Chợ đuổi, chợ xanh và chợ cóc một thời ở Hà Nội

Thứ 3, 28/02/2023, 23:12 (GMT+7)

Chia sẻ

Thời bao cấp, Hà Nội vẫn tồn tại nhiều chợ truyền thống như chợ Mơ, chợ Hàng Bè, chợ Hôm,chợ Cửa Nam… Đây là nơi bán hàng hóa tiêu dùng các loại, thực phẩm và rau xanh, nhưng nhiều khu dân cư xa chợ nên xung quanh xuất hiện thêm các chợ bán rau nhỏ lẻ với tên gọi tắt là chợ xanh.

cho-xanh-cho-duoi-tran-ca-ra-long-duong-1.jpg

Chợ xanh, chợ đuổi tràn cả ra lòng đường

1. Từ “xanh” ở đây vốn không phải là danh từ riêng mà là danh từ  chung để chỉ các các chợ bán rau và đồ lặt vặt. Chợ bắt đầu bằng từ “xanh” gắn vào địa danh nơi họp chợ, ví dụ: chợ xanh Ngã Tư Vọng, chợ xanh Thượng Đình, chợ xanh Ngã Tư Sở, chợ xanh Trương Định… Chợ thường họp trước khoảng trống của cửa hàng thực phẩm hay ở mặt bằng trống trong phố. Có người cho rằng, xuất xứ cái tên chợ xanh vì mặt tiền, ô cửa, lưới sắt của các cửa hàng thực phẩm nằm trước chợ đó đều được sơn màu xanh lá cây.

Cách giải thích nghe có lý, song thời kỳ bao cấp, không riêng các cửa hàng thực phẩm sơn màu xanh mà hầu hết các cửa hàng bách hóa cũng sơn mầu này, ngày đó sơn cũng chỉ có vài ba mầu chứ không nhiều. Nhưng có chợ không họp trước cửa các cửa hàng thực phẩm thì tại sao cũng có tên là chợ xanh? Thực ra cái  tên chợ xanh rất đơn giản, vì đó là nơi chủ yếu bán  rau xanh.

Thời bao cấp, Nhà nước nhận trách nhiệm cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt, hàng tiêu dùng… đến cả rau xanh cũng bán với giá rẻ hơn ngoài chợ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cửa hàng mậu dịch cũng có rau, vì họ phụ thuộc vào nguồn cung là các hợp tác xã nông nghiệp. 4 huyện ngoại thành gồm Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm có các hợp tác xã nông nghiệp, ngoài trồng lúa, họ còn có nhiệm vụ trồng các loại rau cung cấp cho cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân nội thành.

Thế nhưng rau trồng phải  theo mùa. Mùa đông các hợp tác xã cùng trồng đại trà su hào, bắp cải… Ra Tết thì trồng bí đao, bí đỏ, rau muống… Hầu như các hợp tác xã không trồng mướp, rau đay, rau ngót, mùng tơi, rau cần, rau rút và các loại rau ăn ghém.

2. Vì rau trồng theo mùa và nhiều hợp tác xã cùng trồng một loại  nên vào vụ thu hoạch họ giao ồ ạt cho các cửa hàng khiến rau xếp cao ngất trên các kệ. Nhưng có lúc các cửa hàng lại trống rỗng nên họ tích trữ các loại củ quả như khoai tây, bí xanh, bí đỏ… bán lúc giao vụ. Dù cuộc sống thời bao cấp thiếu thốn, song người Hà Nội vẫn cố gắng chế biến những món ăn đúng kiểu truyền thống. Có món phải có thìa là, cà chua, hành hoa, hành củ… lại có món phải có rau ăn ghém như bún chả, bún nem… nên chợ xanh ra đời đáp ứng nhu cầu này. Mùa nào rau nấy, hầu hết là do các gia đình ở ngoại thành trồng ở vườn.

Trước năm 1975, vì không có tủ lạnh và cũng không có nhiều tiền để mua thực phẩm tích trữ nên ngày nào các gia đình cũng phải đi  chợ. Chợ xanh đông đúc nhất là sáng chủ nhật vì nhiều nhà “cải thiện” bún chả, phở bò… thế nên các bà bán rau ghém rất đắt hàng. Cùng với các chợ truyền thống, chợ xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Hà Nội thời bao cấp. Nếu không có chợ xanh thì nhiều gia đình ở xa chợ truyền thống sẽ rất vất vả trong bữa cơm hàng ngày với món rau là chủ yếu.

Chợ xanh đã bộc lộ một điều, đó là Nhà nước không thể bao cấp hết được và cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình. Điều này đã được bàn đến khi Việt Nam chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

cho-hop-ngay-tren-duong-xe-lua-1.jpg

 Chợ họp ngay trên đường xe lửa

Sau chợ xanh, Hà Nội lại xuất hiện chợ cóc. Năm 1989, Nhà nước ban hành Quyết định 176 giải tán các xí nghiệp, nhà máy làm ăn không hiệu quả. Người lao động được giải quyết chế độ gọi là “về hưu non” hay “về một cục”, tức là lĩnh một số tiền nhất định tùy vào thời gian công tác và rời khỏi các xí nghiệp, nhà máy làm ăn bết bát. Từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, bản năng tồn tại khiến nhiều người không có nhà mặt phố để mở cửa hàng đã buộc phải lao ra đường kiếm sống.

Từ năm 1989 cho đến những năm đầu thập niên 90, tại vỉa hè trên nhiều tuyến phố xuất hiện các bà bán trứng vịt lộn, bánh cuốn hay bún riêu vào buổi sáng. Và không chỉ có người bán quà sáng, nhiều người bán rau, hoa quả, hoa tươi… cũng ngồi ké nên vỉa hè thành cái chợ nhỏ. Không chỉ tiện, giá ở chợ cóc rẻ cũng hơn các chợ truyền thống vì không phải đóng thuế nên dân trong phố và cả người đi đường cũng dừng lại mua.

Để lập lại trật tự đô thị, thành phố quy định cấm không được họp chợ trên hè phố nên sáng sáng lực lượng chức năng lại phải đi dẹp. Việc làm đó như bắt cóc bỏ đĩa vì đuổi chỗ này họ lại di chuyển ra chỗ khác. Cứ khi nào lực lượng chức năng khuất bóng là chợ lại họp nên người ta gọi là chợ cóc.

Hà Nội còn một loại chợ gọi là chợ đuổi. Cũng như chợ xanh, đuổi không phải là tên địa danh nơi họp chợ mà là danh từ chung chỉ các chợ bị đuổi từ chỗ này thì họp chỗ khác. Đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, chợ Hôm chỉ họp đến 17h là đóng cửa vì không có hệ thống đèn điện chiếu sáng. Thế nhưng, vào giờ này thì những người lao động tự do mới xong việc và nhận tiền công từ chủ. Khi họ ra chợ mua rau, đậu… về nấu ăn thì chợ Hôm đã đóng cửa.

Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều người  bán rau, đậu phụ, thịt, cá, hay đồ ăn đã chế biến họp ngay trước cửa chợ mặt phố Huế, nhưng bị quản chợ xua đuổi. Bị đuổi, những người bán hàng chuyển sang họp ở phố Tuệ Tĩnh, bị đuổi tiếp thì họ lại chuyển sang chỗ khác, cuối cùng thì họ chuyển về khu đất trống ở phố Lê Đại Hành. Từ các loại chợ kể trên cho thấy một quy luật của kinh tế thị trường, đó là có cầu ắt sẽ có cung.

Theo NGỌC TIẾN/ANTĐ

Bình luận của bạn

Tin khác