Những cung đường hứng 4 triệu tấn bom trên dãy trường Sơn

Thứ 4, 22/05/2024, 21:46 (GMT+7)

Chia sẻ

Để cắt đứt huyết mạch chi viện từ Bắc vào Nam, Mỹ đã ném xuống dải Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom, 80 triệu lít hóa chất.

Triển lãm Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại tại sân nhà và nhà D67 thuộc khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) nhân kỷ niệm 65 năm ngày mở đường, cũng là ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (1959-2024) diễn ra đến hết tháng 5.

"Đoàn công tác quân sự đặc biệt" phiên hiệu Đoàn 559 thành lập tháng 5/1959 đặt dấu mốc cho sự ra đời của tuyến chi viện Trường Sơn. Thượng tá Võ Bẩm, Cục phó Nông trường Quân đội, nhận nhiệm vụ mở đường, cùng đoàn cán bộ Bộ Tổng tham mưu khảo sát mở tuyến tại Voi Mẹp (Quảng Trị). Những lối mòn được mở thành tuyến chi viện theo phương châm "xuyên sơn mà đi, đỉnh núi mà soi, không được trùng với lối mòn cũ".

Sau một năm, hoạt động vận tải tạm gián đoạn khi Mỹ phát hiện và càn quét. Bộ đội Trường Sơn lật cánh sang sườn Tây, mở lối đi nhờ đất bạn Lào để tránh địch nhòm ngó. Năm 1961, tuyến chi viện được khai thông dài gần 100 km từ Đường 9 (Quảng Trị) đến Mường Phalan, nối Trung Lào với Hạ Lào, dùng được ngựa, voi, xe thồ và một số xe cơ giới.

Bản đồ mạng lưới đường Trường Sơn lần lượt qua bốn giai đoạn 1959-1963, 1964-1968, 1969-1973 và 1973-1975. Từ những lối mòn men theo dãy Trường Sơn, huyết mạch chi viện dần phủ kín đại ngàn với tổng chiều dài toàn tuyến gần 20.000 km, gồm 21 trục ngang, 5 trục dọc, xuyên ba nước Đông Dương, được ví như "bát quái trận xuyên rừng".

Con đường gắn với tên tuổi trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên phải), Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn thời kỳ 1967-1975. Ông để lại dấu ấn đậm nét khi tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, thần tốc đưa bộ đội chủ lực từ Bắc vào Nam.

Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mở hàng loạt chiến dịch lớn, rải bom mìn, chất độc hóa học dọc Trường Sơn nhằm cắt đứt đường chi viện. Gần 4 triệu tấn bom mìn - gấp đôi tổng lượng bom trong chiến tranh Thế giới thứ hai, đã ném xuống Trường Sơn để hủy diệt cầu đường, xe vận tải, đến mức "rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn". Từ năm 1968 đến 1972, mỗi ngày có 22-30 vụ B-52 oanh tạc trên dãy Trường Sơn. Trong ảnh là mặt đất chi chít hố bom sau đợt rải thảm của không quân Mỹ.

Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa tiến đánh Hạ Lào trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, tháng 2/1971. 40.000 binh lính Việt Nam Cộng hòa, 6.000 lính Mỹ, gần 2.000 xe tăng, bọc thép, pháo hạng nặng, máy bay vẫn không thể cắt đứt huyết mạch tiếp vận từ Bắc vào Nam.

Pháo đội phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng Quân đội nhân dân Lào sẵn sàng phản kích cuộc hành quân xâm nhập Hạ Lào của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa năm 1971.

Dưới tán rừng trơ trụi, những đoàn xe vận tải vẫn vượt "tọa độ lửa" trên đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình). Con đường bắt đầu từ phà Xuân Sơn dẫn sang đất Lào chịu mật độ bom đạn thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Thống kê 15 ngày đêm cuối tháng 11/1969, Mỹ ném xuống khu vực này hơn 17.400 tấn bom, mỗi mét đường chịu 2,2 tấn.

Chiến sĩ vận tải lái xe không kính vì bom giật bom rung kính vỡ rồi. Sự khốc liệt của chiến tranh đã đi vào thơ Phạm Tiến Duật. Bình quân 1.000 tấn hàng đưa qua được đường Trường Sơn thì 57 người bị thương, 21 người hy sinh, 25 ôtô và 143 tấn hàng bị phá hủy.

Khi máy bay ném bom rời đi, công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến lại lao vào san gạt hố bom cho xe thông đường. Bộ đội Trường Sơn đã san lấp 78.000 hố bom, phá hơn 20.000 quả bom nổ chậm và bom từ trường; hơn 85.000 mìn các loại, đào đắp hơn 29 triệu m3 đất đá.

Những nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn. Thái Bình gửi nhiều thanh niên xung phong ra mặt trận nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Nhiều người sau này chọn ở lại Trường Sơn xây dựng gia đình, một phần trở về tìm đến chùa nương nhờ cửa Phật khi đã lỡ duyên, còn sót mảnh bom trên người hay mang trong mình chất độc hóa học. Dọc tuyến lửa năm xưa giờ còn hàng loạt di tích như hang Tám Cô, hang Y Tá...

Đường hở bị hủy diệt, công binh chuyển sang mở hàng nghìn km "đường K" - đường kín cho xe vận tải chạy ban ngày, đẩy tốc độ vận chuyển nhân lực, vật lực vào chiến trường. Trong 16 năm (1959-1975), đường Trường Sơn đã đưa hơn 2 triệu bộ đội vào Nam ra Bắc, hơn một triệu tấn vật chất, vũ khí vào chiến trường.


Quà tặng, đồ lưu niệm 


36pho.com 

Bình luận của bạn

Tin khác