cầu mua bán vẫn còn, nên những người bị đuổi lại kéo nhau xuống khu bãi cỏ ở làng Thể Giao, chỗ này thời Pháp thuộc là ngõ 325, ngày nay là con phố mang tên phố Thể Giao để họp chợ. Họ họp chợ cùng với những người bán hàng rong trên các phố nhưng về chiều vẫn còn hàng chưa bán hết. Nên đã hình thành một cái chợ cóc, gọi là Chợ Đuổi. Chợ họp vào buổi chiều của những người bị đuổi từ chợ Hôm xuống.Những người già ở Hà Nội vẫn còn nhớ câu ca dao:

” Chợ Đuổi họp lúc chiều tà
Chợ Hôm họp sáng, Chợ Hàng Da họp ngày”

Khi người Pháp mở con phố từ Phố Huế đến phố Nguyễn Đình Chiểu đi qua cái chợ này đặt tên Tây là Rue Goussard (phố Gút- xa) nhưng dân gian lại gọi là phố Chợ Đuổi. Năm 1945 cụ Đốc lý Trần Văn Lai đổi tên là phố Thái Phiên, thời tạm chiếm (1947 – 1954) quay lại tên cũ là phố Chợ Đuổi. Từ 6/1964 trong đợt đổi tên một số đường phố ở Hà Nội, phố Chợ Đuổi đổi tên là phố Tuệ Tĩnh cho đến ngày nay.

Vào khoảng những năm 30-40 Chợ Đuổi ở phố Chợ Đuổi giải tán, bị dồn xuống họp ở cuối phố Bà Triệu trên một khu đất trống vốn là mặt bằng của một nhà máy Diêm bị cháy, nhà máy diêm đầu tiên ở Bắc kỳ này xây dựng năm 1892 trên nền đất đàn Nam Giao thuộc kinh thành Thăng Long xưa. Dân gian vẫn gọi chợ mới này là Chợ Đuổi, nhưng để phân biệt với Chợ Đuổi đầu tiên ở phố Chợ Đuổi, chợ này dân Hà Nội gọi là Chợ Đuổi – nhà Diêm.

Sau ngày Tiếp quản Thủ đô, năm 1957 nhà nước lấy khu đất Chợ Đuổi này để xây dựng nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo chuyển từ chiến khu Việt Bắc về, ngày nay là vị trí tòa nhà siêu thị Wincom. Chợ Đuổi lại chạy một lần nữa xuống họp ở phố Lê Đại Hành và họp lan cả vào phố Cao Đạt. Người dân vẫn gọi cái chợ mới hình thành này là Chợ Đuổi.


Như vậy cái Chợ Đuổi ở Lê Đại Hành chỉ là hậu thân của Chợ Đuổi được hình thành từ thời Pháp thuộc ở bãi cỏ làng Thể Giao.
Do Chợ Đuổi mới này tồn tại khá lâu ở Hà Nội từ sau ngày Tiếp quản Thủ đô và ít người biết đến cái Chợ Đuổi tiền thân ở con phố có tên là phố Chợ Đuổi nên mới có sự nhầm lẫn này.


Nhiều người Hà Nội rất ấn tượng về một quán cháo lòng tiết canh của bà Tình rất ngon và nổi tiếng ở Chợ Đuổi – Cao Đạt. Sau này do chủ trương dẹp các chợ cóc ở nội thành, Chợ Đuổi này bị giải tán, quán cháo lòng cũng bị giải tán phải chuyển đến bán ở đầu đường Đại Cồ Việt, nhưng vẫn mang thương hiệu “Cháo lòng Chợ Đuổi” và vẫn thu hút được nhiều thượng đế của món ẩm thực dân dã mang tên LOLOTICA (Lòng lợn,Tiết canh).


Tôi mong rằng qua bài viết này, những người Hà Nội(mới) mỗi khi có dịp đi trên phố Tuệ Tĩnh đều biết rằng con phố này đã từng được gắn biển suốt 17 năm là phố Chợ Đuổi và cũng ở đây xưa kia có một cái chợ dân sinh mang tên Chợ Đuổi.
***
(Phố Chợ Đuổi – phố Tuệ Tĩnh ngày nay – ảnh của Phạm Lợi)

Biên tập 36phophuong.vn

Bình luận của bạn

Tin khác